Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
SỨ ĐIỆP CỦA THƯỢNG HĐGM THẾ GIỚI LẦN THỨ 12 (VỀ LỜI CHÚA) GỬI CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA

Trong phiên khoáng đại thứ 21, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (THĐ) đã thông qua sứ điệp sau cùng. Vị giáo phẩm có nhiệm vụ soạn thảo sứ điệp này là Đức Tổng Giám Mục Gianfranco Ravasi. Bản dự thảo đã được vị Tổng Giám Mục này trình bầy lần đầu ngày 18 tháng Mười và ai cũng đồng ý đây là một trong những bản văn đẹp đẽ nhất nhưng hơi dài (hơn 10 trang). Bởi thế, để sứ điệp dễ được nhiều người đọc hơn, THĐ đã đưa ra đề nghị: công bố một phiên bản ngắn hơn, chừng 2 trang. Do đó mà có Bản “Tóm Lược Sứ Điệp gửi Dân Chúa của THĐ Giám Mục”. Đây không phải là bản văn chính thức, nhưng đã được Văn Phòng Tổng Thư Ký của THĐ phân phối rộng rãi.

Vì tầm ích lợi của bản văn chính thức, một bản văn đã được soạn với “một lòng say mê, một thứ
pathos” như chính Đức TGM Ravasi cho hay, chúng tôi cho đăng đầy đủ Sứ Điệp gửi Dân Chúa của THĐ Giám Mục, một THĐ được triệu tập chỉ với mục đích duy nhất: mời gọi tín hữu tiếp nhận phương thức tới gần Thánh Kinh của Soren Kierkegaard: "Bạn phải đọc Sách Thánh như người yêu đọc thư người yêu dấu … Sách Thánh đã được viết cho một mình tôi”. Mời bạn đọc cùng đọc trọn Bức Thông Điệp:

Thưa anh chị em,
 
“Xin Thiên Chúa Ngôi Cha và Chúa Giêsu Kitô ban bình an, tình yêu và đức tin cho tất cả anh chị em. Xin ơn thánh Chúa ở cùng mọi người biết yêu mến Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trong cõi sống bất diệt”. Với lời chào kính nhiệt tình và thiết tha ấy, Thánh Phaolô đã kết thúc bức thư ngài gửi cho tín hữu Êphêsô (6:23-24). Cũng với những lời ấy, chúng tôi, Các Nghị Phụ của THĐ, tụ tập tại Rôma tham dự Phiên Họp Thường Lệ Lần Thứ XII của THĐ Giám Mục, dưới sự dìu dắt của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, xin mở đầu sứ điệp gửi tới chân trời mênh mông gồm tất cả những ai, thuộc nhiều vùng khác nhau trên thế giới, đang bước chân theo Chúa Kitô làm môn đệ và hằng tiếp tục yêu mến Người bằng một tình yêu bền vững.
 
Một lần nữa, trong khi nhắc lại lời mời gọi xưa, chúng tôi xin đề nghị với những người ấy tiếng nói và ánh sáng của Lời Chúa: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30:14). Chính Thiên Chúa nói với mỗi người chúng ta: “Hỡi con người, tất cả những lời Ta phán với ngươi, hãy ghi lòng tạc dạ và nghe cho tỏ” (Ed 3:10). Chúng tôi xin đề nghị với anh chị em một cuộc hành trình thiêng liêng gồm bốn giai đoạn. Cuộc hành trình này sẽ đưa chúng ta khởi từ cõi vĩnh hằng và bản tính vô cùng của Thiên Chúa xuống tới các mái nhà và khu phố đô thị ta.
 
I. Tiếng Chúa: Sự Mạc khải

1. "Rồi Chúa phán với anh em từ giữa đám lửa; anh em nghe thấy tiếng nói nhưng không thấy hình bóng nào, chỉ có tiếng thôi” (Đnl 4:12). Đấy là lời của Môsê đang nhắc lại kinh nghiệm sống của dân Do Thái trong nơi hoang sơ cay đắng của sa mạc Sinai. Chúa không hiển hiện trong một tranh vẽ, một hình tạc hay một bức tượng, nhưng trong tiếng nói bằng lời. Chính tiếng nói ấy đã đi vào hiện trường của buổi đầu sáng thế, khi nó xé tan cõi thinh lặng của hư không: “Lúc khởi đầu… Thiên Chúa phán, ‘Hãy có ánh sáng’ và liền có ánh sáng…Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời: Ngôi Lời ở với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Người, mọi sự được tạo thành, và nếu không có Người, thì chẳng có sự gì được tạo thành” (St 1:1.3; Ga 1:1.3).

Sáng thế không phát sinh từ cuộc đấm đá giữa các thần minh, như huyền thoại xưa của Lưỡng Hà từng dạy, nhưng từ một lời nói đánh bại hư không mà tạo ra mọi sự. Thánh vịnh gia từng ngâm ngợi: “Nhờ lời Chúa, các tầng trời đã được tạo nên, nhờ hơi thở từ miệng Người, muôn tinh tú được tạo thành…Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33:6, 9). Và Thánh Phaolô lặp lại rằng: Thiên Chúa “làm cho kẻ chết được sống và truyền khiến những gì không có bước vào cõi có” (Rm 4:17). Thế là cuộc mạc khải “có tính vũ trụ”lần đầu đã biến sáng tạo nên như một trang sách mênh mông mở sẵn ra trước mặt toàn thể nhân loại, trong đó, sứ điệp của Đấng Hóa Công có thể đọc thấy như sau: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời lẽ, chẳng một âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 19:2-5).

2. Tuy nhiên, lời Thiên Chúa còn là nguyên ủy cho lịch sử con người. Con người, vì được Thiên Chúa dựng nên “theo hình ảnh của chính Người” (St 1:27) và được mang trong mình dấu ấn của Người, nên có thể bước vào đối thoại với chính Đấng Hóa Công mà cũng có thể quay gót xa lánh và từ khước Người bằng tội lỗi. Như thế, lời Chúa vừa cứu vớt vừa kết án, vào thật sâu trong cấu trúc chằng chịt của lịch sử trong mọi ký sự và biến cố: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3:7-8). Do đó, Đấng thần thiêng đã hiện diện trong các biến cố của con người và các biến cố này, nhờ hành động của chính Chúa lịch sử, đã được tích nhập vào kế hoạch cứu rỗi lớn hơn dành cho “mọi người cần được cứu rỗi và đạt tới hiểu biết chân lý hoàn toàn” (1 Tm 2:4).

3. Thành thử, lời đầy hiệu lực, đầy sáng tạo và cứu vớt của Chúa chính là nguồn gốc của hiện hữu và lịch sử, của sáng tạo và cứu chuộc. Thiên Chúa, khi gặp gỡ con người, đã tuyên bố: “Ta, Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm” (Ed 37:14). Thế là, tiếng Chúa nói đã bước vào lời được viết ra, vào hình thức “Graphé” hay “Graphaí”, Sách Thánh, như Tân Ước thường nhắc lại. Môsê đã từ đỉnh Sinai bước xuống “tay mang hai tấm bia Chứng Ước; những bia ấy có viết cả hai mặt, mặt trước cũng như mặt sau. Những bia ấy là do Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ của Thiên Chúa, khắc trên các bia” (Xh 32:15-16). Môsê truyền cho dân Israel phải gìn giữ và viết lại “các bia giới luật” này: “Anh em hãy viết trên các tảng đá mọi lời của Luật này: hãy viết rõ ràng” (Đnl 27:8).

Sách Thánh “mang chứng tá” cho lời Chúa dưới hình thức chữ viết. Chúng ký ức hóa biến cố mạc khải đầy sáng tạo và cứu rỗi bằng phương tiện quy điển, lịch sử và văn học. Cho nên, lời Chúa đi trước và đi quá bên kia Thánh Kinh là bộ sách cũng đã “được Thiên Chúa linh hứng” và chứa đựng lời Chúa đầy hiệu lực (xem 2Tm 3:16). Đó chính là lý do tại sao đức tin của ta không phải chỉ tập trung vào một cuốn sách, mà vào lịch sử cứu độ và, như sẽ thấy, vào một ngôi vị, tức Chúa Giêsu Kitô, Lời nhập thể của Thiên Chúa, vừa là người vừa là lịch sử. Chính vì lời Chúa có khả năng bao gồm và vượt quá Sách Thánh, nên sự hiện diện không ngừng của Chúa Thánh Thần, một sự hiện diện “sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13), hết sức cần thiết cho những ai đọc Sách Thánh. Thánh Truyền vĩ đại là đây: là sự hiện diện đầy hiệu quả của “Thánh Thần chân lý” trong Giáo Hội, người bảo quản Sách Thánh, một Sách Thánh được Huấn Quyền của Giáo Hội giải thích một cách chân chính. Thánh Truyền này giúp Giáo Hội hiểu được, giải thích được, thông truyền được và làm chứng được cho Lời Chúa. Khi loan báo kinh tin kính đầu hết của Kitô giáo, Thánh Phaolô cũng đã nhìn nhận nhu cầu phải “thông truyền” điều ngài “đã tiếp nhận” được từ Thánh Truyền (1 Cor 15:3-5).

II. Khuôn mặt lời Chúa: Chúa Giêsu Kitô

4. Trong nguyên ngữ Hy lạp, ta thấy có ba chữ căn bản sau đây: Lógos sarx eghéneto, "Lời đã thành xác thịt”. Mấy chữ đó không những là đỉnh cao của lời vàng ngọc đầy chất thơ và thần học là tự ngôn của Phúc Âm Thánh Gioan (Ga 1:14), mà còn là trái tim của đức tin của Kitô giáo. Lời trường cửu và thần thánh đã đi vào không gian và thời gian và đã mang lấy khuôn mặt và bản sắc nhân bản, đến độ ta có thể trược tiếp tới gần Người mà yêu cầu, như đám đông Hy lạp đã yêu cầu khi xưa tại Giêrusalem: “Chúng tôi muốn được gặp Đức Giêsu” (Ga 12:20-21). Lời không có mặt là lời thiếu sót, nó không thể hoàn tất cuộc gặp gỡ, như Gióp từng nhắc nhớ, lúc ông sắp kết thúc cuộc hành trình tìm kiếm đầy cảm kích của ông: “Trước đây, con chỉ biết Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (G 42:5).

Chúa Kitô là “Ngôi Lời ở với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1). “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo” (Cl 1:15); nhưng Người cũng là Đức Giêsu thành Nadarét từng rảo bước khắp đường xá một tỉnh ngoại vi của Đế Quốc Rôma, từng nói ngôn ngữ địa phương, từng biểu lộ các đặc điểm của một dân tộc, tức dân Do Thái, và nền văn hóa của nó. Cho nên, con người có thực là Giêsu Kitô quả là con người bằng xương bằng thịt, mỏng dòn và dễ chết; Người quả là lịch sử và nhân bản, nhưng Người cũng là vinh quang, thần thánh, huyền nhiệm: là Đấng mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta, một Thiên Chúa chưa có ai được nhìn thấy (xem Ga 1:18). Con Thiên Chúa tiếp tục là như thế ngay trong xác chết đang táng trong huyệt mộ và phục sinh chính là minh chứng sống động của sự kiện ấy.
5. Truyền thống Kitô giáo thường đặt Lời nhập thể của Thiên Chúa song song với cùng lời ấy đã được viết thành sách. Việc ấy đã xẩy ra trong kinh Tin Kính khi ta tuyên xưng rằng Con Thiên Chúa “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người”, và Kinh ấy cũng tuyên xưng rằng “Chúa Thánh Thần, đã dùng các tiên tri mà phán dạy”. Công Đồng Vatican II đã tổng hợp được truyền thống xa xưa ấy, một truyền thống theo đó “thân xác Chúa Con chính là Sách Thánh đã được truyền lại cho chúng ta” như Thánh Ambrose từng khẳng định (In Lucam VI, 33) – nhờ thế đã minh nhiên tuyên bố rằng “Vì lời Chúa, khi được phát biểu bằng ngôn ngữ nhân bản, đã trở nên như lời đàm luận của con người, giống hệt như Lời của Chúa Cha vĩnh cửu, khi mang lấy sự yếu đuối của thân xác nhân bản, đã trở nên như con người mọi đàng” (DV 13).

Thực thế, Thánh Kinh cũng là “xác thịt”, là “chữ viết”; nó tự phát biểu qua các ngôn ngữ đặc thù, dưới hình thức văn tự và lịch sử, qua các quan niệm dính liền với một nền văn hóa cổ xưa, nó duy trì ký ức đủ mọi biến cố, đôi khi hết sức bi thảm; các trang của nó rất thường hay đẫm máu và bạo lực, trong ấy vang dội đủ cả giọng cười sang sảng lẫn nước mắt chẩy thành dòng, tiếng than xé lòng của người sầu khổ và niềm vui hân hoan của những kẻ đang yêu. Để hiểu điều đó, chiều kích “thân xác” của nó đòi phải có một phân tích lịch sử và văn tự, tiến hành nhờ nhiều phương pháp và phương thức khác nhau của ngành chú giải Thánh Kinh. Mọi độc giả Sách Thánh, dù tầm thường nhất, cũng phải có một kiến thức tương đối nào đó về bản văn thánh, luôn phải nhớ rằng các lời Chúa được gói ghém trong các ngôn từ cụ thể, từng được lên khuôn và thích ứng để toàn thể nhân loại có thể nghe và hiểu được.

Đây quả là một cam kết cần thiết. Loại bỏ nó, người ta sẽ rơi vào chủ nghĩa cực đoan, một chủ nghĩa trên thực tế đã bác bỏ việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa trong lịch sử, vì đã không nhìn nhận rằng Lời này đã tự phát biểu mình ra trong Thánh Kinh bằng ngôn ngữ loài người, một ngôn ngữ phải được giải mã, nghiên cứu và hiểu rõ. Thái độ như thế đã quên rằng linh hứng của Thiên Chúa không hề xóa bỏ các bản sắc và nhân vật lịch sử nơi các tác giả phàm nhân của nó. Tuy nhiên, Sách Thánh cũng là Lời vĩnh cửu và thần thánh và vì vậy đòi phải có một cái hiểu khác do Chúa Thánh Thần ban. Người sẽ vén mở chiều kích siêu việt của lời Chúa vốn hiện hữu trong ngôn từ con người.

