CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM C
TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
 Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật I Mùa Vọng, khởi đầu năm Phụng vụ mới của Giáo hội, chủ đề của Chúa nhật I Mùa Vọng là hãy tỉnh thức và cầu nguyện hầu có thể đứng vững trong ngày Con Người đến, tức là ngày Chúa quang lâm, vậy quang lâm là gì? Và tỉnh thức như thế nào?
“Quang lâm” dịch từ chữ Hy lạp: Parousia, nghĩa là hiện diện, là có mặt. Trong thế giới Hy La, người ta dùng chữ Quang lâm để chỉ những cuộc thăm viếng chính thức của Hoàng đế Roma, hoàng đế viếng thăm để ân thưởng những người có công, và trừng phạt những kẻ có tội. Kỳ thực thì Đức Kitô, Vua các vua, Chúa các chúa đã quang lâm, đã đến lần thứ nhất cách đây hơn 2.000 năm. Ngài sinh ra trong máng cỏ hang lừa, vinh quang của Thiên Chúa như bị ẩn dấu trong thân phận một thơ nhi yếu ớt khó hèn; khi Đức Kitô đến lần thứ hai, Ngài sẽ đến trong tư thế đầy quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Cuộc quang lâm vinh hiển của Chúa sẽ là nỗi kinh hoàng xao xuyến cho những kẻ không tin, những kẻ sống trong tình trạng tội lỗi, như Đức Giêsu đã nói rõ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu”, nhưng cuộc quang lâm ấy lại là niềm vui cho những ai trung thành theo Chúa, vì họ sẽ được cứu thoát, bằng cớ là Đức Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng : “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.
Làm thế nào để có thể đứng vững trong ngày Chúa đến? Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta hai cách:
 Cách thứ nhất: đó là “hãy đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, và lo lắng sự đời”. “Chè chén say sưa” là quá nuông chiều thân xác, chỉ quan tâm hưởng thụ những vui thú đời này. Còn “lo lắng sự đời” nghĩa là ta để mình bị chìm ngập trong những tính toán làm ăn, lo toan cho cuộc sống đời này sao cho sung sướng và thoải mái. Kỳ thực thì “chè chén say sưa và lo lắng sự đời” tự nó không phải là điều xấu, nhưng vấn đề trở nên trầm trọng ở chỗ, ta chỉ quan tâm đến cuộc sống đời này mà chẳng chuẩn bị gì cho cuộc sống đời sau, ta chỉ để ý đến cuộc sống hiện tại vốn hữu hạn, mà chẳng để ý đến cuộc sống vĩnh cửu tương lai. Vì thế cho nên, lời Đức Giêsu căn dặn “Hãy đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng sự đời” làm ta nhớ đến một lời Tin Mừng khác: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ khác Ngài sẽ thêm cho”. Hỏi rằng hiện nay, đâu là điều tôi đang ra sức quan tâm và tìm kiếm? Đó là Chúa, hay là vật chất, là những vui thú trần gian? Chớ gì, ngày khởi đầu của Mùa Vọng này cũng là khởi điểm để ta quay trở về, trở về tìm kiếm Chúa như một giá trị ưu tiên và tuyệt đối của đời tôi.
 Cách Ithứ hai: để có thể đứng vững trong ngày Chúa đến, đó là tỉnh thức và cầu nguyện.
Kỳ thực, tỉnh thức và cầu nguyện có ý nghĩa giống nhau, vì chúng đều giúp ta gặp gỡ Chúa. Tỉnh thức là mong đợi Chúa đến với ta, còn cầu nguyện là nâng tâm hồn ta lên tới Chúa. Tỉnh thức và cầu nguyện là hai chị em sinh đôi. Trong những ngày cuối nằm trên giường bệnh, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói với Chúa như thế này: “Lạy Chúa, sau bao năm tỉnh thức và cầu nguyện, giờ đây con vui mừng diện kiến Thánh nhan”. Qua lời nguyện này của thánh nữ Têrêxa, ta thấy, khi đối diện với cái chết, chị không kinh hoàng sợ hãi, nhưng với tâm trạng hân hoan vui mừng, bởi vì, qua cái chết, chị sẽ trực tiếp gặp gỡ Đức Kitô, Đấng mà chị thường xuyên gặp gỡ trong niềm tin qua việc tỉnh thức và cầu nguyện.
Một cách cụ thể, người Kitô hữu tỉnh thức bằng cách vẫn yêu thương giữa một thế giới hận thù; vẫn sống hòa thuận giữa một thế giới đầy tranh chấp; vẫn giữ vững tâm hồn ngay thẳng giữa một thế giới nhiều dối gian; vẫn hy vọng giữa một thế giới tuyệt vọng; vẫn tỏa sáng giữa một thế giới tối tăm. Đó là sự tỉnh thức mà thời đại hôm nay đang chờ đợi nơi người Kitô hữu.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức và cầu nguyện để có thể đón mừng lễ Giáng sinh cách tốt đẹp, và được Chúa đưa vào Nước Trời vĩnh cửu khi Ngài đến, đến trong ngày cánh chung, nhất là trong ngày cuối của đời ta.
Antôn Trần Thanh Long, OP.
|