6 cách giúp bảo vệ nhân phẩm
Hãy để những nguyên tắc này tác động đến cách cư xử hằng ngày của bạn đối với người khác.
Thái độ trước hết chúng ta nên có khi nghĩ đến nhân phẩm, là sự tôn trọng và từ khước mọi điều biến con người thành một phương tiện, để đạt cho bằng được mục đích; không một mục đích nào đáng giá bằng nhân phẩm con người cả. Chúng ta không thể đối xử với bất kỳ một người nào như một món hàng, một đồ vật, một phương tiện để đạt được mục đích cá nhân của mình. Nguyên tắc đạo đức này, có thể có nhiều hình thức khác nhau, hướng dẫn cách cư xử của chúng ta trong những đường lối cụ thể.
Nguyên tắc tôn trọng
Trong mọi hành động và ý muốn, trong mọi mục đích và phương tiện, luôn cư xử với mỗi người và mọi người, kể cả với chính mình và người khác, bằng sự tôn trọng xứng đáng với nhân phẩm và giá trị của họ, như một con người. Mỗi người chúng ta có nhân phẩm và giá trị như nhau, theo điều kiện căn bản của một con người. Giá trị của con người khác với những vật quanh ta, những đồ vật ta sử dụng. Những vật dụng này được định giá bằng sự trao đổi, chúng có thể thay thế được. Nhưng trái lại, con người thì vô giá. Vì một cá thể có một nhân dạng độc nhất, có khả năng hiểu biết và chọn lựa. Con người là duy nhất và không thể thay thế.
Nguyên tắc tôn trọng đòi hỏi tất cả mọi người toàn thể, được đối xử với lòng tôn trọng. Đồ vật có thể bị điều khiển và sử dụng, nhưng con người thì không; sự tự do lựa chọn của mỗi người phải được tôn trọng. Nguyên tắc tôn trọng không chỉ áp dụng cho người khác, mà còn cho chính bản thân mình nữa. Vì vậy, tự tôn trọng mình là có những hành động hoàn hảo, bất kể nghề nghiệp của mình là gì.
Nguyên tắc thiện ý
Trong mỗi hành động nhỏ của mỗi người và mọi người, phải hết sức tránh làm tổn thương người khác, và luôn cố gắng nhìn ra cái tốt của người khác.
Nguyên tắc tác động thứ cấp
Trong những hành động của mình, trước tiên phải tìm kiếm những hiệu ứng có lợi. Giả định trong việc làm và trong ý tưởng, phải cư xử với mọi người một cách tôn trọng, bảo đảm rằng không có một tổn hại thứ cấp nào xảy ra được tiên đoán; cho dầu kết quả ban đầu của hành động đó chủ yếu là tốt đẹp. Tức là không chấp nhận sự xấu đi kèm theo.
Nguyên tắc hoàn hảo
Ứng xử mọi lúc mọi nơi, với sự chân thành của một người đáng tin cậy, làm sao cho những quyết định của bạn nói lên sự tôn trọng chính mình, như thế bạn làm cho mình xứng đáng với nghề nghiệp phong phú của mình. Một chuyên gia, không phải chỉ là người thực hiện công việc của mình, mà còn là thực hiện nó với tài năng chuyên môn – có nghĩa là, với kiến thức hiểu biết sâu sắc trong lãnh vực của mình, lòng trung thành hoàn toàn với những qui chuẩn đạo đức, và thao thức phục vụ tha nhân và xã hội, hơn cả bất kỳ những lợi ích cá nhân nào khác.
Nguyên tắc công bằng
Đối xử với người khác như họ xứng đáng là một con người, hãy đối xử công bằng với tất cả mọi người như nhau. Có nghĩa là, đối xử với mọi người cùng hoàn cảnh, cùng cách thức như nhau. Ý niệm chính của nguyên tắc công bằng là, chúng ta cư xử với mọi người tương xứng với sự bình đẳng nhân phẩm. Điều này có thể biểu hiện bằng nhiều cách khác nhau, vì có nhiều thể loại, nhiều lĩnh vực của công bằng. Chúng bao gồm sự công bằng bền vững, sự công bằng phân bổ, công bằng hoán đổi, công bằng theo thủ tục và công bằng trong thưởng phạt.
Nguyên tắc thiết thực
Nguyên tắc này giả định rằng, trong cả hai, hành động và ý tưởng của bạn, đều ứng xử với tất cả mọi người bằng lòng tôn trọng, hãy luôn chọn hình thức hoạt động mang lại lợi ích lớn nhất cho nhiều người nhất. Nguyên tắc thiết thực đặt trọng tâm vào kết quả của việc ứng xử. Tuy nhiên, cũng minh định rằng, bạn hành động tôn trọng với tất cả mọi người liên quan. Nếu bạn phải chọn một trong hai cách cư xử hợp đạo đức, hãy chọn cách đem lại kết quả tốt đẹp cho nhiều người hơn.
Có một tiêu chuẩn, bạn có thể dễ dàng dùng để đánh giá, xem mình có đang đối xử với người khác một cách tôn trọng hay không: tự hỏi xem, hành động mình đang thực hiện, có được cả hai chấp nhận không. Nói cách khác, bạn có muốn người khác đối xử với bạn, như bạn đang dự tính làm cho họ không? Đây là ý niệm cơ bản chứa trong Luật Vàng: “Hãy cư xử với người khác những gì bạn muốn họ làm cho mình”. Ý tưởng này không phải là độc nhất của người Công giáo, nó là ý niệm chung của nhiều tôn giáo và các nền văn hóa nhân loại.
(6 Ways we can help protect human dignity / Javier Fiz Perez – Matthew Green)
Nguồn: https://aleteia.org/2018/12/15/6-ways-we-can-help-protect-human-dignity/
Maria Trần Thị Kim Danh chuyển ngữ
|