Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
 Sứ điệp của Đức Phanxicô cho ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2022:

LẮNG NGHE LÀ MỘT CHIỀU KÍCH CỦA TÌNH YÊU

 

« Lắng nghe là một chiều kích của tình yêu » và là « thành phần thiết yếu đầu tiên của đối thoại và của việc truyền thông tốt ». Đức Phanxicô nhắc nhớ như thế trong Sứ điệp cho Ngày Truyền thông xã hội lần  thứ 56, có tựa đề « Lắng nghe bằng trái tim », được công bố hôm 24/1/2022 và sẽ được cử hành vào ngày 29/5/2022, một sứ điệp trong đó ngài mời gọi tái khám phá tầm quan trọng của việc lắng nghe trong xã hội và trong Giáo hội, và đưa ra nhiều chỉ dẫn hữu ích cho những ai tiếp xúc với các thông tin truyền thông mà ngài cảnh giác về « một đại dịch thông tin ».

Đức Thánh Cha trước tiên mời gọi « lắng nghe bằng trái tim ». Nó « phù hợp với phong cách khiêm tốn của Thiên Chúa », đang khi « con người có khuynh hướng chạy trốn mối tương quan, quay lưng lại và « bịt tai » để khỏi phải lắng nghe ». Đối với ngài, « có một tật điếc nội tâm, tệ hại hơn tật điếc thể lý ».

Tiếp đến, Đức Thánh Cha lưu ý rằng « lắng nghe là thành phần thiết yếu đầu tiên của đối thoại và của việc truyền thông tốt ». Ngài cho thấy « có một công dụng của thính giác vốn không phải là lắng nghe đích thực, mà là  trái ngược với nó : lắng nghe trong bí mật. Thực ra, có một cám dỗ có mặt khắp nơi, vào kỷ nguyên mạng xã hội, dường như đã gia tăng, đó là việc lắng nghe và theo dõi, công cụ hóa người khác vì lợi ích của chúng ta. » Bên cạnh đó, có « việc thiếu lắng nghe, mà chúng ta rất thường nghiệm thấy trong cuộc sống hằng ngày », và « ngay cả trong Giáo hội, những liên kết ý thức hệ được hình thành, việc lắng nghe biến mất và nhường chỗ cho những đối lập vô bổ. » Cách cụ thể, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi vượt qua những thành kiến để lắng nghe những câu chuyện của người di cư.

Đức Thánh Cha đặc biệt khích lệ việc lắng nghe nhau trong Giáo hội, nhất là trong tiến trình hiệp hành mà Giáo hội đang trải qua. Trích dẫn thần học gia Tin Lành Dietrich Bonhoeffer, ngài nhắc nhở rằng « sự phục vụ đầu tiên mà phải có đối với người khác trong sự hiệp thông là lắng nghe họ ». Và việc lắng nghe này bén rễ nơi « Đấng lắng nghe xuất sắc nhất » để từ đó chúng ta có thể thực thi « sứ mạng tông đồ bằng tai ».

Cuối cùng, Đức Phanxicô mời gọi nhìn ra nơi Giáo hội hiệp hành để « có thể tái khám phá một Giáo hội giao hưởng trong đó mỗi người có thể ca hát với cung giọng của mình, bằng cách đón nhận những cung giọng của những người khác như là một ân huệ, để biểu lộ sự hài hòa của toàn thể mà Chúa Thánh Thần tạo nên. »

Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha :

 

Lắng nghe bằng trái tim

Anh chị em thân mến !

Năm ngoái, chúng ta đã suy nghĩ về sự cần thiết « đến và xem » để khám phá thực tại và có thể kể lại từ kinh nghiệm về các biến cố và cuộc gặp gỡ với con người. Tiếp theo đường hướng này, bây giờ tôi muốn hướng sự  chú ý đến một động từ khác, « lắng nghe », có tính quyết định trong ngữ pháp truyền thông và là điều kiện để có một cuộc đối thoại đích thực.

Quả thế, chúng ta đang đánh mất khả năng lắng nghe những người đang ở trước mặt chúng ta, cả trong quá trình bình thường của các mối quan hệ hàng ngày và trong các cuộc tranh luận về những vấn đề quan trọng hơn của đời sống dân sự. Đồng thời, việc lắng nghe đang biết đến một sự phát triển quan trọng mới mẻ trong lãnh vực truyền thông và thông tin, thông qua các chương trình podcast và chat audio khác nhau, xác định rằng việc lắng nghe vẫn rất cần thiết đối với việc giao tiếp của con người.

Người ta đã hỏi một bác sĩ lừng danh, chuyên chăm sóc các vết thương tâm hồn, đâu là nhu cầu lớn nhất của con người. Ông trả lời : « Ước muốn vô hạn được lắng nghe ». Một ước muốn vẫn thường bị che giấu, nhưng lại chất vấn tất cả những ai được mời gọi trở thành nhà giáo dục hay đào tạo, hay dù sao đi nữa đóng một vai trò là người truyền thông : cha mẹ và giáo viên, mục tử và nhân viên mục vụ, chuyên viên về thông tin và những người thực hiện một dịch vụ xã hội hay chính trị.

Lắng nghe bằng trái tim

Từ những trang của Thánh Kinh mà chúng ta học biết được rằng việc lắng nghe không chỉ có ý nghĩa về một nhận thức âm thanh, nhưng nó chủ yếu được liên kết với mối tương quan đối thoại giữa Thiên Chúa và nhân loại. « Shema’ Israel – Hãy lắng nghe, hỡi Israel » (Đnl 6, 4), những chữ đầu của giới răn đầu tiên của sách luật Torah không ngừng được lặp đi lặp lại trong Thánh Kinh, đến độ thánh Phaolô sẽ khẳng định rằng « đức tin là do việc lắng nghe » (Rm 10, 17). Quả thế, sáng kiến đến từ Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta, Đấng mà chúng ta đáp lại bằng cách lắng nghe Ngài ; và ngay cả sự lắng nghe này, thực ra, đến từ ân sủng của Ngài, như xảy ra đối với đứa trẻ sơ sinh đáp lại cái nhìn và tiếng nói của mẹ mình và của cha mình. Trong số năm giác quan, giác quan mà Thiên Chúa ưu ái dường như là thính giác, có lẽ bởi vì nó ít xâm chiếm hơn, kín đáo hơn thị giác, và do đó để cho con người được tự do hơn.

Lắng nghe phù hợp với phong cách khiêm tốn của Thiên Chúa. Chính hành động này cho phép Thiên Chúa tự mạc khải chính mình như là Đấng, qua lời nói, đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, và qua việc lắng nghe, đã nhìn nhận con người như là người đối  thoại của Ngài. Thiên Chúa yêu thương con người : đó là lý do tại sao Ngài ngỏ Lời với con người, đó là lý do tại sao Ngài « gióng tai » để lắng nghe con người.

Trái lại, con người có khuynh hướng chạy trốn mối tương quan, quay lưng lại và « bịt tai » để khỏi phải lắng nghe. Việc khước từ lắng nghe thường trở thành một hành động gây hấn đối với người khác, như đã xảy ra với các thính giả của phó tế Têphanô, bịt tai lại, tất cả họ đều xông vào ông (x. Cv 7, 57).

Vì thế, một mặt, có Thiên Chúa, Đấng luôn tỏ mình bằng cách thông truyền chính mình cách nhưng không, và mặt khác, có con người, vốn được yêu cầu đồng tâm nhất trí, lắng nghe. Chúa rõ ràng kêu gọi con người đến với giao ước yêu thương, để họ có thể hoàn toàn trở nên chính mình : hình ảnh và giống như Thiên Chúa trong khả năng của họ lắng nghe, đón tiếp, dành chỗ cho người khác. Tự sâu xa, lắng nghe là một chiều kích của tình yêu.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ chứng thực phẩm chất lắng nghe của họ. « Vì thế, hãy để ý đến cách các con lắng nghe » (Lc 8, 18) : đó là những gì Ngài khuyên họ sau khi kể dụ ngôn người gieo giống, gợi ý rằng lắng nghe mà thôi thì chưa đủ, còn phải làm cho tốt nữa. Chỉ những ai đón nhận Lời bằng một con tim « đẹp đẽ và tốt lành » và giữ Lời đó cách trung thành mới trổ sinh hoa trái sự sống và ơn cứu độ (x. Lc 8, 15). Chỉ khi quan tâm đến việc chúng ta lắng nghe ai, chúng ta lắng nghe gì và chúng ta lắng nghe như thế nào, mà chúng ta mới có thể lớn lên trong nghệ thuật thông truyền, mà trung tâm của nó không phải là một lý thuyết hay một kỹ thuật, nhưng là « khả năng của tâm hồn làm cho sự gần gũi nên khả thi » (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 171).

Tất cả chúng ta đều có đôi tai, nhưng rất thường, ngay cả người có một thính giác hoàn hảo cũng không thành công lắng nghe người khác. Thực ra, có một tật điếc nội tâm, tệ hơn tật điếc thể lý. Quả thế, việc lắng nghe không chỉ liên quan đến thính giác, nhưng toàn thể con người. Trụ sở thực sự của việc lắng nghe là trái tim (tâm hồn). Vua Salomon, dù còn rất trẻ, đã tỏ ra khôn ngoan vì ông đã xin Chúa ban cho ông « một trái tim biết lắng nghe » (1 V 3, 9). Và thánh Augustinô mời gọi chúng ta lắng nghe bằng trái tim (corde audire), đón nhận những lời không phải bên ngoài tai chúng ta, nhưng cách thiêng liêng trong tâm hồn : « Đừng có một trái tim nơi đôi tai, nhưng là đôi tai nơi trái tim » (1). Và thánh Phanxicô Assidi đã khuyến khích anh em của mình hãy « nghiêng tai của trái tim » (2).

Như thế, việc lắng nghe đầu tiên cần phải tái khám phá khi chúng ta tìm kiếm một sự truyền thông đích thực là lắng nghe chính mình, những nhu cầu hiện thực nhất của chúng ta, những nhu cầu được ghi khắc nơi sâu thẳm của mỗi người. Và chúng ta chỉ có thể khởi sự lại từ việc lắng nghe những gì làm cho chúng ta trở nên độc nhất trong công trình tạo dựng : ước muốn sống tương quan với người khác và với Đấng Khác. Chúng ta không được tạo dựng để sống như những nguyên tử, nhưng để sống cùng nhau.

Lắng nghe như là điều kiện của một truyền thông tốt

Có một công dụng của thính giác vốn không phải là lắng nghe đích thực, mà là  trái ngược với nó : lắng nghe trong bí mật. Thực ra, có một cám dỗ có mặt khắp nơi, vào kỷ nguyên mạng xã hội, dường như đã gia tăng, đó là việc lắng nghe và theo dõi, công cụ hóa người khác vì lợi ích của chúng ta. Trái lại, điều làm cho truyền thông trở nên tốt và hoàn toàn nhân bản, đó chính là lắng nghe người đối diện với chúng ta, diện đối diện, lắng nghe người khác mà chúng ta đến gần với thái độ cởi mở trung thực, tin tưởng và lương thiện.

Thật không may, việc thiếu lắng nghe, mà chúng ta rất thường nghiệm thấy trong cuộc sống hằng ngày, cũng thể hiện rõ trong đời sống công cộng, nơi mà, thay vì lắng nghe nhau, chúng ta lại « nói sau lưng người khác ». Điều đó cho thấy sự kiện là, thay vì tìm kiếm sự thật và sự thiện, chúng ta lại tìm kiếm sự đồng thuận ; thay vì lắng nghe, chúng ta lại chú ý đến phiên tòa. Trái lại, việc truyền thông tốt không tìm cách gây ấn tượng với công chúng bằng một lời bắt bẻ gây sốc, với mục đích chế giễu người đối thoại, nhưng nó quan tâm đến những lý lẽ của người khác và tìm cách nắm bắt tính phức tạp của thực tại. Thật đáng buồn khi, ngay cả trong Giáo hội, những liên kết ý thức hệ được hình thành, việc lắng nghe biến mất và nhường chỗ cho những đối lập vô bổ.

Trên thực tế, trong nhiều cuộc đối thoại, thực ra chúng ta không truyền thông gì cả. Chúng ta chỉ chờ đợi người khác nói xong để áp đặt quan điểm của mình. Trong những hoàn cảnh này, như triết gia Abraham Kaplan ghi nhận (3), đối thoại là một « duo-logue », một cuộc độc thoại với hai tiếng nói. Trái lại, trong cuộc truyền thông đích thực, « tôi » và « bạn » cả hai đều « đi ra », hướng đến nhau.

Vì thế, lắng nghe là thành phần thiết yếu đầu tiên của đối thoại và của việc truyền thông tốt. Chúng ta không thể truyền thông tốt nếu trước hết chúng ta không được lắng nghe, và chúng ta không thể làm báo tốt nếu không có khả năng lắng nghe. Để cung cấp một thông tin chắc chắn, cân bằng và đầy đủ, cần thiết phải lắng nghe trong một thời gian dài. Để kể lại một sự hiện hay mô tả một thực tại trong một bài phóng sự,  điều cần thiết là phải biết lắng nghe, thậm chí sẵn sàng thay đổi ý kiến, sửa đổi các giả thuyết ban đầu của mình.

Quả thế, chỉ khi ra khỏi cuộc độc thoại mà chúng ta mới có thể đạt được sự hòa hợp các tiếng nói vốn là sự bảo đảm cho một sự truyền thông đích thực. Lắng nghe nhiều nguồn, « không dừng lại ở quán rượu đầu tiên » – như các chuyên gia trong lãnh vực này dạy chúng ta – sẽ đảm bảo độ tin cây và sự nghiêm túc của các thông tin mà chúng ta truyền tải. Lắng nghe nhiều tiếng nói, lắng nghe nhau, ngay cả trong Giáo hội, giữa các anh chị em, sẽ cho phép chúng ta thực thi nghệ thuật phân định, vốn luôn xuất hiện như khả năng định hướng bản thân trong một bản giao hưởng tiếng nói.

Nhưng tại sao đương đầu với khó khăn của việc lắng nghe ? Một nhà ngoại giao lớn của Tòa Thánh, Đức Hồng y Agostino Casaroli, đã nói về « sự tuẫn đạo của lòng kiên nhân », cần thiết để lắng nghe và được lắng nghe trong các cuộc thương lượng với những người đối thoại khó tính nhất, để đạt được lợi ích lớn nhất có thể trong những điều kiện hạn chế tự do. Nhưng còn trong những hoàn cảnh ít khó khăn hơn, việc lắng nghe luôn đòi hỏi đức tính kiên nhẫn, cũng như khả năng ngạc nhiên trước sự thật, cho dầu đó chỉ là một mảnh sự thật, nơi con người mà chúng ta đang lắng nghe. Chỉ sự ngạc nhiên mới cho phép sự hiểu biết. Tôi nghĩ đến sự tò mò vô tận của đứa trẻ đang mở to mắt nhìn thế giới xung quanh. Lắng nghe trong trạng thái tinh thần này – sự ngạc nhiên của đứa trẻ trong ý thức của một người lớn – luôn luôn phong phú, bởi vì sẽ luôn có điều gì đó, dù nhỏ đến mấy,  mà tôi sẽ có thể học được từ người khác và dùng cho có ích trong cuộc sống của tôi.

Khả năng lắng nghe xã hội là điều đáng quý hơn bao giờ hết trong thời đại bị tổn thương bởi đại dịch kéo dài này. Biết bao sự ngờ vực được tích lũy trước đó liên quan đến « thông tin chính thức » cũng đã gây ra một « đại dịch thông tin » (infodémie), trong đó chúng ta ngày càng khó làm cho thế giới thông tin trở nên đáng tin cây và minh bạch hơn. Chúng ta phải sẵn sàng lắng tai và lắng nghe cách sâu xa, đặc biệt là sự bất ổn xã hội càng thêm rõ nét bởi sự chậm lại hay ngừng trệ của nhiều hoạt động kinh tế.

Thực tại của việc di cư cưỡng bức cũng là một vấn đề phức tạp và không ai có công thức sẵn để giải quyết nó. Tôi xin nhắc lại rằng để vượt qua những thành kiến về người di cư và kết thúc sự cứng lòng của chúng ta, cần phải cố gắng lắng nghe câu chuyện của họ ; cho mỗi người trong số họ một danh xưng và một câu chuyện. Nhiều nhà báo tốt đã làm điều đó. Và nhiều nhà báo khác muốn làm điều đó, nếu họ có thể. Chúng ta hãy khích lệ họ ! Chúng ta hãy lắng nghe những câu chuyện này ! Như thế, mỗi người sẽ được tự do ủng hộ các chính sách di cư mà họ cho là phù hợp nhất với đất nước của họ. Nhưng dù sao trước mắt chúng ta sẽ có, không phải là những con số, không phải là những kẻ xâm chiếm nguy hiểm, nhưng là những khuôn mặt và những câu chuyện của những con người cụ thể, những cái nhìn, những mong đợi, những đau khổ của những người nam và người nữ cần được lắng nghe.

Lắng nghe nhau trong Giáo hội

Ngay cả trong Giáo hội, cũng có một nhu cầu to lớn lắng nghe và lắng nghe nhau. Đó là món qua cao quý nhất và quảng đại nhất mà chúng ta có thể trao cho nhau. Chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta quên rằng công việc lắng nghe đã được giao phó cho chúng ta bởi Đấng là người lắng nghe xuất sắc nhất, mà chúng ta được mời gọi tham dự vào công việc đó. “Chúng ta phải lắng nghe qua đôi tai của Thiên Chúa, nếu chúng ta muốn có thể nói qua Lời của Ngài” (4). Chính như thế mà thần học gia Tin Lành Dietrich Bonhoeffer nhắc nhở chúng ta rằng sự phục vụ đầu tiên  phải có đối với người khác trong sự hiệp thông là lắng nghe họ. Người nào không biết lắng nghe anh em mình thì chẳng bao lâu sẽ không còn có thể lắng nghe Thiên Chúa nữa (5).

Trong hoạt động mục vụ, công việc quan trọng nhất là “ sứ mạng tông đồ bằng tai”. Lắng nghe, trước khi nói, như thánh Giacôbê Tông đồ khuyến khích: “Mỗi người hãy mau mắn lắng nghe, chậm nói” (1, 19). Trao ban cách nhưng không một chút thời gian để lắng nghe người khác là cử chỉ đầu tiên của đức ái.

Một tiến trình hiệp hành vừa được khởi động gần đây. Chúng ta hãy cầu nguyện để nó là một cơ hội to lớn lắng nghe nhau. Quả thế, sự hiệp thông không phải là kết quả của những chiến lược hay chương trình, nhưng nó được xây dựng trong sự lắng nghe nhau giữa các anh chị em. Như trong một dàn hợp xướng, sự hiệp nhất không đòi hỏi sự đồng nhất, sự đơn điệu, nhưng là sự đa dạng và nhiều bè, đa âm. Đồng thời, mỗi bè của dàn hợp xướng ca hát trong khi lắng nghe những bè khác và trong mối tương quan với sự hài hòa của toàn thể. Sự hài hòa này được cưu mang bởi nhà soạn nhạc, nhưng việc thực hiện nó tùy thuộc vào bản giao hưởng của tất cả các bè và mỗi bè trong chúng.

Ý thức rằng chúng ta tham dự vào một sự hiệp thông vốn đi trước và bao gồm chúng ta, chúng ta có thể tái khám phá một Giáo hội giao hưởng trong đó mỗi người có thể ca hát với cung giọng của mình, bằng cách đón nhận những cung giọng của những người khác như là một ân huệ, để biểu lộ sự hài hòa của toàn thể mà Chúa Thánh Thần tạo nên.

Rôma, Đền Thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 24 tháng 1 năm 2022, lễ nhớ thánh Phanxicô Salê.

Phanxicô

————————————– 

(1) «Nolite habere cor in auribus, sed aures in corde» ( Sermo 380, 1: Nuova Biblioteca Agostiniana 34, 568).

(2) Lettera a tutto l’OrdineFonti Francescane, p. 216.

(3) Cf. The life of dialogue, in J. D. Roslansky ed., Communication. A discussion at the Nobel Conference, North-Holland Publishing Company – Amsterdam 1969, pp. 89-108.

(4) D. Bonhoeffer, La vita comune, Queriniana, Brescia 2017, p. 76.

(5) Cf. Ibid., p. 75.

————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

 



Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Thế giới Cầu Nguyện cho Ơn gọi 2022 (6/5/2022)

Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi 2022 (20/4/2022)

Tông thư dưới dạng tự sắc ADMIRABILE SIGNUM của Đức Thánh Cha Phanxicô về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cảnh Giáng Sinh (4/12/2019)

“Hãy về nhà”: Lời tâm huyết ĐGH Phanxicô dành cho người trẻ Công giáo Việt Nam (24/11/2019)

Tông huấn "Niềm vui của tin mừng" (30/8/2014)

Tông huấn Familiaris Consortio (4/7/2012)

Thông điệp Humanae Vitae (4/7/2012)

Tìm hiều sắc lệnh Ad Gentes (Đến với muôn dân) (11/5/2012)

Sắc lệnh Ad Gentes (Đến với muôn dân) trong đời sống Giáo hội hôm nay (11/5/2012)

Thông điệp về gia đình Kitô Giáo trong thế giới hôm nay (29/4/2012)
 Các tin khác:  1   2   3   4 
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn