Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
 
Toàn văn: Sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 35 (năm 2020) của Đức Thánh Cha Phanxicô

 

 
Trưa hôm qua 05.03.2020 Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 35, sẽ được cử hành ở cấp giáo phận trên toàn thế giới vào Chúa Nhật Lễ Lá 05.04.2020. Sau đây là toàn văn sứ điệp:
 
 
Sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 35 năm 2020
của Đức Thánh Cha Phanxicô
 
 
“Này bạn trẻ, Ta bảo con: Hãy trỗi dậy!” (Lc 7:14)
 
 
Các bạn trẻ thân mến,
 
Tháng mười 2018, với Thượng hội đồng Giám mục về chủ đề: Người trẻ, Đức tin và sự Phân định Ơn gọi, Giáo Hội đã tiến hành một quá trình suy tư về vị trí của các con trong thế giới ngày nay, về việc các con tìm kiếm ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống, và mối tương quan của các con với Thiên Chúa. Tháng giêng 2019, Cha đã gặp hàng trăm ngàn bạn trẻ cùng trang lứa với các con, đến từ khắp nơi trên thế giới cùng quy tụ tại Panama nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ. Các sự kiện thuộc loại này – Thượng hội đồng và Ngày Quốc tế Giới trẻ – là sự diễn tả cho chiều kích nền tảng của Giáo hội: thực tế là chúng ta “cùng nhau lên đường”.
 
Trong hành trình này, mỗi khi đạt được một dấu ấn quan trọng, chúng ta lại được Thiên Chúa và cuộc sống tôi luyện để giúp tạo ra một khởi đầu mới. Là người trẻ, các con là chuyên gia trong kinh nghiệm ấy! Các con thích thực hiện các chuyến đi, để khám phá những địa điểm mới, những người bạn mới, và để có những trải nghiệm mới. Đó là lý do tại sao Cha chọn thành phố Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, làm mục tiêu cho cuộc hành hương xuyên lục địa tiếp theo của chúng ta, diễn ra năm 2022. Từ Lisbon, trong thế kỷ mười lăm và mười sáu, có vô vàn bạn trẻ, trong đó có nhiều nhà truyền giáo, đã ra đi và đặt chân đến những vùng đất xa lạ, để chia sẻ kinh nghiệm của họ về Chúa Giêsu với các dân tộc và quốc gia khác. Chủ đề của Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon sẽ là: “Đức Maria trỗi dậy và mau mắn lên đường” (Lc 1:39). Trong hai năm chuẩn bị, Cha muốn cùng các con suy niệm hai câu Lời Chúa khác: năm 2020 với câu “Này bạn trẻ, Ta bảo con: Hãy trỗi dậy!” (Lc 7:14), và năm 2021 với câu “Đứng thẳng lên! Ta chọn con làm chứng nhân về những điều con đã thấy“ (x. Cv 26:16).
 
Các con có thể thấy, động từ “chỗi dậy” hoặc “đứng lên” đều xuất hiện trong ba chủ đề được chọn cho ba năm. Những lời này cũng nói về sự sống lại, về sự thức tỉnh hướng đến cuộc sống mới. Những từ ngữ ấy không ngừng xuất hiện trong Tông huấn Christus Vivit (Đức Kitô đang sống!) mà Cha đã gửi cho các con sau Thượng hội đồng năm 2018, và cùng với Tài liệu chung kết, Giáo hội đã trao tặng cho các con quà tặng ấy như ngọn đuốc soi đường dẫn lối trong cuộc sống. Cha thực sự hy vọng rằng, hành trình đưa chúng ta đến Lisbon cũng trùng khớp với nỗ lực lớn lao của toàn thể Giáo hội trong việc áp dụng hai văn kiện này vào thực hành, và để cho các văn kiện ấy hướng dẫn sứ mạng của những ai dấn thân trong việc mục vụ giới trẻ.
 