6. Như thế, ở đây, ta thấy sự cần thiết phải có “Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội” (DV 12) và đức tin mới hiểu được Thánh Kinh một cách trọn vẹn và thống nhất. Nếu chú tâm vào “chữ” mà thôi, Thánh Kinh sẽ chỉ còn là một tài liệu long trọng của quá khứ, một chứng tá đầy tôn qúy, đạo đức và văn hóa. Nhưng nếu loại bỏ Nhập Thể, nó sẽ rơi tọt xuống một thứ lưỡng nghĩa cực đoan, hay một thứ duy linh mơ hồ hoặc một thứ tâm lý học bình dân. Cho nên, nhận thức có tính chú giải phải được dệt một cách chắc chắn vào truyền thống thiêng liêng và thần học để sự hợp nhất thần nhân nơi Chúa Giêsu Kitô và nơi Thánh Kinh không bị phá vỡ.

Trong sự hòa hợp vừa được tái khám phá trên, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ toả ánh quang viên mãn và sẽ giúp ta khám phá ra một sự hợp nhất khác, đó là sự hợp nhất sâu sắc và thân thiết của Bộ Sách Thánh. Thực vậy, (Sách Thánh) có tất cả 73 sách, nhưng chúng hợp thành một “Quy Điển” duy nhất, trong cuộc đối thoại duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, trong kế hoạch cứu độ duy nhất. “Ở nhiều thời điểm khác nhau trong quá khứ và bằng nhiều phương cách khác nhau, Thiên Chúa đã nói với tổ tiên ta qua các tiên tri; nhưng đến thời ta, là thời sau cùng, Người đã nói với ta trong Con Một của Người” (Dt 1:1-2). Như thế, một cách phản hồi, Chúa Kitô đã soi sáng cho ta hiểu toàn bộ việc khai triển của lịch sử cứu độ và cho thấy sự gắn bó của nó, ý nghĩa và hướng đi của nó.

Người là dấu ấn, là “Anpha và Ômêga” (Kh 1:8) của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và các thụ tạo của Người từng được phân bổ qua thời gian và được chứng nghiệm trong Thánh Kinh. Chính dưới ánh sáng của dấu ấn sau cùng này, lời lẽ của Môsê và của các tiên tri có được “ý nghĩa đầy đủ”. Chính Chúa Giêsu xác nhận điều ấy trong buổi chiều mùa xuân xưa, khi Người thực hiện cuộc hành trình từ Giêrusalem tới thị trấn Emmaus, vừa đi vừa chuyện trò với Cleopas và người bạn của ông, giải thích “cho họ các đoạn Sách Thánh nói về Người” (Lc 24:27).

Tâm điểm của Mạc Khải đã chứng tỏ: Lời Chúa quả đã mang lấy một khuôn mặt. Đó chính là lý do tại sao tính chung cục tối hậu của nhận thức Thánh Kinh “không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một lý tưởng cao cả, nhưng là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người từng mang lại cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát” (thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, số 1).

III. Nhà của Lời Chúa: Giáo Hội

Đức khôn ngoan của Thiên Chúa trong Cựu Ước đã xây nhà tại các đô thị của con người, dùng bẩy trụ cột nâng đỡ nhà ấy thế nào (xem Cn 9:1) thì lời Chúa cũng xây nhà như thế trong Tân Ước. Giáo Hội lấy cộng đồng mẹ Giêrusalem làm mẫu mực cho mình. Giáo Hội được đặt nền trên Phêrô và các tông đồ và ngày nay, qua các giám mục hiệp thông với vị Kế Nhiệm của Phêrô, tiếp tục gìn giữ, công bố và giải thích lời Chúa (xem hiến chế LG 13). Trong Tông Đồ Công Vụ (2:42), Thánh Luca cho thấy kiến trúc của tòa nhà này đặt căn bản trên 4 cột trụ lý tưởng mà ngày nay vẫn còn được rất nhiều hình thức cộng đoàn giáo hội khác nhau làm chứng: “Họ trung thành với giáo huấn của các tông đồ, với tình huynh đệ, với việc bẻ bánh và với lời kinh nguyện”

7. Ở đây, trước nhất là giáo huấn của các tông đồ, tức việc giảng giải lời Chúa. Thực vậy, Thánh Tông Đồ Phaolô cho ta hay: “có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Chúa Kitô” (Rm 10:17). Lời người loan báo xuất phát từ Giáo Hội, một lời trình bầy tin mừng sơ truyền (kérygma) hay lời công bố đầu hết và căn bản nhất mà Chúa Giêsu từng công bố lúc bắt đầu sứ vụ công khai của mình: “giờ đã đến và nước Thiên Chúa đã gần kề. Hãy thống hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1:15). Khi công bố cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, các tông đồ đã loan báo việc khai mở nước Thiên Chúa, nghĩa là việc Thiên Chúa dứt khoát can thiệp vào lịch sử con người: “Chỉ nơi Người mới có ơn cứu độ; vì trong số mọi tên trên thế giới này dành cho con người, đây là tên duy nhất nhờ đó chúng ta được cứu vớt” (Cv 4:12). Kitô hữu làm chứng cho niềm hy vọng ấy “cách hiền hòa, kính trọng và với một lương tâm ngay thẳng”, song phải sẵn sàng liên lụy vào và có lẽ chịu để cho bão táp của xua đẩy và bách hại tràn ngập, vì biết rằng “thà chịu khổ vì làm việc lành, còn hơn là vì làm điều ác” ( 1 Pr 3:16-17).

Như thế, giáo lý đã vang lên trong Giáo Hội: giáo lý này nhằm thâm hậu hóa nơi Kitô hữu “việc hiểu biết mầu nhiệm Chúa Kitô dưới ánh sáng lời Chúa, để nhân tính toàn bộ nơi một con người được thấm nhiễm lời ấy” trong Kitô Giáo (Gioan Phaolô II, thông điệp Catechesi tradendae, 20). Nhưng điểm cao của việc giảng giải là ở bài giảng lễ, một bài giảng mà ngày nay, đối với nhiều Kitô hữu, vẫn còn là giờ phút chính yếu để họ gặp gỡ lời Chúa. Trong hành động này, thừa tác viên nên tự biến mình thành một tiên tri. Thực vậy, với một ngôn từ sáng sủa, thẳng thắn và sắc sảo cũng như có chất lượng, không những vị này phải công bố một cách có thẩm quyền “các công trình kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ” (SC 35), bằng cách trước nhất đọc một cách rõ ràng và sinh động các bản văn thánh đã được đề nghị trong phụng vụ, mà còn phải khai triển các bài đọc đó sao cho có liên hệ với kinh nghiệm sống của người nghe và làm cho tâm hồn họ nở rộ câu hỏi làm thế nào để hồi tâm và dấn thân: “Thưa anh em, chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2:37).

Do đó, việc giảng giải, dạy giáo lý và bài giảng lễ giả thiết phải có việc đọc và việc hiểu, việc giải thích và cắt nghĩa, có sự tham dự của cả trí khôn lẫn tâm hồn. Nhờ thế, trong việc giảng giải, ta thực hiện một chuyển động kép. Một chuyển động giúp ta trở về gốc rễ của bản văn thánh, trở về các biến cố, những lời đầu hết của lịch sử cứu độ, để hiểu chúng trong ý nghĩa và trong sứ điệp của chúng. Chuyển động kia giúp ta quay về với hiện tại, về với cái ngày nay đang được những người nghe và đọc này sống, luôn với Chúa Kitô trong trí khôn, Đấng vốn là ánh sáng dẫn đường nhằm kết hợp mọi Sách Thánh. Đó là điều Chúa Giêsu đã làm, như đã nói ở trên, trong cuộc hành trình từ Giêrusalem đi Emmaus với hai môn đệ. Đấy cũng là điều phó tế Philíp đã làm trên đường từ Giêrusalem tới Gaza, khi ông đàm đạo với người viên chức Ethiopia: “Ngài có hiểu điều ngài đang đọc không?... Làm sao tôi hiểu được, nếu không có người hướng dẫn?” (Cv 8:30-31). Và kết quả cuối cùng phải là cuộc gặp gỡ trọn vẹn với Chúa Kitô trong bí tích. Thế là xuất hiện cột trụ thứ hai nâng đỡ Giáo Hội, căn nhà của lời Chúa.

8. Tức việc bẻ bánh. Khung cảnh tại Emmaus (xem Lc 24:13-35) một lần nữa lại hết sức điển hình, và tái diễn những gì vẫn xẩy ra hàng ngày trong các nhà thờ: bài giảng của Chúa Giêsu nói về Môsê và các tiên tri nhường chỗ cho việc bẻ Bánh Thánh Thể tại bàn thánh. Đây là giây phút Thiên Chúa đích thân đàm thoại với dân của Người. Đây là hành vi của giao ước mới được đóng ấn bằng máu Chúa Kitô (xem Lc 22:20). Nó là công trình tối cao của Ngôi Lời, Đấng đã tự hiến làm của ăn trong thân xác hiến sinh của mình, nó là nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Trình thuật Phúc Âm về Bữa Tiệc Ly, hay việc tưởng niệm lễ hy sinh của Chúa Kitô, khi được công bố trong cử hành Thánh Thể, nhờ sự khẩn cầu của Chúa Thánh Thần, đã trở nên một biến cố và một bí tích. Đó chính là lý do khiến Công Đồng Vatican II tuyên bố trong một đoạn xúc tích rằng: “Giáo Hội luôn tôn kính Sách Thánh giống như tôn kính mình Chúa Kitô vậy, vì đặc biệt trong phụng vụ thánh, Giáo hội không ngừng tiếp nhận và đem lại cho tín hữu bánh sự sống từ bàn tiệc có cả Lời Chúa lẫn mình thánh Chúa Kitô” (DV 21). Cho nên, “phụng vụ lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể liên hệ mật thiết với nhau đến nỗi đã tạo thành một hành vi thờ phượng duy nhất” (SC 56), và điều này phải được đem trở lại với tâm điểm của cuộc sống của Kitô hữu.

9. Cột trụ thứ ba nâng đỡ tòa nhà thiêng liêng của Giáo Hội, nhà của lời Chúa, được tạo thành bởi lời cầu nguyện, dệt bằng “các thánh vịnh và thánh thi cũng như các thánh ca linh hứng” (Cl 3:16) như lời Thánh Phaolô nhắc nhở. Hình thức ưu tuyển dĩ nhiên là Phụng Vụ Các Giờ Kinh, lối cầu nguyện ưu tú của Giáo Hội, vốn nhằm giữ nhịp cho các ngày và mùa của năm Kitô giáo, mang lại thức ăn hàng ngày cho tín hữu đặc biệt nhờ nội dung Thánh Vịnh. Bên cạnh lối thực hành này và việc cử hành lời Chúa của cộng đoàn, truyền thống còn đưa vào lối Đọc Lời Chúa (Lectio divina), một lối vừa đọc vừa cầu nguyện trong Chúa Thánh Thần, một lối đọc có khả năng mở ra cho tín hữu cả một kho tàng lời Chúa, đồng thời tạo ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời ban sự sống của Thiên Chúa. Lối đọc này bắt đầu với việc đọc (lectio) bản văn, việc đọc này sẽ gợi lên những câu hỏi giúp nhận ra nội dung thực của đoạn văn: bản văn thánh kinh này tự nó muốn nói gì? Tiếp theo là việc suy gẫm (meditatio) với câu hỏi đại loại như: bản văn thánh kinh này muốn nói gì với ta? Nhờ cách này, ta sẽ tiến tới việc cầu nguyện (oratio), một việc giả thiết trước đó phải có câu hỏi: ta phải thưa Chúa điều gì để đáp lại lời này? Và kết thúc với việc chiêm niệm (contemplatio); trong chiêm niệm, trong khi chiêm ngưỡng Chúa, ta tự hỏi mình: Chúa muốn ta phải hồi hướng trí khôn, tâm hồn và cuộc sống ta sao?

Trước mặt người đọc Lời Chúa với thái độ cầu nguyện này, lý tưởng phải xuất hiện hình ảnh Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô, đấng “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19; xem 2:51), nghĩa là, như nguyên bản Hy Lạp gợi ý, tìm ra mấu chốt sâu sắc nối kết các biến cố, hành vi và sự việc bề ngoài xem ra hết sức khác biệt kia vào kế hoạch vĩ đại của Chúa. Thái độ của bà Maria, em của bà Martha, cũng có thể là mẫu gương cho tín hữu, khi họ đọc Thánh Kinh, vì bà ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe lời của Người, không để sự việc bên ngoài thu hút hết tâm hồn bà, dành thì giờ cho “phần tốt hơn”, cái phần không bao giờ bị tước mất (xem Lc 10:38-42).

10. Sau cùng, ta gặp cột trụ cuối cùng nâng đỡ Giáo Hội, nhà của lời Chúa: đó là koinonía, tình yêu huynh đệ, một tên khác của agápe, nghĩa là đức ái Kitô giáo. Như Chúa Giêsu đã dạy, muốn trở thành anh chị em, ta phải nên như “những người lắng nghe lời Chúa và đem nó ra thực hành” (Lc 8:21). Lắng nghe đích thực chính là vâng lời và hành động. Nó có nghĩa phải làm cho công lý và yêu thương nở rộ ở trên đời. Nó đưa ra một chứng tá giống như lời mời gọi của tiên tri, một lời mời gọi liên tục kết hợp lời Chúa với cuộc sống, đức tin với chính trực, thờ phượng với dấn thân xã hội. Điều đó được Chúa Giêsu phát biểu nhiều lần, khởi đầu với lời cảnh báo trong Bài Giảng Trên Núi: “Không phải kẻ thưa với Ta, ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’ sẽ được vào nước Trời, nhưng là người làm theo ý Cha Ta ở trên trời” (Mt 7:21). Câu này xem ra chỉ là tiếng vang lời trách trong Isaia: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm” (29:13). Những cảnh cáo như thế cũng liên quan tới các giáo hội khi họ không trung thành với việc lắng nghe lời Chúa với thái độ vâng theo.

Bởi thế, việc nghe trên phải hữu hình và có thể đọc thấy trên khuôn mặt và bàn tay tín hữu, như gợi ý của Thánh Grêgôriô Cả khi ngài cho hay ngài đã nhìn thấy lời Chúa trở nên sống động như thế nào nơi Thánh Bênêđíctô và nhiều vĩ nhân khác của Chúa, vốn là các chứng tá hiệp thông với Chúa và với anh chị em. Người công chính và trung tín không những “giải thích” Sách Thánh, mà còn “biểu lộ” Sách Thánh ra trước mặt mọi người như một thực tại sống động và đã được thực hành. Đó là lý do tại sao việc Đọc Lời Chúa này, được coi là vita bonorum (cuả nuôi sống), lại là cách đọc/bài học sống động về lời Chúa. Thánh Gioan Kim Khẩu từng nhận xét rằng các tông đồ từ ngọn núi ở Galilê đi xuống, nơi các ngài được thấy Chúa Phục Sinh, tay không có các bia đá đầy chữ như Môsê ngày xưa: nhưng đời các ngài đã trở thành cuốn phúc âm sống động kể từ giây phút xuống núi ấy.

Trong căn nhà lời Chúa, ta còn gặp anh chị em từ các Giáo Hội và cộng đồng giáo hội khác nữa, những người, dù còn chia cách, vẫn đang cùng ta tôn kính và yêu mến lời Chúa, vốn là nguyên lý và là nguồn suối hợp nhất đầu hết và chân thực, dù sự hợp nhất này chưa trọn vẹn. Sợi dây nối kết này phải luôn được tăng cường nhờ các bản dịch chung về Thánh Kinh, nhờ việc phổ biến bản văn, nhờ việc cầu nguyện đại kết bằng Thánh Kinh, nhờ các cuộc đối thoại về chú giải, nhờ việc nghiên cứu và so sánh giữa các lối cắt nghĩa Thánh Kinh khác nhau, nhờ việc trao đổi các giá trị cố hữu trong các truyền thống linh đạo khác nhau và nhờ việc công bố cũng như cùng nhau làm chứng cho lời Chúa trong thế giới tục hóa.

IV. Đường Lời Chúa: Việc Truyền Giáo

”Luật Chúa ban xuống từ Xion và lời Chúa phán truyền từ Giêrusalem” (Is 2:3). Lời nhập thân của Thiên Chúa “phát xuất” từ nhà của Người, là Đền Thờ, và tiến theo các ngả đường thế giới để gặp gỡ cuộc lữ hành vĩ đại mà con người trần thế đang đi để tìm kiếm chân lý, công bằng và hòa bình. Thực vậy, ngay trong một đô thị tân tiến bị tục hóa khắp hang cùng ngõ hẹp, nơi bất tín và dửng dưng xem ra đang thống trị, nơi sự ác xem ra đang thắng thế sự thiện, đang tạo ra cảm tưởng Babylon sẽ chiến thắng Giêrusalem, người ta vẫn nhìn thấy một hoài mong dấu ẩn, một hy vọng đâm chồi, một xôn xao mong đợi. Như sách Tiên Tri Amos từng viết: “Chúa là Thiên Chúa phán: ngày đang đến để Ta cho đói khát xẩy ra trên toàn xứ: không phải đói thức ăn và khát nước uống, mà là đói nghe lời Thiên Chúa” (8:11). Sứ mệnh truyền bá Phúc Âm của Giáo Hội là để đáp ứng trận đói này.

Chính Chúa Kitô Phục Sinh đã kêu mời, thúc đẩy các tông đồ, lúc đó đang do dự, phải rời bỏ cái chân trời êm ấm của họ: “Các con hãy ra đi và làm muôn dân trở thành môn đệ… và hãy dạy họ giữ các giới răn Ta đã truyền cho các con” (Mt 28:19-20). Thánh Kinh được kết bằng những lời kêu gọi đại loại như “đừng im lặng”, “hãy nói to lên”, “hãy công bố lời Chúa bất kể lúc thuận tiện cũng như lúc bất tiện”, phải là những lính canh chọc thủng bức màn im lặng của dửng dưng. Các con đường đang mở ra trước chúng ta không phải chỉ là những con đường được Thánh Phaolô và các nhà rao giảng Phúc Âm lúc ban đầu du hành qua mà còn là những con đường mà mọi nhà truyền giáo sau các ngài vẫn đi để gặp gỡ người của mọi miền đất nước xa xôi.

11. Truyền thông đang đem lại một hệ thống bao trùm toàn bộ địa cầu và do đó, lời mời gọi của Chúa Kitô hiện đã có một ý nghĩa mới: “Những gì Ta nói với các con trong bóng tối, hãy nói ra giữa thanh thiên bạch nhật, những điều các con nghe rỉ tai, hãy lên mái nhà mà công bố” (Mt 10:27). Lẽ dĩ nhiên, lời thánh phải hết sức trong suốt và được loan truyền qua văn bản in ấn, với các bản dịch thực hiện theo tính đa phức của ngôn ngữ trên hành tinh ta. Nhưng tiếng nói của lời Chúa phải vang vọng trên truyền thanh, trên xa lộ thông tin liên mạng, trên các kênh lưu chuyển vi tính ảo mà như thật, trên Dĩa Cô Đọng (CD), trên Dĩa Truyền Hình (DVD), podcast…Nó phải xuất hiện trên mọi màn ảnh truyền hình và điện ảnh, trên báo chí, và mọi biến cố văn hóa và xã hội.

Hình thức truyền thông mới này, so với hình thức cổ truyền, đã tạo ra văn phạm đặc thù và phong phú riêng của nó và do đó, không những ta cần phải chuẩn bị trách vụ này về phương diện kỹ thuật mà cả về phương diện văn hóa nữa. Trong một thời đại bị thống trị bởi các hình ảnh do các phương tiện bá quyền của truyền thông như truyền hình chẳng hạn dẫn khởi, mẫu mực ưu tuyển của Chúa Kitô vẫn có ý nghĩa và gợi cảm ngày nay. Người vẫn sẽ tìm về với các dấu chỉ, các câu truyện, các điển hình, các kinh nghiệm hàng ngày, các dụ ngôn: “Người nói với họ nhiều điều bằng dụ ngôn… Quả thực, Người không bao giờ nói với họ mà lại không dùng dụ ngôn” (Mt 13:3.4). Khi công bố Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu không bao giời nói trên đầu dân chúng bằng một ngôn ngữ hàm hồ, trừu tượng, trên mây trên khói. Đúng hơn, Người chinh phục họ bằng cách khởi đi từ chính cái nơi chân họ đang đứng, ngõ hầu qua các biến cố hàng ngày,dẫn dắt họ tới mạc khải Nước Trời. Bởi thế, khung cảnh được Thánh Gioan nhắc tới quả có ý nghĩa: “Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pharisêu. Họ liền hỏi chúng: ‘Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?’. Các vệ bình trả lời: ‘Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy’” (7: 44-46).
 
12. Chúa Kitô tiến dọc theo phố phường đô thị và dừng chân tại ngưỡng cửa nhà ta: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3:20). Gia đình, với tường nhà bao bọc bằng niềm vui nỗi khổ, chính là không gian căn bản để lời Thiên Chúa bước vào. Thánh Kinh đầy những câu truyện lớn nhỏ về gia đình, và Thánh vịnh đã sinh động mô tả bức tranh thanh thản trong đó người cha ngồi tại bàn, có vợ như cây nho nhiều trái và con cái như “những cành ôliu mơn mởn” bao quanh (Tv 128). Tương tự như thế, từ thuở đầu, Kitô giáo cũng đã cử hành phụng vụ trong sinh hoạt hàng ngày của gia hộ, giống hệt Israel khi trao phó việc cử hành Lễ Vượt Qua cho gia đình (xem Xh 12:21-27). Việc truyền bá lời Thiên Chúa được truyền lại cho các thế hệ con cháu đến nỗi cha mẹ trở thành “các nhà giáo đầu hết của đức tin” (Hiến chế LG 11). Một lần nữa, Thánh vịnh gia nhắc ta nhớ: “Điều chúng tôi đã từng nghe biết, do cha ông kể lại cho mình, chúng tôi chẳng dấu gì con cái cả, sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau: sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa, với những kỳ công Chúa đã làm…hầu đến lượt, thế hệ tương lai cũng sẽ kể lại cho con cháu mình” (Tv 78:3-4.6).

Cho nên, mọi nhà nên có cuốn Thánh Kinh riêng và giữ gìn nó trên nơi dễ thấy và xứng đáng, để đọc và dùng nó cầu nguyện, đồng thời gia đình cũng nên đưa ra các hình thức và mẫu mực giáo dục theo phương thức cầu nguyện, giáo lý và huấn giáo về việc nên dùng Thánh Kinh ra sao để “nam thanh nữ tú, bậc già cả cũng như đoàn trẻ nhỏ” (Tv 148:12) cùng nhau lắng nghe, tìm hiểu, vinh danh và sống lời Chúa. Đặc biệt, phải làm sao để các thế hệ mới, trẻ nhỏ và thiếu niên, tiếp nhận được một nền sư phạm thích đáng và chuyên biệt dẫn họ tới việc cảm nghiệm được sự hấp dẫn của khuôn mạo Chúa Kitô, mở toang cánh cửa trí lòng họ, cũng như qua cuộc gặp gỡ với chứng tá chân thực của người lớn, họ nhận được ảnh hưởng tích cực của bè bạn và của cộng đồng giáo hội.

13. Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu nhắc nhở ta rằng có những thứ đất khô cằn, đầy sỏi đá và ngột ngạt gai góc (xem Mt 13:3-7). Ai bước vào phố phường thế giới, đều cũng sẽ thấy những khu ổ chuột nơi đầy đau khổ và nghèo đói, hạ nhục và áp chế, đẩy ra bên lề và khốn quẫn, bệnh tật thể lý và tâm thần cũng như cô đơn lạc lõng. Đôi khi gạch đá trên đường đầy những máu do chiến tranh và bạo động đem tới; tại các lâu đài quyền lực, tham nhũng bắt tay với bất công. Tiếng than của người bị bách hại gióng lên nhân danh lòng trung thành với lương tâm và tín trung với đức tin của họ.

Có những người bị đủ thứ khủng hoảng ở đời vùi giập hay những người bị đời coi là vô nghĩa lại đem lại ý nghĩa và giá trị cho đời. Như “những bóng ma đi đường, như làn gió thoảng ki cóp” (Tv 39:7), nhiều người cảm thấy Chúa im lặng, vắng bóng và dửng dưng đối với họ: “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giò? Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ?” (Tv 13:1). Và cuối cùng, đối với ai cũng thế, là mầu nhiệm cái chết.

Tiếng than đau đớn mênh mông từ đất lên trời này được Thánh Kinh liên tục thuật lại, và Thánh Kinh ấy đề nghị cho ta một niềm tin có tính lịch sử và nhập thể. Chỉ cần nghĩ đến các trang sách đầy bạo lực và áp chế, đến tiếng than ai oán và liên tục của Gióp, đến những năn nỉ khẩn cầu hết sức tha thiết của Thánh vịnh gia, đến cơn khủng hoảng nội tâm tế vi trong linh hồn Qoheleth, đến những tố giác mạnh mẽ của các tiên tri chống lại bất công xã hội. Như thế, không tìm cách giảm khinh cho hoàn cảnh, ta thấy có lời kết án tội lỗi căn để hết sức mạnh mẽ ngay từ buổi đầu của nhân loại trong bản văn Sáng Thế (chương 3). Thực thế, “mầu nhiệm sự ác” quả có hiện diện và hành động trong lịch sử, nhưng cũng có lời mạc khải của Chúa bảo đảm rằng trong Chúa Kitô, sự thiện sẽ chiến thắng sự ác.

Nhưng trước hết trong Sách Thánh, khuôn mặt Chúa Kitô, Đấng đã bắt đầu thừa tác vụ công khai của mình với lời công bố hy vọng cho những con người sau rốt của trần gian, là khuôn mặt trổi vượt hơn hết: “Thần trí Chúa ở trên tôi, vì Người đã xức dầu để tôi đem tin mừng cho người nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho người ngồi tù biết họ được tự do, cho người mù biết họ được trông thấy, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19). Người thường đặt bàn tay mình lên những thân xác ốm đau và bệnh hoạn. Lời của Người công bố sự công chính, khích lệ lòng can đảm nơi những con người nát lòng nản chí và đem lại tha thứ cho người có tội. Sau hết, Người tự hạ xuống hàng đốn mạt, “dốc cạn hết” vinh quang, “mặc lấy hình hài nô lệ, trở nên phàm nhân như ta; và vì là một hữu thể giống hữu thể nhân bản ở mọi khía cạnh, Người còn khiêm nhường hơn nữa, đến độ chấp nhận cái chết trên thập giá” (Pl 2:7-8)

Chính vì thế, Người cảm nhận được nỗi sợ của cái chết (“ Người thốt lên: ‘Lạy Cha, nếu đẹp ý Cha, xin cho con khỏi uống chén này’”). Người cảm thấy cô đơn vì bị bạn bè bỏ rơi và phản bội, Người lún thật sâu vào đêm đen của đau đớn cùng cực thể xác trong cơn chịu đóng đinh và nhất là đêm đen câm nín về phần Chúa Cha của Người (“Lạy Chúa, Lạy Chúa con, sao Chúa bỏ rơi con?”) (Mc 15:34) và sau cùng là vực thẳm mà bất cứ con người nào cũng sẽ rơi xuống, vực thẳm của sự chết (“Người kêu to một tiếng rồi trút hơi thở sau cùng”). Định nghĩa của Isaia về người tôi tớ của Chúa có thể áp dụng rất đúng vào Người: “hèn hạ nhất giữa loài người, một con người sầu khổ” (53:3).

Ấy thế nhưng, cũng trong chính cái giây phút cùng khốn ấy, Người vẫn không ngừng là Con Thiên Chúa: trong tình liên đới yêu thương và qua việc tự hiến tế mình, Người gieo hạt giống thần tính vào tính giới hạn và tính mỏng dòn của nhân tính, hay nói cách khác, Người gieo vào đó nguyên lý tự do và cứu độ. Qua việc tự hiến cho chúng ta, Người tuôn đổ ơn cứu chuộc trên đau đớn và chết chóc, vốn được Người mang lấy và sống, và mở ra cho chúng ta hừng đông sống lại. Cho nên, Kitô hữu có sứ mệnh loan báo lời hy vọng thần thánh ấy, bằng cách chia sẻ với người nghèo và người đau khổ xuyên qua chứng tá niềm tin của mình vào nước chân lý và sự sống, thánh thiện và ân sủng, công lý, yêu thương và hòa bình, xuyên qua sự gần gũi yêu thương, một gần gũi không phê phán không kết án, nhưng nâng đỡ, soi sáng, ủi an và tha thứ, theo lời của chính Chúa Kitô: “Hãy đến cùng Ta, tất cả những ai vất vả và đang mang gánh quá nặng, và Ta sẽ cho các con nghỉ ngơi” (Mt 11:28).

14. Dọc trên các nẻo đường thế giới, lời Chúa còn sản sinh cho Kitô hữu chúng ta một cuộc gặp gỡ cũng thâm tình không kém với dân Do Thái, là những người có liên hệ thân thiết với chúng ta qua việc cùng nhìn nhận và yêu mến Sách Thánh Cựu Ước và vì từ Israel “Chúa Kitô đã sinh ra theo huyết thống” (Rm 9:5). Mọi trang trong Sách Thánh Do Thái đều soi sáng cho mầu nhiệm Thiên Chúa và con người.Chúng là kho tàng suy niệm và luân lý, một phác thảo cuộc hành trình dài của lịch sử cứu độ cho tới lúc được hoàn tất trọn vẹn, và mạnh mẽ minh hoạ việc nhập thể của lời Chúa trong các biến cố nhân bản. Chúng giúp ta hiểu trọn vẹn khuôn mặt Chúa Kitô, Đấng từng phán: “Đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ Lề Luật hay các Tiên Tri. Ta đến không phải để hủy bỏ mà là để kiện toàn” (Mt 5:17).

Có một cách để đối thoại với dân Chúa chọn, là “những người được nhận làm dưỡng tử, vinh quang và giao ước đã được ban tặng cho họ; họ cũng được ban Lề Luật, việc thờ phượng Thiên Chúa và các lời hứa” (Rm 9:4), và họ giúp ta làm giầu phương thức giải thích Thánh Kinh nhờ tài nguyên phong phú trong truyền thống chú giải của họ. “Ta giáng phúc cho Ai Cập, dân của Ta, cho Át-sua, công trình tay ta làm ra, và cho Israel, cơ nghiệp của Ta” (Is 19:25). Như thế, Thiên Chúa đã phủ tà áo che chở đầy phúc lành của Người trên mọi dân tộc địa cầu: “Người muốn mọi người được cứu rỗi và đạt tới nhận thức đầy đủ về chân lý” (1 Tm 2:4).

Trên các nẻo đường thế giới, chúng ta, trong tư cách Kitô hữu, cũng được mời gọi không phải rơi vào chủ nghĩa chiết trung, vốn chỉ gây lộn xộn và hạ thấp chính bản sắc thiêng liêng của ta, mà là đi vào cuộc đối thoại biết tôn trọng con người thuộc các tôn giáo khác, bắt đầu là Hồi Giáo, một tôn giáo có truyền thống tôn kính nhiều nhân vật, nhiều biểu tượng và chủ đề của Thánh Kinh, và từng làm chứng cho một đức tin thành kính vào một Thiên Chúa duy nhất, biết xót thương và đầy từ ái, vốn được họ coi là Đấng Dựng Nên mọi loài và là Quan Án của nhân loại.

Kitô hữu cũng tìm thấy một hoà điệu chung với nhiều truyền thống tôn giáo vĩ đại của Đông Phương. Các trước tác thánh của họ dạy ta biết kính trọng sự sống, biết chiêm niệm, biết giữ thinh lặng, biết sống đơn giản, biết từ bỏ mình như Phật Giáo chẳng hạn. Hay như trong Ấn Giáo, họ hiển dương ý thức thánh thiêng, sự hy sinh, việc hành hương, việc chay tịnh, và các biểu tượng thánh. Hay như trong Đạo Khổng, họ dạy ta đức khôn ngoan, gia đình và các giá trị xã hội. Ngay đối với các tôn giáo truyền thống vốn phát biểu các giá trị thiêng liêng qua nghi lễ và văn hóa truyền khẩu, ta cũng phải nhiệt tâm chú ý và dấn thân đối thoại một cách kính cẩn với họ. Đối với những ai không tin Thiên Chúa nhưng cố gắng “làm điều đúng, yêu điều tốt và sống khiêm hạ” (Mk 6:8), ta cũng phải làm việc với họ để tạo ra một thế giới công chính và hoà bình hơn, và trong cuộc đối thoại này, làm chứng một cách chân thực về Lời Chúa, đem lại cho họ những chân trời mới và cao hơn về chân lý và yêu thương.

15. Trong thư của Ngài gửi các Họa Sĩ năm 1999, Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở rằng “Sách Thánh đã trở nên một thứ ‘ngữ vựng mênh mông’ (lời Paul Claudel) và ‘bức bản đồ ảnh tượng’ (lời Marc Chagall) mà cả văn hóa Kitô giáo lẫn ngành hoạ đều rút tỉa được” (số 5). Goethe từng xác tín rằng Phúc Âm chính là “tiếng mẹ của Âu Châu”. Như người ta thường nói, Thánh Kinh là “mã số vĩ đại” của nền văn hóa hoàn cầu: một cách lý tưởng, các họa sĩ nhúng cọ sơn của mình vào mẫu tự được lên mầu bằng nhiều truyện ký, biểu tượng và hình ảnh vốn là những trang sách Thánh Kinh. Các nhạc sĩ sáng tác các hòa âm của mình quanh các bản văn thánh, nhất là các Thánh Vịnh. Trong nhiều thế kỷ, các tác giả đã lui về với các truyện xưa đã trở thành dụ ngôn hiện sinh ấy; các thi sĩ tự hỏi về lẽ huyền nhiệm của thần trí, của vô biên, của sự ác, của tình yêu, của sống và sự chết, thường xuyên thu lượm những rung động đầy chất thơ từng lên men cho các trang Sách Thánh. Các tư tưởng gia, những con người của học thuật và xã hội, cũng thường xuyên dùng các quan niệm linh đạo và đạo đức (như Mười Giới Răn chẳng hạn) của Thánh Kinh làm quy chiếu, có khi chỉ như một thứ quy chiếu tương phản. Cả khi một khuôn mặt hay một ý niệm của Thánh Kinh bị bóp méo đi chăng nữa, nó vẫn được nhìn nhận như một yếu tố chủ yếu và có tính tạo thành nền văn minh của Ta.

Vì cũng dạy ta via pulchritudinis hay con đường cái đẹp để hiểu và vươn lên tới Thiên Chúa (như Thánh vịnh 47:7 chẳng hạn đã mời gọi ta: “Hãy học tập âm nhạc, hãy để âm nhạc vang lời ca tụng Chúa”) nên Thánh Kinh không phải chỉ cần thiết đối với tín hữu mà còn đối với mọi người, giúp họ tái khám phá ra các ý nghĩa chân thực trong các biểu thức văn hóa và trên hết, một lần nữa, giúp họ tìm lại được bản sắc lịch sử, văn minh, nhân bản và thiêng liêng của ta. Đây là nguyên ủy cho sự vĩ đại của ta và qua nó, ta có thể tự trình bầy gia sản cao đẹp của ta cho các nền văn minh và văn hóa khác, mà không cần tự ti mặc cảm. Do đó, Thánh Kinh phải được mọi người biết đến và học hỏi, dưới chiều kích đẹp đẽ phi thường cũng như nét phong phú về nhân bản và văn hóa của nó.

Tuy thế, như hình ảnh đầy ý nghĩa của Thánh Phaolô, lời Chúa “không thể bị xiềng xích” (2 Tm 2:9) vào một nền văn hóa; trái lại, nó có hoài bão vượt qua mọi biên giới. Thánh Tông Đồ vốn là một chuyên viên lão luyện trong việc bản vị hóa sứ điệp Thánh Kinh vào các quy chiếu văn hóa khác nhau. Đó là điều Giáo Hội đang được kêu mời để thực hành ngay lúc này đây qua một diễn trình tế nhị nhưng cần thiết, một diễn trình vốn được Huấn Quyền của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI thúc đẩy mạnh mẽ. Giáo Hội có nhiệm vụ làm cho lời Chúa đi sâu vào các nền văn hóa và phát biểu nó theo ngôn ngữ, quan niệm, biểu tượng và truyền thống tôn giáo của các nền văn hóa ấy. Thế nhưng, Giáo Hội phải luôn có khả năng duy trì được bản chất chân thực của nội dung lời Chúa, canh chừng và kiểm soát được các rủi ro của hiện tượng thoái hóa.

Bởi thế, Giáo hội phải làm cho các giá trị mà lời Chúa đang đề nghị với mọi nên văn hóa được sáng lên, để các giá trị ấy được thanh tẩy và mang nhiều hoa trái. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói với các Giám Mục Kenya nhân chuyến công du Phi Châu năm 1980, “bản vị hóa thực sự sẽ phản ảnh được việc Nhập Thể của Ngôi Lời, nếu nền văn hóa ấy, một khi đã được Phúc Âm biến cải và tái sinh, từ trong chính truyền thống sinh động của nó, biết nói lên một cách độc đáo cuộc sống, việc cử hành và tư duy Kitô giáo”.
 
Kết luận

”Rồi tiếng tôi đã nghe từ trời, lại nói với tôi và bảo: ‘Hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trong tay thiên thần đang đứng trên biển và đất’. Tôi đến gặp thiên thần và xin ngài cho tôi cuốn sách nhỏ. Ngài bảo tôi: ‘Cầm lấy mà nuốt đi! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong’ (Kh10:8-10).

Thưa anh chị em khắp nơi trên thế giới, ta hãy tiếp nhận lời mời trên; ta hãy tới gần bàn tiệc lời Chúa, để được nuôi dưỡng và sống “không bằng cơm bánh mà thôi mà còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8:3; Mt 4:4). Như nhà tư tưởng vĩ đại của nền văn hóa Kitô giáo từng nói, Thánh Kinh “đã cung cấp cho ta nhiều đoạn vừa an ủi vừa cảnh cáo đối với mọi hoàn cảnh” (B. Pascal, Pensées, số 532 ấn bản Brunschvicg).

Thực vậy, Lời Chúa, “ngọt hơn mật ong nguyên chất” (Tv 19:11), “Lời Chúa là đèn soi bước chân con, là ánh sáng nẻo đường con đi” (Tv 119:105), nhưng nó cũng “như lửa, Chúa nói thế, như búa đập tan tảng đá” (Gr 23:29). Nó như mưa đem nước cho trái đất, nuôi sống nó và làm nó phát triển, và khi làm thế, Người đã làm cho cảnh cằn cỗi của sa mạc thiêng liêng chúng ta trổ sinh (xem Is 55:10-11). Mà nó còn là “lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”.

Chúng tôi âu yếm hướng về mọi người đang dấn thân học hỏi, các giáo lý viên và những người khác đang phục vụ lời Chúa để bày tỏ với họ lòng biết ơn sâu xa và đầy thân ái của chúng tôi đối với thừa tác vụ qúy giá và quan trọng của họ. Chúng tôi cũng ngỏ lời với các anh chị em đang chịu bách hại của chúng tôi hay những người đang chịu chết vì lời Thiên Chúa và vì việc họ làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô (xem Kh 6:9): trong tư cách chứng tá và tử đạo, các vị ấy đang nói với ta về “sức mạnh của lời Chúa” (Rm 1:16), về nguyên ủy đức tin của họ, về niềm hy vọng và tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.

Giờ đây ta hãy cùng nhau im lặng để lắng nghe lời Chúa một cách có hiệu quả và sau khi lắng nghe, ta hãy im lặng lần nữa, để lời ấy tiếp tục ở lại trong ta, sống với ta, và nói với ta. Hãy để nó vang lên lúc khởi đầu ngày sống ngõ hầu Chúa là người nói đầu hết và hãy để nó vang vọng trong ta vào lúc chiều tà để Chúa là người nói sau hết.

Anh chị em thân mến, “Tất cả mọi người đang ở với tôi gửi lời thăm anh chị em. Những lời kính thăm gửi tới những ai yêu mến chúng tôi trong đức tin. Xin ơn thánh Chúa ở cùng tất cả anh chị em!” (Tt 3:15).
 
Vũ Văn An chuyển dịch


Bản giao hưởng Đức Tin (18/10/2012)

Phaolô, vị tông đồ vĩ đại (12/9/2012)

Tôma, vị tông đồ đa nghi (6/9/2012)

Giacôbê Dêbêđê, vị tông đồ cao vọng (29/8/2012)

Gioan, vị tông đồ của tình yêu (17/8/2012)

Phêrô, vị tông đồ khiêm nhường (9/8/2012)

100 câu hỏi Chúa Giêsu hỏi và bạn phải trả lời (21/6/2012)

Tư Liệu Thánh Kinh: Đời Sống Gia Đình (26/9/2011)

Tấm lòng mục tử (1/6/2011)
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn