MIỀN TRUNG NHIỀU NƠI CHỚI VỚI TRONG LŨ
Trưa 08-11, nhiều nơi ở miền Trung tiếp tục chìm sâu trong nước lũ, đặc biệt là các vùng nông thôn. Nước lũ chia cắt và cô lập nhiều vùng. Ít nhất đã có 5 người thiệt mạng trong lũ.
Đà Nẵng: Lũ bao vây phố xá, làng mạc
Đến trưa 08-11, mực nước lũ ở các vùng ngoại ô Đà Nẵng vẫn ở mức cao, nhiều khu khu dân cư bị ngập rất nặng khiến người dân đi lánh nạn chưa thể về nhà. Tại huyện Hòa Vang, ở các xã Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Phước… thôn làng vẫn còn bị nhấn chìm trong nước.
Nặng nhất là tại xã Hòa Phong nước vẫn còn ngập quá cửa sổ, nhiều gia đình phải trèo lên mái nhà che chắn bạt tạm bợ để ẩn nấp. Ông Lâm Tiến Sỹ, chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết ngay trong đêm tối 07-11, khi nước lũ lên cao xã đã cử cán bộ dùng thuyền máy đưa tất cả người già và trẻ em đi lánh nạn. Rất may là các hộ dân ở vùng sạt bên mép sông Túy Loan kịp thời di dời trước khi 3 căn nhà đổ xuống sông trong đêm tối.
Toàn bộ giao thông bị tê liệt, chỉ còn lại thuyền ở Hòa Phong, Đà Nẵng
Cứu vớt những tài sản còn sót lại sau lũ ở Hòa Phong, Hòa Vang
Anh Nguyễn Hữu Hiên đang cố bơi tiếp cận vào căn nhà của người chị ruột chìm trong lũ ở thôn Cẩm Toại Trung (Hòa Vang)
Nước ngập dâng cao ở xã Hòa Nhơn, Hòa Vang
Người dân bơi đi mua thực phẩm - Ảnh: ĐĂNG NAM
Còn tại xã Hòa Liên, nước lũ bao vây cả làng, nhiều người dân buộc phải chạy lên đường tránh Hải Vân - Túy Loan để ở tạm. Riêng tại khu vực nội thành đến sáng 08-11, nước nhiều điểm trên quốc lộ 1A như Ngã Ba Huế, đoạn trước khu công nghiệp Hòa Khánh vẫn còn ngập 0,4m. Cảnh sát giao thông đã có mặt tại các vị trí xung yếu để phân luồng, cấm xe cộ đi qua vùng nước chảy xiết.
Ở các khu phố thuộc phường Hòa An, Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), nước lũ vẫn còn ngập nhà dân đến nửa người. Nguyên nhân ngập cục bộ tại các vị trí này theo người dân, là do các đơn vị thi công các công trình lấp hết các miệng cống xung quanh.
Huế: nhiều cụm dân cư ngập rất sâu
Sáng 08-11, mưa lớn trên diện rộng, kèm theo lượng nước hai thủy điện đầu nguồn của tỉnh Thừa Thiên - Huế là Bình Điền và Hương Điền tiếp tục xả lũ, làm nước lũ dâng rất cao.
Cả TP Huế và nhiều huyện vùng đồng bằng của tỉnh này chìm rất sâu trong nước. Tất cả các tuyến đường quốc lộ, từ 1A, đường tránh trung tâm TP Huế, quốc lô 49 A, B và C đều bị ngập, có đoạn sâu đến hơn 1m, có nơi tắc nghẽn cục bộ do sạt lở. Riêng đường quốc lộ 1A đoạn qua TP Huế, có đến ba đoạn bị chặn do ngập sâu. Các tuyến đường tỉnh đều chìm rất sâu, cô lập hàng trăm cụm dân cư.
Riêng ở TP Huế kể từ rạng sáng, nước lũ ngập nặng nhất kể từ đầu năm đến nay. Rất nhiều tuyến đường khu vực trung tâm hoàn toàn bị tắc nghẽn, người dân chỉ có thể đi lại bằng thuyền. Nhiều điểm di tích Huế cũng bị ngập sâu, phải tạm đóng cửa không đón khách tham quan.
Trong đợt lũ này, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tạm di dời ít nhất 30.000 hộ dân ra khỏi vùng xung yếu, sạt lở sông và biển. Có ít nhất 1 người chết, đó là em Nguyễn Hữu Khá, 14 tuổi, học sinh lớp 8 tại xã Thượng Long, huyện Nam Đông bị thiệt mạng. Buổi sáng, công an phường An Đông - TP Huế cũng đã vớt được một thi thể trôi dạt vào bờ.
Cảnh sát giao thông Hương Thủy và TP Huế đã phải lập chắn để trung chuyển người dân qua đoạn đường do nước ngập cao - Ảnh: TIẾN LONG
Cụ Tống Thị Khoai, 86 tuổi trú tại tổ 11 khu vực 1 phường Phú Bình - TP Huế đang dọn lũ - Ảnh: THÁI LỘC
Nước ngập rất sâu, bà Trần Thị Bé, 40 tuổi ở khu vực 1 phưởng Phú Bình (Huế) đang lội nước đi mua thức ăn trưa, ngày 08-11 - Ảnh: THÁI LỘC
Một góc trung tâm TP Huế trưa 08-11 - Ảnh: THÁI LỘC
Đường sắt đoạn chắn La Chu thuộc cung đường Văn Xá - Huế bị ngập sâu - Ảnh: THÁI LỘC
Người dân Huế trong ngày 08-11 chủ yếu đi lại bằng thuyền. Nước ngập sâu khiến đường trở thành nơi vớt cá của một số dân mặt tiền đường Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh: THÁI LỘC
Ảnh: TIẾN LONG
(Tuổi Trẻ)
|