Giờ đây, chúng ta trở về chủ đề năm nay: “Này bạn trẻ, Ta bảo con: Hãy trỗi dậy!” (Lc 7:14). Cha đã nhắc đến câu Lời Chúa này trong Tông huấn Christus Vivit (số 20): “Nếu các con để mất sức sống nội tâm, mất các ước mơ, niềm phấn khởi, tính lạc quan và lòng quảng đại của các con, thì Chúa Giêsu đang đứng trước mặt các con, như ngày xưa Người từng đứng trước người con trai đã chết của một góa phụ, và với tất cả sức mạnh Phục Sinh của Người, Người thúc giục: “Này bạn trẻ, Ta bảo con: Hãy trỗi dậy!” (Lc 7:14).
 
Kinh thánh kể cho chúng ta biết: Chúa Giêsu khi vào thành Nain ở Galilê, đã đến dự đám tang người con trai duy nhất của một người mẹ góa. Trông thấy bà than khóc đau buồn, Chúa bị đánh động lòng trắc ẩn và Chúa đã phục hồi sự sống một cách kỳ diệu cho con trai bà. Phép lạ diễn ra sau một chuỗi lời nói và cử chỉ: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7:13-14). Chúng ta hãy dành chút thời gian để suy niệm những lời nói và cử chỉ của Chúa.
 
 
Khả năng nhìn thấy nỗi đau và cái chết
 
Chúa Giêsu nhìn rất kỹ đám tang này. Giữa đám đông, Chúa thấy rõ khuôn mặt người phụ nữ đau đớn tột cùng. Khả năng nhìn thấy của Chúa đã tạo ra cuộc gặp gỡ, cuộc gặp gỡ ấy là khởi nguồn của sự sống mới. Ít lời là cần thiết.
 
Thử hỏi chính bản thân mình, rằng tôi có khả năng nhìn thấy gì? Khi tôi nhìn, tôi có nhìn thực sự chăm chú, hay cái nhìn của tôi theo kiểu lướt nhanh hàng ngàn bức ảnh trên mạng xã hội trong điện thoại di động của mình? Chúng ta thường xem sự kiện mà không bao giờ thực sự trải nghiệm các sự kiện trong thời gian thực! Đôi khi phản ứng đầu tiên của chúng ta là chụp ảnh bằng điện thoại di động, thậm chí không thèm nhìn vào mắt những người liên quan.
 
Xung quanh ta, đôi khi ngay trong ta, có thể nhìn thấy thực tế của cái chết: thể chất, tinh thần, tình cảm, xã hội. Chúng ta có thực sự chú ý đến những điều ấy, hay đơn giản là cứ để chúng xảy ra với chúng ta? Chúng ta có thể làm gì đó để khôi phục lại sự sống hay không?
 
Cha cũng nghĩ về tất cả những hoàn cảnh tiêu cực mà những người cùng trang lứa với các con đang gặp phải. Một số người đặt cược mọi thứ vào thời điểm hiện tại và mạo hiểm cuộc sống của chính họ trong những trải nghiệm cực đoan. Những người khác thì kể như đã chết vì họ cảm thấy vô vọng. Một bạn nữ nói với Cha rằng: “Giữa những người bạn, con cảm thấy ít muốn tham gia, ít can đảm hơn để đứng dậy”. Đáng buồn thay, trầm cảm đang lan rộng trong giới trẻ, và trong một số trường hợp, thậm chí còn dẫn đến cám dỗ sống riêng một cách cô lập. Có bao nhiêu tình huống mà ở đó sự thờ ơ ngự trị, nơi con người lao vào vực thẳm của sự thống khổ và mặc cảm! Có biết bao bạn trẻ khóc thét vì không ai nghe lời cầu cứu của họ! Thay vào đó, họ phải đối diện vẻ khó chịu và thờ ơ từ phía những người chỉ muốn tận hưởng hạnh phúc của riêng họ, mà không muốn bị làm phiền từ bất cứ ai hay bất cứ điều gì khác.
 
