CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – NĂM B
Chúng ta đang ở tuần lễ cuối cùng của Mùa Vọng, là mùa chuẩn bị tiếp đón Chúa. Để giúp ta có thể sống tâm tình chờ Chúa đến, trong bài Tin Mừng Chúa nhật IV mùa Vọng hôm nay, Giáo hội mời gọi ta chiêm ngắm Đức Maria, Đấng đã nói lời Xin Vâng với Thiên Chúa và đón nhận Ngôi Lời làm người trong lòng Trinh Mẫu.
Bài Tin Mừng vừa nghe thuật lại một biến cố thật lạ lùng kỳ diệu, Thiên Chúa từ trời đã cúi xuống để nối kết cùng nhân loại ở mặt đất. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại sai sứ thần đến một miền đất vô danh, và ngỏ lời với một trinh nữ không tên tuổi, không có chỗ trong xã hội. Cho hay, những công việc lớn lao của Thiên Chúa thường được Ngài thực hiện trong âm thầm, trong bóng tối, và công việc càng lớn lao vĩ đại bao nhiêu, thì dường như Thiên Chúa lại càng cần đến cái hư vô, cái không không của thụ tạo bấy nhiêu.
Thoạt nghe lời sứ thần chào, Đức Maria bối rối hoảng sợ, không hiểu lời chào như vậy có ý nghĩa gì, nhưng nhất là khi biết Thiên Chúa đề nghị mình cộng tác vào chương trình cứu độ qua việc thụ thai, và sinh hạ Con Đấng Tối Cao, Đức Maria lại càng thêm kinh hoàng xao xuyến, nhưng khi đã biết, đã hiểu, thì Mẹ đáp trả bằng hai tiếng Xin Vâng. Hai tiếng Xin Vâng, nghe sao đơn giản, nhưng kỳ thực lại chất chứa trong đó cả một cuộc phiêu lưu.
Phiêu lưu vì bao nguy hiểm đang rình chờ, Mẹ phải giải thích như thế nào cho người bạn đời về bào thai đang hình thành trong lòng Mẹ, đang khi theo phong tục Do thái, khi hai người đã đăng ký kết hôn nhưng chưa về chung sống, giả như người vợ có thai mà không có sự cộng tác của người chồng, thì người phụ nữ sẽ bị kết án phạm tội ngoại tình và hình phạt là phải bị ném đá cho đến chết. Như vậy, khi đáp trả bằng hai tiếng xin vâng để đón nhận Con Thiên Chúa nhập thể trong lòng mình, thì Đức Maria đã chấp nhận mối nguy cơ có thể dẫn đến cái chết, thế mà Mẹ vẫn dấn bước, và nhờ đó, muôn đời sẽ gọi Mẹ là Đấng “Đầy Ơn Phúc”.
Mặt khác, nếu hai tiếng Xin vâng là hoa trái của việc Mẹ mở rộng tâm hồn tiếp đón Chúa, thì hai tiếng Xin vâng ấy lại thúc đẩy Mẹ lên đường, mở rộng vòng tay để giúp đỡ bà Elisabeth người chị họ đang mang thai trong lúc tuổi già. Điều kỳ diệu là xuyên qua thái độ ân cần của Đức Maria, người chị họ đã nhận ra Chúa đang đến với bà, và bà đã phải ngỡ ngàng kêu lên: “Bởi đâu tôi được diễm phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”.
Tóm lại, mở rộng tâm hồn để đón tiếp Chúa, và mở rộng vòng tay để đến với anh em, đó là cung cách sống của Đức Mẹ, và cũng là gương mẫu tuyệt vời cho việc chuẩn bị đón Chúa trong Mùa Vọng.
Chúng ta đang ở trong những ngày cuối của Mùa Vọng, ngoài đường phố đã tấp nập nhộn nhịp với đèn sao giăng mắc, và nhạc Giáng sinh đã trổi lên ở nhiều nơi để chuẩn bị đón Chúa ra đời. Nhưng sự chuẩn bị đón Chúa không chỉ dừng lại ở đèn sao, hang đá và tiếng nhạc thánh thót du dương … tất cả sẽ là vô nghĩa nếu chính tâm hồn ta không rộng mở để tiếp đón Chúa. Chúa đã đến trần gian một lần tại Belem cách đây hơn 2.000 năm, nhưng hôm nay Lời Chúa vẫn không ngừng đến với tôi để sinh hoa kết trái nếu gặp được tâm hồn cởi mở tiếp thu. Vậy hỏi rằng, trong Mùa Vọng, tôi có biết lắng nghe Lời Chúa và dùng Lời Chúa như kim chỉ nam hướng dẫn cách sống của tôi không? Hay tôi vẫn bình chân như vại mà sống theo ý của tôi chứ không theo sự hướng dẫn của Lời Chúa. Chỉ sợ rằng lời nhận xét năm xưa của thánh Gioan tông đồ vẫn còn đúng cho ngày hôm nay: “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Cuối cùng, theo gương Đức Maria, việc mở rộng tâm hồn tiếp đón Chúa phải thúc đẩy chúng ta mở rộng vòng tay để phục vụ anh em mình. Một cách cụ thể, đó là hãy đem Tin Mừng đến cho những người nghèo khổ; đem niềm hy vọng đến cho những người thất vọng; đem niềm tin đến cho những người chưa tin; đem niềm vui đến cho những người sầu khổ; đem tình yêu đến cho những người bị loại trừ; đem sự hòa giải đến cho những người đang thù oán, đem sự giải thoát đến cho những người bị mặc cảm; đem sự kính trọng đến cho những người bị khinh khi. Một khi thực hiện những hành động nhân ái như vậy, thì có nghĩa là ta đang đem ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người.
Trong thánh lễ hôm nay, xin Đức Maria cầu thay nguyện giúp để noi gương Mẹ, ta biết mở rộng tâm hồn tiếp đón Chúa, và mở rộng đôi tay phục vụ anh em, đấy là thái độ chuẩn bị đích thực để đón Chúa Giáng sinh, đặc biệt trong Mùa Vọng này.
Lm. Antôn Trần Thanh Long, OP.
|