Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
TÔI ĐƯỢC CHÚA THƯƠNG THẬT LÀ MÃN NGUYỆN!
CỤ PHAOLÔ TÔN THẤT BÀN

(1890-1973)
 
Tựa đề trên đây được trích từ đoạn cuối của bài lược thuật “Hành trình Đức tin” của cha tôi, viết sau khi được Đức Tổng Giám mục Huế Philippe Nguyễn Kim Điền ban phép Thánh Tẩy sáng ngày 05.3.1973 tại nhà thờ Tây Lộc, Thành nội Huế.
 
Hành trình đức tin của cha tôi là một con đường khá dài, vì phải hoán chuyển một từ tâm hồn đã từng hấp thụ nhiều năm, nền văn hóa Khổng Mạnh kiên cố, đến nền giáo lý cao siêu của Thiên Chúa nhập thể vì yêu thương loài người. Cuộc chuyển hóa nội tâm này đã được thể hiện từng bước, qua mạng lưới tương quan đầm ấm và thâm sâu với những thành viên thân thiết nhất của gia đình.
 
VÀI NÉT ĐẬM CỦA GIA ĐÌNH
 
Cha tôi được sinh ngày mồng 1 tháng 2 năm Canh Dần, tức 19.02.1890 Tây lịch, tại Văn Xá, Hương Trà, Thừa Thiên. Lúc đó, ông nội là cụ Mộng Phát Tôn Thất Diệm giữ chức Án Sát tỉnh Hà Tĩnh. Cha tôi là con thứ hai và là con út vì chỉ có một anh. Cũng như các gia đình truyền thống Nho giáo thời ấy, cha tôi rất chú trọng đến giáo dục đạo đức, cương thường đạo lý Khổng Mạnh, thờ kính tổ tiên là nền tảng quan trọng và cần thiết. Vì ông tôi phải thuyên chuyển nhiều trong sứ vụ nên mời thầy giáo về Dinh dạy học, từ lúc cha tôi mới được 5 tuổi. Đến 15 tuổi, vào học Quốc Tử Giám, phần đông là các quan dạy. Thầy giáo luôn đội khăn đen và áo rộng đen trong lớp, ngồi trên sập, còn học sinh cũng áo đen dài, khăn đóng ngồi trên chiếu lát giữa sân.
 
Vào năm 1907-1908 học sinh buộc phải thông 3 thứ chữ (Việt, Hán, Pháp) thì mới được ra trường. Vì sức khỏe yếu, cha tôi phải tự học ở nhà. Giờ rảnh cha tôi học thêm ca nhạc cổ truyền: đàn tranh, đàn nguyệt, ca Huế, Nam Bình, Nam Ai v.v…
Vì sinh con muộn, ông nội tôi lo bề gia thất cho cha tôi lúc 20 tuổi. Cha tôi kết hôn với con gái cụ Hiệp viên Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, thân sinh linh mục Nguyễn Văn Thích. Cô dâu tên Nguyễn Thị Pha Lê, 16 tuổi, hạnh phúc gia đình chưa được 4 năm, thì mẹ Pha Lê chúng tôi qua đời để lại 2 con gái là chị Tôn Nữ Tiểu Tuyết (2 tuổi) và Tôn Nữ Đạp Thanh (3 tháng). Thương cho hoàn cảnh góa vợ sớm với 2 con dại mồ côi mẹ, ông bà ngoại tôi đề nghị gả con gái thứ 3 là Nguyễn thị Lập Xuân, em ruột của mẹ Pha Lê để tránh vấn đề “dì ghẻ con chồng”. Khi ấy mẹ Lập Xuân của chúng tôi đang dạy học ở Hà Tĩnh. Vâng lời cha mẹ và thương 2 cháu, mẹ tôi chấp thuận, xin nghỉ dạy, kết hôn với cha tôi năm 1913, đem đến cho gia đình tôi một thời hạnh phúc đặc biệt, vật chất lẫn tinh thần.
 
NGƯỜI MẸ PHÚC ĐỨC ĐẠO LẪN ĐỜI
 
Mẹ Lập Xuân là một cánh cửa mở rộng đón ánh sáng đức tin rọi vào gia đình dần thấm nhập Tin Mừng của Thiên Chúa tình yêu. Ánh sáng đó trước hết mẹ tôi nhận được từ người anh Nguyễn Văn Thích là ngọn đuốc đầu tiên được thắp sáng và chiếu rọi trên nhiều tâm hồn thân yêu của gia đình chúng tôi. Sống rất gần gũi với anh Thích, mẹ tôi hiểu biết và tôn sùng Thiên Chúa là tình yêu cứu độ, thuộc nhiều bài hát Tôn giáo tiếng Pháp và dạy lại cho chúng tôi hát vào những tối sum họp với mẹ.
 
Với tâm hồn trầm lắng, nói ít làm nhiều, với quả tim nhân hậu, bao dung, mẹ tôi là gương mẫu cho các con. Các chị lớn chúng tôi thường kể lại những kỷ niệm êm đẹp về mẹ, chị cả tôi nói: “các em không biết được mẹ chúng ta tuyệt vời như thế nào! Việc lớn, việc nhỏ đều giỏi!... Không tìm ra được một người mẹ thứ hai như vậy đâu!”
 
Để bù đắp cho đồng lương khiêm tốn của cha tôi, mẹ tôi đã tài tình quán xuyến mọi công việc, bên trong cũng như bên ngoài mài nhà ấm cúng. Ở các Phủ, Huyện có vườn rộng và lính tráng nhiều, mẹ tôi động viên và hướng dẫn họ canh tác trồng trọt các loại hoa màu, chăn nuôi súc vật để cung cấp thức ăn. Các chị chúng tôi được Mẹ dạy thêu may, đan móc, làm bánh tráng mè, bánh tráng khoai, làm bánh cuốn… Ngoài việc bồi dưỡng sức khỏe cho cha tôi bằng những món ăn hợp với khẩu vị của chồng, mẹ tôi cũng phụ cha tôi xem xét các đơn từ, kiện tụng, công văn án mạng v.v… nhờ mẹ tôi có chút vốn chữ Hán học tại nhà với ông ngoại tôi.

Vào mùa lũ bão, dân làng đói rét kéo nhau lên huyện xin cứu trợ, mẹ tôi đem chúng tôi đi theo, lúc đó tôi mới 5 tuổi (ở Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), để “phát chẩn” cho các nạn nhân. Trong lúc chờ đợi cha tôi và các nhân viên trong cơ quan giải quyết, mẹ tôi nhờ lính nấu cơm, từng nồi lớn đơm bát lớn với ít muối và quả cà, không cao lương mỹ vị nhưng sốt dẻo, đầy tình người. Mẹ tôi hỏi thăm thân mật từng người, chẳng khác gì một nữ tu bác ái. Qua các hành động đó, nhân dân càng dành thêm tình cảm nể trọng cha tôi… Mẹ tôi nói thông thạo tiếng Pháp, nên mỗi lần có các Công sứ Pháp, các cha cố vãng lai, đi hành hương ghé thăm, là mẹ tôi tiếp khách phụ với cha tôi. Nhờ qua những cuộc tiếp xúc đó, mà cha tôi hiểu thêm về tinh thần Công giáo phát xuất từ những nhân vật đạo giáo sáng giá như gia đình cụ Nguyễn Hữu Bài, các cụ Ngô Đình, các Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Lê Hữu Từ v.v… Tính cha tôi lại rất cởi mở, vui vẻ, dễ hòa nhập nên nhiều người tưởng cha tôi là người Công giáo!
 
Thời kỳ này, cha tôi cùng cả gia đình vô cùng hạnh phúc nhờ tình thương biết bao quảng đại, ân cần, âu yếm, âm thầm của mẹ tôi. Đang an vui như vậy, thì mẹ tôi lâm bệnh và vì thời đó thuốc chữa trị còn khan hiếm, bà qua đời ngày 27 tháng 3 năm 1930, mới 34 tuổi để lại cho cha tôi (41 tuổi) 9 người con, 5 trai 4 gái, em út chưa đầy một tuổi. Chúng tôi thật bơ vơ, nhất là cha tôi, như chim gãy cánh, đau đớn trước sự ra đi vĩnh viễn của người vợ quý yêu!
 
Trước cơn nguy biến đại tang này, toàn thể gia đình đều giao động. Chị cả chúng tôi 19 tuổi đã đính hôn nay cương quyết “từ hôn” để ở lại với cha và chị em chúng tôi. Cha tôi vô cùng xúc động, cám ơn trời và cám ơn người con hiếu thảo. Nhờ tài nội trợ thành thục học từ Mẹ, chị cả tôi dần đem lại hạnh phúc cho cả gia đình. Vài năm sau, ông bà Ngoại tôi đề nghị cha tôi có một kế thiếp để cùng vác gánh nặng gia đình, khi cha tôi được trở về Huế với chức Tham Tri Bộ Lại (nội vụ lúc bấy giờ) ở Huế, thì chị cả tôi mới đi lập gia đình.
 
Những kinh nghiệm hạnh phúc yêu quí nhau trong gia đình, đã tạo ra trong tâm hồn cha tôi những tia sáng nóng ấm của tình yêu, không những trong cuộc đời trần thế, mà cũng là con đường tiệm tiến Thiên Chúa dùng để dẫn cha tôi đến ánh sáng siêu nhiên tỏa ra từ đỉnh tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
 
Một trong những tia sáng mạnh nhất và đến sớm nhất trong gia đình chúng tôi là:
 
NGƯỜI ANH VÀ BẠN CHÍ THÂN
 
Linh mục Nguyễn Văn Thích, mà cuộc đời đã được trình bày trong bài đầu Tuyển tập này. Trong bài báo “Lược thuật lịch trình tôi được biết Chúa” đăng trong “Bản thông tin Giáo phận Huế” số 31 tháng 7-1973, cha tôi viết:
 
Linh mục Nguyễn Văn Thích với tôi là bạn học thân thiết từ lúc thiếu thời, mà lại là anh vợ tôi, tức là cậu ruột mấy người con tôi đã làm con Chúa. Têrêxa Quật Hồng mất rồi; Maria Gabriel Như Mai, nữ tu bề trên Đức Bà Lâm Viên Đà Lạt; André Tôn Thất Phái, linh mục phụ tá địa sở Trà Kiệu, Quảng Nam và Gioan Tôn Thất Dung, chủ sự Khu Thủy Nông, Huế.
 
Năm 1906, nhà nước cải định thi pháp thì Cha Thích và tôi chia tay mỗi người đi mỗi đàng (Cha Thích học trường Dòng, tôi học trường Quốc Tử Giám). Một thời gian khá lâu, khi tôi đang làm Tri Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, thì được tin cha Thích được phong chức Linh Mục tại Huế (1926), vinh dự vô cùng. Tôi nói với vợ tôi (Nguyễn Thị Lập Xuân, em ruột cha Thích và là mẹ của 4 người con đã kể trên) rằng: “Cơ chi tôi đi một đàng với anh, thì bây giờ mình cũng linh mục rồi” (Tôi với cha Thích tuy bạn học, anh vợ, nhưng tánh tình giống nhau, mến nhau như anh em ruột, nên khi nghe tin anh đắc đạo thì mình tự hối là đi lạc đường). Chính lúc ấy, tôi có cảm tưởng tin mến Chúa rồi.
 
Vợ tôi an ủi tôi rằng: “Muộn rồi cậu ơi! Nhưng hễ có lòng mến Chúa thì khi nào Chúa cũng chứng cho mình cả”. Vợ tôi tại sao mà được hiểu như thế? Vì lúc chưa về nhà chồng, đang còn làm cô giáo trường nữ, thì ở chung một nhà với Cha Thích và cô em gái (Nguyễn Thị Như Ngộ, sau là soeur Agnès ở Dòng Kín, Kim Long Huế, rồi mất tại đó), nên hiểu giáo lý nhiều; nếu không lấy chồng sớm, thì cũng trở nên một bà soeur như ai. Từ đó, tôi càng tin mến Chúa nhiều, nên thường tới lui thăm viếng các Cha cố luôn. Ở Bắc thì Đức Cha Từ, cha Thạc, ở Huế thì Đức Cha Cẩn, Đức Cha Thuận và các linh mục nhiều lắm, người nào cũng thương mến tôi. Mỗi khi gặp các lễ lớn, thì tôi đều có mặt dự lễ; nhiều người tưởng tôi là có đạo, mà chính tôi khi đó cũng quên mình là lương”.
 
NGƯỜI CON GÁI VỚI ĐỨC TIN MÃNH LIỆT
 
Năm 1941, chị ruột Quật Hồng, con đầu của mẹ Lập Xuân chúng tôi bị bệnh phổi, nằm bệnh viện, xin cha tôi cho phép được Rửa Tội. Tia sáng đức tin dũng cảm vừa trọn đạo hiếu với cha trên trời và với người cha trần thế đã xuyên qua trái tim cha tôi. Đặc biệt là qua lời di chúc sau đây. Sau 12 năm trời, với thân xác dày vò trên gường bệnh, chị tạ thế ngày 26.4.1950. Xin trích nguyên văn những đoạn chính của những lời di chúc có một không hai:
 
“Con biết sự con đi về nhà Chúa trên trời, làm đau lòng Cậu hơn sự hai em con đi nhà dòng. Vì con đi mà không bao giờ trở lại thế gian nữa, Cậu không còn có thể tới lui thăm viếng hay gửi thư từ được nữa, cho mãi đến ngày sum họp trên Trời mới thôi. Nhưng con xin Cậu cũng hãy trông lên trời mà hy sinh dâng con cho Chúa, như Cậu đã hai lần hy sinh dâng hai em con cho Chúa vào dòng vậy. Ôi, con biết lòng Cậu đau đớn nhiều, nhưng con xin Cậu hãy ngắm phần phước Chúa đang dành để cho Cậu trên Trời, vì đã bao lần sẵn lòng dâng con cái cho Chúa, không từ chối với Chúa chút nào, mà khuân những nỗi đau thương hiện tại ở đời… Ôi, phần phước của Cậu lớn lắm, và ơn Chúa sẽ ban xuống trên Cậu nhiều lắm, vì Cậu đã ở rộng rãi cùng Chúa, thì Chúa cũng sẽ ở rộng rãi cùng Cậu…12 năm nay, Chúa chọn và kêu gọi con đi vào con đường hy sinh đau khổ. Hay đúng hơn là, vào “Dòng đau khổ”, một dòng không ai biết tới, chỉ có Chúa biết, một dòng không thấy làm việc gì có ích, chỉ có Chúa thấy, một dòng không hề có luật, không có mặc áo khấn hứa, nhưng cũng có đủ mọi sự ấy trước mặt Chúa. Hơn nữa, Chúa đã chọn con vào dòng này, là một dòng mà dầu con có muốn ra cũng không bao giờ ra được. Nghĩa là, con phải thuộc trọn về Chúa cho đến đời đời. Như thế, thật là một ơn đặc biệt Chúa đã ban cho con vậy. 12 năm ở trong nhà tập đã xong, hôm nay Chúa cho con vào dòng chính thức và đời đời, là nhà Chúa trên Trời. Và chính vì thế mà hôm nay, con phải từ giã Cậu, anh em, chị em, và thế gian mà theo Chúa. Trong dòng nhà Chúa này, khăn lúp của con là công nghiệp Đức Chúa Giêsu, áo dòng của con là thánh giá của Đức Chúa Giêsu, lời hứa ngày con rửa tội là lời khấn của con. Và ôi, con xin Cậu hãy vui mừng với con, vì lần vào dòng nầy con không còn phải làm việc và chịu gian nan, khốn khó đau khổ nữa, mà là vào chốn nghỉ ngơi, vui vẻ đầy yêu mến, chốn hạnh phúc đời đời bất diệt. Cậu không lo cho con phải về thế gian, Cậu không buồn con phải chịu khốn khó, Cậu khỏi sợ con phải cám dỗ, sa ngã… Ôi, nhà dòng con phú dâng mình đời đời bây giờ, là chính lòng Đức Chúa Trời Ba Ngôi Cậu ạ. Như thế, còn gì làm lòng cậu khoan khoái hơn nữa, vì Cậu thấy con ở chốn hạnh phúc vĩnh viễn sung sướng, thì lòng Cậu cũng vui sướng với con. Và con xin Cậu hãy vui mừng và cảm tạ ơn Chúa với con bây giờ, mà chớ buồn rầu đau đớn nữa… Con xin Cậu hãy trông cậy và hy vọng… hy vọng một ngày kia cả nhà đoàn tụ đời đời trong nhà Chúa trên trời. Ở đó, sẽ không còn phải phân ly, không còn đau khổ, gian nan nữa, ở đó là chốn tận Thiện Mỹ, ở đó là chốn yêu mến nhau và sum họp với nhau như một, cho đến đời đời… Bây giờ ở đó, con hằng chờ đợi Cậu và cả gia đình. Cúi xin Chúa Ba Ngôi ban ơn lành và sự bình an cho Cậu và cả nhà”.
                                                                            
Con bé mọn của Cậu
Trong nhà Thiên Chúa Ba Ngôi
Maria Têrêxa Quật Hồng
 
ÁNH SÁNG QUYẾT LIỆT
 
Năm 1972, tôi đang phụ trách Cộng Đoàn Dòng Đức Bà chúng tôi tại Đà Lạt, cha tôi ngỏ ý muốn lên tham quan thắng cảnh cao nguyên và thăm tôi một thể. Trong thời gian một tháng lưu nghỉ tại nhà khách của Dòng, cha tôi được chị em nữ tu Pháp - Việt trong Cộng Đoàn đón tiếp niềm nở, cha và cả dì tôi đi theo để chăm sóc cha tôi. Tối nào cũng có vài chị em đến trò chuyện vui vẻ ân cần với cụ, lại có thêm 2 cụ ông bà Nguyễn Thúc, đã trở nên tín hữu Công giáo rất gần Dòng, đến trò chuyện vì là bạn đồng liêu với cha tôi. Bầu khí thân ái yêu thương, tế nhị nơi đây đã tác động mạnh mẽ trên cha tôi, nên cụ quyết định xin được làm con Chúa sau khi trở về Huế nhận phép Rửa Tội.
 
Trong bài tường thuật “Hành trình Đức tin” (đã trích dẫn phần trên), cha tôi ghi lại những ấn tượng ân sủng cao quý nhất đánh dấu cuộc đời viên mãn của mình:        

“Đầu năm Quý Sửu, vừa có Hiệp định ngưng bắn, lại được Đức Giáo Hoàng đã cho phép người Công Giáo được cúng kỵ tổ tiên như thường. Ôi, nỗi mừng biết lấy chi cân, trong lúc ấy thì bà con, con cháu, bạn bè và thiên hạ đều đã hồi cư đông đúc. Tôi mới bàn với Cha Thích và các con tôi, định đến ngày 05.3.1973 tức ngày mùng 1 tháng 2 năm Quý Sửu này, chính sinh nhật của tôi, xin làm lễ Rửa Tội tại nhà thờ Tây Lộc (gần nhà tôi) để tiện cho tuổi già (tôi nay 84 tuổi) khi đi dự lễ. Trước ngày ấy, tôi lên trình xin phép Đức Tổng Gám Mục địa phận Huế Nguyễn Kim Điền, để ngài chứng giám cho. Ai ngờ, ngài lại quá thương, hứa rằng ngày ấy ngài sẽ tới làm lễ Rửa Tội cho tôi v.v… nên tôi đã tin mời các Cha, các bà Soeur, các quý cụ thân hữu và bà con đông đủ để tới dự lễ. Thì quả đúng ngày giờ ấy, Đức Cha tới nơi làm lễ Rửa Tội cho tôi, và ban luôn 3 Thánh tích một lần. Tôi mừng quá, chỉ biết cúi đầu nhận lễ một cách vui sướng, lạ thường về những ơn lành Chúa đã ban cho tôi, lại chọn lấy tôi làm con Hội Thánh. Ấy là tôi được Chúa thương, Đức Cha thương, các cha, các mẹ thương, và thân bằng bà con thương, thì vinh hạnh cho tôi biết chừng nào, thật là mãn nguyện”. Cuộc đời Cha tôi đã đạt đến đích tối thượng, thì với tuổi 84, sức khỏe báo động, vào bệnh viện. Rồi ngày 18 tháng 11 năm 1973, Cha tôi ra đi trong bình an thanh thoát vì “đã mãn nguyện” như bài thơ sau đây được cụ sáng tác, nhân ngày Đại hồng ân gia nhập Giáo hội Công giáo:
 
MỪNG NGÀY THÁNH TẨY
 
Mừng đặng làm con Đức Chúa Trời
Ngày nay xin rửa tội trần ai,
Tuân theo mười giới không hai dạ,
Tin kính Ba ngôi cũng một Ngài.
Cầu Mẹ chứng lòng ban phước lộc,
Gần Cha xem lễ tiện hôm mai (1)
Con nhà may đã nhờ ơn Chúa,
Con cái thành danh khấn trọn đời (2)
(Văn Đình Phaolô Tôn Thất Bàn)
 
(1)   Nhà gần nhà thờ Tây Lộc
(2)   Linh mục Andre Tôn Thất Phái, nữ tu Marie Gabriel Tôn Nữ Như Mai
 
Để tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho gia đình chúng tôi và người Cha yêu quý cả một chuỗi dài phúc lộc, tôi xin mượn câu điệp khúc bài hát sau đây để ngợi ca Thiên Chúa của tình thương:
 
“Xin tri ân, xin tri ân, con cám ơn Ngài. Yêu thương con, yêu thương con không bờ không bến! Hôm nay đây, như hôm qua, mai này vẫn thế, Chúa vẫn là Thiên Chúa của tình thương!”                                                
                               
(Nữ tu M. Gabriel Như Mai
Và em, Gioan Tôn Thất Dung)     


HĐGMVN: Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn thể Giáo Hội tại Việt Nam (23/4/2024)

Tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin về phẩm giá con người (12/4/2024)

Sứ điệp Phục Sinh Urbi et Orbi năm 2024: Tảng đá đã lăn khỏi mộ (4/4/2024)

Sứ điệp Mùa Chay 2024 Của Đức Thánh Cha Phanxicô: Qua sa mạc Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta đến tự do (5/2/2024)

Nhìn lại một số sự kiện nổi bật của đời sống Giáo hội trong năm qua (5/1/2024)

Sứ điệp Giáng Sinh 2023 và phép lành toàn xá Urbi et Orbi (26/12/2023)

ĐTC Phanxicô: Chúa Giêsu mời gọi mọi Kitô hữu mở lòng với Chúa và phục vụ tha nhân (16/12/2023)

ĐTC Phanxicô: Học loan báo Tin Mừng cách sáng tạo và đơn giản của Chúa Thánh Thần (9/12/2023)

Kitô hữu phải lấp đầy các xã hội bi quan bằng niềm vui Tin Mừng (6/12/2023)

Tất cả mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng của Chúa (27/11/2023)

Đức Thánh Cha nói với các bậc Cha Mẹ: “HÃY ĐƯA TRẺ EM RA NGOÀI THIÊN NHIÊN” (16/7/2011)

Một hiền nhân của thời đại - Linh Mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1978) (15/7/2011)

Từ ác cảm đến hiến thân - Linh mục Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987) (13/7/2011)

Sứ điệp ngày quốc tế du lịch 2011 (9/7/2011)

Các nhóm Kitô hữu đồng ý với nhau về những điều luật cho công việc truyền giáo (3/7/2011)

Ngày hướng về người Cha (19/6/2011)

ĐTC: Nếu chối bỏ Thiên Chúa, con người sẽ trở thành nô lệ cho chế độ độc tài và cho việc sùng bái ngẫu tượng (17/6/2011)

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân ngày Truyền Thông xã hội lần thứ 45: 05.6.2011 (4/6/2011)

Người đầu tiên có công truyền bá Lòng Chúa Thương Xót (1/6/2011)

Tổng lãnh Thiên Thần của 6 vị giáo hoàng (28/5/2011)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn