CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG - NĂM C
ANH EM HÃY VUI LÊN
 Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng. Vọng nghĩa là chờ đợi. Hòn Vọng Phu là truyền thuyết về một phụ nữ đợi chờ chồng đi đánh giặc trở về, đợi chờ đến nỗi hóa đá, hóa đá rồi mà vẫn còn mong ngóng cả ngàn năm. Vậy thì vọng là đợi chờ. Thế nhưng, nếu có nỗi chờ đợi trong phập phồng sợ hãi của kẻ gian ác trước ngày ra tòa xét xử, thì lại có nỗi mong chờ trong hân hoan của em bé ngóng mẹ về chợ, của người yêu mong gặp người yêu. Lúc đó sự đợi chờ thắm đượm niềm vui, và niềm vui ấy chính là tâm tình mà Giáo hội muốn mời gọi chúng ta trong Chúa Nhật III mùa Vọng hôm nay: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”.
Hỏi rằng đâu là niềm vui đích thực của người Kitô hữu, và làm thế nào để có được niềm vui ấy? Bài Tin Mừng vừa nghe đã mở cho chúng ta một con đường dẫn tới niềm vui. Sau khi nghe J.B loan báo: “Hãy dọn đường cho Chúa”. Dân chúng đã lũ lượt kéo đến xin ông làm phép rửa, dọn lòng sám hối hầu được ơn tha tội. Ô hay! Sám hối thì lòng người phải buồn sầu day dứt chứ? Đúng vậy, nhưng hỏi rằng cái gì thúc đẩy con người sám hối nếu không phải là hy vọng và vui mừng vì ơn cứu độ đã gần kề? Chính niềm vui ơn cứu độ đã khiến dân chúng đổ xô xuống nước với nỗi hân hoan. Không phải chỉ sám hối bằng nghi thức thanh tẩy, mà người ta còn quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng cách xin J.B một lời chỉ dẫn cụ thể cho đời mình: Chúng tôi phải làm gì đây? Và những chỉ dẫn J.B đề nghị với người Do thái hôm xưa vẫn luôn có giá trị với người Kitô hữu chúng ta hôm nay, đó là:
Với đám đông dân chúng, những người muốn làm thế nào để tích lũy tiền bạc và quyền lợi mà ít quan tâm đến người khác, J.B khuyên nhủ hãy sống bác ái. Ông bảo: “Ai có hai áo thì chia cho người không có, ai có gì ăn thì cũng hãy làm như vậy”.
Với những người thu thuế vốn thường lạm dụng chức quyền để bóc lột. Td: tiền thuế là 5$, tôi thu 7$, 5$ nộp thuế nhà nước, 2$ tôi bỏ túi, J.B khuyên họ hãy sống công bằng, ông bảo: “Đừng đòi hỏi những gì quá mức ấn định”.
Với binh lính, vốn hay dùng sức mạnh của vũ khí để đàn áp, ức hiếp người cô thân cô thế, J.B khuyên hãy sống công bằng. Ông nói: “Chớ dùng vũ lực mà tống tiền người ta”.
Như vậy, để chân thành sám hối và có niềm vui, thì hãy sống công bằng bác ái. Hóa ra, niềm vui đích thực không ở đâu xa, nó tiềm ẩn ngay trong tâm hồn ta. Niềm vui ấy cũng chẳng đòi hỏi con người phải thay đổi hoàn cảnh sống, nhưng là thay đổi cung cách sống. Sống công bằng chia sẻ, sống yêu thương phục vụ. Đấy chính là niềm vui của bà nội trợ, bà trìu mến nhìn chồng nhìn con ăn uống ngon lành bữa cơm bà dọn, mà quên hết những giọt mồ hôi, những nỗi vất vả của công việc bếp núc mỗi ngày. Đấy chính là niềm vui của người thầy thuốc đã vượt qua những căng thẳng âu lo để dành giật sự sống cho bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Và đấy cũng chính là niềm vui của ông Giakêu trong Tin Mừng, sau khi Chúa đến nhà ông, ông đã mạnh dạn tuyên bố: “Một nửa gia sản, tôi xin bố thí cho người nghèo khó, và nếu tôi đã gian lận gì của ai, tôi xin đền trả gấp bốn” (Lc 19,1-10). Khi làm như vậy, hẳn rằng Giakêu sẽ trở nên nghèo, ông nghèo về tiền bạc, nhưng lại giầu về niềm vui, bởi lẽ, có Chúa là có tất cả trong chân lý, bằng cớ là Đức Giêsu đã nói với ông Giakêu: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.
Như vậy, niềm vui đích thực, nó là dòng chảy của con sông sự sống, nếu tôi tìm cách chiếm hữu, ôm trọn nó trong vòng tay khép kín của mình, thì nó sẽ trở thành ao tù nước đọng, nhưng nếu tôi biết chia sẻ, biết cho đi, thì khi ấy chính tôi lại gặp được niềm vui đích thực cho đời mình. Vì khi dấn thân phục vụ anh em, thì tôi lại được nhận lãnh, nhận lãnh niềm vui sâu lắng và bền chặt, đúng như lời thi hào Tagore đã viết:
Tôi nằm ngủ, và mơ thấy cuộc sống toàn là niềm vui
Tôi thức dậy, và nhìn thấy cuộc sống toàn là phục vụ
Tôi dấn thân phục vụ, và cảm nghiệm rằng phục vụ là niềm vui.
Vâng! Phục vụ chính là niềm vui, nhưng không phải ai cũng ý thức được điều ấy. Để có thể cảm nghiệm được niềm vui và chia sẻ niềm vui cho người khác; thì điều kiện thiết yếu là thực hiện lời mời gọi của thánh J.B trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy sống công bằng, hãy sống bác ái”. Có như thế, thì niềm vui trong đại lễ Giáng sinh sắp tới sẽ không chỉ là những gì rộn rã hời hợt chóng qua bên ngoài, nhưng sẽ là niềm vui nội tâm đích thực và trọn vẹn, vì có Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, không phải chỉ trong ngày Giáng sinh, nhưng trong suốt cuộc đời.
Antôn Trần Thanh Long
|