GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19 (18/7/2021)
1. Chuyện chúng mình:
PHÍA SAU BỨC ẢNH NHỮNG ĐỨA TRẺ MẶC ĐỒ BẢO HỘ ĐI CÁCH LY
Bức ảnh nhói lòng
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, bức ảnh trên được một cán bộ ở Trung tâm y tế H. Sơn Hòa (Phú Yên) chụp lại. Những cháu nhỏ trong ảnh là con của những người ở H. Sơn Hòa (Phú Yên) mắc Covid-19 (F0).
Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND H. Sơn Hòa, xác nhận sự việc trên và cho biết: “Hiện có 17 cháu cùng ở với cha mẹ tại khu cách ly tập trung của H. Sơn Hòa và 4 cháu khác theo ba mẹ cách ly tại Bệnh viện (BV) dã chiến Đông Hòa (Phú Yên). Do không có người thân chăm sóc các cháu nên bất đắc dĩ cha mẹ đem các cháu đi cùng vào khu cách ly”, ông Bắc thông tin chung.
Cư dân mạng đặt câu hỏi, với độ tuổi còn quá nhỏ như các cháu thì có cần thiết phải đi cách ly tập trung hay không? Theo quy định của Bộ Y tế (CV 897), F1 trẻ em từ 5 tuổi trở xuống cách ly tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, còn trẻ trên 5 - 15 tuổi thì thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, nếu 3 lần âm tính thì cách ly tại nhà.
Bác sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, Phó giám đốc Trung tâm y tế H. Sơn Hòa, cho biết trong bức ảnh chụp có 6 cháu, lớn nhất 5 tuổi và nhỏ nhất 15 tháng tuổi. Theo bác sĩ Nhàn: “Trong hình có thể thấy 4 cháu mặc đồ bảo hộ (phía trước), trong đó 1 cháu là F0, còn lại 3 cháu là F1. Các cháu đi theo bố mẹ vì trong gia đình chỉ có những người đó thôi. H. Sơn Hòa là vùng nông thôn nên không ai chăm sóc các cháu. Lúc đó, chúng tôi cho mặc đồ để chuyển đi cùng với cha mẹ từ khu điều trị BV Sơn Hòa đến BV dã chiến Tx. Đông Hòa. Trong quá trình chuyển đi, các cháu mặc đồ này để phòng dịch”, bà Nhàn nói.
BV dã chiến Đông Hòa là nơi đang điều trị cho các ca nhiễm Covid-19, nhưng được chia làm nhiều khu, trong đó có khu cách ly những nhóm người nguy cơ nhiễm cao.
Đảm bảo chăm sóc chu đáo trong khu cách ly
Tối 29.6, trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên, cho biết thêm: “Việc cách ly đối với trẻ em đã được Bộ Y tế quy định rõ. Chúng tôi thực hiện đảm bảo quyền của trẻ em theo quy định. Khi có kết quả xét nghiệm của các cháu âm tính thì chuyển các cháu về nhà cách ly theo quy định”.
Còn bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh, thông tin Bộ Y tế có quy định rõ về độ tuổi của các cháu cách ly như thế nào, chăm sóc ra sao. Quy định rất đầy đủ, đảm bảo quyền trẻ em. Trẻ vào khu cách ly được chăm sóc miễn phí hoàn toàn, rất bài bản.
“Đội ngũ nhân viên y tế trong khu cách ly sẽ chăm sóc trẻ em khác hơn so với người lớn, làm sao để trẻ cảm thấy như đang ở nhà. Trường hợp trẻ không có người thân sẽ được chăm lo, quan tâm đặc biệt của nhân viên y tế”, bà Hiền nói và cho biết những trẻ em trong khu cách ly còn được Quỹ hỗ trợ trẻ em hỗ trợ một phần kinh phí; đồng thời kêu gọi, vận động thêm nguồn lực bên ngoài để tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Nói về những bức ảnh trẻ em trong khu cách ly gây sốt trên mạng xã hội, bà Hiền bày tỏ: “Bất kỳ ai nhìn thấy những hình ảnh này đều rất xót xa. Thương các cháu vô cùng! Nhưng trong lúc đại dịch bùng phát, theo quan điểm của tôi, mình cũng phải tập cho các con kỹ năng thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, bởi hiện nay ai cũng có thể sẽ trở thành F0 hoặc F1”. Hiện Sở LĐ-TB-XH tỉnh đang huy động các nguồn lực để mang sữa vào, tăng cường dinh dưỡng cho các cháu.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khẳng định: “Những cháu thuộc F0 cần phải ở trong khu cách ly y tế để điều trị. Nếu các cháu là F1 mà có người thân để chăm sóc thì sẽ bố trí khu cách ly phù hợp có điều kiện tốt hơn khu cách ly hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay các cháu không có người chăm sóc nên tạm thời bố trí khu cách ly phù hợp theo lứa tuổi các cháu. Hiện các cháu được chăm sóc rất tốt”.
2. Những con số biết nói
Stt
|
Quốc gia
|
Được chữa khỏi
|
Tử vong
|
Tổng số
|
1
|
Hy Lạp
|
414.538
|
12.816
|
455.754
|
2
|
Thái Lan
|
278.184
|
3.240
|
391.989
|
3
|
Palestine
|
310.525
|
3.587
|
315.641
|
4
|
Việt Nam
|
10.3080
|
225
|
50.946
|
|
…
|
|
|
|
|
Thế giới
|
173.774.672
|
4.098.282
|
190.741.106
|
Cập nhật lúc 6g30, ngày 18.07.2021
3. Khuôn vàng thước ngọc (Mc 6,30-34; Chúa nhật, tuần XVI Thường niên)
Thực hiện xong công tác thừa sai, các Tông Đồ báo cáo với Đức Giêsu về những gì các ông đã làm và đã dạy. Đức Giêsu thúc đẩy các ông rút lui vào một nơi thanh vắng. Chi tiết này cho thấy Đức Giêsu quan tâm đến bản thân các môn đệ. Ở đây, nhóm các Tông Đồ là hình ảnh của cộng đoàn Kitô hữu phải dấn thân trong hoạt động thừa sai, nhưng cũng cần có thời gian yên tĩnh.
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã không ngại dùng hình ảnh mục tử và đoàn chiên để diễn tả mối tương quan săn sóc của Ngài đối với dân của mình. Bởi đó, trong bài đọc thứ nhất, chúng ta thấy dường như Thiên Chúa không thể ngồi yên khi thấy dân của Ngài bị các mục tử xấu xua đuổi và bỏ rơi. Thiên Chúa đã nặng lời khiển trách họ: “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA– Vì thế, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa Israel, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng” (Gr 23,1-2). Và rồi chính Chúa đã hứa sẽ ban cho đoàn chiên của Ngài những mục tử như lòng Ngài hằng mong ước. Vị mục tử mà Đức Chúa hứa sẽ ban cho dân Ngài chính là Đức Giêsu.
Thật vậy, bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho thấy, thay cho một Thiên Chúa xa cách, lạnh lùng và nghiêm khắc, Đức Giêsu bày tỏ cho chúng ta thấy một Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người để sống cùng, sống với và yêu thương họ. Đặc biệt, Đức Giêsu cũng mặc khải cho chúng ta thấy một Thiên Chúa mang lấy trái tim của con người để biết thế nào là đau khổ và để cảm thông với những yếu đuối tội lỗi cũng như để chạnh lòng thương xót những kẻ khốn cùng.
Với trái tim nhân lành, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt. Thực ra, đám người lầm than vất vưởng này vẫn có chủ chăn; chỉ có điều, chủ chăn của họ không còn là mục tử mà đã biến thành những kẻ chăn thuê, không màng đến đàn chiên của mình. Trái lại, là mục tử, Đức Giêsu đã đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Ngài chọn con người là đối tượng để yêu thương và phục vụ, bất chấp những chống đối của những người biệt phái giả hình, vốn chỉ là những kẻ chăn thuê. Đức Giêsu sẵn sàng làm phép lạ trong ngày sabbath để cứu chữa những người bị quỷ ám và bệnh tật; cho dù vì thế mà Ngài bị kết án là vi phạm lề luật. Đối với Đức Giêsu, lề luật, đặc biệt là luật ngày sabbath được lập ra là để phục vụ và cứu sống chứ không phải để giết chết con người.
Thế nhưng, ngày hôm nay, quyền sống và được sống cho ra người, xem ra lại đang bị nhân loại này chà đạp và khinh rẻ một cách trầm trọng. Văn minh nhân loại thời nay dường như đang bước vào giai đoạn đầy mâu thuẫn; một mặt người ta đấu tranh cho quyền của súc vật và muốn cho súc vật được đối xử như con người; nhưng mặt khác, những quyền cơ bản nhất của con người lại bị từ chối và bị chà đạp không chút xót thương, đó là quyền được sống và sống cho xứng hợp với phẩm giá của họ. Chẳng hạn, người ta sẵn sàng bạo hành và thậm chí sát hại các trẻ em là những con người không có khả năng tự vệ. Người ta đòi hỏi cho thú cưng những quyền hạn bất khả xâm phạm, nhưng lại chối bỏ quyền làm người của các trẻ thơ. Đó chẳng phải là lối cư xử tàn nhẫn mà con người dành cho nhau sao?
Nếu như Thiên Chúa đã chọn con người và từng người chúng ta làm đối tượng yêu thương của Ngài; thì đến lượt mình, chúng ta cũng không có con đường nào khác ngoài con đường yêu thương và phục vụ tha nhân như phục vụ chính Đức Giêsu.
Lạy Chúa, cuộc đời của chúng con luôn bị vây bọc bởi những ồn ào náo nhiệt, đến độ chẳng còn nghe được tiếng Chúa mời gọi. Xin cho chúng con biết tìm đến những nơi thanh vắng, tránh xa phiền não của cuộc đời, để chúng con có thể gặp được Chúa và nhìn ra con người thật của chính mình. Xin đừng để những sôi nổi của thành công làm chúng con tự mãn; nhưng cũng đừng để những ê chề của thất bại dập tắt lửa nhiệt thành nơi trái tim chúng con. Xin mở rộng tâm can để chúng con cũng biết động lòng trắc ẩn với những ai sầu khổ. Và xin đừng để những ích kỉ hẹp hòi khép chặt lòng chúng con trước những kẻ cơ cầu.
4. Lời bàn
- Đức Giêsu chạnh lòng thương dân chúng, vì họ giống như đoàn chiên không có mục tử chăn dắt. Ngài xử sự như vị Mục Tử chăm lo cho đoàn chiên, dùng lời và bánh mà nuôi sống đoàn chiên. Như thế, Ngài tỏ mình là Mục Tử, là Môsê mới, Đavít mới. Ngài còn thi hành chức năng Ngôn Sứ, đem lại cho đoàn chiên lương thực thiêng liêng là Lời Chúa. Nơi Đức Giêsu, ứng nghiệm những lời Cựu ước tiên báo về những kỳ công của Thiên Chúa do Đấng Mêsia thực hiện vào thời cuối cùng: bánh hoá nhiều gợi lại manna trong sa mạc. Dân chúng đông đảo tụ họp chung quanh Đức Giêsu tượng trưng cho cộng đồng Dân mới đứng trước Đức Giêsu là Mục Tử, là Ngôn sứ và Mêsia của thời cánh chung. Ngài dọn cho họ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể: Ngài dạy dỗ và nuôi sống họ. Còn các môn đệ, sau khi được tham dự sứ mạng rao giảng, cũng được Đức Giêsu cho tham dự vào công việc nuôi dưỡng đoàn chiên của Chúa. Giữa cơn đại dịch đang bùng phát khắp nơi, các vị mục tử trong Giáo Hội cũng được mời gọi noi theo gương Thầy Chí Thánh mà hiến thân phục vụ. Vào lúc này, khi mà mọi người đang oằn mình hứng chịu những khổ đau, chúng ta thực sự cần những người mục tử chân chính, dám liều mình vì đoàn chiên chứ không cần những kẻ chăn thuê, thích ngồi yên một chỗ rồi chỉ tay năm ngón.
- Khi các môn đệ hoàn thành sứ mạng trở về, họ vui mừng khoe những thành quả đạt được với Đức Giêsu. Thế nhưng cùng lúc ấy, đám dân chúng muốn được nghe Đức Giêsu lại xuất hiện và “phá đám” các ngài, đến nỗi các ông chẳng có thì giờ để dùng bữa và nghỉ ngơi. Vậy nên Đức Giêsu và các môn đệ muốn tìm nơi thanh vắng phía bên kia bờ hồ để khi đó có thì giờ yên tĩnh mà nghỉ ngơi đôi chút. Khi ra đi, chắc hẳn các môn đệ cũng mang nơi mình nhiều nghi ngại vì không có Thầy bên cạnh. Có lẽ họ chưa đủ tự tin. Chính vì vậy, ngày trở về, họ phấn khởi biết là chừng nào. Họ quy tụ với Thầy không đơn giản chỉ là để tíu tít về những trải nghiệm đã qua, nhưng có lẽ niềm vui lớn hơn cả đó là lại được ở với Chúa. Thay cho thứ niềm tin còn chút mông lung khi cất bước ra đi, giờ là lúc họ thấu hiểu được tình thương mà Thầy luôn trao tặng cho họ và cho cả dân chúng nữa. Ngoài ra, hẳn rằng các môn đệ cũng sẽ nhận ra một điều quan trọng khác đối với họ đó là, nhờ “trộm vía” của Thầy mà đôi tay nhuốm bụi trần của họ lại có khả năng thực hiện những điều lớn lao, kỳ thú. Chẳng có gì ngăn cản chúng ta nghĩ rằng, ngoài chuyện báo công, biết đâu họ lại xin Thầy “chuẩn y” để có thể tiếp tục lao vào một cuộc phiêu lưu mới?
- Đời sống đức tin là một hành trình liên tục lặp đi lặp lại việc “Nói với Chúa và Nói về Chúa”, tức là phải giữ nếp sống cầu nguyện đi đôi với việc rao giảng hay làm chứng cho Chúa. Là môn đệ của Chúa, thật khó tin nếu chúng ta suốt ngày viếng nhà thờ đọc kinh hoặc “lọ mọ” nơi cung nguyện nhằm cho thấy mình đạo đức hơn người. Ở chiều ngược lại, người môn đệ của Chúa lại không phải lúc nào cũng rong ruổi ở trên đường. Họ cần có những lúc nghỉ ngơi, cần chu toàn những phận vụ của trần thế và cũng cần khoảng lặng để tích lũy năng lượng cho những cuộc hành trình mới. Nói một cách khác, chúng ta đừng để mình trở thành một người tham công tiếc việc mà bỏ qua những giờ ngồi nghỉ ngơi bên Chúa; nhưng cũng đừng nại đến việc cầu nguyện mà thành người ù lì trong những cam kết dấn thân.
- Chiên sẽ không tự tìm được đường đi nếu như không có ai đó dẫn lối. Cuộc sống của con người cũng thế, dù cách này hay cách khác, chúng ta luôn cần đến những người thầy hướng dẫn cho mình. Cũng giống như bầy chiên sẽ luôn đối diện với hiểm nguy một khi không có người mục tử bên cạnh, cuộc đời chúng ta rất có thể cũng sẽ phải đương đầu với những thử thách thực sự, một khi không có ai đó chỉ lối đưa đường. Những dun dủi của cuộc đời có thể sẽ đẩy chúng ta tới những ngã rẽ, và rồi chúng ta trở nên hoang mang vì không biết nên chọn hướng nào cho đúng. Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trao trọn niềm tin vào vị hoa tiêu của mình, đó chính là Đức Giêsu. Ở bên Ngài, chúng ta không những kín múc được nguồn trợ lực mà sẽ còn tìm được những lối mở bình an. Ở bên Chúa, chúng ta có cơ hội để đan dệt những khung trời đầy thân ái và khơi thông những mạch suối yêu thương.
- “Bất kỳ ai nhìn thấy những hình ảnh này đều rất xót xa. Thương các cháu vô cùng! Nhưng trong lúc đại dịch bùng phát, theo quan điểm của tôi, mình cũng phải tập cho các con kỹ năng thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, bởi hiện nay ai cũng có thể sẽ trở thành F0 hoặc F1”. Tình hình dịch bệnh mỗi lúc một trở nên trầm trọng, nếu không muốn nói là chúng ta đang dần mất kiểm soát, thì những hình ảnh đáng thương như thế này sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ai đó nói với chúng ta rằng, mỗi đứa trẻ là một thiên thần nhỏ sống trong thế giới thần tiên của mình ngay trên mặt đất. Thế nhưng, nếu nhìn vào thực tế, thế giới thần tiên đang dần dị thu hẹp, nhuốm màu sợ hãi và đôi cánh các thiên thần như dần teo nhỏ lại, đến độ chúng không tự nhấc nổi mình lên khỏi mặt đất. Là người dưng, chúng ta còn cảm thấy chạnh lòng như thế; còn nếu là cha mẹ của các em, không biết là họ còn xót xa biết là chừng nào. Những đứa trẻ chưa quen với việc thiếu vắng cha mẹ bên cạnh thật là đáng thương. Tâm hồn các em hồn nhiên trong sáng đấy, nhưng cũng rất dễ bị tổn thương. Những bậc sinh thành chẳng mấy ai muốn sống xa con, trừ khi là họ không làm gì khác được. Maria Montessori từng nhận xét: “Những điều trẻ nhìn thấy không chỉ được ghi nhớ; nó còn trở thành một phần tâm hồn của đứa trẻ”. Chúng ta mong sao những khó khăn mà các bé đang phải hứng chịu hôm nay sẽ không để lại bất kì di chứng nào đáng tiếc cho cuộc sống mai này. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương với đám đông ô hợp, lam lũ và đói khổ tuôn đến với mình. Hôm nay đây, chúng ta cũng mong Chúa thương ghé mắt nhìn và nâng đỡ tất cả những ai đang sầu khổ vì bệnh tật, đói khát và thất vọng, nhất là các trẻ thơ đang một mình đối diện với cô đơn ở những nơi cách ly mà không hề có mẹ cha bên cạnh đỡ đần.
Viết Cường, O.P.
|