KỶ NIỆM GIỖ LẦN THỨ 365 CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN:
PHÁT ĐỘNG MỘT CHIẾN DỊCH THỈNH NGUYỆN
Nhân dịp Lễ Giỗ Chân Phước Anrê Phú Yên, 26 tháng 7, linh mục Nguyễn Trường Thăng phụ trách đền thánh Chân Phước Anrê Phú Yên tại Thanh Chiêm, Hội An gióng lên lời kêu gọi phát động một chiến dịch thỉnh nguyện tuyên phong hiển thánh đối với chân phước. Bài đã được đăng trên Mạng Lưới Dũng Lạc dịp lễ Anrê Phú Yên năm 2008
HÃY PHÁT ĐỘNG MỘT CHIẾN DỊCH THỈNH NGUYỆN THƯ
VÀ XIN CHỮ KÝ PHONG HIỂN THÁNH
CHO Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN
Toàn thể nhân dân nước Bỉ đã hân hoan khi Đức thánh Cha Biển Đức XVI đặt bút ký vào văn bản quan trọng để tiến hành phong hiển thánh cho Á thánh Đa Miêng, tông đồ người phong thuộc đảo Molokai. Đó là một hành trình bền bỉ lâu dài của Giáo hội Bỉ từ năm 1995, năm phong Á thánh cho ngài đến nay.
Giáo hội Việt Nam đã làm gì kể từ năm 2000, khi Đức thánh cha Gioan Phaolô II nâng Thầy giảng Anrê Phú Yên lên bậc Á thánh. Tám năm đã trôi qua và chúng ta còn chờ đợi đến bao lâu nữa mới bắt đầu, nhất là không đầy bảy năm nữa Giáo hội Việt Nam mừng 400 năm ngày chính thức Tin mừng đến Đàng Trong 18 tháng giêng năm 1615, mở đầu cho việc loan báo Tin mừng tại xứ Đàng Trong và sau đó xứ Đàng Ngoài 1627.
Tại Mằng Lăng và Tuy Hòa, quê hương của thánh nhân, các vị chủ chăn cũng đã cố gắng hết sức để xây dựng một vài ngôi nhà, tổ chức các cuộc họp mặt giáo lý viên và các sinh hoạt khác, nhưng cũng chỉ giới hạn trong giáo phận Qui Nhơn. Giáo phận Đà Nẵng, tổ chức thánh lễ và sinh hoạt định kỳ hàng năm. Trong khi đó Dinh Cham tức Dinh trấn Thanh Chiêm, nơi ngài là người tuyên xưng đức tin tiên khởi chưa được nhiều người biết đến, vẫn nằm trong bầu khí ảm đạm, dầu Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã nâng nhà thờ Phước Kiều nghèo nàn nhỏ bé lên hàng “ đền thánh” vào ngày 26 tháng 7 năm 2007 và đã khuyến khích giáo dân đến kính viếng. Vài năm gần đây có phái đoàn Hội đồng Giám mục Pháp ghé thăm nửa giờ trên đường đến Trà Kiệu, về phía các giám mục Việt Nam có Đức Cha chủ tịch HĐGM Phêrô, giám mục giáo phận Đà Lạt, dịp ngài giảng tĩnh tâm cho các cha Đà Nẵng và mới đây Đức cha Mai Thanh Lương, Hoa Kỳ, trên đường đến Australia cũng có ghé qua. Về các đoàn thể thì có các nữ tu Huế, đoàn giáo lý viên các giáo phận thuộc Tổng giáo phận Huế và đoàn hành hương về nguồn của Tu sĩ Dòng Tên có thăm viếng. Đền thánh Á thánh Anrê Phú Yên tại Phước Kiều nằm trên quốc lộ 1 cũ, ngày đêm xe cộ tấp nập rất, thuận lợi cho việc hành hương.
Rõ là “bụt nhà không thiêng” trong khi đó Á thánh đã được các người Bồ Đào Nha và dân thành Ma Cao ca tụng ngất trời khi ngài vừa nằm xuống.
Dịp Đại Hội giới trẻ Công giáo tại Sydney vừa qua nhiều vị giám mục trẻ đăng đàn dạy giáo lý về Chúa Thánh Thần về vai trò làm chứng nhân nhưng nếu tôi không nhầm, không thấy vị nào nói đến tên Á thánh. Rồi giới trẻ công giáo Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới tụ về hình như chú trọng đến áo dài khăn đóng, trống phách hơn là đến tấm gương sáng ngời của thánh nhân mặc dầu lễ hội nằm ngay trong tháng bảy, tháng của Á thánh Anrê Phú Yên.
Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM/VN
tại đền thánh Anrê Phú Yên, Phước Kiều, tháng 2/2008
Hội Đồng Giám Mục Pháp thăm đền thánh Anrê Phú Yên,
Phước Kiều, tháng 12/2006
Phải chi vào dịp quý giá nầy Giáo hội Việt Nam nhớ đến ngài và thỉnh cầu Đức Thánh Cha Biển Đức phong thánh cho mẫu gương trẻ trung, mặc dầu chưa nhận được Bí tích Thêm Sức, tức tất cả các ơn Chúa Thánh Thần mà đã “làm chứng tuyệt vời như vậy, huống chi...”
Chậm còn hơn không.
Nhân dịp lễ giỗ lần thứ 364 của ngài năm nay 2008, xin bạn trẻ công giáo tại Việt Nam và trên toàn thế giới hãy vận động nhau và vận động bạn bè, người thân, già trẻ, ký tên vào bản đề nghị xin phong thánh cho ngài và gửi về Rôma may ra Bộ phong thánh của Giáo hội mới lưu ý tới. Ước mong trong các cuộc họp mặt Giáo lý viên và giới trẻ tại các Giáo phận Việt Nam cũng như trên thế giới năm nay vào dịp lễ ngài sẽ tiến hành chiến dịch xin chữ ký và thỉnh nguyện thư như sự chuộc lỗi muộn màng của chúng ta vì đã quên ngài.
Hy vọng từ đây đến 2015, sẽ có một Đức Thánh Cha đến thăm viếng quê hương chúng ta nhân dịp kỷ niệm 400 năm. Tại sao không? Thời gian đã chín muồi rồi! Và chúng ta có quyền ước mơ khi đó vị cha chung sẽ ban cho Giáo hội Việt Nam món quà quý giá nhất đó là lễ phong Hiển Thánh cho vị Á thánh trẻ tuổi Anrê Việt Nam. (Việt An Đức)
Vì không đủ kiến thức và lý lẽ thuyết phục tôi xin mượn lời của hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm Roland Jacques tức Dương Hữu Nhân để chúng ta suy ngẫm dịp lễ giỗ lần thứ 364 năm 2008 nầy.
“117 vị tử đạo, chừng ấy chưa đủ sao?”
Đó là một nhận định bài bác chúng ta đã từng được nghe. Việt Nam đã có 117 vị thánh tử đạo đã được phong hiển thánh, trong đó có 96 người là người bản xứ. như vậy thì nào có gì hơn nếu có thêm vào một người thứ 118, hoặc một người thứ 97? Quan điểm ấy, theo chúng tôi, là quá thiển cận. Thật vậy, Anrê Phú Yên không phải là người thứ 118, nhưng chính là người tiên khởi, và là người anh đầu của tất cả. Người ta sẽ nghĩ gì về một gia đình Việt Nam, khi mà người anh cả bị bỏ quên, bị xem như không quan trọng, và không được đặt di ảnh lên bàn thờ tổ tiên? Con đường hẹp, khó khăn, gian khổ để nên thánh của người Việt Nam, chính Anrê là người đi tiên phong. Nếu không có ân sủng đặc biệt, duy nhất, của Thiên Chúa, thầy hẳn đã không bước đi được trên con đường ấy. Chúng ta là ai mà có thể nhắm mắt làm ngơ trước mầu nhiệm ấy?
Hiện nay, người anh của những người Việt Nam đã được phong thánh tử đạo là Vinxentê Liêm, chết năm 1773. Thánh Liêm là một khuôn mặt to lớn, đầy đủ nhân đức để chúng ta học tập. Nhưng ngài đã đi du học nhiều năm ở nước ngoài, và ngài là một linh mục. Địa vị của vị “tử đạo tiên khởi” phải thuộc về Anrê, chết 129 năm trước thánh Liêm, với lòng can cường không kém. Hơn nữa, Anrê là một người con của đất nước, mang trong mình 100% nền văn hóa của đất nước; thầy là một giáo dân công giáo. Vì thế, chắc hẳn Anrê là tiêu biểu trực tiếp cho khối đa số vô danh của những người Công Giáo Việt Nam, nhất là những người thuộc những thế hệ đầu tiên, nhờ vào sự khôn ngoan và tính kiên cường họ đã khám phá ra phương cách Việt Nam để sống đạo.
Đối chiếu với phần lớn các vị tử đạo được tôn phong năm 1988, Anrê biểu hiện một kinh nghiệm đặc sắc và có thể là sống động hơn cho ngày nay, do bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác biệt. Những thế hệ công giáo tiên khởi được sinh ra trong bối cảnh của một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập đối với các thế lực phương Tây, không bao giờ Bồ Đào Nha, là nước đã gửi đi các nhà thừa sai, đã can thiệp vào công việc của Việt Nam bằng bất cứ cách nào, dù là bênh vực cho người công giáo.
Những đồng bào không công giáo, đại đa số đã tỏ ra hết sức ngưỡng mộ đối với chàng trai trẻ có lòng can đảm bất khuất nầy. Họ cảm nhận được nơi Anrê tình thương mà thầy đã mang đến cho tất cả những người đồng hương của thầy. Một sự việc mà những nhân chứng đã nói đến, và họ đã đáp lại tình thương đối với thầy. Đó là một sắc thái khá độc đáo trong cái chết của Anrê. Đến thế kỷ 18 và 19 thì các tình huống và tâm trạng đã biến chuyển.
Cần phải nói thêm một điểm chót. Lịch sử rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam đã ghi lại nhiều cuộc cạnh tranh và căng thẳng ngay cả trong nội bộ của cộng đồng công giáo. Trong thời đại của Anrê, ngược lại, theo tất cả các chứng cớ và những tài liệu, người công giáo yêu thương nhau như anh em, đến độ lúc bấy giờ người ta gọi đạo công giáo là “đạo của những người yêu thương lẫn nhau”. Anrê phải lấy lại địa vị của mình, địa vị tiên khởi, trong bảng danh sách các thánh của nước Việt Nam, và cũng để làm chứng cho thời đại hoàng kim của cộng đồng công giáo; chính đó là nguồn đích thực mà người công giáo thời nay được mời gọi trở về.
Một gương mẫu phải noi theo
Khi nói đến lịch sử khởi công xây dựng Giáo Hội tại Việt Nam, người ta có thói quen đưa ra một vài nhân vật lịch sử lớn, đặc biệt là nhân vật Đắc Lộ. Điều nầy không có gì cần phải cải chính. Nhưng lịch sử của Anrê còn chứng tỏ rằng Giáo Hội cũng đã được xây đắp nhờ vào những nỗ lực của số đông giáo dân Việt Nam thuộc những thế hệ đầu tiên. Ở vào thời của Anrê, thừa sai chỉ thỉnh thoảng mới có thể đến, và không thể sống thường xuyên ở trong nước. Chính vì lý do nầy mà những thầy giảng phải lên phiên thay thế họ. Anrê là tiêu biểu cho tất cả những thừa sai Việt Nam vô danh nầy, là những anh hùng trong cuộc sống trước khi tỏ ra anh hùng trong khi chết. Người ta không thể không nghĩ rằng chính họ là những thừa sai thực sự, vì chỉ có họ mới đủ sức bảo đảm cho sự liên tục và sự tiến triển của cộng đồng công giáo. Thử hỏi tình trạng nầy không phải giống như tình trạng ngày nay tại nhiều nơi mà sự lui tới của linh mục bị hạn chế đó sao?
Chính ở điểm nầy mà Anrê là một gương mẫu của đời sống công giáo rất thích hợp cho thời nay. Thực thế, thật khó mà chọn Đắc Lộ làm gương mẫu để noi theo, nếu không muốn nói là một cách gián tiếp. Ngài đại diện cho một thời đại vẻ vang, nhưng đã qua, của sứ mạng truyền giáo. Nhưng thời đại của Anrê, thời đại nầy, không bao giờ là không có.
Là một tín đồ công giáo gương mẫu, Anrê nêu gương về nhiều mặt. Chính thầy đã tuyên bố với quan tòa rằng thầy ở với vị thừa sai “để có dịp học hỏi và tìm hiểu cho thấu đáo đức tin Kitô giáo của mình”. Tất cả những ngôn từ kể lại về thầy chứng tỏ thầy đã đạt đến một trình độ cao thâm trong sự hiểu biết và thực hành đời sống công giáo. Thầy đã tóm gọn trong một câu: “Đi theo Thầy Giêsu của tôi cho đến chết”.
Anrê còn là một gương mẫu có tính cách rộng lớn hơn nữa. Thầy chết có những người công giáo thuộc nhiều nước vây quanh, tất cả đều một lòng ngưỡng mộ và tôn kính thầy. Thi hài thầy đến Macao đã đem lại cho thành phố nầy một sự hòa giải rộng rãi, trong lúc tại đây có những tranh cãi đau buồn từng chia rẽ tín hữu công giáo từ nhiều năm qua. Như thế, chàng tuổi trẻ Anrê không thể biểu hiện cho sự bình an và sự hòa hợp mà chúng ta hằng cầu mong có được trong Giáo Hội và giữa nhiều dân tộc sống trên địa cầu đó sao?
(Trích bài Anrê Phú Yên và Giáo hội Việt Nam, tìm thấy trên mạng Internet )
Cám ơn cha Dương Hữu Nhân với những ý kiến trên, những ý kiến mà chưa một tác giả công giáo Việt Nam nào nghĩ đến. Chắc đã quá đủ không cần nói thêm gì nữa.
Bây giờ, hãy cầu nguyện để xin thêm phép lạ.
Cảm nghĩ của Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng, Giáo xứ Hội An, kiêm Quản nhiệm đền thánh Á thánh Anrê Phú Yên, Phước Kiều, Quảng Nam.
|