SỰ HIỆP NHẤT TRONG TÌNH YÊU VỢ CHỒNG
Sách Sáng Thế đã diễn tả sinh động công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Sau khi tạo dựng vũ trụ muôn vật, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ, và cả hai đã nên một trong tình yêu vợ chồng. Thiên Chúa đã chúc phúc cho sự hiệp nhất nên một ấy. Từ vẻ đẹp hiệp nhất trọn hảo của Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngài đã thông ban vẻ đẹp ấy cho nhân loại qua tình yêu, bởi chính Ngài là Tình yêu.
1. Suy tư đôi điều về sự hiệp nhất trong tình yêu vợ chồng
Chiếc xương sườn được Thiên Chúa lấy ra từ người Ađam để tạo thành người nữ Eva đã khơi gợi trong ta nhiều ý nghĩa thú vị và sâu xa về sự hiệp nhất vợ chồng:
- Chiếc xương ấy là một phần xương thịt của người nam, như người vợ chính là một phần thân thể của chồng vậy.
- Chiếc xương ấy gần nơi trái tim của người nam, như để người vợ được chồng mình yêu thương và quý trọng luôn mãi.
- Chiếc xương ấy gần nơi cánh tay của người nam, như để người vợ được chồng mình bảo bọc chở che trong suốt cuộc đời.
Hãy nghĩ về cạnh sườn của Chúa Giêsu lúc Ngài bị treo trên thập giá. Lưỡi đòng của tên lính La Mã đâm thâu cạnh sườn Ngài, và từ đó Máu và Nước đã chảy ra như ngọn nguồn của mọi ân sủng Tình Yêu mà Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên con người.
Trong ngôn ngữ của người Việt, từ ngữ xưng hô mà vợ chồng dành cho nhau có khá nhiều, song có một từ thật sự ý nghĩa khi toát lên được tính chất nên một của hai người, đó là từ “mình”. Chồng gọi vợ là “mình”, và ngược lại, vợ cũng gọi chồng là “mình”. Theo tự điển Tiếng Việt, “mình” trước hết nghĩa là:
- Thân thể (Ví dụ: ê ẩm cả mình).
- Cái cá nhân, cái riêng của con người (Ví dụ: tài sản của mình).
Nhưng khi vợ chồng cùng gọi nhau là “mình”, nghĩa là khi ấy, người này đã xem người kia là chính mình vậy. Điều này rất phù hợp với tính chất tuyệt hảo của tình yêu vợ chồng mà Thiên Chúa đã đặt định trên con người: “cả hai sẽ nên một thân xác”.
2. Những đòi buộc của sự hiệp nhất trong tình yêu vợ chồng
Đặc tính đơn hôn và bất khả phân ly của hôn nhân Công giáo chính là biểu hiện đẹp đẽ của sự hiệp nhất trong tình yêu vợ chồng. Nó nói lên tính chất vĩnh cửu của Thiên Chúa Tình Yêu.
- Đơn hôn: Người vợ và người chồng sẽ là những đối tượng phối ngẫu duy nhất của nhau. Người chồng không thể vừa nên một với vợ mình và cũng lại nên một với những người phụ nữ khác (!). Sự ngoại tình, dù với bất cứ lý do nào, cũng đều làm hoen ố khuôn mặt tình yêu, phản bội lại tình yêu, xâm phạm đến sự hiệp nhất thiêng liêng của tình yêu vợ chồng.
- Bất khả phân ly: Tình yêu vợ chồng phản ánh Chúa Giêsu Kitô với Giáo hội. Đặc biệt, qua Bí tích Hôn phối, tình yêu vợ chồng được dùng là hình ảnh cho tình yêu của Thiên Chúa đối với Hội Thánh. Đó là một tình yêu bất diệt, không bao giờ thay đổi, một tình yêu sẵn sàng hy sinh và hiến dâng đến tận cùng cho nhau.
- Bí tích Hôn phối, trở nên một cam kết trọn đời, cho đến chết.
Thế nhưng, tội lỗi đã làm hoen ố vẻ đẹp của sự hiệp nhất trong tình yêu vợ chồng. Con người chạy theo tạo vật, phá vỡ bản chất tốt đẹp của tình yêu khi ngoại tình, gian dâm, ly dị... Người ta nhân danh “hạnh phúc” để kết hôn, rồi cũng nhân danh “hạnh phúc” để dẫn nhau ra tòa ly dị, kéo theo biết bao những hệ lụy nhức nhối. Có những gia đình đang sống trong những hoàn cảnh thật éo le khiến hạnh phúc của tình yêu không còn ở nơi gia đình ấy nữa.
- Tình trạng bạo hành gia đình: Chồng xúc phạm, ngược đãi vợ. Báo chí hàng ngày đưa tin nhan nhản những thảm trạng của nạn bạo lực gia đình, người vợ sống trong những chuỗi ngày đau đớn về thể xác, nước mắt xót xa tủi cực chảy dài, rồi tìm cách trả đũa chồng trong bế tắc hoặc tìm đến cái chết.
- Tình trạng buông xuôi: Vợ chồng chỉ là trên danh nghĩa, còn thực tế, mỗi người là một thế giới riêng. Tuy cùng sống trong một mái nhà nhưng “đồng sàng dị mộng”, tình yêu nguội lạnh và chết dần theo từng ngày sống chung.
- Tình trạng mất kỷ cương: Cha mẹ không còn là tấm gương mẫu mực trước con cái. Khi ấy, con cái trong gia đình sống thiếu đi sự thương yêu săn sóc của cả cha lẫn mẹ. Chúng không được dạy dỗ cách đúng đắn, nhìn tình yêu vợ chồng bằng cái nhìn lệch lạc qua chính hiện trạng tình yêu của cha mẹ; một mối nguy hiểm sau này khi con cái bước vào tuổi trưởng thành.
3. Sự hiệp nhất của tình yêu vợ chồng trong Thiên Chúa
Trong đức tin Kitô giáo, sự hiệp nhất của tình yêu vợ chồng không loại trừ khả năng hiệp nhất với tha nhân. Trái lại, hôn nhân Công giáo mở ra một chiều kích bao la của tình người. Vợ chồng, không phải là một ốc đảo, và không thể bất chấp đạo đức, luân thường cho một tình yêu ích kỷ. Chúa Giêsu Kitô, bằng cái chết cho tình yêu nhân loại, đã xác quyết rằng Ngài là cây nho, còn mọi người là cành nho.
- Mối tương quan giữa cành nho và cây nho cho ta biết cành sẽ khô héo khi lìa cây. Tình yêu vợ chồng sẽ không thể triển nở nếu thiếu đi sự kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng là ngọn nguồn của Tình Yêu. Vợ chồng cùng siêng năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ, năng lãnh nhận các Bí tích, đó chính là đang duy trì mối kết hiệp thần thiêng ấy để nuôi dưỡng cho tình yêu vợ chồng.
- Còn có mối tương quan giữa các cành nho trong một cây nho. Tất cả các cành đều nhận chung nguồn sống từ cây, và các cành, đều nương tựa vào nhau khi chắn che gió bão, đều san sẻ cho nhau những dưỡng chất từ cây và từ ánh sáng của mặt trời. Nói cách khác, lời hát cầu xin cho sự hiệp nhất “Lạy Cha ! Xin cho mọi người hiệp nhất nên một…” đã trở nên một dấu chỉ đẹp đẽ của tình người Kitô hữu trong mối tương quan với tình yêu Thiên Chúa.
Tháng Hai về với không khí rộn ràng của những ngày giáp Tết, và ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền là dịp của sự đoàn tụ sum vầy. Trong tháng Hai cũng có ngày Tình yêu Valentine (14/02), và ngày đó cũng là dịp cho mỗi chúng ta cũng hồi tưởng lại vẻ đẹp của tình yêu trước đây mà mình đã có cùng vợ, để tiếp tục gìn giữ và xây dựng cho mối tình ấy càng thêm bền chặt.
Cùng suy tư : Bạn sẽ làm gì để vợ cảm thấy hạnh phúc hơn khi được sống với mình ?
Raphael N.
|