GIA ĐÌNH SỐNG TIN MỪNG TÌNH YÊU
BẠN TRẺ HỌC HỎI
SỐNG ĐẸP TÌNH BẠN
 Tuổi trẻ là tuổi của tình bạn. Học hành, làm việc, vui chơi, ta đều muốn có bạn. Bạn bè là hương vị của cuộc sống. Bạn bè san sẻ với ta niềm vui, nỗi buồn, cả những tâm tư thầm kín. Bạn bè còn góp phần tạo nên con người của ta, nhân cách của ta và cả hướng đi tương lai của ta.
Sách Sa-mu-en đã để lại cho ta những trang tuyệt vời về tình bạn giữa Đa-vít và Giô-na-tan (x. 1Sm 18,1-4), gắn bó keo sơn trong sóng gió hoạn nạn (x. 1Sm 19,1-7), thắm thiết cho đến chết (x. 2Sm 1,5-27), và còn được nhớ đến mãi cả nơi con cháu (x. 2Sm 9,1; 27,7).
Tuổi trẻ chúng ta đầy những ước mơ sống đẹp. Đẹp trong tình yêu như Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Đẹp trong tình bạn như Lưu Bình và Dương Lễ.
Người bạn tốt sánh như kho tàng vô giá (x. Hc 6,14-15), như viên ngọc giữa đời. Thế nhưng, làm sao để có được ngọc thật thay vì sỏi đá? Và làm sao, để mình trở nên viên ngọc lấp lánh đó?
I. BẠN BÈ VÀ CUỘC SỐNG
1. Bạn bè là một nhu cầu của cuộc sống
Một trong những hình phạt nặng nhất trong nhà tù là biệt giam dưới hầm tối. Nhiều người đã hoá điên vì không chịu nổi sự cô đơn cùng cực. Truyện Rôbinsơn cho ta thấm thía điều đó. Hẳn ông đã chết dần chết mòn từ lâu trên hoang đảo, nếu ông không nuôi niềm hy vọng một ngày nào đó sẽ trở về quê hương, gặp lại những người thân yêu. Nụ cười sau bao nhiêu năm mới trở lại trên môi, khi ông có được anh da đen “Friday” để bầu bạn. Đúng vậy con người chúng ta sinh ra không phải để sống lẻ loi cô độc một mình (x. St 2,18-20).
2. Bạn cũng có nhiều thứ bạn
Trẻ có bạn trẻ, già có bạn già. Thời đi học, ta có bạn cùng trường cùng lớp, bạn cùng xóm cùng phường. Khi vào đời, ta có bạn đồng nghiệp, bạn chiến đấu, bạn cùng hội cùng thuyền…
Tùy theo hoàn cảnh và sở thích, những người bạn đó có thể là thân hay sơ, tri kỷ hay xã giao. Tuy nhiên, dù thân hay sơ, đồng môn hay đồng nghhiệp, bạn bè thường chỉ có hai loại: tốt hay xấu, thật hay giả.
Người bạn tốt là người không chỉ cố gắng rèn luyện bản thân, chăm lo học hành, nhưng còn biết giúp bạn bè cùng tiến bộ về học tập cũng như về đạo đức.
Người bạn thân chưa hẳn đã là người bạn tốt, nếu họ không phải là người bạn trung thành, tín nghĩa, luôn gắn bó với ta trong mọi hoàn cảnh, khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc hoạn nạn gian nan (Tv 41,10). Người luôn chiều chuộng ta, hùa theo mọi ý muốn của ta, cũng chưa hẳn đã là người bạn tốt thực sự. Người bạn tốt thẳng thắn, chứ không nịnh bợ. Những lời góp ý chân thành nhiều khi làm ta khó chịu, bực tức, nhưng lại là lời của người biết thương ta thực lòng.
II. CHỌN BẠN ĐỂ TU THÂN
Có một câu danh ngôn: “Chỉ cần biết bạn chơi thân với ai, tôi sẽ đoán được bạn là người thế nào”. Điều đó đúng, bởi vì chúng ta thường chơi với những người hoặc có cùng sở thích với mình, hoặc có những gì mà trong thâm tâm mình mong ước. Con người chúng ta được phản ảnh qua cách chọn bạn.
Trong việc tu thân, cha ông ta rất chú trọng đến việc “kén bạn” bởi vì “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” (x. Hc 13,1). Mẹ của thầy Mạnh Tử ba lần dọn nhà, hết từ nghĩa địa đến chợ, hết từ chợ đến trường học cũng vì lẽ đó.
Muốn có được người bạn tốt, thân tình để có thể cùng mình chia sẻ những buồn vui và để có thể hỗ trợ nhau thăng tiến, ta không thể bỏ qua các tiêu chuẩn sau đây:
1. Là người chăm chỉ học hành, cần mẫn làm việc.
2. Là người có tính tình tốt, chân thành, ngay thẳng, trung tín, trọng nhân nghĩa hơn tiền bạc lợi danh (x. Hc 13,21-26).
3. Là người hơn ta về tài năng và đức độ, để ta có thể học thêm điều tốt, điều hay (x. Hc 6,36). Không nên chọn người hơn ta về địa vị, tiền của mà kém phần đạo hạnh (x. Hc 13,2-11).
4. Là người có chí hướng, có một lý tưởng sống đẹp.
Riêng với những người bạn xấu, nếu tự lượng sức mình không đủ khôn ngoan và bản lãnh để giúp họ tốt hơn, thì chỉ nên giữ ở mức sơ giao. Tôn trọng và đối xử tốt với họ nhưng không thân.
III. SỐNG ĐẸP TÌNH BẠN
Tình huynh đệ anh chị em trong nhà thường bền chặt nhờ có chung một máu mủ. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Sự thường, bạn bè chẳng có gì ràng buộc với nhau ngoài tấm lòng. Bởi vậy, tình bạn rất cao quý nhưng lại rất mong manh dễ vỡ. Có nhiều người cả đời không có ai là tri kỷ, chỉ vì đã không biết trân trọng tình bạn. Họ chỉ muốn người khác là bạn tốt của họ nhưng ngược lại, bản thân họ lại không cố gắng trở nên người bạn tốt. Để sống đẹp tình bạn với nhau, ta cần:
1. Chân thật
Không nói dối, nịnh hót, lừa gạt nhau. Nếu bạn có điều sai trái thì tuỳ tính tình của bạn mà nên góp ý thẳng, hoặc nên tìm những cách khôn khéo, tế nhị để bạn có thể nhận ra mà sửa đổi (x. Hc 20,1). Không bao giờ nói xấu bạn với người khác. Ngược lại, nếu mình có điều sai trái, khi bạn góp ý, nên biết phục thiện chứ không vội giận dỗi, cáu gắt với bạn.
Tuy nhiên, chân thật không có nghĩa là phải kể cho bạn biết mọi chuyện thầm kín của ta. Có những điều ta chỉ có thể kể với những người khôn ngoan, hoặc với những người bạn chí thân sau khi đã cân nhắc cẩn thận (x. Hc 9,19).
Ngoài ra cũng cần biết khích lệ, khen ngợi những thành quả, những điều tốt đẹp nơi bạn một cách chân thành.
2. Trung tín
Luôn giữ đúng lời hứa với bạn. Những gì bạn tâm sự với mình, không bao giờ kể với người khác nếu bạn không đồng ý trước (x. Hc 27,16-21).
Luôn sống thuỷ chung, đằm thắm với bạn. Những khi bạn gặp hoạn nạn, thất bại hoặc bị hiểu lầm v.v… là những lúc bạn cần đến ta nhất. Tình bạn chân thật được chứng minh qua những lúc đó (x. Hc 22,22-26).
3. Yêu thương và tôn trọng bạn như anh chị em ruột thịt
Tình bạn chân thật được thể hiện qua cách quan tâm, tôn trọng và giúp đỡ nhau. Có nhiều bạn mặc cảm vì nghèo, kém tài, kém sắc hoặc vì những khuyết tật trên cơ thể. Bởi vậy, cần kín đáo tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của bạn, cũng như cá tính của bạn, để tế nhị trong lời ăn tiếng nói và cách đối xử với bạn, nhất là để tìm cách giúp bạn vượt lên trên những mặc cảm đó.
4. Biết nhớ và biết quên
Muốn cho tình bạn được lâu dài, ta cần biết nhớ những gì cần phải nhớ, và biết quên những điều cần phải quên. Cần quên những điều bạn làm ta buồn lòng, và cần nhớ những tình cảm, những sự giúp đỡ bạn dành cho ta. Riêng đối với các bạn gái, nhớ ngày sinh nhật, nhớ những kỷ niệm vui buồn hoặc ngày quen nhau là điều quan trọng. Một chút quà nho nhỏ, có ý nghĩa, để gợi nhớ những ngày đó sẽ làm cho tình bạn thêm đậm đà.
5. Trở thành người bạn thân của Chúa Giêsu
Ngài là Thiên Chúa đã trở thành bạn của con người, để con người chúng ta trở thành bạn của nhau (x. Ga 13,34-35; 15,12-15). Năng gặp gỡ và sống thân tình với Chúa Giêsu, dần dần ta sẽ được biến đổi nên giống Ngài, là con người hoàn hảo. Ta sẽ học được nơi Ngài cách sống như người bạn tốt với mọi người. Và cũng nơi Ngài, ta sẽ múc được sức mạnh để sống tốt tình bạn.
Bên cạnh đó, ta cần biết cầu nguyện cho bạn bè, bởi vì Chúa Giêsu cũng là bạn của bạn ta. Ngài biết bạn ta cần gì, và Ngài cũng biết tình thân của ta với bạn bè cần được củng cố như thế nào.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương tất cả mọi người và có lòng ưu ái đặc biệt đối với tất cả các môn đệ. Tuy thế, Chúa vẫn muốn có những người bạn thân như Gioan, Ladarô và một số người khác.
Chúa biết rõ quả tim loài người cần được nâng đỡ, bằng cách gởi gấm những tình cảm riêng tư của mình nơi người khác.
Lạy Chúa, con muốn cầu xin Chúa cách riêng cho các bạn con. Xin hãy làm cho tình bạn của con, giúp họ được thêm mạnh mẽ, và hãy làm cho con rút ra được những lợi ích thực sự, nhờ giao tiếp với họ. Xin cho những giao thiệp của chúng con, được phát triển trong bầu khí vui vẻ, cởi mở, thành thật và tốt đẹp.
Xin cho chúng con được liên kết mãi với nhau nhân danh Chúa, để Chúa luôn ngự giữa chúng con như lời Chúa hứa. Amen.
(Kinh của tình bạn)
Câu hỏi:
1. Bạn có người bạn nào thật thân không? Nếu có, tại sao bạn chọn và yêu mến người đó? Nếu không, tại sao bạn lại “cô đơn” như vậy?
2. Bạn và người bạn thân gặp chuyện xích mích vì hiểu lầm nhau, bạn đã làm gì để hoà giải nếu bạn yêu thương người ấy như chính mình?
3. Tình yêu và tình bạn giống nhau và khác nhau chỗ nào? Có thể có tình bạn với người khác phái không? Nếu có, làm sao để tình bạn ấy luôn tốt đẹp và trong sáng?
|