PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY - CHÂN - MIỆNG
 Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh do vi rút EV71 gây ra, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch.
2. Không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.
3. Cho trẻ ăn chín, uống chín. Không ăn chung thìa bát.
4. Luộc sôi hoặc ngâm cờ - lo- ra-min -B (chloramin B) 2% quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt sạch.
5. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, cờ-lo-ra-min B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường.
6. Người chăm trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.
7. Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác. Thu gom xử lý phân của trẻ bằng cờ-lo-ra-min B, vôi bột hoặc tro bếp… Tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ.
8. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Bạn đã biết cách... rửa tay?
Rửa tay thường xuyên là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt ở trẻ em, như cúm A/H1N1, bệnh tay chân miệng… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và rửa tay hàng ngày đúng cách.
Sau đây là hướng dẫn cách rửa tay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
6 bước rửa tay đơn giản
Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay với nhau.
Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia, và ngược lại.
Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia, và ngược lại.
Bước 4: Dùng đầu ngón tay của lòng bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón tay của bàn tay kia, và ngược lại.
Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
Bước 6: Xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.
Bộ Y tế khuyến cáo cần rửa tay thường xuyên vào những thời điểm sau:
- Trước và sau khi ăn uống; thăm khám người bệnh; pha chế thuốc và đóng gói thuốc khi còn hở; đếm thuốc, ra lẻ thuốc; làm việc trong phòng thí nghiệm; chế biến và chia thức ăn, thức uống, đóng gói thức ăn, thức uống còn hở...,
- Sau khi đi vệ sinh; nhận, trả, đếm tiền; gọi điện thoại bàn; dùng bàn phím máy tính, máy chữ; dùng tay che miệng để hắt hơi; làm việc nơi có nhiều bụi, khói, mầm bệnh, chất độc hại; lao động chân tay hoặc sau khi từ ngoài đường về nhà...
- Bắt tay người lạ khi có dịch: tiêu chảy, chân tay miệng, SARS, cúm các loại, trong đó có cúm A/H1N1...
(Tổng hợp)
|