Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
 HIỆP THÔNG


 
 
1/ “Hãy cân nhắc mọi sự, cái gì tốt thì giữa lấy” (1Tx 5, 21).

Mọi người bước vào thế giới gia đình với những hoàn cảnh khác nhau và có những ưu tiên khác nhau; nói chung, tất cả hầu như có một ý định tốt, và một cảm nhận: “Gia đình trên hết”. Ai cũng có một quyết tâm yêu gia đình mình hơn bất cứ một thứ gì trên đời, mong mỏi sự bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc và phát đạt trong mọi việc liên quan tới gia đình và tới mọi thành viên của gia đình mình. Như một thuyền trưởng vững vàng đưa con thuyền vượt sóng, những người chủ của gia đình ngày nay, bất chấp cơn đại hồng thủy của thông tin tuyên truyền, của văn minh chết chóc, của mọi thứ chủ nghĩa giả tạo đang đe dọa các giá trị con người và gia đình, họ lạc quan cương quyết và tràn đầy hy vọng vì gia đình vẫn có thể phát triển, sinh tồn và thăng hoa. Những người chủ gia đình dám gánh vác vai trò vinh quang đầy thách đố nhằm tăng cường niềm tin và các giá trị. Đã đến lúc, với tư cách là chủ gia đình, họ can đảm để nói lên rằng:“Này tôi không khuất phục, tôi không từ bỏ, tôi không hoảng sợ”; những người chủ của gia đình ngày nay ý thức rằng mình không phải là người lạc quan ngớ ngẩn. Họ tỉnh táo và ý thức, họ cần những phương tiện nào, những chỉ dẫn nào, và kỹ thuật nào để có thể thi hành và hoàn thành ơn gọi; dĩ nhiên, sự nâng đỡ của Thiên Chúa là điều họ tìm kiếm hằng ngày.
 
Những tâm tình trên quả thực là một quyết tâm mạnh mẽ, không chỉ là khi con thuyền gia đình “sóng yên bể lặng”, nhưng còn phản ánh một chọn lựa tối hậu của vợ chồng, cha mẹ, sau nhiều trăn trở, suy tư và phân định trước “mọi cạm bẫy” hòng đe đọa sự an bình của gia đình và con cái, một lựa chọn đầy hiệp thông giữa các thành viên gia đình. Một chọn lựa tuyệt vời.
 
Nhưng sự “đồng lòng” (hiệp thông) tuyệt vời như thế, tự bản thân nó cũng phô diễn cho chúng ta thấy đàng sau đó là một chuỗi dài những giằng co xâu xé, những đấu tranh quyết liệt giữa những “cái tôi”, giữa “thiện và ác”, giữa “chân lý và giả dối” với nhiều lý lẽ và quan điểm, ít ra cũng đáng trân trọng nhất (mà chúng ta không dễ dàng phân định; theo Đức giáo hoàng Phanxicô phân định là một hình thức đặc thù và chính mỗi người phải biết và tự quyết định cho mình, không ai có thể làm thay) (Christus vivit 283).
 
Ôi thật nhiêu khê! Đòi buộc chúng ta phải luôn đặt mình dưới ánh sáng Lời Chúa để phân định. Bên cạnh phân định để hiểu biết những khó khăn, nhận ra sự thật và những ảo vọng, cạm bẫy, hời hợt rỗng tuếch… còn có cả những đòi hỏi gắt gao phải vượt qua chính mình. Hy sinh, chua xót, nước mắt, đôi khi “đẫm máu” là tất nhiên! Nhưng như một hành trang và lộ trình cần thiết, chúng ta thực sự tin rằng, được mời gọi mạnh mẽ để phát huy một “nghệ thuật thánh cảm thông và hiệp nhất”, nhờ đó chúng ta vượt qua được cảnh đơn độc, và kín múc được sức mạnh từ nghệ thuật trân quý đó. Bởi lẽ nền văn hóa gặp gỡ - hiệp thông trên nền tảng nhân vị Kitô giáo vốn là trung tâm của mọi bình an và thăng tiến, thể hiện qua đối thoại, liên đới, cởi mở đón nhận anh chị em…
 
Giáo hội sơ khai ban đầu cũng đã mò mẫm trong hành trình tâm linh này: Sư hăng nồng hiệp thông dễ dàng của “thuở ban đầu đáng lưu luyến ấy” đã va chạm với những thực tế của văn hóa, lịch sử, và cả những con người. Một cộng đoàn Kitô đang phải gánh chịu những cơn sốt “nứt da vỡ thịt” của bản thân, để vươn lên, để bảo tồn di sản niềm tin mới mẻ của riêng mình, là tự nhiên. Nỗ lực củng cố tổ chức và điều hành cộng đoàn non trẻ trước bão táp hôm qua và sóng gió dồn dập ngày mai, là phận số không thể khác. Không chỉ những khó khăn ngoại tại trăm bề, càng gay gắt hơn ngay chính trong nội bộ cộng đoàn Giáo hội, trong giáo lý nền tảng; trong khác biệt quan niệm Đông và Tây. Sự hiệp thông đã trở thành nỗi trăn trở không nguôi, cho những người tin thuở ban đầu và cho cả thế giới Kitô giáo ngày nay. Nhưng họ đã tin vào lời đoan hứa của Chúa mình: “Thầy ở với các con mọi ngày”, Đấng hướng dẫn cộng đoàn Giáo hội dần dà đi vào con đường Hiệp Thông qua ngã đối thoại cởi mở chân thành; và phép lạ vẫn xảy ra trong Giáo hội!
 
Đọc lại sách Tông đồ công vụ, sách Khải huyền, Bốn Phúc âm, và đặc biệt các Thư của Thánh Phaolô, ta dễ dàng nhận ra những xung khắc bất hòa nội bộ, những bấp bênh giòn mỏng của con người, của những cộng đoàn Kitô non trẻ... trong những thời điểm lịch sử không thuận lợi, với những quyền lực chính trị và tôn giáo đan xen đến khó hiểu. Không thiếu những sự khác biệt gay gắt, nhưng cũng có những kiên nhẫn giải thích đối thoại và thuyết phục; không thiếu bạo loạn đổ máu, chết chóc dẫn đến khai trừ và tù tội, nhưng cũng không thiếu kiên trì hy sinh và lời cầu nguyện. Cộng đoàn sơ khai là vậy, vẫn tăng trưởng. Nhưng nhất thiết đó không phải là hỗn loạn (chaos), mặc dầu vài người bi quan muốn nghĩ như thế.
 
Có vẻ như Thiên Chúa vẫn có thói quen dẫn dắt thế giới, Giáo hội của Người và những người Ngài yêu thương, đi theo những hành trình gập ghềnh quanh co. Bốn mươi năm loanh quanh đầy gian khổ, trong hoang địa Sinai của dân tộc Chúa chọn - Israel, vẫn mãi là gương mẫu cho mọi cuộc hành trình của thế giới, Giáo hội, cộng đoàn, gia đình và cá nhân chúng ta. Phải, có thể nói đây là một cuộc hành trình thanh tẩy, một sự cần thiết không thể thiếu trong tương quan cận kề với Thiên Chúa. Hiệp Thông có nghĩa và đòi buộc là đi vào một lộ trình thanh luyện không thể thiếu; ngay cả cho một dân tộc của lời hứa, cho những con người được chọn, trước khi họ xứng đáng với những đòi hỏi của vương quốc Hồng Ân. Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục lộ trình thanh luyện này, bằng nhiều cách và nhiều lần trong chiều dài lịch sử Cựu ước. Lịch sử Tân ước cũng đã mạnh mẽ bắt đầu bằng lời rao giảng thanh luyện: “Hãy sám hối”.
 
Trở lại với Giáo hội sơ khai. Thánh Phaolô giữ một vai trò quan trọng, là người môn đệ được tuyển chọn cho dân ngoại, là bậc thầy thành lập nhiều cộng đoàn Giáo hội tiên khởi. Trong trách nhiệm của mục tử, khi không thể đến thăm các cộng đoàn, thánh nhân đã có sáng kiến mục vụ viết thư cho họ. Trong các thư, ngoài những bài giáo lý giảng dạy, lời thăm hỏi, khuyên bảo tâm huyết, còn có cả những lời nghiêm nghị mạnh mẽ và thẳng thắn. Ngài bày tỏ quyết tâm xây dựng một cộng đoàn hiệp thông xứng tầm với “lề luật yêu thương mới” mà họ đã cam kết dấn thân. Với ngài, đây chính là yếu tố quan trọng nhất để định hình một cộng đoàn được Chúa chúc lành: “Cứ dấu này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ Thầy” (Ga 14,35); và cũng là lời chứng mạnh mẽ nhất hơn muôn vàn ngôn từ: “… và để họ được hoàn toàn (hiệp thông) nên một, như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Chúa Cha đã sai Con…” (Ga 17,23).
 
 
2/ Những chữ “HÃY”.
 
Trong ngôn ngữ Việt nam “Hãy” chính là một lời khuyên nên làm, không thể bỏ qua, để có được một điều tốt lành hơn, hoặc tránh đi một sự dữ. “Hãy” với Phaolô là một “đòi hỏi phải thực thi” để tạo nên một Hiệp thông cộng đoàn không giả tạo trong bối cảnh nhiễu nhương. Chúng ta tìm được vô số ngôn từ “Hãy” quyết liệt mạnh mẽ của Thánh Phaolô sử dụng trong các thư của ngài. Xin nhớ “Hãy” thường xuất hiện trong những hoàn cảnh trầm trọng: Giáo hội địa phương bị quấy rối bởi giáo thuyết xa lạ; tình huống cộng đoàn bị phân hóa, và thiện ích của cá nhân bị xúc phạm.
 
Nhiều học giả cho rằngthành phố Êphêsô thời Thánh Phaolô là một trung tâm thương mại, phồn thịnh và giàu có. Êphêsô cũng là nơi có nhiều tôn giáo với nhiều tư tế khác nhau, dân chúng thích thờ cúng thần Đi-anh, nhiều pháp sư, nhiều thầy lang băm, nhiều người đúc tượng thần và nhiều người hành nghề thợ bạc v.v… nghĩa là một trung tâm bị nhuốm mầu ma thuật. Do đó, cộng đoàn Kitô giáo non trẻ tại Êphêsô quả là một nỗi lo lớn cho vị mục tử Phaolô đang bị cầm tù tại Roma, khoảng năm 60. Mối lo lớn nhất của ngài, vẫn chính là quyền lực ma thuật của thần tăm tối, đang đe đọa đức tin non kém của một số tín đồ Do Thái Kitô giáo, và của anh em dân ngoại theo đạo tại đây. Phaolô đã vạch trần sự sai lầm của việc thờ kính thần tượng, mặc dầu điều này gây ra sự phẫn nộ trong vòng những người làm và bán hình tượng, như thợ bạc Đê-mê-triu. (Cv 19,23–20,1).
 
Cộng đoàn Êphêsô bị bao vây chung quanh là những người ngoại giáo và ở trong vùng ảnh hưởng của đền thờ uy nghi thần Đi-anh. Thánh Phaolô nói với con cái Êphêsô, về một “mầu nhiệm lớn lao” ở giữa họ (chứ không phải là thần linh tăm tối nào cả); chính họ đã được chịu phép Rửa bởi Thánh Thần, nên họ hợp thành “đền thờ thánh” (chứ không phải đền thờ Đi-anh), nơi Đức Giêsu ngự trị trong Thánh Linh (Ep 2,21). Do đó, Phaolô nhấn mạnh sự cần thiết phải hiệp nhất giữa mọi khác biệt trong Đức Kitô, ngay cả giữa người Do Thái và Dân Ngoại. Ông khuyến khích mọi người hãy nắm chặt mối dây hiệp nhất vớí nhau để giữ vững cộng đoàn, và vượt qua cạm bẫy thế gian.
 
Thư gửi cho người Êphêsô, cũng nói đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống người tín hữu Kitô. Con cái và cha mẹ nên đối xử với nhau như thế nào? Vợ chồng có những trách nhiệm nào đối với nhau? Các thành viên trong Hội thánh phải làm gì để duy trì sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự tinh sạch của đạo Chúa giữa một thế gian hung ác? Phaolô đưa ra lời khuyên về các vấn đề này, và việc cần thiết phải mặc lấy một nhân cách mới nơi Kitô hữu: “được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thanh sạch của sự thật. (
4,24-32; 6,1-4). “Như vậy chúng ta không còn là trẻ nhỏ bị sóng đánh trôi dạt, cuốn hút theo mọi chiều gió đạo lý, giữa những trò bịp bợm của những kẻ xảo quyệt dùng mưu ma chước quỷ làm cho kẻ khác lầm đường” (Cv 4,12).
 
 
Thư này cũng cho thấy lý do Hiệp Thông nơi một số người được bổ nhiệm và lãnh nhận trách nhiệm một số công tác trong cộng đoàn. Mục đích là để cộng đoàn, như một thân thể, được trọn vẹn bằng cách hiệp nhất, cộng tác trọn vẹn với nhau trong sự sắp đặt của cộng đoàn. Do đó, các Kitô hữu có thể “HÃY lấy lòng yêu thương, như toàn thân được kết cấu chặt chẽ nhờ một huyết mạch nuôi dưỡng, nhờ mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình… để trong mọi việc họ làm góp phần làm cho toàn thân được tăng trưởng” (Cv 4,15).
 
Chúng ta hãy đọc chậm rãi, với một thái độ nội tâm sâu xa, một ít câu có khởi đầu “HÃY” của Thánh Phaolô dùng trong một số bản văn. Từ sâu thẳm tâm hồn ta nhận ra trong “bản tự kiểm” này, một yêu cầu bức thiết và nền tảng của Thánh Phaolô, để hiệp thông, phải có những bước khởi đầu trong chính bản thân, chứ không phải nơi nào khác!
 
“HÃY cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan” (Ep 5,15);

“HÃY ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại, hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2); “HÃY thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (Ep 4,3); “HÃY khuyên bảo người vô kỷ luật, khích lệ kẻ nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối, và kiên nhẫn với mọi người” (1 Tx 5,14); “HÃY cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5,21-22).
 

“Nếu quả thật sự hiệp nhất với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh chị em HÃY làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là HÃY có cùng một cảm nghĩ, (HÃY) cùng một lòng mến, (HÃY) cùng một tâm hồn, (HÃY) cùng một ý hướng như nhau (Pl 2,1-2).
 

“Giữa anh chị em với nhau, anh chem HÃY có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là Chúa" (Pl 2,5-11).
 

3/ “HÃY”, một thách đố cho sự trưởng thành tâm linh
.

Sự thinh lặng nội tâm sâu xa là một yêu cầu hệ trọng khi đọc Lời Chúa; vì đó là thái độ sẵn sàng đón nhận và lắng nghe. Chỉ khi chúng ta cởi mở với Lời Chúa, thì chúng ta được lôi kéo một cách thân tình vào cuộc trò chuyện với chính Thiên Chúa, Đấng đã phán dạy với cha ông chúng ta… nay sẵn lòng để mạc khải cho chúng ta ý muốn của Ngài. Với ý thức thực hành như thế, chúng ta nhận thức ngay điều bức thiết: “HÃY” là một thách đố lớn lao cho ước vọng hiệp thông của chúng ta, những người được tuyển chọn.

Là một thách đố, (mà “HÃY” là thách đố lớn nhất), khi nó đòi chúng ta, để được một điều gì đó quan trọng hơn, giá trị thực hơn, và hữu ích hơn cho sự trưởng thành tâm linh, thì cần phải vượt qua những gì sâu kín trong bản ngã cá nhân, trong cái lý lẽ bình thường, trong cái thói quen thông lệ, trong xu thế thời đại, cả ngay trong nếp nghĩ đã hình thành trong nhân loại thế tục. Điều đó không thể không gây tổn thương đau đớn. Sự hiệp thông trong cộng đoàn, trong Giáo hội, trong gia đình, trong các tổ chức xã hội… luôn là một ước vọng sâu xa, nhưng hành trình của nó không dễ dàng để thực hiện, nếu không trưởng thành tâm linh, có nghĩa là ý thức cao độ về một lời mời gọi riêng tư, một cảm nhận cá nhân về một nhu cầu Hiệp Nhất với Chúa Giêsu và với anh chị em khác. Thế giới ngày nay bị phân cực và mãi nhiễu nhương vì đã từ khước điều này.

Họ mạnh mẽ tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết”. “Mầu nhiệm tôn giáo và cuộc sống” luôn là một con ma đe dọa những người yếu đuối, bệnh hoạn và không tỉnh táo. Từ ý niệm bệnh hoạn của chủ nghĩa thế tục và cá nhân, con người “lên đồng” và lẩm bẩm khẩu hiệu, như một khám phá chân lý mới mẻ: phải độc lập, phải tự chủ, phải tự quyết và xứng đáng với dòng giống siêu nhân, phải giật khỏi tay Thượng đế quyền làm chủ cuộc sống và mọi quyết định của mình. Thiên Chúa hỡi, hãy ở yên trên đó, thế giới này là của chúng tôi; chúng tôi không xen lấn gì không gian của Ngài, thì cũng đừng xen vào thế giới chúng tôi.

Không phải ngày nay người ta mới có sáng kiến cách mạng và tiến bộ này đâu! Không phải Thiên Chúa chết, mà là tâm tưởng con người đã chết vì gạt Thiên Chúa ra ngoài. Đọc lại những chương đầu của sách Sáng thế ký, thuở những con người đầu tiên và ít ỏi, xuất hiện trên trái đất, họ cũng đã có những sáng kiến điên rồ đó rồi. Sự nổi loạn của Satan thần dữ, sự bất phục tùng của Eva và Adam vì tham vọng bằng Thiên Chúa, sự hợm hĩnh ích kỷ đưa tới cảnh huynh đệ tương tàn của Cain, sự tự do ngạo mạn kết hôn của con cái Chúa với kẻ ngoại, ý đồ toa rập chống lại Thiên Chúa Thật qua tháp Babel, … Suy nghĩ thâm thúy của người xưa được ghi chép lại trong Kinh Thánh, qua một chuỗi thảm họa, là cái kết đắng của thân phận con người khi họ đã chọn tách rời Thiên Chúa, và không thể hiệp thông với anh em, để thỏa mãn tham vọng hẹp hòi của riêng mình.
 

4/ Để kết thúc: chú ngựa ô thảm hại!

Xin được kể hầu anh chị em một câu chuyện triết lý của Hy lạp. Câu chuyện muốn trả lời cho câu hỏi: Tại sao con người cứ phải lao đao lận đận trên cõi trần ai trong kiếp nhân sinh này? Người Hy lạp, vốn tự hào là dòng giống triết lý cao sâu nhất trên mọi dân tộc, đã đưa ra câu chuyện lý giải. Thuở ban đầu, tất cả mọi người đều được vui hưởng hạnh phúc trên địa đàng đầy hoa thơm cỏ lạ, vui thú nhàn tản trên yên ngựạ vào chiều gió mát trăng thanh, hàn huyên tâm tình với Đấng Tạo Thành. Một ngày kia, như mọi ngày trong dịp tản mát, những con người trên lưng ngựa ô bất kham hung hãn miệt mài đuổi theo những ảo ảnh đến quên đường quay lại. Và rồi trần gian khổ ải là điểm đến không chờ. Còn những thế nhân trên lưng ngựa bạch ngoan hiền, theo đường thiên định quay về, và vẫn thế, tiếp tục vui hưởng địa đàng thượng giới. Thảm hại thay những chú ngựa ô muốn xa rời địa đàng và anh em!

Linh mục Francis Ho Mau, SDD.                                                                                                            
Suy tư mùa Covid cho anh và cho em.
 


Vatican chấp thuận mở án phong thánh cho Tôi tớ Chúa 13 tuổi người Philippines (12/4/2024)

Mùa Chay, hành trình tự do (21/2/2024)

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 58 – năm 2024 (30/1/2024)

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32 (15/1/2024)

Năm mới theo ý nghĩa Thánh Kinh (5/1/2024)

Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình (16/12/2023)

Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 – “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” (Rm 12, 12) (1/12/2023)

Các câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ các em thiếu nhi (10/11/2023)

Đón nhận hay loại trừ? (31/10/2023)

Thư gửi dân Chúa của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI - Thượng Hội đồng Giám mục (27/10/2023)

Mười bước để củng cố Hội Thánh tại gia (24/9/2021)

Những khía cạnh mà Giáo hội hậu COVID sẽ trở nên khác biệt (11/9/2021)

Năm Gia Đình Amoris Laetitia – Giới thiệu tổng quát (13/8/2021)

Vi-rút Corona, dấu chỉ “Thời Sau Cùng”! (22/7/2021)

Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất (25/6/2021)

Một số điểm chính trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Người nghèo năm 2021 (17/6/2021)

TGM Giuse Nguyễn Năng: Thư gửi các linh mục nhân dịp lễ Thánh Tâm 2021 (9/6/2021)

Tông thư thiết lập thừa tác vụ Giáo lý viên – “Antiquum Ministerium - Thừa tác vụ cổ kính” (26/5/2021)

Tôi nên thánh ư? Bảy hành động giúp bạn nên thánh mỗi ngày (5/5/2021)

Hướng dẫn mục vụ cho những người đã ly thân hay ly dị và sống chung bất hợp luật (1/4/2021)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn