Đức Thánh Cha Tiếp Kiến Chung
GIÁO LÝ VỀ THÓI XẤU VÀ NHÂN ĐỨC
Bài 4: DỤC VỌNG
Sáng thứ Tư ngày 17/1, Đức Thánh Cha có buổi Tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần với bài giáo lý có tựa đề “Dục vọng” trong loạt bài giáo lý về các thói xấu và các nhân đức.
Bài đọc Sách thánh trước bài giáo lý (1 Tx 4,3-5)
[Anh em thân mến], Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Hôm nay, chúng ta tiếp tục hành trình về những thói xấu và nhân đức; và các Giáo phụ xưa đã dạy chúng ta rằng, sau thói háu ăn, thì “quỷ dữ” thứ hai , là thói xấu, luôn rình rập trước cửa trái tim là dục vọng. Trong khi háu ăn là “sự ham muốn” trước thức ăn, thì thói xấu thứ hai này là một loại “ham muốn” về người khác, tức là mối liên kết độc hại mà con người tạo ra giữa nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực tình dục.
Cần lưu ý: trong Kitô giáo, không có sự lên án bản năng tình dục – không lên án. Một sách trong Kinh thánh, sách Diễm ca, là một bài tình ca tuyệt vời giữa đôi yêu nhau. Tuy nhiên, chiều kích tốt đẹp này, chiều kích tính dục, chiều kích tình yêu của nhân loại chúng ta không tránh khỏi những nguy hiểm, đến nỗi Thánh Phaolô đã phải đề cập đến vấn đề này trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Ngài viết như sau: “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại” (5:1). Lời quở trách của Thánh Tông đồ liên quan chính xác đến việc sử dụng tình dục một cách không lành mạnh của một số Kitô hữu.
Nhưng hãy nhìn vào kinh nghiệm con người, kinh nghiệm của việc yêu và được yêu. Có nhiều cặp vợ chồng mới cưới ở đây, anh chị em có thể nói về điều này! Tại sao mầu nhiệm này xảy ra và tại sao nó lại là một kinh nghiệm đáng kinh ngạc như thế trong cuộc đời con người, mà không ai trong chúng ta biết, khi một người yêu người khác thì tình yêu đến: đó là một trong những thực tế đáng kinh ngạc nhất của sự hiện hữu. Hầu hết các bài hát chúng ta nghe trên radio đều nói về điều này: những tình yêu tỏa sáng, người ta luôn theo đuổi tình yêu nhưng không bao giờ cho đủ, những tình yêu tràn ngập niềm vui, hay những tình yêu làm đau khổ đến mức rơi nước mắt.
Nếu không bị ô nhiễm bởi thói xấu thì yêu là một trong những cảm xúc thuần khiết nhất. Người đang yêu trở nên hào phóng, thích tặng quà, thích viết thư và làm thơ. Họ ngừng suy nghĩ về bản thân để hoàn toàn hướng tới người khác. Và nếu bạn hỏi một người đang yêu tại sao họ yêu, thì người ấy sẽ chẳng tìm ra câu trả lời: bằng nhiều cách, tình yêu của người ấy là tình yêu vô điều kiện, không cần lý do. Cần kiên nhẫn, nếu tình yêu đó, dù rất mạnh mẽ, cũng có chút ngây thơ: người đang yêu không thực sự biết sự thật khuôn mặt của đối phương, vì họ có khuynh hướng lý tưởng hóa người ấy, sẵn sàng đưa ra những lời hứa mà lúc đó họ không lường trước được sức nặng. Tuy nhiên, “khu vườn” nơi những điều kỳ diệu được nhân lên thì không miễn trừ khỏi cái ác. Nó bị quỷ dục vọng làm biến dạng, và thói xấu này đặc biệt đáng ghét, ít nhất vì hai lý do.
Trước hết vì nó tàn phá mối tương quan giữa con người với nhau. Thật không may, tin tức hàng ngày cũng đủ để ghi lại một thực tế như vậy. Có bao nhiêu mối quan hệ bắt đầu một cách tốt đẹp nhất nhưng sau đó lại biến thành những mối quan hệ độc hại, chiếm hữu người kia, không có sự tôn trọng và cảm giác gò bó? Đây là những tình yêu thiếu khiết tịnh: là một nhân đức không nên nhầm lẫn với việc kiêng tránh quan hệ tình dục, mà đúng hơn là với ý muốn không bao giờ chiếm hữu người khác. Yêu có nghĩa là tôn trọng người khác, tìm kiếm hạnh phúc cho họ, vun trồng sự đồng cảm với cảm xúc của họ, đặt mình vào sự hiểu biết về một thể xác, tâm lý và tâm hồn khác với mình và phải chiêm ngưỡng vẻ đẹp nơi người sở hữu nó. Mặt khác, dục vọng chế diễu tất cả những điều này: dục vọng cướp bóc, trấn lột, vội vàng, không muốn lắng nghe người khác mà chỉ muốn chiều theo nhu cầu và thú vui của riêng mình; dục vọng coi việc âu yếm là nhàm chán, nó không tìm kiếm sự tổng hoà giữa lý trí, động lực và cảm giác vốn giúp chúng ta sống sự hiện hữu cách khôn ngoan. Con người dục vọng chỉ tìm kiếm những con đường tắt: người ấy không hiểu rằng con đường tình yêu phải tiến bước cách chậm rãi, và sự kiên nhẫn này, không đồng nghĩa với sự nhàm chán, cho phép chúng ta làm cho mối quan hệ yêu đương của mình được hạnh phúc.
Nhưng có lý do thứ hai khiến dục vọng là một thói xấu nguy hiểm. Trong số tất cả những thú vui của con người, tình dục có tiếng nói mạnh mẽ. Nó liên quan đến tất cả các giác quan; nó hiện diện trong cả thể xác lẫn tinh thần, và điều này thật đẹp; nhưng nếu không kỷ luật bằng sự kiên nhẫn, nếu không được khắc ghi trong một mối quan hệ và trong một câu chuyện mà hai cá nhân làm cho nó thành một điệu nhảy tình yêu, thì nó sẽ biến thành một sợi dây xiềng xích tước đoạt tự do của con người. Niềm vui tình dục, vốn là món quà của Thiên Chúa, bị tổn hại bởi nội dung khiêu dâm: sự thỏa mãn không tương quan thì chỉ có thể tạo ra các hình thức nghiện. Chúng ta phải bảo vệ tình yêu, tình yêu của con tim, của lý trí, tình yêu trong sáng trao ban cho người khác. Và đây là điều đẹp của tương quan tình dục.
Chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dục vọng, chống lại việc “xem người khác là đồ vật”, có thể là một nhiệm vụ suốt đời. Tuy nhiên, phần thưởng của trận chiến này là quan trọng nhất, bởi vì nó liên quan đến việc bảo tồn vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã viết ra trong công trình sáng tạo của Người khi Người tưởng nghĩ đến tình yêu giữa người nam và người nữ, vốn không phải để sử dụng mà là để yêu thương. Vẻ đẹp đó khiến chúng ta tin rằng việc cùng nhau xây dựng một câu chuyện thì tốt hơn là đuổi bắt những cuộc phiêu lưu, vun đắp sự dịu dàng hơn là cúi đầu trước quỷ dữ chiếm hữu – tình yêu đích thực thì không chiếm hữu nhưng trao ban -, phục vụ hơn là chinh phục. Bởi nếu không có tình yêu thì cuộc sống sẽ buồn sầu cô đơn.
Trước khi buổi tiếp kiến kết thúc, một đoàn xiếc đã biểu diễn một tiết mục trên khán đài của hội trường Phaolô VI. Cuối cùng, mọi người hát Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh và Đức Thánh Cha ban phép lành cho tất cả mọi người.
Nguồn:
|