Vai trò của người mẹ trong việc giáo dục con cái
Mẹ là người góp phần lớn cho sự thành bại trong công việc giáo dục con cái trong gia đình, một khi đã làm hết sức mình để đầu tư nuôi dạy con cái rồi thì phần còn lại quan trọng nhất, là hãy tìm đến với Chúa...
Hôn nhân Công giáo có hai mục đích. Thứ nhất, vợ chồng yêu thương tương trợ giúp nhau để cùng thăng tiến trong đời sống lữ hành trần gian. Thứ hai, cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo qua việc sinh sản, nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái.
Có thể nói, con cái như một sợi dây vô hình liên kết tình yêu vợ chồng cho thêm bền chặt và thắm thiết hơn. Và con cái là một ân huệ Chúa trao ban, nhưng ân huệ này có thể trở thành niềm vui, niềm tự hào, niềm hãnh diện cho gia đình hay ngược lại, nó sẽ trở thành nỗi khổ đau, sự buồn phiền không những cho cha mẹ mà còn cả cho dòng họ, gia tộc nữa! Hai điều này tùy thuộc vào cách nuôi nấng và giáo dục con cái của bậc cha mẹ.
Ông bà xưa có câu: “Sinh con không dạy, không răn. Thà nuôi con lợn cho ăn lấy lòng”.
Đau khổ và tủi hổ biết bao khi trong gia đình có đứa con hư hỏng vướng vào nghiện ngập, bài bạc, rượu chè, xì ke ma túy…
Ngược lại, khi gia đình có những người con ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, có tài có đức, khỏe mạnh thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ, không chỉ cho gia đình mà còn cho cả gia tộc nữa. Nhưng là sao để có những người con tốt lành như lòng mong muốn?
Người ta thường ví, gia đình là trường học đầu tiên mà cha mẹ là thầy, là cô giáo không thể thay thế, để từ cha mẹ, những học sinh là con cái được dạy dỗ, được hấp thu những đức tính tốt để hình thành nên một con người có tâm, có đức, và trở nên người hữu ích cho xã hội cũng như cho Giáo Hội.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Nói thế không phải là người cha trong gia đình không có ảnh hưởng trong bổn phận giáo dục con cái, những người cha vẫn đồng hành với bạn đời của mình để cùng chia sẻ trách nhiệm nặng nề và cao cả ấy. Song vì người mẹ thì có nhiều thời giờ gần gũi con cái hơn, có tính tình dịu dàng, ngọt ngào và có tính cách tỉ mỉ, chi tiết hơn người cha nên sức ảnh hưởng đến con cái nhiều và sâu đậm hơn. Chính vì thế, con cái sẽ hấp thu những lời hướng dẫn, chỉ bảo nơi người mẹ nhiều hơn, vả lại, thường thì người cha phải lo gánh vác những công việc nặng nề hơn trong công việc làm ăn sinh kế, nên không có nhiều điều kiện và thời gian so với các bà mẹ.
Thầy Mạnh Tử sẽ không thể trở thành một nhà hiền triết, đức hạnh nếu như không có một người mẹ hết lòng lo cho sự giáo dục con mình. Mạnh Mẫu vì muốn tìm cho con có một chỗ ở thích hợp nên sau ba lần vất vả dời nhà, bà mới tìm được chỗ ở hợp ý; nơi ở đó là bên cạnh trường học. Một lần vì lỡ lời nói với con là: “người ta giết heo để cho con ăn đó”, nên bà đã đi mua thịt heo cho con ăn thậtvì bà không muốn mình làm gương xấu, gián tiếp dạy con nói dối! Mạnh tử đang học bỏ ngang về nhà, bà đã dùng kéo cắt phăng tấm vải đang dệt và bảo con rằng: “đang học mà bỏ về thì có khác gì như mẹ đang dệt vài mà cắt đi vậy”.
Chuyện kể về người mẹ của Mahatma Gandhi, thủ tướng Ân Độ, khi biết con mình nói dối để gạt mình thì bà đã phản ứng bằng cách không ăn uống gì cả, khi Gandhi năn nỉ bà dùng bữa thì bà nói: “Sinh ra một đứa con nhu nhược, không có dũng khí để nhận lỗi, lại nói dối, thì mẹ cảm thấy nhục nhã lắm! Mẹ thà nhịn đói để chết cho xong, mẹ không còn muốn sống nữa!” Vì thái độ cương quyết của mẹ nên Gandhi hối hận, chạy lại lò sưởi, lấy một cục than hồng nắm chặt trong tay đến trước mặt mẹ và nói: “Con thề với mẹ rằng từ nay trở đi con sẽ không bao giờ nói dối nữa!” Và ông đã giữ lời hứa đó cho đến suốt cuộc đời của mình.
Vua Louis IX nước Pháp, đã nên thánh cũng bởi gương sáng và sự dạy dỗ nơi người mẹ. Bà Blanche thường bảo con rằng: “Con ơi, mẹ yêu thương con nhiều lắm, mẹ yêu thương con trên hết mọi sự trên thế gian này, nhưng mẹ thà thấy con chết ngay dưới chân mẹ còn hơn thấy con phạm tội”.
Một tấm gương sáng mà thánh nữ Monica để lại cho các bà mẹ Công Giáo noi theo, là khi Augustino lạc đường sa ngã thì chính bà, một người mẹ luôn hết lòng vì con, đã lẽo đẽo theo con đi khắp nơi để dùng lời lẽ khuyên nhủ, bảo ban con trong nước mắt, với hy sinh, hãm mình và nhất là cầu nguyện suốt 17 năm trời ròng rã; để rồi cuối cùng nhờ công đức của bà, Chúa đã thương nhận lời, mà làm cho Agustino biết hoán cải bỏ đàng tội lỗi trở về với Chúa.
Trong cuốn sách “Trên đường lữ hành” Đức Hồng y Phanxico Savier Nguyễn Văn Thuận, có kể câu chuyên về một người mẹ đã nuôi dạy mười ba người con nên tốt lành. Đó là bà Elisa thân mẫu của Đức Hồng Y Herbert Vaughan. Tuy bà rất vất vả, bề bộn với công việc nội trợ cũng như giúp đỡ chồng trong việc kiếm tiền nuôi một đàn con. Thế nhưng ngày nào cũng vậy, bà dành ra một giờ đồng hồ để đến nhà thờ chầu Chúa. Láng giềng ai cũng lấy làm lạ và đặt câu hỏi với bà: “Nuôi một đàn con 13 đứa, bận bịu từ sáng đến tối mà sao trưa nào chị cũng đến nhà thờ được vậy?” Thì bà tươi cười trả lời: “Thấy một đàn con đông đúc, ăn bữa nay, lo bữa mai, tôi lo lắng lắm. Hơn thế nữa, khi chúng đến trường đi học, sẽ có rất nhiều bạn bè xấu rủ rê đi chơi hoặc ra phố học đòi xa hoa lãng phí, có rất nhiều mối nguy hiểm rình chờ, tôi càng thao thức và lo lắng hơn nữa. Thành thử, mỗi ngày cho dù bận việc đến đâu, thì tôi vẫn bỏ ra một giờ để chầu Chúa, sốt sắng xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi có lương thực đủ dùng nuôi nấng các con hàng ngày và dạy dỗ chúng nên người đạo đức”.
Kết quả là gia đình bà có 8 người dâng mình cho Chúa, trong số đó có một Đức Hồng Y, một vị Giám Mục, hai Linh Mục, hai nam tu sỹ và hai nữ tu!
Một lầm lỗi mà các bà mẹ thường hay mắc phải, khiến cho việc giáo dục con cái trở nên thất bại đó là: Vì yêu thương nên nuông chiều con mình quá đáng, chúng muốn gì được nấy… Vấn đề khác nữa là binh vực chúng cách mù quáng, ai đụng chạm đến con là đề kháng quyết liệt, cái gì của con mình cũng là đúng, là phải… Vì thế, nên chúng thấy có chỗ chống lưng làm bậy mà vẫn không sợ sệt, do đó chúng đâm ra hư đốn.
Tóm lại, có thể nói: Mẹ là người góp phần lớn cho sự thành bại trong công việc giáo dục con cái trong gia đình, một khi đã làm hết sức mình để đầu tư nuôi dạy con cái rồi thì phần còn lại quan trọng nhất, là hãy tìm đến với Chúa, trao phó những đứa con trong tay Ngài, chắc chắn Chúa sẽ thương ban cho chúng ta những điều lòng mình mong ước.
Ước mơ rằng các gia đình Công Giáo sẽ thực hiện triệt để lời cam kết khi lãnh bí tích hôn phối, đó là “sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh”.
Con cái ngoan hiền và đạo đức sẽ trở nên như những đóa hoa xinh đẹp dâng lên bàn thờ Thiên Chúa và chúng cũng sẽ góp phần làm cho hạnh phúc gia đình trở nên ngọt ngào và trọn vẹn hơn.
Đaminh Trần Văn Chính
|