5 điều con trẻ học được từ Bà Ngoại
Bà không dạy nhưng Bà vẫn đem lại cho chúng những bài học quan trọng nhất trong cuộc sống
Ở nhiều nơi trên thế giới, ngày lễ thánh Gioankim và Anna - song thân của Trinh Nữ Maria - là ngày lễ mừng Ông Bà. Các con tôi mong ngày này, đặc biệt để chúc mừng Bà Ngoại của chúng, vì Bà sống chung với chúng tôi.
Bà ở giai đoạn cuối của căn bệnh Parkinson và sống với chúng tôi gần 7 năm nay, vì thế ngay cả đứa con lớn của tôi cũng không thể nhớ thời gian trước khi gia đình không có Bà.
Chúng tôi là cột trụ chính của gia đình ba thế hệ. Mẹ sinh ra tôi lúc 42 tuổi (tôi còn 2 em nữa), và chúng tôi lập gia đình trễ; vì thế trong khi các bạn đồng liêu có con tuổi teen, chúng tôi thì con còn tuổi sơ sinh! Điều này có nghĩa là, chúng tôi phải chăm lo cho hai đầu của cuộc sống: bố mẹ và con cái. Vâng, nó vất vả. Nhưng cũng tuyệt vời. Đặc biệt, tuyệt vời cho các con tôi!
Đây là 5 bài học mà các con tôi học được từ người Bà của mình, khi sống chung trong một mái nhà.
1. Phẩm giá không tùy thuộc việc làm.
Từ khi Bà Ngoại hầu như không nói được nữa, các con tôi không còn mong chờ được nghe những câu chuyện ngày xưa, hay được nghe đọc về chúng nữa. Các cháu biết rằng nếu để Bà một mình trong phòng ăn, Bà sẽ có những “trò tai hại”, như là cho ngũ cốc vào ly cà phê của Bà. Chúng biết nếu để phần bánh của mình trong tầm tay của Bà mà không để ý, khi nhìn lại nó sẽ biến mất; hàm răng giả xinh đẹp của Bà không cho cảm giác chút nào về sự yếu kém của tuổi già!
Nhưng những gì Bà làm - hay không làm được - không tạo nên sự khác biệt đối với các con tôi. Ngoại là một thành viên của gia đình, rõ ràng và đơn giản. Luôn luôn có từ “N” trong trò chơi chữ để nhắc đến Ngoại, và những hình ảnh gia đình luôn có sự hiện diện của Bà.
2. Mỗi người là một “gánh nặng”.
Không có nhu cầu nào hằng ngày của Bà làm cho các con tôi ngạc nhiên hay buồn bực. Chúng sẵn sàng bảo vệ Bà cật lực, những khi tôi mất kiên nhẫn, khó chịu. Lũ trẻ hiểu rằng, Bà phải mặc tã như em bé, và được chăm sóc như một người con khuyết tật. Và - đây là điều quan trọng - các con hiểu rằng một ngày nào đó, chúng lại sẽ phải mặc tã như Bà bây giờ.
Tuy chưa diễn tả điều này bằng lời, nhưng các con nhận ra sự thật, chúng ta tất cả đều phải cậy nhờ vào nhau. Chúng thấy rằng mọi tương quan đều phải hỗ trợ lẫn nhau. Tất cả các mối quan hệ đều phải góp phần hy sinh - tất cả chúng ta.
3. Thiên đàng đâu đó ở trong nhà.
Bố tôi đã ra đi lâu rồi trước khi tôi gặp chồng tôi, nhưng chúng tôi thường vẫn nhắc đến Ông, đặc biệt nhớ đến Ông vào ngày lễ Các Linh Hồn. Các con tôi biết Ông “sống ở trên Thiên Đàng”. Và từ khi có Bà về sống trong phòng khách nhà tôi - Ông ở trên thiên đàng, một kết nối tự nhiên được thiết lập giữa hai nơi này. Thiên đàng được nhắc đến nhiều hơn trong những câu chuyện hằng ngày. Điều này thật tốt, vì chúng tôi cần nhớ điều Thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Do Thái về “Cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn” được “chìm sâu bên trong bức màn cung thánh” (Dt 6,18-20). (ĐTC Phanxicô đã gây ấn tượng mạnh mẽ nơi tôi về hình ảnh “cái neo của chúng ta trên thiên đàng”. Tôi không nhận ra điều này cho đến khi ngài đề cập tới Kinh Thánh)
4. Là một phần của gia đình có nghĩa là tham gia vào một điều thú vị. Cũng có nghĩa là từ bỏ một điều gì đó.
Nhiều hoàn cảnh có thể dạy cho con trẻ những bài học quan trọng, về những cái mà thế giới không thể đáp ứng được chung quanh chúng. Bỏ cái này, hay làm cái kia vì nó thích hợp với chiếc xe lăn, hay bởi vì không có ai ở nhà với Bà - là những tình huống đem lại những bài học tốt nhất. Và các con tiếp thu được điều này rất dễ dàng.
5. Một thế hệ ra đi và một thế hệ khác lại đến (Gv 1,4).
Những đứa bé thường nói chuyện với nhau về, sau này tôi sẽ trở thành Bà và chúng trở thành ba hay mẹ. Chúng cũng đề cập rõ ràng là, khi chúng trở thành ông bà thì Bà của chúng đã ở trên thiên đàng rồi. Chúng biết rõ điều này, mặc dầu tôi chắc chắn rằng, chúng vẫn chưa có khái niệm rõ ràng về cái chết, cũng như chưa có kinh nghiệm cái chết gần đến như thế nào.
Chúng tôi có một cuộc nói chuyện về điều đó trong tuần này.
Con trai tôi nói, “Mẹ, khi con làm ông nội ông ngoại, Bà của mình đã ở trên thiên đàng rồi”. Tôi đáp, “Phải rồi” (và cho con biết rằng hiện nay Bà rất yếu), tôi nói thêm, “Bà sẽ ở trên thiên đàng rất lâu trước khi con trở thành ông nội, ông ngoại; có thể vào khoảng con hơn 20 tuổi”.
“Khôoooong, lúc đó, lúc đó…” nó nói một cách không tin và vừa tính toán trên các ngón tay. Tôi chờ xem nó nói như thế nào… “Bà 102 tuổi!” Và nó tuyên bố dõng dạc, rõ ràng “Con người có thể sống đến 102 tuổi, Mẹ! Bà không thể ra đi sớm thế!”
“Đúng rồi con, đôi khi con à… nhưng không phải ai cũng được như thế… Chúng ta sẽ rất nhớ Bà khi Bà lên thiên đàng, phải không?” tôi trả lời con trai.
Gương mặt nó như có một đám mây đen kéo qua, dường như nó đang suy nghĩ đến ngày đó.
Nhưng rồi nó nói. “Vâng ạ… Nhưng Bà sẽ rất hạnh phúc vì Bà được ở trên thiên đàng cùng Chúa”.
Thánh Gioakim và Thánh Anna, xin cầu cho chúng con!
(5 things my young kids are learning from their elderly grandma / Kathleen Hattrup)
Trần Thị Kim Danh chuyển ngữ
|