Ngày 21.12.2011 - Thứ Tư sau Chúa Nhật IV Mùa Vọng
Lễ Giáng Sinh ở Điện Vatican

Cảnh tượng Lễ Giáng Sinh ở Vatican hằng năm như bây giờ, đã được ĐGH Gioan Phaolô II “mang vào” từ năm 1982, thường bắt đầu trưng bày từ ngày 17 tháng 12 đến hết lễ Hiển Linh.
Theo truyền thống, vào Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, Đức Giáo Hoàng sẽ làm phép những ảnh tượng Giáng Sinh. Trẻ em sẽ mang những ảnh tượng Chúa Hài Đồng nho nhỏ của mình đến Quảng trường Thánh Phêrô, để được chúc lành trước khi đem đặt vào trong máng cỏ nhà mình.
Vào năm 1982, ĐGH Gioan Phaolô II cũng giới thiệu cây Giáng Sinh cho điện Vatican. Các vị Giáo hoàng trước quyết định không dùng cây Giáng sinh, vì cho rằng máng cỏ là biểu tượng duy nhất.
Mỗi năm, điện Vatican đón nhận một cây Giáng sinh của mỗi nước khác nhau và được đặt tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Cây thông năm nay đến từ đất nước Ukraine (một quốc gia thuộc Liên Xô cũ).
Với chiều cao trên 30 mét và nặng gần 5 tấn, một cây vân sam từ Ukraine đã được chuyển đến Tòa thánh Vatican vào ngày 02-12 để được trang trí phục vụ cho lễ Giáng sinh năm nay.
Người ta đã đốn hạ cây vân sam nói trên hồi tuần trước, với sự trợ giúp của một chiếc máy bay lên thẳng, tại một khu vực gần như không thể tiếp cận bằng đường bộ, ở vùng Transcarpathia thuộc Tây Nam Ukraine.
Cây Giáng sinh năm nay ở Vatican, sẽ được trang hoàng với hơn 2.500 quả bóng vàng và bạc, cùng một số lượng tương tự các bóng đèn LED màu trắng và màu vàng, mà theo Vatican là rất tiết kiệm điện.
Cây thông Noel này sẽ được dựng lên bên cạnh ngọn tháp tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 05-12; và tiếp đó, một buổi lễ thắp sáng cây sẽ được tổ chức vào ngày 16-12.
Lâu nay, việc tặng cây Giáng sinh cho Tòa thánh Vatican, được coi là một vinh dự lớn lao và mỗi năm, một khu vực hoặc quốc gia khác nhau sẽ được trao đặc ân này.
Lễ Giáng sinh năm nay Ukraine cũng tặng thêm 40 cây nhỏ hơn, và số cây này sẽ được trang trí ở bên trong Tòa thánh.
Đây là lần đầu tiên Ukraine có được vinh dự này, kể từ khi Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu khởi xướng truyền thống cây Noel và máng cỏ trên Quảng trường Thánh Phêrô vào năm 1982.
Trong những năm gần đây, một số nước châu Âu, trong đó có Romania, Áo và Cộng hòa Séc, đều đã lần lượt tặng cây Giáng sinh cho Tòa thánh.
Người dân tham gia vào buổi lễ gửi cây thông Noel đến Tòa thánh Vatican ở gần Rakhiv, Ukraina, 23.11.2011.
Cây thông này được vận chuyển từ Ukraina bằng một chiếc xe tải chuyên dụng, bắt đầu chuyển bánh hôm thứ tư 23-11, và đến Roma hôm 02.12.2011.
Vatican đã hoàn thành việc lắp đặt cây thông Giáng sinh khổng lồ ở quảng trường Thánh Phêrô. Cây vân sam 60-năm tuổi cao như một tòa nhà 10 tầng và nặng gần 5 tấn được chặt từ vùng núi Carpathians, Ukraina.
Nghi lễ thắp sáng cây Giáng Sinh ngày 16/12/2011
***
Hôm nay, chúng ta không suy gẫm đoạn Tin Mừng trong ngày nhưng để vài phút hướng đến vùng đất nơi Chúa Giêsu sinh ra.
Thiên Chúa đến giữa thế gian
“Đức Kitô luôn tìm kiếm cọng rơm của những máng cỏ cô đơn nhất để làm nên Bêlem của Ngài”.
(Thomas Merton)
Nơi Chúa đã sinh ra
Cho đến nay, phần mở đầu trang trọng của Tin Mừng Thánh Luca vẫn tuyệt vời đối với chúng ta, những người đọc sau hơn 2000 năm. Tại sao vậy? Vì nó là một câu chuyện có thật!
Mảnh đất yêu quý của dân Do Thái đã bị chiếm đóng vào tay người ngoại giáo Roma, vào năm thứ 15 triều đại Ceasar Tiberias. Quả thật, đây là một nỗi kinh hoàng. Đất thánh đã bị chiếm giữ!
Phongxiô Philatô là quan Tổng trấn. Ông là một người hiểm độc, thấp hèn, không được các sử gia đánh giá cao. Vua Hêrôđê… những nhà lãnh đạo Do Thái… quan quyền sống trụy lạc, hư hỏng, gây nên cho dân chúng bao điều khổ sở. Ngay cả Anna và Caipha, cũng không phải là tư tế được nhiều người kính trọng .
Đó lại là “thế giới” mà Chúa Giêsu đã hạ sinh làm người.
“Ai đã có ý định mang Hài Nhi vào trong thế gian?”
Vâng, chính Thiên Chúa muốn, chính Thiên Chúa làm!
“Thế giới” mà Thiên Chúa mang con Ngài đến làm người, là một vùng đất xấu xa tội lỗi, do sự hiện diện của quân đội Roma. Một quê hương bị tàn phá bởi những người đứng đầu không tốt. Đó lại là “thế giới” mà Thiên Chúa đã chọn để đến.
Cũng không tốt đẹp gì, với một thế giới đầy dẫy khủng bố, nghèo đói, tội phạm, ma túy, chiến tranh… nhưng Thiên Chúa đã đến trong thế giới này. Ngài không đến những nơi an toàn khác. Ngài đến những nơi có áp bức, tội lỗi và nhiều xấu xa của cuộc sống.
Việc Chúa đến đã mang lại - và tiếp tục mang lại - ý nghĩa mới, hy vọng mới và Tin Mừng mới cho toàn thể nhân loại.
Đúng không bạn?
Hãy dành vài phút thinh lặng với Chúa.
Jos. Nguyễn Hùng Cường |