Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
TƯ LIỆU THÁNH KINH: ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Gia đình thời Áp-ra-ham là điều những ai trong chúng ta từng sống trong một đơn vị gia đình nhỏ gọi là ‘đại gia đình” hay ‘gia đình nới rộng’. Nó gồm không những cha mẹ và con cái, mà cả ông bà, cô chú, anh em họ và cả gia nhân nữa. Gia đình như thế đôi khi rất lớn. Áp-ra-ham đã có thể một lúc đem theo 318 tay chiến đấu để cứu Lót khỏi tay các ông vua nhũng nhiễu đã bắt tù ông ta (St 14,14).

Trong kiểu gia đình này, người ông có quyền tuyệt đối, không phải chỉ trong những chuyện thực tế mà cả chuyện tôn giáo nữa. Khi ông qua đời, con trai cả lên thế theo sinh quyền (birth right). Lời của người đứng đầu là luật. Gia đình Áp-ra-ham chấp nhận sự kiện Thiên Chúa đã hiện ra với ông trong cõi thinh lặng của sa-mạc. Chúa của ông cũng là Chúa của họ, dù họ không luôn luôn chia sẻ thứ đức tin của ông.

Thiên Chúa đã đưa ra một lời hứa với Áp-ra-ham. Ngài cũng đưa ra cùng một lời hứa ấy với I-xa-ác và Gia-cóp. Ngài sẽ là Chúa của các ông, chăm sóc và che chở các ông. Đáp lại, các ông phải sống theo luật lệ của Ngài. Những luật lệ này sẽ được kể rõ từng chi tiết cho thế hệ sau khi Thiên Chúa ban bố ‘các giới răn’cho Mô-sê trên Núi Xi-nai. Như thế, kể từ đầu, cuộc sống hàng ngày tại Ít-ra-en đã được cột chặt vào cuộc sống tôn giáo. Cả hai cuộc sống ấy chỉ còn là một, không thể tách biệt nhau được. Mọi điều gia đình làm đều đặt căn bản trên lề luật Thiên Chúa. Nếu họ cư xử tệ với nhau là họ đã lỗi luật Chúa rồi vậy. Mọi sự phải chỉnh đốn lại cho ngay ngắn giữa họ với nhau, và một hy lễ phải có để làm hòa họ với Chúa (Lv 6,1-6).

Cha Mẹ và Con Cái: Tôn giáo và cuộc sống gia đình quyện chặt lấy nhau trong phương cách cha mẹ nuôi dưỡng con cái. Người ta khích lệ con cái đặt câu hỏi và tìm hiểu về tôn giáo và lịch sử (Xh13,14). Những địa điểm nơi Thiên Chúa làm những điều đặc biệt cho dân Người đều được đánh dấu bằng những viên đá lớn. Khi con cái hỏi mục đích của những viên đá ấy là gì, thì cha mẹ sẽ biết đường trả lời (Gs 4,5-7).

Những ngày nghỉ việc hàng tuần (sa-bát) cũng có ý là ngày để nhớ đến Chúa và thờ phượng Người (Xh 31,15-17). Đầu thời Cựu Ước, cha mẹ con cái thuờng đi viếng các đền thờ tại địa phương. Tại đó, họ dâng hy lễ và nghe thầy cả giảng dạy. Thời Tân Ước, ngày sa-bát bắt đầu tối Thứ Sáu bằng bữa ăn long trọng nhất trong tuần. Rồi đi thăm hội đường để nghe các luật sĩ giảng luật.

Cha mẹ dạy con luật Chúa. Chúng cũng thuộc lòng nhiều phần trong Thánh Kinh. Bài thơ lớn của Đa-vít về cái chết của Sa-un và Giô-na-than là bài thơ ưa thích nhất. Buổi tối, các thành viên trong gia đình đọc to những câu truyện nay được viết lại trong Thánh Kinh.

Ngày Lễ: Ý nghĩa các ngày lễ lớn của tôn giáo được biểu lộ rõ rệt qua các nghi thức đặc biệt. Như Lễ Vượt Qua chẳng hạn, người cha hỏi đứa con cả: ‘Tại sao ta cử hành lễ này?’ Thế là đứa con giải thích điều gì đã xẩy ra, như anh ta đã được học. Có ngày gọi là Xá Tội (Atonement), sau đó là Lễ Lều (hay Lễ Mùa Gặt), khi mọi người sống trong những chiếc lều làm bằng cành cây để nhớ đến lối sống du cư của tổ tiên xưa trong sa mạc. Sau này trong lịch sử Ít-ra-en, trẻ em sẽ diễn lại sự tích bà Ét-te trong ngày Lễ Purim. Tất cả các ngày lễ đều đầy sức sống và sinh hoạt mà trẻ em rất muốn biết gốc gác. Nhờ thế, các em học biết lịch sử dân tộc mình như một dân tộc của Chúa.

Học Hành: Thời Cựu Ước, không có trường học đúng nghĩa. Trẻ em được dạy dỗ tại nhà, trước nhất bởi mẹ, sau đó đến cha. Ngoài tôn giáo và lịch sử được học qua kể truyện, đặt câu hỏi và nghe trả lời, cũng như học thuộc lòng, con gái còn được mẹ dạy cho các kỹ năng nội trợ: nướng bánh, quay sợi, dệt vải, trong khi con trai được cha truyền cho những nghề tay chân. Người Do Thái có câu: ‘Ai không dạy con một nghề hữu ích, là nuôi chúng thành kẻ cắp’. Công việc của cha, đồ nghề và các bạn cùng nghề (thời sau này của Cựu Ước) đều là những phần quan yếu trong việc giáo dục cậu bé.

Đất Đai và Súc Vật: Ai cũng sở hữu đất đai, nên cả con trai lẫn con gái đều có việc bên ngoài để làm. Những việc như trông nom vườn nho, cày bừa và đập lúa thì lúc nào cũng có sẵn.

Trẻ em cũng trông nom súc vật của gia đình như cừu và dê. Mọi gia đình, cả những gia đình nghèo túng nhất, cũng có hy vọng mua được hai con chiên vào lễ Vượt Qua. Một con để giết ăn thịt, còn con kia làm bạn với con trẻ, sản xuất len làm quần áo cho chúng. Nhà nghèo thường không có chuồng riêng cho thú vật, nên chiên thường ngủ với trẻ em và ăn cùng đĩa với chúng (2Sm 12,3). Cuối Hạ, người ta giết chiên để lấy thịt, và thịt ấy được giữ trong mỡ lấy từ đuôi chiên. Phần lớn các gia đình cũng nuôi thêm ít nhất một con dê để lấy sữa. Người ta để một phần sữa lên men làm phô-mai. Dù nhiều hộ có nuôi chó, nhưng loại súc vật này không phổ thông và thường bị coi là loại ăn thịt thối.

Lừa (la) là súc vật thông thường nhất dùng để chuyển vận. Chúng có thể chở đồ nặng cũng như chở người. Những nông dân giầu dùng bò trong công việc đồng áng và lạc đà trong việc chuyên chở.

Du Mục và Định Cư: Thời đầu Cựu Ước, trước những năm ngụ bên Ai Cập, người ta thường sống trong lều. Áp-ra-ham rời bỏ cuộc sống định cư và văn minh đô thị của Ua thuộc vùng Sông Êu-phơ-rát xa xôi để vâng theo lời mời gọi của Chúa. Sau đó, hầu như trọn cuộc sống còn lại, ông phải du cư đây đó. Con trai ông là I-xa-ác và cháu ông là Gia-cóp cũng sống trong lều, giống các người du cư Ả-rập (Bedouins) ngày nay. Nước rất hiếm, nhất là về mùa Hè hay lúc hạn hán, và người Ca-na-an bảo vệ kỹ các giếng khơi của họ chống lại dân du cư Do Thái đang lang thang này, là những người không những lấy nước cho họ uống mà còn cho cả cho súc vật của họ nữa. Cuộc tranh chấp giữa Áp-ra-ham và A-vi-me-léc liên hệ đến cái giếng tại Bơ-e-se-va là một thí dụ điển hình (St 21,25-31).

Dù không có nơi cư trú thường trực, Áp-ra-ham và gia đình ông cũng đã an cư đủ để trồng đuợc cả lúa. Và họ không bao giờ du cư quá xa những trung tâm đông dân cư. Sau thời Mô-sê, dân Ít-ra-en muốn được định cư thường trực hơn, rồi mấy năm sau xẩy ra nhiều cuộc chiến tranh. Khi dân Ít-ra-en chiếm được đất đai, những nhóm du cư khác cũng muốn định cư tại đó nữa. Do đó, họ phải học cách cư xử tử tế với những kẻ xa lạ không lãnh thổ này, là những người sau đó sẽ tạo ra giai cấp công nhân trong xứ. Mẫu sống hàng ngày không thay đổi nhiều. Mẫu sinh hoạt căn bản trong gia đình chỉ thay đổi rất ít trong nhiều thế kỷ. Sinh hoạt ấy thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi các đoàn quân xâm lăng, ngoài ra khá thanh bình. Người ta sống gần đất canh tác. Mỗi gia đình tự trông coi lấy mảnh đất canh tác nhỏ nhoi của mình. Luôn luôn có súc vật phải trông nom, rồi quét dọn, làm bánh, kéo sợi, dệt và nhuộm vải cũng như chính việc cày bừa trồng trọt.

Liên Hệ Gia Đình: Cuộc sống gia đình ngày càng trở nên quan trọng trong lịch sử Ít-ra-en. Khi giòng dõi đã định cư vĩnh viễn tại một nơi, đơn vị gia đình bình thường trở nên mỗi ngày một nhỏ hơn.

Người Cha: Bên trong đơn vị gia đình nhỏ hơn ấy, giống như trước đây, người cha có toàn quyền. Nếu ông muốn, ông có quyền bán con gái làm nô lệ. Thời đầu Cựu Ước, người cha còn có quyền giết con khi chúng bất tuân. Ông ta có quyền ly dị vợ không cần lý do và không phải cấp dưỡng chi hết. Và ông có quyền sắp xếp việc gia đình cho các con trai.

Đàn Bà: Người đàn bà là sở hữu của chồng, bà phải coi ông như ông chủ của mình. Thái độ này vẫn còn thấy cả trong thời Tân Ước nữa. Dù phụ nữ phải làm những công việc nặng nhọc, họ vẫn giữ vị thế thấp kém cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Tuy nhiên luật pháp có bảo vệ người đàn bà bị ly dị, và con cái bà được giáo dục phải kính trọng bà.

Chúa Giê-su cư xử với phụ nữ, thí dụ lúc Ngài sẵn sàng nói chuyện và giúp đỡ người đàn bà xứ Sa-ma-ri (Ga 4), một cách rất trái ngược với thái độ đương thịnh hành trên. Và sứ điệp Ki-tô giáo hết sức minh nhiên: ‘không có khác biệt nào… giữa đàn ông và đàn bà; anh em đều là một trong sự kết hiệp với Chúa Giê-su Ki-tô’ (Gl 3,28). Trong nước Chúa Ki-tô, không có công dân bậc hai.

Thừa Kế: Thông thường, chỉ con trai mới được thừa kế, và người con trai cả trong nhà có một vị thế đặc biệt. Anh ta có quyền thừa hưởng hai phần tài sản của người cha. Chỉ khi không có con trai, thì con gái mới được hưởng thừa kế. Nếu không có con cái, tài sản ấy được qua tay người họ hàng nam giới gần nhất.

Kính Trọng và Kỷ Luật: Sách Châm Ngôn nói nhiều và nói trực tiếp đến liên hệ gia đình hơn hẳn các Sách khác. Vì lợi ích của chính chúng, con cái nên kính trọng cha mẹ và chú tâm đến giáo huấn và lời khuyên của các ngài. Cha mẹ nào thực sự yêu thương con cái thì phải kỷ luật và sửa phạt chúng, nhất là khi chúng còn nhỏ. ‘Một cái tát tốt sẽ dạy chúng tốt để cư xử tốt’. ‘Để con mặc tình làm theo ý riêng, nó sẽ khiến mẹ phải xấu hổ’. Hạnh phúc của cha mẹ và con cái cột chặt lấy nhau. Và lòng kính sợ Chúa là khởi điểm. Tân Ước cũng xây trên một nền tảng ấy. Bổn phận Ki-tô giáo của trẻ em là vâng lời cha mẹ mình, và của cha mẹ là dưỡng dục con cái theo kỷ luật và giáo huấn Ki-tô giáo.

(Một Số Trích Đoạn Thánh Kinh về Liên Hệ Gia Đình: Xh 20,12; 21,7-11; Đnl 21,15-21; 24,1-4 (so sánh với Mt 19,8-12).

Giáo huấn trong Châm Ngôn về Cha Mẹ và Con Cái: 1,8-9; 4 và 5; 6,20tt; 10,1; 13,1.24; 17,21.25; 19,13.18. 27; 20,11; 22,6. 15; 23,13-16, 19-28; 28,7.24; 29, 15.17; 30,11.17. Trong Tân Ước, đặc biệt nên xem: Ep 5,21-33; 6,1-4; Cl 3,18-21).

Việc Thờ Phượng Trong Gia Đình: Mỗi sáng, chiều và tối, các gia đình Do Thái thường nguyện kinh ‘Chúc tụng thứ 18’. Mỗi lời chúc tụng bắt đầu bằng câu: ‘Chúc tụng Chúa, Lạy Chúa, là vua vũ trụ’. Tất cả những lời chúc tụng này ca ngợi Thiên Chúa vì đã hứa ban đấng giải thoát, hoặc ban ơn phục sinh kẻ chết, hoặc ơn thống hối, chữa lành bệnh nhân, v.v…Trước mỗi bữa ăn, người cha gia đình đọc lời chúc tụng: ‘Chúc tụng Chúa, lạy Chúa, là vua vũ trụ, Đấng đã dựng nên hoa trái cây nho’ (hay: ‘Đấng đã tạo nên của ăn từ trái đất’; hay ‘Đấng đã tạo nên hoa trái các cây’).

Trẻ Thơ: ‘Con cái là quà phúc Chúa ban; chúng là ơn lành thực sự. Con trai của một người, khi ông ta còn trẻ, giống như mũi tên trong tay người lính. Hạnh phúc thay cho ai có nhiều những mũi tên như thế’. Những lời từ Tv 127 đó cho thấy người Ít-ra-en cảm nhận ra sao về con cái. Một gia đình đông con là một ân huệ Chúa ban. Gia đình không con thường bị người ta nghĩ là không đẹp lòng Chúa. Và điều này gây cho gia đình ấy thật nhiều buồn khổ (xem chuyện bà An-na trong 1 Sm).

Con cái quan trọng vì nhiều lý do. Con trai được qúi nhất. Chúng quan trọng đến nỗi khi có con trai đầu lòng sinh ra, tên người mẹ đổi thành: ‘Thân Mẫu Của…’. Khi lớn lên, con trai có thể giúp cầy bừa đất trại của gia đình. Con gái không quan trọng bằng, dù vẫn là những công nhân hữu dụng. Của hồi môn phải được đưa cho cha mẹ cô dâu, để đền bù sự mất mát do việc cô không còn làm việc cho gia đình nữa. Con trai cũng cần thiết để tiếp tục mang tên của gia đình. Thời xa xưa, khi người ta chưa có ý niệm gì về sự sống đời sau, người ta vốn nghĩ họ tiếp tục hiện hữu qua con cái, nên không có con là không có tương lai. Đó là lý do khi một người chết mà không có con, người thân gần nhất có nhiệm vụ phải cưới vợ anh ta. Đứa con đầu của cuộc hôn nhân sau, sẽ mang tên người quá cố và thừa hưởng gia tài của anh ta (Luật Lê-vi, Đnl 25,5-6).

Phong Tục: Đứa trẻ mới sinh được tắm và chà với muối (người ta nghĩ để làm khỏe da). Rồi được quấn tã. Bà mẹ hay bà đỡ đặt em bé trên một vuông vải. Rồi bà gấp các góc vải qua sườn và chân em bé rồi quấn băng vải (thường thêu thùa trên đó) quanh người em, giữ cho hai cánh tay em thật thẳng xuôi hai bên cạnh sườn. Trong ngày, băng vải đuợc tháo ra nhiều lần để da em bé được chà với dầu ô-liu và được rắc với bột lá đào kim nhưỡng (myrtle). Việc này được lặp đi lặp lại cả vài tháng. Quấn bọc như thế giúp bà mẹ đeo em bé dễ dàng ở đàng sau lưng trong một chiếc ‘nôi’ nệm len. Ban đêm, chiếc nôi được máng lên xà nhà hay giữa hai chạc gỗ. Các trẻ sơ sinh thường bú sữa mẹ trong hai hoặc ba năm. Nhưng tử xuất của các trẻ sơ sinh rất cao vì điều kiện nghèo nàn trong hầu hết các gia đình.

Thời Cựu Ước, trẻ sơ sinh được đặt tên lúc mới sinh. Tên luôn luôn có nghĩa. Có thể chỉ đứa bé sinh ra thế nào, tính tình ra sao, hay cảm nghĩ của gia đình đối với Chúa. Thí dụ Ra-khen, vợ Gia-cóp, chẳng hạn vì chờ mong quá lâu mới có đứa con đầu, nên đã gọi nó là Giu-se, có nghĩa là ‘Ước chi Chúa cho thêm con trai’. Tên Ba-rắc có nghĩa là ‘sét’; Ê-li-a có nghĩa ‘Chúa là Thiên Chúa’; I-sai-a có nghĩa là ‘Chúa là sự cứu độ’.

Các Nghi Lễ: Thời Tân Ước, trẻ nam chỉ được đặt tên vào ngày thứ tám sau khi sinh. Cùng ngày, em được cắt da qui đầu (cắt bì). Tại nhiều nước, bé trai chỉ được cắt da qui đầu khi chúng được nhìn nhận là một thành viên trưởng thành trong dòng họ. Nhưng đối với dân Do Thái, từ thời Áp-ra-ham, Chúa đã ấn định trẻ trai phải được cắt da qui đầu sau tám ngày như biểu hiệu hữu hình lời hứa của Ngài đối với ông và con cháu muôn đời của ông. Nghi thức này nhắc họ nhớ rằng mỗi đứa con của Ít-ra-en đều là con của dân Thiên Chúa. Buồn thay, ý nghĩa thực sự của nghi thức này thường bị quên lãng, nên đến thời lưu đầy bên Ba-by-lon, nó chỉ còn được coi như là dấu hiệu của người Do Thái mà thôi.

Hai nghi thức khác đôi khi cũng xẩy ra cùng một lúc. Nếu trẻ sơ sinh nam là ‘con đầu lòng’ của gia đình, nó thuộc về Chúa một cách đặc biệt và phải được chuộc về. Sở dĩ có ấn định đó là vì lúc sắp xuất hành, mọi con đầu lòng của Ai Cập đều bị chết, nhưng Chúa đã cứu các con trai đầu lòng của Do Thái. Bởi thế từ đó mà đi, con trai đầu lòng là của Ngài. ‘Ngươi phải chuộc các trẻ trai đầu lòng của ngươi’. ‘Việc tuân giữ này sẽ là một tưởng niệm… Nó sẽ nhắc ta nhớ rằng Chúa đã dùng quyền lực cao cả đưa ta ra khỏi Ai Cập’ (Xh13,13tt). Thế hệ đầu tiên sau Xuất Hành đã được chuộc bằng việc cung hiến chi tộc Lê-vi lo việc phụng sự Chúa. Sau thế hệ đó, mỗi gia đình phải trả cho thầy cả năm đồng tiền bạc để chuộc đứa con trai đầu lòng về.

Nghi thức khác nữa là hy lễ do bà mẹ dâng để ‘thanh tẩy’ mình (Xem Lv 12). Theo luật Mô-sê, người ta phải ‘sạch’ một cách đúng nghi lễ mới được thờ phượng Chúa. Một vài sự vật như đụng xác người chết, mới sinh con, hay ăn thức ăn bị cấm là thứ có thể đem theo bệnh, sẽ khiến người làm không xứng đáng thờ phượng trong một thời gian. Muốn được ‘sạch’ trở lại, bà mẹ phải trước nhất dâng một con chim cu sau đó dâng một con chiên. Nếu gia đình quá nghèo, như trường hợp cha mẹ Chúa Giê-su, là thánh Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a, đến nỗi không mua được chiên, thì được phép dâng thêm một con chim cu thế vào. Thời Tân Ước, tiền được dâng trong các hộp đặt trong đền thờ để trả cho các hy lễ, và các phụ nữ được tập trung tại các bậc gần bàn thờ để tham dự nghi thức này.

Cũng thời Tân Ước, trẻ trai thành người lớn năm 13 tuổi.Việc này được đánh dấu bằng một buổi lễ đặc biệt gọi là Bar Mitzvah (‘con trai của luật’). Nhiều tháng trước ngày đó, đứa trẻ phải học để đọc được những đoạn trong các sách Luật và Tiên Tri của Cựu Ước, là những đoạn phải đọc trong hội đường ngày đó. Chính em phải đọc các đoạn đó trong buổi lễ. Thầy ráp-bi sau đó sẽ nói với cậu thiếu niên, và xin Chúa chúc lành cho cậu qua những lời đẹp đẽ trong Sách Dân Số 6,24-26 như sau:

‘Nguyện xin Chúa chúc lành và săn sóc em;
‘Nguyện xin Chúa nhân từ và rủ lòng thương xót em;
‘Nguyện xin Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho em!’

Thế là cậu bé trở thành thành viên trưởng thành của cộng đoàn. Đôi khi cha mẹ em dẫn em đi coi buổi lễ trên một năm trước khi em lên 13.
 
Vũ Văn An


Bản giao hưởng Đức Tin (18/10/2012)

Phaolô, vị tông đồ vĩ đại (12/9/2012)

Tôma, vị tông đồ đa nghi (6/9/2012)

Giacôbê Dêbêđê, vị tông đồ cao vọng (29/8/2012)

Gioan, vị tông đồ của tình yêu (17/8/2012)

Phêrô, vị tông đồ khiêm nhường (9/8/2012)

Sứ điệp của Tượng HĐGM Thế Giới lần thứ 12 (Về Lời Chúa) gửi Cộng Đoàn Dân Chúa (6/7/2012)

100 câu hỏi Chúa Giêsu hỏi và bạn phải trả lời (21/6/2012)

Tấm lòng mục tử (1/6/2011)
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn