CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN – NĂM C
PHÚ HỘ VÀ LAZARÔ

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, Đức Giêsu kể dụ ngôn “Viên quản gia bất lương” nhằm cho thấy nên sử dụng tiền bạc như thế nào, đó là hãy dùng tiền bạc mà mua nhân nghĩa, như viên quản gia đã giảm số nợ cho con nợ, ngõ hầu sau này sẽ được tiếp đón vào Nước Trời. Còn trong bài Tin Mừng vừa nghe, Đức Giêsu kể dụ ngôn “Phú hộ và Lazarô” nhằm cho thấy không nên sử dụng tiền bạc như thế nào, đó là đừng chỉ nghĩ đến mình mà chẳng nghĩ đến ai, kẻo sau này sẽ phải chịu hình phạt hỏa ngục.
Một bản điều tra cách đây không lâu cho thấy, hiện nay có khoảng 800 triệu người trên thế giới đang bị đói và suy dinh dưỡng; hơn một tỷ người không được chăm sóc y tế và giáo dục cơ bản; vẫn có những người chết đói mỗi ngày vì không được hưởng phần dư thừa từ bàn tiệc của người giàu rơi xuống. Thành thử ra, câu chuyện ông phú hộ và anh Lazarô nghèo khó, đó không chỉ là chuyện dụ ngôn Đức Giêsu kể lại, nhưng là một hiện thực đang xảy ra hôm nay trên thế giới. Hố sâu ngăn cách giàu nghèo cũng chẳng phải chỉ giữa cá nhân với cá nhân, nhưng còn giữa nước này với nước kia, giữa nông thôn và thành thị.
Đứng trước thực trạng nhức nhối ấy, hỏi rằng Giáo hội có ý kiến gì nhằm san bằng hố sâu cách biệt ấy chăng? Thưa rằng có, Công đồng Vatican II nói rằng: “Muốn đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người hôm nay, cần phải thay đổi sâu rộng các cơ cấu xã hội, đồng thời, phải thay đổi chính tâm thức con người.
- Phải thay đổi cơ cấu xã hội, vì có những cơ cấu tự nó đã hàm chứa bất công và thiếu vắng tình thương. Chẳng hạn trong một xã hội mà chỉ một thiểu số giàu có nắm giữ hết mọi tư liệu sản xuất, từ tiền bạc đến máy móc, đất đai ... còn những người khác đi làm thuê. Anh làm thuê chỉ đủ ăn để sống qua ngày, còn anh nhà giàu ngày càng giàu hơn, không phải do sức lao động của mình, nhưng do bóc lột công sức của người khác. Ngay tại đất nước ta, sự bất công cũng không hề thiếu vắng dù người ta không ngừng kêu gọi phải đổi mới. Tại sao vậy? Vì vẫn còn đó những kẻ đặc quyền đặc lợi, những nhóm lợi ích bao che, phe cánh ô dù, những kẻ độc tài, độc quyền ... Rút cục, những tiếng kêu than của người nghèo đã rơi vào sự im lặng đáng sợ! Hiện tượng khiếu kiện về đất đai, nhà cửa nổi lên khắp nước là một thí dụ điển hình. Vì thế, muốn đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người hôm nay, cần phải thay đổi các cơ cấu xã hội.
- Không chỉ thay đổi cơ cấu xã hội, Giáo hội còn kêu gọi phải thay đổi chính lòng dạ con người, và đây là điều quan trọng nhất. Ông phú hộ và anh Lazarô nghèo khổ trong bài Tin Mừng không ở hai chân trời xa cách, nhưng ở kề bên nhau, kề bên nhau nhưng không có quan hệ với nhau. Thành thử ra, nếu cánh cổng đồ sộ không ngăn cản tầm nhìn giữa hai người, bằng cớ là anh Lazarô vẫn biết bàn ăn của ông phú hộ ê hề thừa mứa. Còn phú hộ vẫn biết tên gọi của người khốn khổ kia là Lazarô, thế nhưng có một khoảng cách trong tâm hồn xa vời vợi, khiến ông phú hộ tuy vẫn thấy Lazarô, nhưng không nhận ra trách nhiệm của mình đối với người đồng loại khốn khổ, và đấy chính là tội của ông ta. Tội hững hờ ích kỷ, tội lạnh lùng vô cảm trước nỗi khổ của anh em. Nếu con tim băng giá hôm nay không được hâm nóng cho mềm lại; nếu khoảng cách của tâm hồn hôm nay không được lấp đầy thì khoảng cách đời sau thật là khủng khiếp, vì nó mang tính vĩnh cửu và thật xa xăm, xa xăm đến nỗi ông phú hộ chỉ xin một giọt nước, một giọt nước nhỏ xuống lưỡi mà thôi cũng không được.
Như vậy vấn đề quan trọng là cần phải thay đổi chính tâm hồn, không chỉ thu vén cho riêng mình, nhưng biết chia sẻ cho người khác, chỉ với một tâm hồn như thế, con người mới xây dựng được một xã hội lành mạnh và công bằng.
Cuối cùng, người Kitô hữu còn có một động lực thật sâu xa khác thúc đẩy phải sống bác ái, đó là lòng tin. Nếu ta xác tín rằng sau cuộc sống này, chúng ta sẽ chịu phán xét về mọi việc mình đã làm hoặc không làm, đặc biệt là về lòng thương xót, ắt hẳn đời ta sẽ bớt đi nhiều hành vi ích kỷ, dửng dưng vô cảm, để biết quan tâm đến người khác hơn.
Xin Chúa củng cố đức tin và hâm nóng lại trái tim còn chai đá của chúng ta, để đến lượt mình, chúng ta cũng biết lấp đầy hố sâu ngăn cách giữa người với người ở đời này, ngõ hầu chính sự chia sẻ yêu thương hôm nay, sẽ là dấu chỉ báo trước niềm vui vĩnh cửu ngày mai.
Lm. Antôn Trần Thanh Long, OP.
|