CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – NĂM B
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
 Một văn sĩ nổi tiếng người Mỹ, ông Mark Twain đã từng thú nhận: “Tôi phải mất 25 năm trời mới tạm hiểu được người vợ của tôi”. Điều thú vị nơi những người yêu thương nhau là càng ngày, họ càng khám phá thêm những nét đáng yêu của nhau. Đức Giêsu cũng vậy, Ngài muốn các môn đệ hiểu biết sâu xa về Ngài. Vì thế, qua bài Tin Mừng vừa nghe, Đức Giêsu đã hỏi các môn đệ hôm xưa, cũng như tất cả chúng ta hôm nay rằng: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.
Nếu kỳ thi cuối năm là dịp kiểm tra khả năng và mức độ học tập của sinh viên học sinh, thì cũng vậy, Đức Giêsu sau cả một thời gian dài huấn luyện các tông đồ, cho các ông thấy những điều Ngài làm, nghe những điều Ngài nói, thì đây là lúc kiểm tra, Đức Giêsu muốn trắc nghiệm lòng tin, sự hiểu biết của các môn đệ về con người và sứ mệnh của Ngài, Đức Giêsu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô đã đại diện các môn đệ mà trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”. Kitô nghĩa là Đấng Cứu độ, vua dân Do thái.
Phêrô trả lời rất đúng, nhưng chưa đủ, quả thật, Đức Giêsu là Đấng Cứu độ, là Vua, nhưng Ngài sẽ lên ngôi trên ngai vàng thập giá, vì thế, ngay sau lời Phêrô tuyên xưng, Đức Giêsuđã loan báo cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Ngài, đồng thời Ngài mời gọi các môn đệ đi theo Ngài trên con đường thập giá, Đức Giêsu bảo: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Tại sao phải từ bỏ chính mình? Bởi vì: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Nghĩa là: “Ai cố bám víu vào sự sống của con người thể xác, thì sẽ đánh mất sự sống vĩnh cửu; còn ai dám để cho sự sống của con người thể xác chết đi vì Chúa thì sẽ tìm được sự sống vĩnh cửu.
Thánh Âu tinh nói rằng: Đời sống con người không ngừng bị xung đột bởi hai thứ Tình yêu: Hoặc yêu mình đến nỗi xem nhẹ Chúa; hoặc yêu Chúa đến nỗi xem nhẹ mình. Khi yêu mình đến nỗi xem nhẹ Chúa thì người ta tìm kiếm những gì giúp mình được hạnh phúc, sung sướng và thoải mái, nghĩa là tìm kiếm danh vọng, quyền bính, lợi lộc, thú vui … và để ngoài tai sự từ bỏ. Từ bỏ bị xem là thiệt thòi, mất mát điên rồ, chẳng vậy mà người ta thường bảo: “Lương tâm không bằng lương tháng”, “chân lý không bằng chân giò”. Trái lại, khi yêu Chúa đến nỗi xem nhẹ mình, thì những từ bỏ, mất mát không làm cho người ta mất Chúa, trái lại, còn làm cho người ta nhẹ nhàng thanh thoát hơn mà theo Chúa. Đó chính là lối ứng xử của anh nông phu tình cờ phát hiện kho báu trong ruộng, anh liền về bán tất cả những gì mình có để tậu cho bằng được thửa ruộng ấy.
Dĩ nhiên, nói đến từ bỏ, nghĩa là nói đến hy sinh, nói đến cái chết, nhưng chính cái chết dần dần của con người thể xác, lại khiến cho sự sống vĩnh cửu được đâm chồi nảy lộc. Thử nghĩ mà xem:
Mỗi khi tôi thực hiện một cử chỉ khiêm tốn, nghĩa là một phần tính kiêu ngạo trong tôi phải chết đi. Mỗi khi tôi thực hiện một cử chỉ can đảm, nghĩa là một phần tính hèn nhát trong tôi phải chết đi. Mỗi khi tôi thực hiện một cử chỉ dịu dàng, nghĩa là một phần tính hung bạo trong tôi phải chết đi. Mỗi khi tôi thực hiện một cử chỉ yêu thương, nghĩa là một phần tính ích kỷ trong tôi phải chết đi. Mỗi khi tôi thực hiện một cử chỉ tha thứ, nghĩa là một phần tính hận thù trong tôi phải chết đi.
Con người tội lỗi có chết dần đi, thì con người đích thực, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa mới dần dần rõ nét trong tôi. Cuối cùng, chỉ nguyên một lời tuyên xưng mà thôi, thì chưa đủ để bảo đảm cho phẩm chất của đức tin, bằng cớ là vừa tuyên xưng Thầy là Đức Kitô, Phêrô đã ngăn cản Chúa và bị Ngài quở trách. Lời tuyên xưng ấy cần được tôi luyện trong cuộc sống, đúng như lời thánh Giacôbê trong bài đọc II hôm nay đã khẳng định: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Một khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Cứu độ, thì hệ quả là phải dõi cuộc sống theo bước chân Thầy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Đức Giêsu đã sống trọn vẹn thân phận làm người với tất cả bấp bênh tăm tối; liệu tôi có dám chọn cho mình lối sống khiêm hạ và nghèo khó chăng? Đức Giêsu đã ân cần cúi xuống trên những người khốn cùng, bênh đỡ những người bị loại trừ, và chấp nhận cái chết để làm chứng cho sự thật; liệu tôi có dám ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình để quan tâm đến người khác, liệu tôi có dám hiến mạng tôi vì Chúa và vì Tin Mừng chăng? Nếu tôi sống phù hợp với điều mình tin; nếu trong gian nan thử thách, lòng tin vẫn không lịm tắt, thì quả thật, đức tin ấy không chỉ là một thái độ của trí tuệ, mà đã trở thành lối sống của người Kitô hữu – lối sống yêu thương phục vụ, lối sống hy sinh và quên mình. Xét cho cùng, đức tin không Tình yêu là ngọn đèn không cháy sáng.
Giờ đây chúng ta sắp cùng nhau tuyên xưng đức tin, đức tin mà Phêrô đã tuyên xưng trong bài Tin Mừng. Xin Chúa giúp chúng ta biết thể hiện đức tin trong cuộc sống bằng cách bước theo Chúa trên con đường hy sinh từ bỏ, với niềm xác tín rằng, đằng sau thập giá là vinh quang Phục sinh mà Chúa đã dành sẵn cho những ai trung tín bước theo Ngài.
Antôn Trần Thanh Long, OP.
|