MỘT NGỌN LỬA LÀM BÙNG LÊN NHIỀU NGỌN LỬA
Trong gần năm thế kỷ, Dòng Tên đã mang lửa vượt ngàn trùng biển khơi, đến mọi dân tộc, mọi quốc gia. Với Giáo Hội Việt Nam, năm 1615, các tu sĩ Dòng Tên đã xuyên qua đại dương, mang ngọn lửa Tin Mừng đến quê hương Đại Việt. Và rồi, hoa trái đầu mùa trên quê hương ấy, Á Thánh An-rê Phú Yên, một anh hùng đức tin 19 tuổi, thắp lên ngọn lửa đầu tiên, để rồi sau đó, hàng triệu ngọn lửa bùng cháy.
Khi mang lửa Tin Mừng đến những vùng đất mới, các tu sĩ Dòng Tên chú trọng đến văn hoá bản địa và quý trọng sự cộng tác của dân địa phương trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Cũng trong tinh thần này, cha Đắc Lộ, một tu sĩ Dòng Tên và cũng là người có công lớn nhất trong việc hình thành chữ viết cho quê hương Việt Nam, thiết lập Hội Thầy Giảng. Hội thầy giảng có thể được xem là nền móng cho sự xây dựng Giáo Hội Việt nam. An-rê Phú Yên được nhận vào “Hội Thầy Giảng” ở xứ Nam cùng với chín thanh niên khác, những người này được chọn lựa trong lớp ưu tú của giáo đoàn sơ khai lúc đó. Theo lời cha Đắc Lộ:
Thầy giảng Anrê Phú Yên rất thông minh, tính tình hiền hậu, đơn sơ, chất phác, thanh bạch, quên mình lo giúp đỡ mọi người
(xc. Alexandre Rhodes, Glorieuse mort du catheschiste André, tr. 76-78).
Hôm đó vào quãng trưa, quân lính lùng sục bắt thầy
Inhaxiô, một trong hai trưởng nhóm của Hội Thầy Giảng. Anrê Phú Yên mạnh dạn ra mặt hỏi bọn lính và nói:
“Nếu các anh muốn bắt Inhaxiô thì vô ích, vì Inhaxiô không có ở nhà. Nếu muốn bắt tôi thì tôi sẵn sàng: tôi là giáo hữu, hơn nữa là thầy giảng, tôi có cả hai tội mà các anh gán cho Inhaxiô để bắt thầy ấy. Vậy thầy ấy mà có tội, thì làm sao tôi vô tội được”.
(Alexandre de Rhodes, Glorieuse mort du cathèchiste André, tr. 11). Thầy An-rê bị bắt, nhưng lạ thay thầy bước đi giữa quân lính trong niềm hân hoan vui sướng. Thầy không quên bổn phận của mình là phải rao giảng đức tin. Ngay trong hoàn cảnh đang bị đưa về lao tù, khi xuống thuyền, thầy đã giảng cho bọn lính về Đức tin. Bọn lính ngơ ngác nhìn nhau cảm động, chính những lời giảng dạy ấy mà quan Nghè Bộ dựa vào đó để kết tội thầy trong khi không bắt được thầy Inhaxiô.
Quân lính điệu thầy An-rê đến quan Nghè Bộ, vị quan này tưởng An-rê trẻ tuổi non dại không có đủ gan dạ, thế nào mình cũng thuyết phục được, quan nói:
đã trót theo “tả đạo”, vậy hãy từ bỏ, quan sẽ giúp đỡ, nếu không quan có cách khiến cho hối không kịp. Đáp lại một cách đơn sơ nhưng đầy hào khí, An-rê Phú Yên nói: “
Quan và cả bộ hạ có thể giết tôi về phần xác dễ dàng nhưng không thể làm lay chuyển Đức tin và lòng mến Chúa trong tâm hồn tôi”. Quan Nghè Bộ thấy thái độ kiên quyết của Thầy giảng Anrê Phú Yên, vô cùng tức giận. Không nói lại nửa lời, quan lệnh cho lính đeo gông vào cổ Anrê Phú Yên, tống giam vào ngục, ngày mai sẽ quyết định. Sáng hôm sau 26 tháng 07 năm 1644, quan Nghè Bộ triệu tập phiên tòa chớp nhoáng. Kết thúc phiên toà là án tử dành cho hai giáo hữu cùng tên An-rê: một người đã 73 tuổi, còn người kia là vị anh thanh niên 19 tuổi đời. Người giáo hữu 73 tuổi cuối cùng thì được tha, vì đã tuổi già sức yếu, nhưng An-rê Phú Yên thì chịu án tử hình.
Những ngày trong lao tù, có nhiều người tới thăm vị thanh niên này: già trẻ lớn bé, cả người bên lương. Thầy giảng Anrê Phú Yên đón tiếp mọi người rất niềm nở, thầy nói:
“Anh chị em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu của ta, ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu đau khổ vì ta, ta hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống”.
Trong cùng ngày tuyên án, cha Đắc Lộ thăm thầy An-rê và ôm hôn thầy, hôn thánh giá của thầy, với đôi dòng lệ tuôn trào, không sao nói được nửa lời. Thầy giảng Anrê Phú Yên nói lớn tiếng: “
tôi là kẻ có tội” xin mọi người cầu cho tôi được chịu khó cho tới chết. Đầy lòng tin cậy, thầy nói tiếp:
tôi chẳng sợ cơn điên dại của kẻ dữ, chỉ có thể giết mình phần xác, tôi chỉ sợ Đức Chúa Trời có quyền phạt cả hồn lẫn xác (xc. Alexandre de Rhodes, Relation Progès Foi, tr 31).
Thầy đã thắp lên ngọn lửa của Chúa Giê-su trong lòng những người đến thăm thầy: ngọn lửa Tin Mừng, ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa tha thứ, và đặc biệt, ngọn lửa hăng say sống cho Đức tin và chết cũng cho Đức tin. Thầy An-rê không hề run sợ trước cái chết đang chờ, thầy hân hoan và ngóng chờ giây phút ấy, giây phút thầy được cùng với chư thánh trên trời hội ngộ:
Tôi tưởng như cửa thiên đàng đã mở ra cho tôi. Tôi thấy Chúa Giêsu đang đứng trước cửa đón tôi, bao nhiêu thánh Tử đạo giơ cho tôi mũ triều thiên và cành thiên tuế. Ôi Thiên Đàng! Hạnh phúc dường bao! Tại sao người ta trì hoãn lâu thế”
(Alexandre de Rhodes, Glorieuse mort glorieuse d’Andé, tr. 46).
Vào khoảng 4 giờ chiều, một tên lính cho Thầy giảng Anrê Phú Yên biết sắp tới giờ đi xử, hãy chuẩn bị ăn đi, kẻo không kịp. Cha Đắc Lộ khuyên thầy dùng chút của ăn để có sức ra pháp trường. Thầy giảng Anrê Phú Yên ăn một vài cái bánh, uống một ly nước, rồi nói: “
thế là đủ lắm rồi, chẳng cần gì hơn nữa, để dành ăn tiệc thánh trên thiên đàng”.
Quân lính đưa thầy ra pháp trường. Thầy giảng Anrê Phú Yên biết giây phút cuối cuộc sống trần thế của mình đã đến, thầy quay về phía giáo hữu để từ giã lần chót với những lời thiết tha “
Xin anh chị em hãy trung thành với Chúa tới chết, không một điều gì có thể giập tắt lòng kính mến Chúa Kitô trong trái tim ta” (Alexandre de Rhodes, Glorieuse mort d’Andre, tr 53).
Thầy đã bị xử rơi đầu vì Đức Tin, cha Đắc Lộ đã mang đầu của thánh nhân về Roma, và hiện đang được cất giữ cẩn thận tại nhà Trung Ương của Dòng Tên. Ngọn lửa Đức Tin Công Giáo tại quê hương Việt Nam đã được thắp lên, và rồi, kế tiếp ngọn lửa ấy, ngàn ngàn ngọn lửa tiếp theo. Biết bao con người Việt Nam đã anh dũng tuyên xưng Đức tin, biết bao dòng máu đào đã tưới đẫm quê hương Việt vì Đức tin, để rồi từ đó cho một mùa gặt dồi dào. An-rê Phú Yên đã nằm xuống, nhưng ngọn lửa Ngài đã làm bùng lên luôn cháy mãi.