5 LÝ DO Ở LẠI ĐẾN CUỐI THÁNH LỄ
Hầu hết chúng ta đều có làm điều này, ít nhất là một, hai lần.
Đi thẳng xuống cuối nhà thờ, đầu cúi thấp sau khi đã nhận Mình Thánh Chúa, và ra khỏi cổng nhà thờ, bởi vì ta có một việc quan trọng gì đó phải làm gấp.
Chúng ta hy vọng linh mục và bạn bè sẽ không để ý. Và có lẽ họ không quan tâm. Nhưng có Người biết đó.
Với tư cách là một nữ tu, được chuyển đổi khá nhiều nơi, tôi ngạc nhiên vì thấy sự khác biệt khá là triệt để giữa các giáo xứ khác nhau. Đến Oklahoma, tôi ít khi thấy người ta ra về sớm khi tham dự Thánh lễ. Tôi đã từng sống ở California, trong giáo xứ tôi tham gia, giáo dân đến dự lễ trễ và đôi khi về sớm. Hiện nay tôi sống ở Đông Nam Hoa Kỳ, và ngạc nhiên vì thấy rất nhiều người rời bỏ Thánh lễ và ra về khi Thánh lễ chưa chấm dứt. Nhưng khuôn mẫu này cũng tùy thuộc vào mỗi giáo xứ. Đây là một hiện tượng đáng quan tâm. Sự việc cá biệt này diễn ra hoàn toàn không liên quan đến tôi, nhưng nhìn thấy một nửa giáo dân ra khỏi bãi giữ xe trước khi bài hát tạ lễ chấm dứt, khiến tim tôi thấy nhói đau.
Lắm khi tôi muốn chạy theo họ - những người mau mắn rời nhà thờ sau khi đã xếp hàng nhận Mình Thánh Chúa - và nói với họ: “Chúa Giêsu đang ở trong bạn! Hãy dành ra một phút để nói chuyện với Người, cám ơn Người, yêu kính Người!”
Bạn có cần giải bày vài lý do để ở lại thêm một chút, tham dự cho trọn vẹn Thánh lễ không? Bạn có biết những ai cần nó không?
Đây là những lý do mà tôi ở lại cho đến cuối lễ:
1.
Bí tích Thánh Thể là một cuộc trò chuyện tâm tình
Khi ta đón nhận Thánh Thể, là ta đón tiếp chính Chúa Giêsu. Khi ta chịu Mình Thánh và ra về, giống như việc một người bạn đến thăm; thay vì thời gian để người bạn có thể ngồi xuống và hiện diện bên ta, ta lại đứng bật dậy, chạy ào ra cửa và la to “Thật tuyệt vì đã đến với tôi, hẹn gặp tuần sau nhé!” Bí tích Thánh Thể là một cuộc tiếp xúc, trò chuyện với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta. Để có được sự gần gũi này, ta phải thật sự tận hưởng thời gian ở bên Chúa, dành ra một khoảnh khắc riêng biệt với Thiên Chúa của ta.
2.
Cư xử không lịch sự là không tốt
Trong tu viện, trước Thánh lễ chúng tôi có nửa tiếng thinh lặng để nguyện ngẫm Kinh Thánh. Đôi khi tôi bị trễ. Tôi bước đi vội vàng với cái đầu cúi gằm, sợ có ai đó biết mình đã ngủ quên. Gần đây, tôi nhận ra rằng động lực để tôi cố gắng đi sớm không phải là để tránh sự ngượng ngùng, sợ người khác thấy, mà là vì tôi sắp gặp Đức Giêsu. Tại sao chúng ta quan tâm đến phản ứng của người khác hơn là việc gặp gỡ Chúa Giêsu? Chúng ta nghĩ rằng, tôi phải vội đi vì tôi còn quá nhiều việc để làm, vân vân… đang chờ đợi tôi! Nhưng vì sao chúng ta dễ dàng đi trễ, về sớm trong khi Chúa Trời Đất đang mong chờ được gặp gỡ chính ta?
3.
Thánh lễ không chỉ là một mục trong danh sách “phải làm”
Khi tôi thấy một người ra về sớm trong một Thánh lễ, giống như là họ phải tham dự Thánh lễ như thực hiện một việc phải làm trong danh sách đã ghi và mong kết thúc nó cho sớm. Đời sống Kitô hữu không phải là một danh sách những điều phải làm. Mà là một lời mời gọi tương giao mật thiết với Thiên Chúa. Nếu chúng ta đi lễ với một tâm thái không ý nghĩa, ý niệm gì; chắc chắn chúng ta không mắc tội đáng chết, nhưng chỉ để tránh tội chết thì không phải là tiếng gọi của đời sống thiêng liêng. Chúng ta được kêu gọi nhiều hơn nữa. Chúng ta được mời gọi sống thân thiết, thánh thiện và biến đổi trong Đức Kitô.
4.
Phép lành cuối lễ rất quan trọng
Trong Ngày Hiến Tế, ông Giacaria cha của Thánh Gioan Tiền Hô, được vinh hạnh gặp gỡ sứ thần của Thiên Chúa; ngài nói rằng ông bà sẽ sinh một con trai. Mọi người bên ngoài đang chờ đợi để được chúc lành sau khi ông dâng lễ tế. Ông ra ngoài và không nói được gì, vì bị câm khi không tin lời thiên sứ truyền; sự thiếu lời chúc lành đó đem lại tiếng đồn không hay cộng thêm thảm họa ông mất tiếng nói. Chắc chắn dân chúng hôm đó trở về nhà với một nỗi thất vọng ê chề. Lời chúc lành là điều quý giá. Khi một linh mục, người được hiến thánh và thay mặt Đức Kitô, ban cho chúng ta phép lành cuối lễ, là chúng ta đón nhận sự chúc phúc thật sự từ chính Thiên Chúa. Nếu Chúa Giêsu đang đứng đó, chờ đợi để chúc lành cho ta cuối thánh lễ, trước khi ta ra về và tiếp tục lao vào thế giới, bạn có sẵn sàng ở lại để lãnh nhận sự chúc phúc đó không?
5.
Bạn nhận nhiều ơn sủng hơn
Theo giáo lý Công giáo, “Hoa trái của các bí tích… tùy thuộc vào tâm tình của người đón nhận” (GLCG 1128). Có một quyền năng trong các bí tích, nhưng sức mạnh của chúng thấm vào và tác động đến tâm hồn ta như thế nào, còn tùy thuộc vào cách ta sống và cách ta đón nhận các bí tích đó. Nếu ta nhanh chóng rời bỏ nhà thờ ngay sau khi chịu bí tích Thánh Thể, ta sẽ đánh mất cơ hội tôn kính một sự thật tuyệt vời, là chính Thiên Chúa đang hiện diện trong con người ta; Ngài xâm chiếm ta bằng thân xác, máu huyết, linh hồn và sự thánh thiêng của Ngài. Đó là một điều rất giá trị. Và điều này đáng giá để chúng ta tỏ lòng kính tôn tuyệt đối, vì tất cả những ơn phúc chúng ta cần, chúng ta sẽ đạt được nếu chúng ta biết kính trọng, trân quý và tôn thờ.
(5 Reasons to Stay Until the End of Mass / Sr. Theresa Aletheia Noble)
Maria Trần Thị Kim Danh chuyển ngữ
|