Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
 
GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19 (27/7/2021)


 
1.         Chuyện chúng mình:
 
TỪ NGHIỆN NGẬP TRỞ THÀNH LINH MỤC GIÚP NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY
 
Phóng viên Báo điện tử Gia đình Việt Nam đã tới Đan viện Thiên An ở Huế và gặp đan sĩ-linh mục Phanxicô Xaviê Trần Văn An. Cuộc đời linh mục là một hành trình đầy thử thách, gian nan; đầy sự phấn đấu, lòng nhân từ và hồng ân.
Sinh ra trong một gia đình thuộc loại khá giả thời bấy giờ ở giáo xứ Cầu Rầm, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Cha Phanxicô Trần An được sống trong cảnh bao bọc yêu thương của những người cha, người mẹ đạo hạnh. Lớn lên, giỏi giang trong học tập và được sự yêu mến của mọi người chung quanh. Nhưng rồi cậu thanh niên Trần An đã thay đổi từ một quyết định của tuổi trẻ, của sự tự do và trong sự tin tưởng của cha mẹ. Một khoản vốn đã được cha mẹ chấp thuận khi cậu muốn tách riêng để làm ăn kinh doanh: làm nghề vàng và buôn bán vàng bạc. Bằng tài năng của mình, chàng trai đã rất thành công và gây dựng được danh tiếng mà không phải ai ở độ tuổi của cậu cũng có được. Rất nhiều người ngưỡng mộ, rất nhiều người yêu mến bởi vì dù thành công An vẫn luôn tỏ ra là một con người lịch sự, lễ phép và sống chân thành với người khác.
Thế nhưng, chuyện gì đến cũng sẽ đến. Sống tại thành phố Vinh, nơi vốn nổi tiếng chất chứa nhiều cạm bẫy, nhiều sự lôi kéo vào con đường ăn chơi, hưởng thụ. Cũng yếu đuối, cũng nông nổi, cũng ham muốn như bao người trẻ khác, hơn nữa, trong cảnh đầy đủ và thành công ban đầu dễ khiến Trần An bị cuốn vào vòng xoáy của lớp thanh niên đương thời. Ăn chơi, tiêu phá hết tất cả những gì đã gầy dựng. Sa vào bất mãn và mong muốn gỡ lại những gì nhận từ phụ mẫu. Trần An đã sai lại càng thêm sai. Chán nản, buồn bã Trần An lại càng lâm vào vui chơi hoang đàng, sa đọa trong men đắng tình trường, trong nghiện ngập chích hút. Cuộc đời và những người bạn xấu đã đẩy Trần An đến việc lỗi phạm đức công bằng, đưa Trần An đến chỗ thân tàn ma dại và ra vào vòng lao lý.
Thế nhưng, tình yêu của người mẹ, lời cầu nguyện và nước mắt của bà, cũng như chương trình của Chúa dành cho cậu thật quá ư vĩ đại. Được thức tỉnh và muốn làm vui lòng cha mẹ, Trần An đã được gửi đến Đan viện Thiên An để tĩnh tâm, để cai nghiện. Trải qua bao thăng trầm của một cuộc sống thật quá ư xa lạ, Trần An đã thành công và còn dâng hiến đời mình cho Chúa. Chàng muốn dâng cả thân xác và linh hồn mình để một đời thân mật với Chúa, đáp lại ân huệ yêu thương mà Chúa đã dành. Để rồi, bây giờ không ai không biết đến một vị linh mục mang cái tên rất đỗi thân thương và chứa đựng nhiều ý nghĩa: Phanxicô Trần An hay thường gọi là “Tràn Ân”.
Không dừng ở đó, cha Trần An còn đã và đang thực hiện một công việc mà đối với cuộc đời từng trải như cha thật không mấy người có thể thay thế. Cha đã xin phép và được bề trên chấp thuận để lập một trung tâm giúp đỡ cho những thanh niên từng lâm vào cảnh nghiện ngập trở về. “Trung tâm Hướng Thiện” do cha An sáng lập và điều hành đã được xây dựng ngay phía sau linh địa Đức Mẹ La Vang (Quảng Trị), nơi mà Đức Mẹ không ngừng kêu gọi ăn năn hoán cải. Đến nay, dù thời gian chưa đầy hai năm, nhưng đã có hàng trăm con người sa ngã đã đến và được cha Trần An hướng dẫn tĩnh tâm. Trong số đó, đã rất nhiều người trở về lại với gia đình, thành công trong công việc kinh doanh. Hơn nữa, có 6 người tại Trung Tâm Hướng Thiện đã bước theo con đường của cha An để dâng mình cho Chúa trong các tu viện và đan viện, 6 người anh chị em từ trung tâm đã được hồng phúc lãnh nhận phép rửa để trở thành con cái của Thiên Chúa. Tôi cũng từng có may mắn được viếng thăm và sinh hoạt cùng những con người nơi Trung tâm Hướng Thiện mà cha An đã gầy dựng nên. Những con người mà có lẽ khi nghe nói về họ, về quá khứ nghiện ngập, trường trại và lối sống buông thả mà họ đã từng chúng ta sẽ có một cảm giác sợ hãi hay khinh thường…
Thế nhưng, nơi Trung tâm Hướng Thiện những con người ấy lại trở nên thu hút một cách lạ kỳ. Nơi ấy đầy ắp tiếng cười và như một cộng đoàn dòng tu thực thụ với lối sống kỷ luật, tự giác. Họ đã không còn bị tiền bạc chi phối khi chấp nhận sống mà không giữ tiền riêng. Họ đã trở nên những con người có nề nếp khi chấp nhận một lối sống mới đúng giờ giấc, đúng lịch trình sinh hoạt hằng ngày. Họ đã trở về với Chúa và đến với Ngài mỗi ngày trong các giờ kinh phụng vụ, các thánh lễ bên người cha yêu quý của họ. Những con người đã quen với lối sống giành giật, trộm cắp, phung phí, chích hút… nay lại đổ mồ hôi hằng ngày để lao động, để làm việc. Họ đã bị đánh động bởi một cuộc đời đổi thay để rồi cũng thay đổi chính mình. Họ đã bị tiếng đàn, tiếng hát, hay những lời thơ chứa đựng bao niềm cảm xúc, chứa đựng bao tâm tư và cũng là nhật ký của một con người mang tên Trần An đánh động. Từ những người xa lạ với Thiên Chúa, xa lạ với đời sống Đức Tin thế mà giờ đây họ đang nếm hưởng những mật ngọt của tình Chúa. Họ đã và đang dần nhận ra Chúa nơi chính bản thân và nơi người khác để rồi biết tôn trọng món quà quý giá mà họ được lãnh nhận nơi Ngài.
Thật là một câu chuyện cảm động về kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa đã hoạch định. Dù Trung Tâm Hướng Thiện của vị linh mục “Tràn Ân” còn gặp nhiều khó khăn và thách đố, nhưng tin tưởng rằng: Chúa đang cùng cha An đồng hành để đưa tin vui đến cho nhiều gia đình, đưa niềm hy vọng đến cho nhiều phận người sa ngã, khổ đau.
 
2. Những con số biết nói
 
Stt
 
Quốc gia
 
Được chữa khỏi
 
Tử vong
 
Tổng số
1
Belarus
435.374
3.403
441.356
2
Romania
1.047.291
34.270
1.082.376
3
Iraq
1.420.995
18.347
1.564.828
4
Việt Nam
21.340
524
109.055
 
 
 
 
 
 
Thế giới
 
177.088.200
 
4.181.882
 
195.286.777
 
 
 
Cập nhật lúc 6g20, ngày 27.07.2021
 
3.       Khuôn vàng thước ngọc (Mt 13, 36-43;thứ Ba, tuần XVII Thường niên) 
 
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, Đức Giêsu đã giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về thái độ kiên nhẫn của Chúa đối với những người xấu. Chúa kiên nhẫn đối với tội nhân vì: Ngài nhân từ và đợi chờ họ ăn năn; bởi vì, "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống". Thứ đến, Ngài tôn trọng tự do mà chính Ngài đã ban cho mỗi người. Ngoài ra, đây cũng là lúc Đức Giêsu nói đến phần số cuối cùng của đời người. Theo đó, hạt giống là con cái Nước Trời và mùa gặt, tức là lúc kẻ lành người dữ được phán xét và phân biệt rõ ràng.
Đức Tổng giám mục Fulton Sheen, một nhà giảng thuyết lừng danh, trong một bài giảng, Ngài đã mở đầu bằng những lời lẽ sau đây: “Nếu Thiên Chúa là quyền năng, là tình yêu và công bằng, tại sao Người lại tác tạo nên thế gian đầy đau khổ? Nếu Người toàn năng, tại sao Người lại để cho sự ác hoành hành? Nếu Người là tình yêu, tại sao Người lại dung túng hận thù, ghen ghét? Nếu Người công bình, tại sao Người lại để bất công thắng thế?” Và rồi ngài tự trả lời: “Tôi thiết nghĩ, hễ ai mà mắt chưa từng thấy, trí chưa từng hiểu sự tương phản ghê gớm giữa tội lỗi của trần gian và lòng từ tâm của Thiên Chúa, đều sẽ hỏi như vậy”.
Có lẽ không ít lần chúng ta cũng nêu lên những thắc mắc tương tự như thế khi chúng ta phải đối diện với sự dữ. Thậm chí có người còn quả quyết rằng, Thiên Chúa không thể vừa quyền năng, lại vừa tốt lành. Họ khẳng định như thế vì họ lập luận rằng, sở dĩ tội ác và sự dữ vẫn tồn tại, vì Thiên Chúa tuy quyền năng nhưng vì Ngài không tốt lành nên đã dung túng cho sự dữ ngang nhiên lộng hành. Và ngược lại, sở dĩ tội ác và sự dữ vẫn tồn tại, vì Thiên Chúa tốt lành không muốn có sự dữ nhưng vì Ngài bất lực nên đành để cho sự dữ tiếp tục làm khổ con người.
Thế nhưng, chúng ta dựa vào Lời Chúa hôm nay để trả lời cho những thắc mắc trên. Thiên Chúa là Đấng tốt lành thánh thiện tuyệt đối và mọi sự Ngài đã tác tạo đều tốt đẹp như chúng ta có thể đọc thấy trong những chương đầu của Sách Thánh. Còn sở dĩ có sự dữ và đau khổ là do ma quỷ và vì con người đã lạm dụng sự tự do để chống lại Thiên Chúa. Và nếu sự dữ vẫn tồn tại, giống như cỏ lùng vẫn được sống chung với lúa tốt… thì không phải Thiên Chúa bất lực nhưng vì Ngài từ tâm và kiên nhẫn đối với những người tội lỗi.
Tuy nhiên, bao lâu chúng ta còn sống ở trần gian, thì đau khổ và sự dữ vẫn là một mầu nhiệm không thể lý giải một cách triệt để được, bởi vì thực tế sự dữ vẫn luôn tồn tại, thậm chí đôi lúc xem ra thắng thế. Thế nhưng, đó chỉ là giai đoạn tạm thời, còn vào giây phút cuối cùng của lịch sử, lúa tốt sẽ được thu vào kho lẫm, còn cỏ lùng sẽ bị thiêu đốt trong lửa không bao giờ tắt.
 
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết nhận ra những giới hạn của chính mình, đồng thời biết đón nhận cả những yếu hèn của người anh em. Xin biến chúng con thành những hạt giống tốt được gieo vãi trong lòng Giáo Hội và xin đừng để những đam mê bất chính của phận người cản trở bước chân của chúng con trên đường nên thánh. Xin hướng dẫn để chúng con biết thực lòng ăn năn hối cải mỗi khi phạm phải sai lầm. Xin đừng để những yếu hèn đẩy chúng con xa Chúa và phải ngậm ngùi trong ngày Ngài phân xử muôn dân.
 
4.        Lời bàn
- Trích đoạn Tin Mừng hôm nay có thể được coi là một trong những bài học thực tế nhất mà Đức Giêsu đã kể bằng dụ ngôn. Nó dạy chúng ta rằng, luôn luôn có một thế lực thù địch ở trong thế gian, tìm kiếm và chờ đợi để hủy phá hạt giống tốt. Kinh nghiệm đời sống chúng ta là có hai loại ảnh hưởng cùng tác động trên đời sống chúng ta: ảnh hưởng giúp cho hạt giống Lời Chúa được nảy nở tăng trưởng và ảnh hưởng tìm cách hủy hoại hạt giống tốt trước khi nó có thể đâm bông kết trái. Đó là bài học nhắc nhở chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác. Nói một cách khác, dụ ngôn này dạy cho ta biết ở đời luôn luôn có hai phương diện: tốt-xấu, đúng-sai, phải-quấy, thiện-ác, chánh-tà... Là phàm nhân ắt sẽ có người tốt kẻ xấu; thậm chí ngay trong một con người cũng có hai mãnh lực thiện-ác đua chen nhau, kìm kẹp nhau. Do đó, cuộc sống của mỗi người luôn là một cuộc chiến đấu triền miên với chính mình.
- Dụ ngôn này cũng còn dạy chúng ta biết rằng, khó có thể phân biệt đâu là công dân sẽ thuộc về Nước Trời và đâu là không phải. Có người bề ngoài thì tỏ ra đạo đức thánh thiện, nhưng sự thật lại là một người nham hiểm xấu xa. Có người mới nhìn tưởng là không đoan chính, nhưng kỳ thực lại là người “lòng dạ chẳng có gì gian dối”. Nhiều lúc chúng ta quá vội vã đánh giá người khác, dán ngay cho họ một cái nhãn tốt hoặc xấu trong khi chưa hiểu tường tận về họ. Đây là một cám dỗ thường xuyên đối với mỗi người chúng ta. Hẳn nhiên chung quanh chúng ta cũng có những con người khó lường, khó đoán tựa như: “Bề ngoài thơn thớt nói cười / Mà trong nham hiểm giết người không dao”; thế nhưng không phải vì vậy mà chúng ta cho phép mình quy chụp hoặc xét đoán ai đó một dạ hai lòng.
- Dụ ngôn này cũng dạy chúng ta không nên đoán xét vội vàng. Nếu những người đầy tớ cứ làm theo cách của họ, muốn nhổ sớm cỏ lùng thì chắc chắn sẽ nhổ luôn cả cây lúa mì nữa. Muốn loại bỏ cỏ lùng phải chờ đến mùa gặt. Sẽ đến ngày, người ta phải chịu phán xét không chỉ căn cứ trên một hành động đơn lẻ hay một giai đoạn nào trong đời sống, nhưng trên toàn thể cuộc đời họ. Một người có thể tội lỗi ngập đầu nhưng vẫn có thể được Chúa cứu chuộc nếu người ấy biết chuộc lại lỗi lầm bằng cách sống phần đời còn lại một cách tốt đẹp. Một người khác có thể sống ngay chính nhưng cuối đời bất ngờ sa vào tội lỗi mà làm đổ vỡ tất cả. Không ai chỉ nhìn xem một phần sự việc mà có thể phê phán toàn thể sự việc ấy; cũng vậy, không ai chỉ biết một phần cuộc đời của người nào đó mà lại có thể mạnh miệng kết toàn bộ cuộc đời của họ.
- Ngoài ra, dụ ngôn này cũng lưu ý chúng ta rằng, sự phán xét điều tốt và xấu phải đợi đến lúc chung cuộc, không vội vã. Xét theo kiểu con người, có thể đời này kẻ ác dường như tránh được những hậu quả, nhưng nên nhớ là vẫn còn đời sau nữa. Có cảm giác làm điều thiện ở đời này chẳng được lợi lộc gì cả; dù vậy, hãy tin rằng trong Nước của Chúa, mọi thứ mới mẻ sẽ giúp quân bình lại những điều mà người ta đã rộng rãi tặng ban. Như thế, số phận đời người chỉ có thể định đoạt khi mọi sự đều được bày ra trước mặt Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể phân biệt tốt xấu cách tỏ tường; chỉ có Ngài mới có thể thấy được toàn diện con người và mọi khía cạnh của đời sống nhân loại. Chính vì vậy, chúng ta đừng mong giành lấy quyền tài phán của Chúa mà hành xử với tha nhân; bằng không, chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về những điều vô căn vô cứ mà mình đã nghĩ hoặc đã làm.
-“Một câu chuyện cảm động về kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa đã hoạch định. Dù Trung Tâm Hướng Thiện của vị linh mục “Tràn Ân” còn gặp nhiều khó khăn và thách đố, nhưng tin tưởng rằng: Chúa đang cùng cha An đồng hành để đưa tin vui đến cho nhiều gia đình, đưa niềm hy vọng đến cho nhiều phận người sa ngã, khổ đau”. Sống trên đời, ai mà chẳng có những phút giây yếu đuối, sai lầm hay vấp ngã. Thế nhưng, điều tạo nên sự khác biệt chính là người ta sẽ đứng dậy như thế nào để bước tiếp, để băng mình về phía trước hay ngồi khóc một mình và tự trách bản thân. Ai đó nới với chúng ta rằng: “Đừng để cuộc đời bạn trôi qua một cách vô nghĩa khi mãi chìm đắm trong ký ức, lỗi lầm của quá khứ hay quá lo lắng về tương lai. Hãy sống trọn vẹn cho giây phút hiện tại bằng tất cả nhiệt huyết của trái tim mình”. Nhìn lại cuộc đời của đan sĩ Trần An, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa đã nối liền những vạch đứt quãng trong cuộc đời của chàng thanh niên một thời sống trong ê chề và thất vọng. Chỉ có tình thương mới có thể vực dậy một tâm hồn tan nát vì tội lụy như vậy. Có lẽ, Thiên Chúa đã chờ đợi người tôi tớ này rất lâu, mãi cho tới ngày chàng thanh niên ấy quyết tâm phục thiện. Kịp nhận ra và cộng tác với ơn Chúa, vị đan sĩ ấy giờ đây đã thực sự trở thành một chứng nhân sống động về Lòng Chúa xót thương. Thiên Chúa vốn nhẫn nại và cũng vì điều đó mà Ngài không bao giờ bỏ dở dang những hoạch định của mình, bao lâu nó chưa hoàn trọn như dự liệu. Tôi như thoáng thấy cuộc sống của mình giống với phần đời thứ nhất của vị đan sĩ được nhắc tới ở trên. Điều đó cũng nói với tôi rằng, Thiên Chúa cũng đang đợi chờ tôi ở phía trước mặt. Thế nhưng, đôi khi tôi chẳng thể hiểu được chính mình; bởi vì, dẫu biết rằng Chúa luôn chờ tôi bước về phía Ngài, còn bản thân tôi thì chỉ muốn tìm đường mòn lối mở, cốt làm sao để khỏi phải giáp mặt Chúa của mình. Bạn có bao giờ nghĩ giống tôi không vậy? Thiên Chúa cho thời gian và trao cơ hội để hết thảy chúng ta được trở về trong vòng tay của Ngài; tiếc rằng, không phải ai cũng diễm phúc được dự phần chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
 
 
Viết Cường, O.P.
 


Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 26 thường niên, Năm B) (26/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 25 thường niên - Năm B) (19/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 24 Thường niên - Năm B) (12/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 23 thường niên -Năm B) (5/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 22 Thường niên - Năm B) (29/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 21 TN, Năm B) (23/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Đức Mẹ hồn xác lên trời 15/08/2021) (15/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (08/08/2021) (8/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật, 01/08/2021) (1/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (26/7/2021) (26/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (25/7/2021) (25/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (24/07/2021) (24/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (23/7/2021) (23/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (22/7/2021) (22/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (21/07/2021) (21/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (20/7/2021) (20/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (19/7/2021) (19/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (18/7/2021) (19/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (17/07/2021) (17/7/2021)
 Các tin khác:  1   2   3 
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn