CHÚA NHẬT PHỤC SINH
PHỤC SINH: CỘI NGUỒN HY VỌNG

Chúa đã sống lại thật rồi! Halleluia! Đó là tiếng reo vui của các tông đồ, cũng là nội dung Tin Mừng các vị rao giảng. Trong niềm hân hoan mừng đại lễ Phục Sinh hôm nay, ta hãy đọc lại bài Tin Mừng để khơi dậy trong ta niềm tin yêu hy vọng.
Niềm vui Phục Sinh khởi sự bằng một thái độ hốt hoảng: Khi ra viếng mộ từ sáng sớm, chị Madalêna thấy tảng đá che mộ đã lăn ra và xác Thầy biến mất. Thật là một chuyện kinh hoàng đối với Madalêna. Chị hốt hoảng chạy về báo tin, chị nghĩ chắc có kẻ gian đã ăn cắp xác Thầy. Thầy đã chết rồi, nhưng những kẻ thù của Thầy vẫn lấy trộm xác, vì họ không muốn Thầy được mồ yên mả đẹp. Thế là Phêrô và Gioan cùng hốt hoảng chạy ra mộ với những bước chân hối hả vội vàng. Chỉ có ngôi mộ trống và những băng vải đặt ở đó. Còn khăn che đầu thì được cuộn lại, xếp riêng ra một nơi. Thấy những điều ấy, tông đồ Gioan tin rằng Thầy đã Phục Sinh, vì chẳng lẽ kẻ trộm lại lột hết khăn liệm bọc thi hài người chết, rồi khiêng cái thi hài trần trụi mà đi?
Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Người ta thường âu lo trước cây rừng bị gãy đổ, mà không thấy bao mầm xanh đang nhú lên khỏi mặt đất”. Thánh Gioan tông đồ đã thấy cây cổ thụ là Đức Kitô bị chặt đứt lìa khỏi mảnh đất đời người qua cái chết đau thương trên Thập giá, nhưng ông cũng đã thấy mầm Phục Sinh đang nhú lên nhờ đức tin và Tình yêu đối với Thầy. Tình yêu như chắp cánh, giúp ông chạy đến mồ trước Phêrô; đức tin giúp ông nhận ra những khăn liệm được xếp gọn lại chính là dấu chỉ chứng tỏ Thầy đã sống lại: Ông đã thấy, và đã tin. Ở đây ta thấy được sức mạnh của Tình yêu. Vì yêu Chúa nên Madalêna là người đầu tiên ra viếng mộ; là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra với bà; là người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ. Vì yêu mến Chúa nên Gioan là người đầu tiên tin vào Chúa Phục Sinh – Tình yêu giúp cặp mắt ông đọc ra dấu chỉ, và tâm trí ông hiểu thấu sự việc, đó là Chúa đã Phục Sinh.
Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của chị Madalêna, nhưng cũng cần có sự nhạy cảm để tin như tông đồ Gioan. Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của những biến cố: Ý nghĩa của cái chết bi đát trên núi Sọ; ý nghĩa của ngôi mộ trống và tấm khăn được xếp lại gọn gàng. Ta cần có lòng tin để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hốt hoảng trước những thất bại, những đổ vỡ và mất mát của cuộc đời. Ngay khi chúng ta đang cử hành đại lễ Phục Sinh hôm nay. Chúng ta vẫn phải đối diện với cuộc sống có biết bao nghịch cảnh: Điều tốt thì bị chế diễu; người tốt thì bị trù dập, bị loại trừ; cái giả dối tự nhận mình là chân thật; sự tối tăm tự khẳng định mình là ánh sáng … Đức Giêsu cũng đã từng cảm nhận nỗi đau, đã từng bị chế diễu, bị vu cáo, bị trù dập, bị loại trừ … Nhưng Ngài đã vinh thắng Phục Sinh, như Ánh Sáng bừng lên từ bóng tối mịt mù, như sự sống bật dậy từ tro tàn của cái chết.
Sự Phục Sinh của Đức Kitô không làm tan biến mọi đau khổ của kiếp người, nhưng chiếu sáng đau khổ bằng niềm hy vọng mới; niềm hy vọng cho phép ta kiên trì nhẫn nại trước những thách đố của cuộc sống, vì ta xác tín rằng, sự sống mạnh hơn sự chết; tha thứ mạnh hơn hận thù; tình yêu mạnh hơn sự sợ hãi và hy vọng mạnh hơn thất vọng.
Trong đại lễ hôm nay, xin Chúa Phục Sinh giúp chúng ta đừng quá lo âu khi nhìn thấy những cây rừng gãy đổ, mà hãy nhìn kỹ để thấy rất nhiều mầm non đang nhú lên khỏi mặt đất: Mầm non của niềm vui và bình an; mầm non của sự kiên nhẫn và lòng tha thứ; mầm non của lắng nghe và thông cảm; mầm non của hiệp thông và hy vọng … đồng thời ta hãy chăm sóc để những mầm non ấy không ngừng phát triển và lớn lên.
Xin Chúa Phục Sinh khơi dậy trong ta niềm tin yêu hy vọng, để ta có cái nhìn mới về cuộc đời, và để ta dám sống tận tình hơn với Chúa, với anh chị em của chúng ta.
Antôn Trần Thanh Long
|