Những người khác thì lãng phí cuộc sống bằng những thứ hời hợt, nghĩ rằng họ còn sống trong khi thực ra họ đã chết ngay từ bên trong (xem Kh 3:1). Ở tuổi hai mươi, họ kéo cuộc sống đi xuống, thay vì nâng cuộc sống đi lên trong phẩm giá đích thực. Mọi thứ bị giảm thiểu thành kiểu “cuộc sống trên mạng” và tìm kiếm một sự hài lòng, “câu like”: một phút giải trí, một khoảnh khắc thoáng qua của sự chú ý và tình cảm từ người khác. Có quá nhiều người đang sống theo cách này! Một số người bị lôi kéo và rơi vào chủ nghĩa duy vật của những người xung quanh, những người chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền và làm sao cho dễ kiếm tiền, như thể đó là mục đích duy nhất của cuộc sống. Về lâu dài, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất hạnh, thờ ơ và buồn chán với cuộc sống, một cảm giác trống rỗng và sự thất vọng ngày càng tăng.
 
Các hoàn cảnh tiêu cực cũng có thể là kết quả của những thất bại cá nhân, hoặc bất cứ điều gì ta quan tâm, ta cam kết, nhưng điều ấy không thành hoặc không đạt được kết quả như mong muốn. Điều này có thể xảy ra với trường học hoặc với tham vọng trong thể thao và trong nghệ thuật. Khi giấc mơ không thành, có thể khiến chúng ta cảm thấy như là chết. Nhưng thất bại là một phần trong cuộc sống; đôi khi thất bại cũng có thể là ân sủng! Không hoàn toàn, nhưng một cái gì đó mà chúng ta nghĩ sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc, có thể chứng tỏ đó là một ảo ảnh, một thần tượng. Thần tượng đòi hỏi mọi thứ từ ta, đòi ta làm nô lệ cho chúng, nhưng ngược lại, nó chẳng cho ta điều gì. Và cuối cùng, khi thần tượng sụp đổ, chỉ còn lại một đám tro bụi. Thất bại, nếu thất bại làm cho thần tượng (ngẫu tượng, ảo tưởng, ảo ảnh) của chúng ta sụp đổ, thì đó là một điều tốt, tuy nhiên có nhiều đau khổ kèm theo.
 
Có nhiều hoàn cảnh khác về cái chết thể xác hoặc cái chết đạo đức mà một người trẻ có thể gặp phải. Cha nghĩ về cảnh nghiện ngập, tội phạm, nghèo đói hoặc những bệnh tật nguy hiểm. Cha kể ra để các con suy nghĩ về những điều ấy và nhận ra những thực tại này nơi bản thân các con hoặc nơi những người thân cận, trong hiện tại hoặc trong quá khứ. Đồng thời, Cha nhắc các con nhớ rằng, chàng trai là con của bà góa trong Tin Mừng, thực sự đã chết, nhưng anh ta có thể sống lại, là bởi vì có Ai Đó muốn anh ta sống. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta, hôm nay và trong từng ngày.
 
 
Chạnh lòng thương
 
Kinh Thánh thường nói về loại cảm xúc được trải nghiệm bởi những người cho phép bản thân họ trực tiếp có liên hệ với nỗi đau của người khác, để cho nỗi đau của người khác chạm vào trái tim họ. Đó là sự đồng cảm, thấu cảm, là lòng trắc ẩn. Cảm xúc của Chúa Giêsu, thúc đẩy Chúa chia sẻ cuộc sống với tha nhân. Chúa nhận lấy nỗi đau của họ thành của riêng mình. Chúa nhận lấy nỗi đau buồn của bà mẹ góa mất con, thành nỗi đau của mình. Chúa nhận lấy cái chết của người con trai đó, thành của chính mình.
 
Là người trẻ, các con đã cho thấy hết lần này đến lần khác rằng các con có khả năng đồng cảm, các con có lòng trắc ẩn. Cha nghĩ về tất cả những bạn trẻ đã hào phóng và quảng đại giúp đỡ mỗi khi nhu cầu cần đến. Không có cảnh thảm họa, động đất hoặc lũ lụt nào mà không có các bạn tình nguyện viên trẻ xung phong đến giúp đỡ. Biết bao bạn trẻ quan tâm bảo vệ môi trường, đó cũng là bằng chứng cho khả năng các con nghe thấy tiếng khóc của trái đất.
 
Các bạn trẻ thân mến, các con đừng để mình bị cướp mất sự nhạy cảm này! Để các con có thể chú ý đến lời cầu xin của người đau khổ, và bị lay động bởi những ai đang khóc và chết trong thế giới ngày nay. “Một số thực tại của cuộc sống chỉ được nhìn thấy bằng đôi mắt được rửa sạch bằng nước mắt” (Christus Vivit, 76). Nếu các con có thể học cách khóc với người đang khóc, các con sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thực. Có quá nhiều người cùng thời với các con bị thiệt thòi và là nạn nhân của bạo lực và đàn áp. Hãy để vết thương của họ trở thành của các con, và các con sẽ là người mang niềm hy vọng vào thế giới này. Các con có thể nói với anh chị em của mình: “Hãy trỗi dậy, bạn không đơn độc”, và các con sẽ giúp họ nhận ra rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta, rằng Chúa Giêsu là bàn tay mà Thiên Chúa giang ra để đỡ chúng ta dậy, để nâng chúng ta lên.
 
 
Tiến đến và “chạm vào”
 
Chúa Giêsu dừng lại trước đám tang. Chúa lại gần, Chúa cho thấy sự gần gũi của mình. Sự gần gũi ấy biến thành hành động dũng cảm làm thức tỉnh sự sống cho người khác. Một cử chỉ có tính ngôn sứ. Sự đụng chạm của Chúa Giêsu, Đấng là chủ sự sống, thông truyền sự sống. Cái chạm ấy ban Chúa Thánh Thần vào xác chết của chàng trai trẻ và đưa anh trở lại cuộc sống.
 
Cái chạm ấy đụng vào mọi vết thương và tuyệt vọng. Đó là cái chạm của chính Thiên Chúa, cái chạm cũng được cảm nhận trong tình yêu đích thực của con người, mở ra khung trời tự do và không thể tưởng tượng được của một cuộc sống mới. Hiệu quả của cử chỉ của Chúa Giêsu là không thể đo đếm được. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, ngay cả một dấu hiệu của sự gần gũi, đơn giản nhưng cụ thể, có thể đánh thức sức mạnh của sự phục sinh.
 
Các con cũng thế, là người trẻ, các con có thể tiến gần đến thực tại của nỗi đau và cái chết mà các con gặp phải. Các con cũng có thể chạm vào, và giống như Chúa Giêsu, mang lại sự sống mới, nhờ Chúa Thánh Thần. Nhưng các con làm được điều ấy, chỉ khi trước tiên, các con biết để cho mình được chạm bởi tình yêu thương của Chúa, chỉ khi tâm hồn các con bị tan chảy bởi kinh nghiệm về lòng tốt lành vô ngần của Thiên Chúa dành cho các con. Nếu các con có thể cảm nhận được tình yêu lớn lao mà Chúa dành cho mọi sinh vật, dành cho mọi người, đặc biệt là anh chị em của chúng ta đang bị đói khát, bị bệnh tật hoặc trần truồng hoặc bị cầm tù, thì các con cũng có thể đến gần họ như Chúa đã làm. Các con sẽ có thể chạm vào họ như Chúa đã chạm, và các con cũng có thể mang sức sống của Chúa cho những người bạn của các con, là những người đã chết từ bên trong, là những người đau khổ hoặc mất niềm tin và hy vọng.
 
 
“Này bạn trẻ, Ta bảo con: Hãy trỗi dậy!”
 
Tin Mừng không nói cho chúng ta tên cụ thể của người thanh niên được Chúa cho sống lại. Điều ấy mời gọi người đọc tự đặt tên cho anh ấy. Anh ấy có thể là các con, có thể là Cha, là mỗi người trong chúng ta, và Chúa nói: “Hãy trỗi dậy!” Là Kitô hữu, chúng ta cần ý thức rất rõ rằng, chúng ta vấp ngã, nhưng phải liên tục đứng dậy. Người nào không lên đường, thì chẳng bao giờ ngã, nhưng nếu như thế, sẽ chẳng bao giờ tiến về phía trước. Đó là lý do tại sao chúng ta cần sự trợ giúp của Chúa Giêsu và cần biết đặt niềm tin nơi Thiên Chúa. Bước đầu tiên là chúng ta hãy thức dậy và nhận ra rằng, sự sống mới mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta là tốt lành và đáng sống. Điều ấy giúp chúng ta đứng vững, và luôn bên ta trong hành trình tiến đến tương lai. Chúa Giêsu giúp chúng ta sống cuộc sống này cho xứng phẩm giá và đầy ý nghĩa.
 
Sự sống này cuộc sống này thực sự là cuộc sáng tạo mới, là sự tái sinh, không chỉ theo kiểu tâm lý. Tuy nhiên, nhiều lần trong những lúc khó khăn, nhiều người trong các con từng nghe người ta lặp đi lặp lại theo kiểu “ảo thuật” kiểu “thần chú” với những công thức được thay đổi cho hợp thời như: “Bạn phải tin vào chính bản thân”, “Bạn phải khám phá những nguồn năng lực nội tại trong bạn”, “Bạn phải ý thức về nguồn năng lượng tích cực của bạn”… Nhưng những lời ấy không hoạt động với những ai đã thực sự chết từ bên trong, chết từ trong nội tâm. Lời của Chúa Giêsu có âm vang sâu hơn, lời ấy đi sâu vô tận. Đó là lời thánh thiêng, lời từ Thiên Chúa, lời có sức sáng tạo, và chỉ lời ấy mới có thể đưa người chết trở về cõi sống.
 
 
Sống cuộc sống mới như “những người đã chỗi dậy”
 
Tin Mừng kể rằng: người thanh niên “bắt đầu nói” (Lc 7:15). Những người được Chúa Giêsu chạm vào và cho sống lại, thì ngay lập tức lên tiếng và bày tỏ không do dự không sợ hãi, về những gì đã xảy ra sâu xa bên trong họ: về tính cách, mong muốn, nhu cầu và ước mơ của họ. Có lẽ họ chưa bao giờ có thể làm điều này trước đây, vì họ từng nghĩ rằng không ai có thể hiểu được những điều ấy.
 
“Nói” cũng có nghĩa là đi vào mối tương quan với tha nhân. Khi chúng ta “chết”, chúng ta khép kín trong bản thân. Khi ấy, các tương quan của chúng ta bị bẻ gẫy, hoặc hời hợt, hoặc không thật và ngay cả giả hình nữa. Khi Chúa Giêsu làm cho chúng ta sống lại, Người đưa chúng ta trở lại cuộc sống, Người ban chúng ta cho mọi người (Lc 7:15).
 
Ngày nay, chúng ta thường “kết nối” nhưng lại không “thông”. Việc sử dụng bừa bãi các thiết bị điện tử có thể khiến chúng ta liên tục dán mắt vào màn hình. Với Thông điệp này, Cha muốn tham gia cùng các con, hỡi các bạn trẻ, để kêu gọi một sự thay đổi văn hóa, dựa trên mệnh lệnh của Chúa Giêsu: Hãy trỗi dậy! Trong một nền văn hóa khiến người trẻ bị cô lập và rút lui vào thế giới ảo, chúng ta hãy lan truyền lời mời của Chúa Giêsu: Hãy trỗi dậy! Chúa mời gọi chúng ta ôm lấy thực tại, một thực tại hơn bội phần những gì là ảo. Điều ấy không có nghĩa là từ chối công nghệ, mà là sử dụng nó như một phương tiện và chứ không coi nó là cùng đích. “Hãy trỗi dậy!” cũng là một lời mời gọi để “ước mơ”, để “mang lấy thử thách”, để “dấn thân thay đổi thế giới”, để thắp lên niềm hy vọng và khơi dậy những khát vọng của các con, để chiêm ngưỡng bầu trời với những vì tinh tú và thế giới xung quanh các con. “Hãy trỗi dậy và trở thành chính bạn!” Nếu đây là thông điệp của chúng ta, nhiều người trẻ sẽ ngừng buồn chán, ngừng mệt mỏi, và để khuôn mặt của họ trở nên sống động và đẹp hơn bất kỳ thực tế ảo nào.
 
Nếu các con sống cuộc sống biết cho đi, sẽ có người đón nhận. Như một phụ nữ trẻ từng nói: “Hãy rời khỏi chiếc ghế dài của bạn khi bạn thấy một cái gì đó đẹp, và thử và làm một cái gì đó tương tự”. Cái đẹp đánh thức đam mê. Và nếu một người trẻ đam mê một thứ gì đó, hoặc thậm chí tốt hơn, về một ai đó, anh ấy hoặc cô ấy sẽ thức dậy sẽ đứng lên và bắt đầu làm những điều tuyệt vời. Những người trẻ sống lại từ cõi chết, sẽ trở thành nhân chứng cho Chúa Giêsu và cống hiến cuộc đời cho Người.
 
Các bạn trẻ thân mến, đam mê và ước mơ của các con là gì? Hãy để cho hoài bão và ước mơ ấy lên tiếng, để qua đó, các con có thể trao tặng những gì là tốt đẹp cho thế giới, cho Giáo Hội và cho các bạn trẻ khác, trong nhiều lĩnh vực từ tinh thần đến nghệ thuật hoặc xã hội. Cha lặp lại bằng tiếng mẹ đẻ của Cha rằng: Hagan lío! Hãy để cho tiếng nói của các con được nghe thấy! Cha nhớ có một bạn trẻ nói rằng: “Nếu Chúa Giêsu là một người chỉ biết quan tâm đến bản thân mình, thì chắc hẳn người con trai của bà góa đã chẳng được sống lại”.
 
Chúa làm cho chàng thanh niên sống lại, là ban lại sự sống cho anh, và cũng là ban lại người con cho người mẹ. Nơi người phụ nữ ấy, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, nơi Mẹ chúng ta phó thác tất cả các bạn trẻ trên toàn thế giới. Nơi Mẹ, chúng ta cũng nhận ra Mẹ Giáo Hội, với tình yêu thương dịu hiền, luôn muốn chào đón từng con cái mình là từng bạn trẻ. Vì vậy, chúng ta hãy xin Mẹ Maria chuyển cầu cho Giáo Hội, để Giáo Hội luôn là người mẹ khóc thương cho những đứa con đã chết, và luôn mong muốn những người con ấy được trỗi dậy. Trong từng người con đã chết, Mẹ Giáo Hội cũng chết, và trong từng người con chỗi dậy, Mẹ Giáo Hội cũng chỗi dậy. 
 
Cha chúc lành cho hành trình của các con.
Cha xin các con: đừng quên cầu nguyện cho Cha.
 
Roma, từ Đền thờ Thánh Gioan Laterano, 11 tháng hai 2020, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức.
 
Franciscus
Chuyển ngữ: Tứ Quyết SJ
 


Kỷ niệm 10 năm Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II được tuyên thánh (8/5/2024)

Vatican chấp thuận mở án phong thánh cho Tôi tớ Chúa 13 tuổi người Philippines (12/4/2024)

Mùa Chay, hành trình tự do (21/2/2024)

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 58 – năm 2024 (30/1/2024)

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32 (15/1/2024)

Năm mới theo ý nghĩa Thánh Kinh (5/1/2024)

Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình (16/12/2023)

Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 – “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” (Rm 12, 12) (1/12/2023)

Các câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ các em thiếu nhi (10/11/2023)

Đón nhận hay loại trừ? (31/10/2023)

Giáo Phận Mỹ Tho - Thư mục vụ Mùa Chay năm 2020 của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (29/2/2020)

“Tương lai Giáo hội tùy thuộc phần lớn vào chính thế hệ trẻ !” (22/2/2020)

Đức Giêsu – Hoàng Tử Bình An (1/1/2020)

Đức TGM Giuse Nguyễn Năng: Định hướng mục vụ năm 2020 cho TGP Sài Gòn (21/12/2019)

Sứ điệp ngày Thế giới Truyền Giáo cử hành trong toàn Giáo Hội vào ngày 20/10/2019 (20/10/2019)

Đức Thánh Cha ấn định Chúa Nhật thứ III thường niên là Chúa Nhật Lời Chúa (2/10/2019)

ĐHY Turkson: ĐHY Nguyễn Văn Thuận - Người gợi hứng cho các tù nhân sống tốt hơn (22/9/2019)

Bàn thờ ở các gia đình Công giáo (12/8/2019)

Thư gửi Cộng Đồng Dân Chúa về một số lưu ý trong đời sống đức tin (26/6/2019)

5 lời khuyên của ĐTC Phanxicô cho những người làm truyền thông (31/5/2019)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn