SỐNG MÙA VỌNG

trở lại trang đầu

Ngày 07/12/2014 – Chúa Nhật II Mùa Vọng

Các Thiên Thần

Theo truyền thống Do Thái, người ta rất tin tưởng vào Thiên Thần và trong Cựu Ước các Thiên Thần cũng thường xuyên được nhắc đến.

Truyền thống Kitô giáo và Tân Ước cũng thường đề cập đến các Thiên Thần. Luca và Mátthêu đã đặt cho Thiên Thần một vai trò quan trọng trong biến cố Chúa Giêsu giáng sinh. Và cả 4 Thánh sử đều nhắc đến Thiên Thần trong sự kiện Chúa Giêsu sống lại.

“Thiên Thần” trong tiếng La tinh có nghĩa là “Người đưa tin”. Như vậy, danh xưng “Thiên Thần” diễn tả việc làm của các ngài. Chúng ta cần biết chút ít Thiên Thần là ai và làm những gì. Giáo lý Công giáo dạy về các Thiên Thần như sau:

-       Các ngài đã được Thiên Chúa tạo dựng.

-       Được dựng nên trước khi tạo thành trời đất.

-       Không bằng Thiên Chúa.

-       Các ngài là loài thiêng liêng, bất tử (không có thân xác), mặc dù khi cần, các ngài có thể xuất hiện dưới hình dạng con người.

Với sự hiện diện của Thiên Thần, Giáo Hội khẳng định có những điều hiện hữu mà chúng ta – con người trên trái đất – không thể thấy bằng mắt được.

Thiên Thần bản mệnh được xác tín rõ ràng vào thế kỷ thứ tư. Giáo lý Công giáo, một cách đơn giản, trích lời thánh Basil, một nhà thần học vào thời đó, viết: “Bên cạnh mỗi tín hữu, có một Thiên Thần bảo vệ và chăm sóc”.

Dọn đường

Có tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường cho Chúa” (Is 40, 1-5, 9-11).

Những lời của tiên tri Isaia có thể xem như lời Gioan Tiền Hô giới thiệu Đức Giêsu đến thi hành sứ vụ của mình. Thực ra, Tin Mừng dùng “Tiếng kêu trong sa mạc” để đề cập đến Thánh Gioan.

Có lẽ, Thánh Gioan nghĩ rằng Đấng Mêsia sẽ đến, thiết lập trật tự và thành lập vương quốc của Thiên Chúa, với Giêrusalem làm trung tâm. Israel sẽ là nền thống trị tối cao, đem bình an và công lý cho mọi nước chung quanh. Những việc này có thể hoàn tất trong quyền năng và vinh hiển.

Nhưng Đức Giêsu không làm thế. Ngài khởi đầu bằng việc chữa bệnh cho người hủi, cho người đui mù được sáng mắt, người điếc nghe được. Ngài rao giảng sự tha thứ. Ngài ăn uống với những người tội lỗi.

Có thể Gioan đã thất vọng về đường lối mà Chúa Giêsu thể hiện. Ông muốn Chúa Cứu Thế tiến thẳng qua những việc tầm thường.

Chúng ta không biết được Thánh Gioan có thấy sự tuyệt vời, dự án lớn lao, việc thiết lập vương quyền của Chúa thực sự như thế nào.

Còn tôi thì sao?

Tôi có thấy điều đó không?

Dành vài phút thinh lặng với Chúa.

Jos. Nguyễn Hùng Cường

trở lại trang đầu