CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – NĂM C
TIỆC CƯỚI CANA

Theo Tin Mừng Gioan, sau khi chọn gọi các môn đệ đầu tiên, Đức Giêsu dẫn các ông đi ăn cưới tại Cana như ta vừa nghe trong bài Tin Mừng. Qua việc đi ăn cưới, Đức Giêsu đã hóa nước thành rượu ngon, vừa để giúp đỡ cô dâu chú rể, vừa nhằm củng cố đức tin cho các môn đệ.
Theo Quan niệm Do thái, thì rượu vừa là biểu tượng của niềm vui, vừa là nhân tố khơi dậy niềm vui, tác giả Tv bảo: “Rượu ngon làm hoan hỉ lòng người” (103, 15). Vì thế, dứt khoát trong tiệc cưới phải có rượu. Đến đây mới xảy ra sự cố, đám cưới của người Do thái không tóm gọn trong một ngày, mà kéo dài suốt tuần, nên chuyện thiếu rượu giữa chừng không có gì đáng ngạc nhiên. Vấn đề là làm thế nào để cung cấp cho đủ rượu, kẻo cô dâu chú rể phải bẽ mặt hổ ngươi, vì cũng như Việt Nam ta, người Do thái còn mang nặng ý tưởng “ma chê, cưới trách”.
Thế nhưng, niềm vui của tiệc cưới Cana không bị đứt đoạn nửa chừng, với sự nhạy cảm của người phụ nữ, Đức Mẹ phát hiện ra sự bối rối của cô dâu chú rể và của ông chủ tiệc. Mẹ nói với Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi!” và Đức Giêsu đã biến nước lã thành rượu ngon để niềm vui ngày cưới được tiếp tục. Ở đây, Đức Mẹ xuất hiện trước mắt chúng ta như một con người biết quan tâm đến nỗi khó khăn của tha nhân, nhờ sự nhạy cảm và tinh tế vốn có nơi người phụ nữ.
Nhạy cảm trước những chi tiết nhỏ nhặt, đó chính là nét độc đáo được Thiên Chúa ghi khắc trong bản tính người phụ nữ để họ chu toàn bổn phận làm vợ và làm mẹ, nghĩa là biết quan tâm đến người khác. Chính nhờ đặc tính biết quan tâm đến tha nhân khiến người phụ nữ dễ nhận ra cảnh ngộ khó khăn thiếu thốn. Td: Ngồi vào bàn ăn, người mẹ, người chị thấy ngay là còn thiếu cái gì, và ai cần cái gì. Có người bạn chia sẻ là trong dịp đi thăm trại phong Bến Sắn, với một nhóm bạn trẻ, người nữ tu phụ trách căn dặn rằng: “Xin các anh chị đừng đi nhanh quá, tay chân đừng vung vẩy mạnh quá, sợ rằng người bệnh nhìn thấy mà tủi thân”. Quả thật, nơi người nữ tu ấy, ta thấy cả một trái tim nhạy bén với nỗi khổ đau của con người, nhạy bén đến độ tránh từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất để khỏi làm thương tổn người khác.
Đấy là ưu điểm, nhưng bên cạnh đó, sự nhạy cảm cũng có những giới hạn của nó. Do nhạy cảm nên người phụ nữ dễ phán đoán theo cảm tính hơn là theo sự thật khách quan. Vì để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt nên người phụ nữ dễ thấy những khuyết điểm của kẻ khác để mà suy đi nghĩ lại trong lòng.
Như vậy, tính nhạy cảm, để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt có thể dẫn đến sự quan tâm hay xúc phạm, thông cảm hay soi mói… tất cả tùy thuộc vào mức độ tình yêu của con người. Do đó, cử chỉ của Đức Mẹ, thấy tiệc cưới hết rượu, và kín đáo tìm cách giúp đỡ, vẫn luôn luôn là bài học lớn cho chúng ta, đặc biệt là cho nữ giới.
Mặt khác, trình thuật tiệc cưới Cana thường được đọc trong thánh lễ ban bí tích Hôn phối. Nhìn đôi tân hôn đang hân hoan bước vào nhà thờ để nói lời cam kết yêu thương suốt đời, ai lại không vui, không cảm động? Niềm vui ấy lại được gia tăng nơi bàn tiệc cưới. Thế nhưng, giữa những tiếng cười rộn rã , và những lời chúc mừng trăm năm hạnh phúc, vẫn gợi lên một thoáng băn khoăn. Liệu cô dâu chú rể có được hạnh phúc tròn đầy, hay niềm vui hôm nay rồi cũng sẽ lụi tàn, lụi tàn sau vài tháng vài năm? Câu hỏi được đặt ra không phải mang đậm nét bi quan nhưng đó là một thực tế, nhất là trong thời đại hôm nay, khi mà rất nhiều gia đình bị gãy gánh giữa đường. Thì ra, sau một thời gian chung sống trong giao ước hôn nhân, họ đã vơi cạn chén rượu ban đầu. Việc thiếu rượu tại tiệc cưới Cana nói lên sự thiếu thốn của gia đình Kitô hữu: _ Có những thiếu thốn về vật chất: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc; thiếu tiền cho con đi học, thiếu thuốc men khi bệnh tật. Có những thiếu thốn về tinh thần như: thiếu quan tâm chăm sóc lẫn nhau; thiếu khuyên bảo dạy dỗ con cái; thiếu tôn trọng đối xử, thiếu tế nhị trong lời nói. Nhưng trầm trọng nhất là những thiếu thốn về đời sống đạo đức và luân lý: thiếu đức tin, thiếu lòng đạo, thiếu công bằng bác ái, thiếu sự chung thủy. Ly rượu nồng nàn thuở ban đầu đã ra nhạt, nhạt như nước lã. Nhạt nhẽo vì tình nghĩa phai dần; nhạt nhẽo vì những bổn phận và trách nhiệm nặng nề, nhàm chán; nhạt nhẽo vì những khiếm khuyết không tránh được của mỗi người: Chén rượu trở nên nhạt nhẽo thậm chí còn biến chất, trở thành chén đắng cay, và người ta xua tay khước từ, không muốn uống nữa.
Chính lúc ấy, ta cần phải nhìn lên Đức Mẹ, để xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Mẹ sẽ nói với Chúa rằng: “Họ hết rượu rồi!”. Nhưng khi chắp tay nhìn lên Mẹ, thì cũng phải mở đôi tay ra để thi hành lời Mẹ nhắn nhủ: “Người bảo gì thì hãy cứ làm theo”. Có thực hiện như thế, thì giữa những chao đảo thách đố vốn không hề thiếu vắng trong đời hôn nhân, ta sẽ nhận ra rằng, dấu lạ tiệc cưới Cana được tái diễn. Chính tình yêu Thiên Chúa sẽ đong đầy và biến đổi ly rượu nhạt của đời ta thành chén nồng say, sự nồng say của ân sâu nghĩa nặng sau những tháng năm dài cùng nhau chung sống.
Chớ gì đời sống hôn nhân của người Kitô hữu chúng ta luôn được vững bền, để rồi 10 năm, 20 năm, 30 năm nữa chúng ta sẽ kinh ngạc thốt lên câu nói của ông chủ Tiệc cưới Cana: “Sao lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”. Và khác với ông chủ tiệc, chúng ta biết được rằng rượu ngon của đời mình bắt nguồn từ đâu, bắt nguồn từ chính tình yêu thương của Chúa, qua lời nguyện giúp cầu thay của Đức Mẹ, người Mẹ hiền của chúng ta.
Antôn Trần Thanh Long, OP.
|