Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ GIA ĐÌNH ĐÔNG NAM Á LẦN THỨ VII TẠI YANGON, MYANMAR
 

Những ngày từ 24 đến 27 tháng 5 năm nay - 2013, các  thành viên Hội Nghị Chuyên Đề Gia Đình tại Đông Nam Á lại họp lần thứ VII tại Yangon (tức Rangoon ngày xưa) của Myanmar với chủ đề “Phục vụ người cao niên: những vần đề của Giáo Hội ngày nay”.

(Cũng xin nhắc lại: Hội nghị Chuyên đề Gia đình (HNCĐGĐ) là một Câu lạc bộ của một số nước Đông Nam Á (hiện mới gồm có Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái lan, Brunei, Myanmar, Phi luật tân và Việt Nam), sinh hoạt định kỳ hàng năm với các chủ đề liên quan đến Mục vụ Gia đình. Việt Nam tham gia liên tục từ 2008 đến nay. Đặc biệt HNCĐGĐ thứ V do Việt Nam đứng ra tổ chức từ ngày 20-23.5.2011 tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Saigon với chủ đề: “Đồng hành với người mới trưởng thành trong đời sống đức tin”)

Sau lời chào mừng của Đức TGM Paul Zingtung Grawng của TGP Mandalay - đại diện nước chủ nhà - là diễn từ của Đức TGM Charles Maung Bo S.D.B. của TGP Yangon, nói lên ý nghĩa của chủ đề và mục tiêu của Hội Nghị, là cần nỗ lực làm sao cho những người cao niên có thể hưởng một cuộc sống xứng với nhân phẩm:  an toàn, tích cực và lành mạnh. Ngài cho biết, chính xã hội Myanmar đang trải qua một cuộc thay đổi mau lẹ. Trong hai năm vừa qua, biết bao thay đổi trong cách sống cũng như lối nhìn của các gia đình ở đây. Gần 20% dân chúng trong nước, ở trong tình trạng di chuyển, mà phần lớn là ra khỏi nước. Trong nhiều làng mạc, chỉ còn trẻ con và người già. Hội Nghị này rất là hợp thời đúng lúc. “Hội Nghị cần phải làm sao để những người cao niên được đối xử cho xứng phẩm giá con người, khơi nguồn cảm hứng từ những giá trị tôn giáo, nhất là từ giáo huấn xã hội của Hội Thánh nhấn mạnh về Nhân Phẩm Nền Tảng, căn cứ vào hình tượng con người trong Kinh Thánh là được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa… Những người cao niên  phải chịu thiệt thòi hơn cả  khi hệ thống cai trị  phủ nhận phẩm giá và sự an toàn của những người yếu  thế  và dễ bị tổn  thương nhất. Hiện nay, 9% dân số Myanmar trên 60 tuổi nhưng tỷ xuất sinh sản đang lao nhanh xuống… Trong thập niên tới đây tỷ lệ người cao tuổi sẽ là 15%. Vào khoảng 2040, tỷ lệ đó sẽ vào khoảng 30%. Và điều này sẽ có những hệ lụy cho những người chăm sóc người già và phẩm giá của những người cao tuổi…”. Và ngài kết luận:

“Ước mong Hội Nghị này giúp cho chúng ta trở nên nhạy cảm hơn và gia tăng lòng quý mến và sự phục vụ đối với những bậc cao niên. Nhất là mong sao những cuộc thảo luận soi sáng cho chúng ta biết với tư cách là một giáo hội và một quốc gia, chúng ta có thể tìm ra một giải đáp có hệ thống cho thách đố này. Tuổi già là cả một tài sản lớn lao, như thứ rượu vang chính vụ, mà sự khôn ngoan và những kiến thức, hương vị của tuổi cao niên, chính là một tặng phẩm và ân phúc cho nhân loại. Chính là một thách đố cho chúng ta hôm nay là làm thế nào chúng ta có thể dò thấu kho tàng này... Tuổi Già đích thực là Vàng. Còn quý hơn Vàng rất nhiều!”

Kế tiếp, như thường lệ, là tường trình của các nước về những gì đã thực hiện liên quan đến Mục vụ Gia đình kể từ HNCĐGĐ VI (tháng 5-2012) tại Chiangmai, Thái lan, nhất là về những gì liên qua đến lớp tuổi trung niên.

Sau đó, trong ba ngày, Hội Nghị đề cập đến sáu đề tài về người cao niên:

Đề tài I: “Quá trình lão hóa: không phải chỉ là chuyện bề ngoài
” do nữ bác sĩ Wong Sweet Fun (Singapore) trình bày.

Theo bác sĩ Wong, lão hóa là một quá trình suy thoái cơ bản sinh học kèm theo những hệ quả có ý nghĩa đặc biệt về tâm lý đối với cá nhân và được trải nghiệm trong một xã hội. Lão hóa không phải là bệnh tật, mà cơ bản là hiện tượng xảy ra tuần tự từ bên trong con người, chứ không phải từ môi trường chung quanh. Lão hóa có hiệu ứng tiêu cực trên chức năng, mặc dù một số hiệu ứng khác có thể trung lập. Và quá trình lão hóa thì phổ quát, nghĩa là xảy đến bất cứ ai. Niên tuế không hẳn diễn tả thực sự quá trình lão hóa của một con người. Tuy ngày nay người ta thường coi tuổi 65 là bắt đầu được kể là cao niên, nhưng một cuộc khảo sát lại cho thấy rằng  tuổi cao niên trung bình ở Singapore là 67, trong khi người Hoa kỳ cho  rằng tuổi cao niên bắt đầu từ 77. Hẳn nhiên cũng phải nói đến những trường hợp lão hóa sớm mà người ta vẫn nói là “già trước tuổi” do bệnh tật hay lo buồn. Và cuối cùng, diễn giả trình bày hệ quả của tuổi thọ là:
  • Kéo dài được cơ hội tích lũy trải nghiệm cuộc sống,
  • Tận dụng được tối đa các cơ hội một đời người để hoàn thành hoặc biến đổi những vai trò của tưổi thanh xuân và trung niên, như thay đổi nghề nghiệp, đảm nhiệm những vai trò mới.
  • Kéo dài những mối liên hệ với tha nhân [ những người đó cũng sống lâu hơn ]
  • Gia tăng tính phong phú tiềm tàng nơi những mối liên hệ xã hội của một con người – những mối quan hệ thân thích, bằng  hữu và cộng đồng [khi mọi thành viên đều sống lâu hơn]
Tất cả những hệ quả của sự trường thọ này hàm ý rằng: ngày nay người ta đang có một cơ hội chưa từng có trước đây để tích lũy kinh nghiệm, để có được những chọn lựa mới mẻ và rộng rãi, để đáp ứng những biến chuyển của xã hội và để tác động trên chúng,  hầu có thể phục vụ tốt hơn cho người cao niên.
 
Đề tài II: “Gia tăng hạnh phúc và cảm giác thoải mái nơi người cao niên” do Tiến sĩ Elma G. Muangkroot (Thái lan) trình bày.

Theo diễn giả, sự xuống cấp của trí tuệ, bệnh tật, sự cảm thấy mình  vô dụng và thậm chí cả mặc cảm có tội vì là một gánh nặngcho người khác, cùng với sự dần dần  mất đi những bạn hữu lâu đời, có thể đưa  người già đến tình trạng  trầm cảm, không hẳn chứng trầm cảm lâm sàng  đòi hỏi sự can thiệp của  một nhà tâm lý, nhưng cũng cần phải được chúng ta quan tâm : cần phải giúp cho người cao niên gia tăng hạnh phúc, giúp họ  cảm thấy thoải mái,  bằng  những kỹ thuật tự lực dựa trên nền tảng khoa học đã được thử nghiệm.
Một cuộc nghiên cứu của Acacia C. Parks và  Aber Tasimi (Đại học Pennsylvania) và Stephen M. Schueller (Đại học California)  cho thấy có những kỹ thuật hay cách thức đã đươc chứng nghiệm để ai cũng có thể gia tăng hạnh phúc cho mình – nói chung gọi là những can thiệp tích cực có thể liệt kê như sau:
  1. Kiến tạo điều thú vị
Gọi là “điều thú vị” những cảm xúc tích cực như niềm vui, sự hài lòng, sự biết ơn. Cần phải kiến tạo những cảm xúc đó để gia tăng hạnh phúc cho mình. Có ba cách thức cụ thể:
  1. Thưởng thức
Thưởng thức là việc ý thức về những trải nghiệm thú vị nhất thời và làm cho chúng được kéo dài ra. Có bốn cách thưởng thức để kiến tạo điều thú vị bằng cách:
  • Tự mừng cho mình – tập chú và ở lại trong những chi tiết của một thắng lợi của mình. Chẳng hạn, hồi tưởng lại một thời điểm vinh quang trong đời mình – lễ tốt nghiệp, sự thăng tiến nghề nghiệp, việc kết hôn... và được  kể lại về những chuyện đó một lúc. Cho nên ta hãy khuyến khích người cao niên hồi tưởng lại những điều thú vị của họ mỗi khi thấy họ cảm thấy chẳng có gì để làm.
  • Bị cuốn hút – tập chú hoàn toàn vào một trải nghiệm. Bạn có thể khuyến khích hiệu ứng của tác động thưởng thức bằng cách tạo nên một bầu khí khiến người cao niên quên đi hiện tại hầu có thể hoàn toàn tập chú vào trải nghiệm vui tươi.
  • Kiến tạo ký ức – tạo nỗ lực để hồi tưởng những trải nghiệm tích cực. Ký ức về những trải nghiệm tích cực có thể được tăng cường bằng cách đưa ra những vật thể liên kết với chúng, chẳng hạn một cái cúp thành tích thể thao hay hình ảnh về một sự kiện.
  • Trau chuốt tri giác – tập chú vào từng khía cạnh riêng biệt của một trải nghiệm. Bạn có thể hướng dẫn người cao niên tập trung chú ý vào những trải nghiệm giác quan - thực sự tập chú và thưởng thức một trải nghiệm như tắm ấm dưới vòi sen hoặc nhâm nhi một món súp ngon hay xức một thứ nước hoa có hương thơm dịu ngọt.
Cuộc nghiên cứu khám phá ra rằng những ai kiên trì thưởng thức thì càng trở nên lạc quan hơn, bớt bị trầm cảm và cảm thấy được thỏa mãn hơn với cuộc sống, cảm giác khỏe mạnh gia tăng đáng kể.
  1. Nghĩ về tình yêu thương trìu mến
Khi ngẫm nghĩ về tình yêu thương trìu mến, người ta dễ nảy sinh những tình cảm dịu dàng đầm ấm và muốn dành những tình cảm đó cho những người khác.
  • Trước hết, hướng người cao niên nghĩ đến một người nào đó mà họ khâm phục và đồng cảm. Những tình cảm nào sẽ nảy sinh khi họ nghĩ đến người này? Bảo họ hãy tưởng tượng họ và / hay người ấy cùng mỉm cười. Hỏi họ cảm thấy thế nào? Có thể họ sẽ nói : “Tôi  cùng chung niềm hạnh phúc với người ấy”, “Tôi cảm thấy hưng phấn”, “Tôi cảm thấy ấm lòng và an toàn.”…
  • Kế đó, giúp họ dành những tình cảm ấy trước hết cho chính bản thân . Ta nói với họ: “Cụ cũng giống như người ấy.” “Cụ đã từng thành công như thế và biết bao lần rồi.”…Và họ có thể sẽ nói “Ta cảm thấy tự hào và biết ơn.”
  • Rồi hướng dẫn họ dành những tình cảm này cho những người khác – trước là cho những người có liên hệ gần gũi với họ, rồi cho tất cả mọi người. “Cụ cảm thấy được đầm ấm quây quần với gia đình và bạn hữu, phải không?” “Cụ thật có phúc vì những người chung quanh cụ đều tử tế và biết quan tâm!”
Suy nghĩ về tình yêu thương trìu mến sẽ làm gia tăng cảm xúc tích cực, khiến người ta gắn bó nhiều hơn với sự nâng đỡ của xã hội và mục đích cuộc đời, cũng như được giảm đi những triệu chứng bệnh tật.
  1. Khơi gợi lòng biết ơn
Biết ơn là một cách thức khác để kiến tạo điều thú vị và không khó để thực hiện, nhất là đối với người Á châu vốn đề cao giá trị này. Biết ơn là sự cảm nhận rằng một điều tốt lành đã xảy đến cho mình bởi một ai đó. Có một kỹ thuật này là “ghi nhật ký tri ân”:
  • “Ghi nhật ký tri ân” là ghi lại những gì người ta cảm thấy phải biết ơn. Nên khuyến khích người thân cao niên của bạn ghi nhật ký mỗi tối và khuyến khích họ khả năng tự làm cho mình hạnh phúc bằng cách đọc đi đọc lại nhật ký của mình và chia sẻ với bạn hữu điều thú vị đó.
  • Một cách khác nữa để lấy sự biết ơn làm điều thú vị, đó là nhớ lại những điều tốt lành xảy ra cho mình trong ngày. Cuộc nghiên cứu cho thấy sự biết ơn này khiến phát sinh những cảm xúc tích cực và giảm đi những cảm xúc tiêu cực. Trong ngày, hãy gọi cho mẹ bạn và hỏi bà về những điều tốt lành đã xảy ra cho bà hôm nay và xin bà kể lại cho nghe, thế là niềm hạnh phúc của bà cứ tồn tại mãi lâu sau đó.
Cuộc nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn cũng làm giảm thiểu những triệu chứng đau yếu, và gia tăng sự vận động khiến ăn ngon hơn, ngủ lâu hơn.
  1. Kiến tạo sự dấn thân
“Dấn thân” là một đường lối khác nữa để có được hạnh phúc và sự thoải mái. Đó là sự tham gia vào sinh hoạt xã hội một cách tích cực và chủ động, hoặc hơn nữa, là sự say mê một hoạt động nào đó đòi hỏi nỗ lực và khả năng để có thể thành công và thỏa mãn.
  1. Dấn thân vào những mối quan hệ xã hội.
Những mối quan hệ là nguồn cơ bản của sự dấn thân trên đời, và trải nghiệm dấn thân sẽ đưa đến sự thỏa mãn. Đây là hai cách gia tăng hạnh phúc:
  • Sự đáp ứng mang tính tích cực và xây dựng – Những ai biết nỗ lực đáp ứng một cách tích cực và xây dựng những tin tức tốt lành có thể gia tăng hạnh phúc của họ. Nếu ta biết giúp những người cao niên lắng nghe một cách tích cực, nêu những câu hỏi khai triển và nỗ lực đóng góp ý kiến, cuộc đàm thoại với họ sẽ kéo dài ra, họ sẽ tham gia tích cực hơn vào đời sống xã hội và những mối quan hệ sẽ được củng cố.
  • Hành động nhân ái – đây là cách thức khác nữa giúp gia tăng hạnh phúc. Chỉ đơn giản ở chỗ giúp đỡ tha nhân, bạn hữu hay ngay cả người dưng, bằng nhiều cách khác nhau. Hãy giúp cho người cao niên của bạn có được cơ hội hành thiện, chẳng hạn, biếu họ tiền để họ có thể đóng góp vào một quỹ từ thiện.
  1. Say mê một hoạt động đòi hỏi nỗ lực chuyên môn.
 Hoạt động này căn cứ trên sự cân bằng giữa thách đố và kỹ năng, và đưa dần đến sự thành thạo, đem lại niềm hạnh phúc lớn lao và lại càng gia tăng sự dấn thân vào những hoạt động đem lại niềm vui. Nếu thân sinh bạn chơi cờ với bạn, hãy thách đố ông bằng những nước cờ khó, nhưng hãy biết nhường cho ông thắng nhé!
  1. Kiến tạo ý nghĩa
“Ý nghĩa” này kéo theo sự liên kết với những đơn vị xã hội, như gia đình, trường học hay cộng đồng. Có hai cách chính kiến tạo ý nghĩa làm gia tăng hạnh phúc, đó là viết ra và hồi tưởng.
  1. Viết ra
Viết những tự truyện, vốn có thể giải tỏa những lầm lạc trong quá khứ và sáng tạo ý nghĩa tích cực trong đời sống của mình , có một tác dụng mạnh mẽ trên những cảm xúc và thậm chí có tác dụng trị liệu nữa. Viết về tương lai cũng có thể có tác dụng phấn khởi như vậy.  Việc sáng tác như thế đem lại sự gia tăng tức khắc những tình cảm tích cực, sự thích thú và động cơ làm việc.
  1. Hồi tưởng
Những nỗ lực khuyến khích hồi tưởng những kỷ niệm thú vị trong quá khứ sẽ làm  gia tăng sự thỏa mãn về cuộc sống của con người, nhất là những người cao niên.Hãy bỏ ra thời giờ  nói chuyện với những người thân cao niên của bạn, khuyến khích họ hồi tưởng những thời hoàng kim của họ ở cái thuở mà đời sống còn rất giản dị, mọi thứ còn rất rẻ, không khí thì trong lành, vân vân, và họ sẽ cám ơn bạn vì đã làm cho họ cảm thấy rất hạnh phúc.
 
Đề tài III: “Sống đức tin ở thuở xế bóng” do Ông Bà Andrew và Andrene Teoh (Malaysia) trình bày.
Cặp diễn giả này trình bày đời sống đức tin của chính mình trải qua những năm tháng dài.
Trước hết, ông bà kể ra những dấu hiệu hay sự kiện của tuổi già :
  • Nhiều tuổi mãi lên.
  • Khổ sở vì đau, nhức, mỏi .
  • Giảm sút  dần các khả năng (sức nhớ, sự khéo léo, sự vận động…).
  • Sự  cảm thấy mình vô tích sự, bị lệ thuộc, trở nên gánh nặng cho người thân.
  • Sự bất mãn, tính gắt gỏng…
  • Sự sợ hãi điều không tránh khỏi : sẽ phải ra đi và để lại những người thân yêu.
Ông bà cũng kể ra những nếm trải về tính cách thế nào cũng phải chết của mình:
  • Andrene mang thai đứa con thứ tư ở tuổi 46, phải nhập viện vì huyết áp quá cao.
  • Khám phá bị nhịp tim bất thường, có nguy cơ đột tử.
  • Andrew phải nhập viện do chứng ngất xỉu vì cholesterol quá cao.
  • Andrew bị nhiều phen thập tử nhất sinh trong thời gian ở quân đội.
Nhưng cả hai đều đã được đức tin giải cứu - soi sáng, huấn luyện và biến đổi. Và ông bà đã hăng hái phục vụ trong các chương trình và công tác mục vụ gia đình, hôn nhân, tư vấn của giáo xứ và giáo phận cho đến hôm nay khi tuổi đời đã bước vào giai đoạn xế bóng. Ông bà được hướng dẫn bởi Lời Chúa sau đây:
  • “Chính Thầy là sự Sống lại. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 11, 25-26)
  • “ Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy.” (Rm 5, 3-4)
  • “Ta đã nâng các ngươi từ trong lòng mẹ, đã hứng các ngươi từ lúc chưa chào đời. Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta; cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc, Ta vẫn còn gánh vác các ngươi và ban ơn cứu thoát.” (Is 46, 3-4)
Ông bà cũng noi gương các thánh mà sống đức tin, chẳng hạn như cha thánh Piô, khi ngài dạy:    “Nào có ai dám chắc được rằng mình sẽ còn sống ngày mai? Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của lương tâm chúng ta, hãy lắng nghe lời của vị ngôn sứ vương đế: ‘Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa, anh em đừng cứng lòng’. Chúng ta đừng có lần lữa những gì ta phải làm, bởi vì lát nữa đâu có thuộc về chúng ta.”

Hoặc thánh nữ Têrêxa Lisieux: “Đừng bỏ qua một cơ hội hy sinh nhỏ bé nào, lúc này là một cái nhìn tươi tắn, lúc khác là một lời nói tốt lành, luôn luôn thực hiện điều chính đáng cho dù nhỏ bé nhất, và thực hiện tất cả vì tình yêu mến.”

Ông bà nhắc lại lời Đức Gioan-Phaolô II trong tông thư gửi cho người cao niên năm 1990:

“Thời gian trôi đi giúp ta nhìn ra những trải nghiệm của chúng ta dưới ánh sáng tỏ rạng hơn và khiến cho khía cạnh khổ đau của chúng được êm dịu hơn. Chúng ta được an ủi bởi ý nghĩ rằng : nhờ bởi hồn thiêng của chúng ta, chúng ta sẽ tồn tại sau cái chết.”

Và lời khác của ngài khi gần cuối đời:

 “Người cao niên là những người bảo vệ cho ký ức tập thể của chúng ta. Loại trừ người cao niên thì chẳng khác gì phủ nhận quá khứ mà hiện tại cắm rễ sâu trong đó…Sự khiếm khuyết của con người trở nên mối liên kết giữa các thế hệ.

“Tôi thấy thật bình an khi Chúa truyền lệnh cho tôi về với Ngài: đây là nỗi khát khao thẳm sâu nhất của trái tim con người, cho dù nơi những ai còn chưa ý thức về điều ấy.

“Đức tin chiếu rọi cho mầu nhiệm của sự chết và mang lại sự thanh thản cho tuổi già.”

Và ông bà lấy lời Thánh vịnh 71, 17-18 để làm kết luận:

“Ngay từ tuổi thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ.

 Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài,

Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc,

Lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con,

Để con tường thuật quyền năng của Chúa

Cho thế hệ kế tiếp được rõ,

Và dũng lực của Ngài cho thế hệ mai sau.”

 
Đề tài IV:” Sự thân mật ở Tuổi Vàng” do Tiến sĩ Chan Lek-Lim (Malaysia) trình bày.

Diễn giả đề cập đến một loạt những vấn đề các đôi vợ chồng cao niên sẽ gặp phải và cách thức đối phó để duy trì được tình yêu và sự thân mật vợ chồng.
  1. Về sự cảm thông giữa vợ chồng
Diễn giả lưu ý rằng đời hôn nhân là cuộc hành trình suốt một đời bên nhau, và ngay những đôi vợ chồng đã kết hôn lâu năm và được coi là hạnh phúc thì cũng không nhất thiết là họ đồng quan điểm với nhau về mọi chuyện.  Vợ chồng nào thì cũng vẫn tiếp tục phải giải quyết vấn đề ‘Tôi là ai?’ ‘Mình là ai?’ ‘Chúng mình là ai?’ Nghĩa là chẳng bao giờ chúng ta hiểu được nhau hoàn toàn cả. Cho nên không lạ gì khi các đôi vợ chồng về hưu và sống suốt ngày bên nhau thì họ mới nhận ra rằng họ không có nhiều mối quan tâm giống nhau. Những năm tháng vất vả làm việc và nuôi nấng con cái đã khiến họ có lắm điều khác nhau. Và bây giờ họ cần phải biết làm sao cảm thông với nhau trở lại, làm sao sửa chữa lại mối tương quan. Vì một trong những vấn đề phiền toái nhất nơi những cặp cao niên là sự thiếu thông đạt, nên thiếu thông cảm. Người ta cứ cam chịu buồn phiền mà chẳng nói ra, cứ để những điều bất đồng trong lòng, cho đến khi chịu hết nổi thì nổ tung ra.
  1. Cần biết hồi tưởng lại
Điều cũng rất cần thiết cho các cặp cao niên là nhớ lại xem tại sao và thoạt đầu họ đã đem lòng yêu nhau như thế nào – thực ra, đây chính là điều họ cần làm suốt cả đời. Một khía cạnh quan trọng của hôn nhân chính là tình bạn thắm thiết vào thuở ban đầu, mà nhớ lại điều này cũng có thể giúp cho các đôi vợ chồng tái lập lại sự tôn trọng và tin tưởng cần có.
  1. Một trải nghiệm vẫn đang tiếp tục
Hôn nhân là một bí tích – chúng ta vẫn kết hôn với nhau mỗi ngày. Đây không phải là một sự kiện đã xảy ra xong rồi, nhưng là một trải nghiệm vẫn đang diễn ra liên tục. Hy vọng rằng vào những năm vàng này chúng ta có được sự tôn trọng lẫn nhau thực sự. Đành rằng, đôi khi chúng ta có thể nổi cáu hoặc giận dữ nhau, nhưng chúng ta có thể dùng những ‘bí kíp’ chúng ta đã học biết từ lâu.
‘Bí kíp’ để sống chung
  • Thỏa hiệp với nhau
  • Chấp nhận sự bất đồng
  • Tôn trọng quyền của người kia đối với ý kiến của họ
  • Quyết định rằng ly dị không phải là một chọn lựa của chúng ta
  • Cứ tiếp tục xây dựng mỗi ngày mối tương  quan của chúng ta
  1. Đừng để có sự cắng đắng lẫn  nhau về tiền bạc
Nên có sự trao đổi và đồng thuận với nhau về kế hoạch hưu trí, về ngân sách gia đình để tránh khỏi bực bội và phiền trách nhau. Cần phải có những quyết định chung về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong ngân sách để xác định những ưu tiên.
  1. Sự thân mật vợ chồng
Trong một số trường hợp, những người cao niên vẫn tiếp tục sinh hoạt tình dục một cách gần như bình thường. Điều đó vẫn không phải là nghịch thường. Nhưng đa số trường hợp, sinh hoạt đó trở thành khó khăn, phần lớn do ảnh hưởng suy thoái thể chất vì lão hóa. Cũng không ít trường hợp do vấn đề tâm lý, mà đa phần là từ phía phụ nữ không còn ham muốn nữa.Tiến sĩ Chan khuyên đôi vợ chồng nên chân thành tìm sự cảm thông với nhau về vấn đề này. Nên tìm hiểu vấn đề dưới ánh sáng của huấn giáo, nhất là những hướng dẫn thần học về thân xác của Đức Gioan-Phaolô II. Đối với phần lớn trường hợp, điều quan trọng chính là biết chấp nhận  cuộc sống như nó xảy ra. Trong thực tế, cùng nhau chia sẻ cuộc sống trong một tương quan thân mật đầy đủ sẽ mang lại những hệ quả tích cực trên mọi mặt của đời sống, về thể chất cũng như tinh thần và tâm lý. Nhưng trên hết, nên chú trọng chia sẻ với nhau những mối quan tâm chung và một thứ như tình bạn sâu xa.

Nên tìm trợ giúp nơi một nhà tư vấn trị liệu, hoặc tham gia những chương trình tập luyện bồi dưỡng hay những hoạt động giải trí bổ ích khác.

Nhất là nên cùng nhau dâng lễ mỗi ngày, tham gia những hoạt động của Giáo hội: thừa tác vụ, ca đoàn, hội cầu nguyện, hội Vinh sơn…

Diễn giả ước mong, nhờ những phương cách đó, các đôi bạn cao niên có thể giữ được tương quan thân mật với nhau một cách tràn đầy và vô điều kiện.
 
Đề tài V: “Sự mất mát, nỗi sầu buồn và đời sống thiêng liêng” do TS Francis Heng (Singapore) trình bày.

TS Heng kể ra những sự mất mát như : mất đi người thân yêu bởi cái chết, mất một mối tương quan, mất sức khỏe do bệnh tật, mất một phần thân thể, mất một cơ hội, mất con vật  cưng, mất tiền bạc  và của cải…

Còn sầu buồn là phản ứng của ta trước những mất mát đó – có thể có phản ứng về mặt tâm lý, xã hội / qua thái độ, và thể lý. Sầu buồn như thế là bình thường và tự nhiên. Nó có một quy trình – sẽ được chữa lành qua thời gian. Đó là cảm giác cực kỳ đau khổ xảy ra khi ta cảm nhận sự mất mát. Quá trình sầu buồn có tính cá vị và riêng tư. Người ta thường tìm kiếm sự nâng đỡ của người khác, hoặc sự an ủi trong những hoài niệm tốt lành.

Phản ứng ta thường gặp khi phải sầu buồn
  • Về thể lý :  buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt hay nhức đầu, nghẹt cổ họng, thắt ngực, mất khẩu vị, xuống cân, suy giảm hệ miễn nhiễm…
  • Về mặt tri thức: mất tin tưởng, lú lẫn, mất phương hướng, cảm thức sự hiện diện của người đã mất…
  • Về mặt cảm xúc: choáng, tức giận, mặc cảm tội lỗi, buồn bã, cô đơn, bất lực, thất vọng.
  • Về thái độ: rên la, rối loạn giấc ngủ, mải lo kiếm tìm, cứ lui tới những nơi gợi nhớ người quá vãng, nâng niu đồ vật của người quá vãng, tìm cách lẩn tránh, không quan tâm tới công việc, không thiết đến bản thân nữa.
Những điểm  ta cần lưu ý:
  • Không lên án đáp ứng nào của họ là “sai” hay “xấu”.
  • Coi là bình thường khi họ thay đổi cách đáp ứng  ngay cả với người thân trong gia đình.
  • Không thể ấn định thời biểu cho quá trình của sầu buồn.
  • Chú ý đặc biệt khi có biểu hiện “cực độ”: chẳng hạn :dùng ma túy, rượu, bạo lực hay thay đổi hẳn nếp sống thông thường, rối loạn tâm thần trầm trọng.
Quá trình năm giai đoạn của sầu buồn:
Theo Elisabeth Kubler-Ross, sự sầu buồn thường trải qua 5 giai đoạn này :
  1. Bị choáng ngộp: đương sự không chịu chấp nhận sự mất mát, muốn phủ nhận vì không chịu nổi.
  2. Giận dữ: cứ hỏi: “Tại sao lại là tôi?” “Chúa đâu rồi?” “Tại sao Chúa bỏ tôi?”…
  3. Mà cả: “Đừng để điều này xảy ra được không?” “Xin Chúa đặc biệt giúp con lần này được không?”...
  4. Trầm cảm: “Khốn nạn cho tôi!”, “Làm sao tôi sống được nữa đây?”- Cảm thấy bỉ bỏ rơi- Có ý tưởng tự tử…
  5. Chấp nhận: Sầu buồn giảm dần, nói về người quá vãng mà không khóc nữa, cố gắng trở lại nhịp sống trước đây…
Điều quan trọng là thân nhân hay người chăm sóc cần phải biết người thân mình đang trải qua giai đoạn nào để cảm thông và đáp ứng thích hợp.
Sầu buồn thông thường và sầu buồn bất thường
  • Trường hợp thông thường : người ta  thường lần lượt trải qua 5 giai đoạn cảm xúc kể trên và để cho thời gian chữa lành. Trường hợp mất mát người thân  có thể cần đến hai năm.
  • Trường hợp bất thường : người ta không trải qua các giai đoạn đó, không bộc lộ ý tưởng và tình cảm, cũng không có sự chấp nhận, tâm hồn cứ đóng băng, và quá trình không tiến triển, nghĩa là không tới được giai đoạn chữa lành. Khi đó, những đau đớn thể xác có thể cứ kéo dài, cứ mãi bị ám ảnh bởi cái chết của người quá vãng, mặc cảm tội lỗi cứ nặng nề sâu xa, nhiều khi có cả sự thù oán những người khác, cách ứng xử bị lệch lạc…
Linh đạo khi gặp sầu buồn
  • “Sự mất mát bi thảm thường có thể trở nên cơ hội cho sự thay đổi và trưởng thành về mặt thiêng liêng. Thiên Chúa có thể và vẫn chữa lành tinh thần chúng ta nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện và để cho quá trình sầu buồn tự nhiên đi hết con đường của nó.” (Dolores Kuenning.) 
  • Cuối cùng ai cũng sẽ trải qua đau khổ và mất mát. Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi điều này. Khi bạn Lazarô mất thì Chúa cũng khóc.
  • Khi Chúa Giêsu nói: “Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi” (Mt 5,4), Ngài khuyến khích chúng ta biểu lộ nỗi sầu buồn vì mất mát một cách công khai. Khi Ngài khóc thương về cái chết của bạn Lazarô của Ngài, Ngài đã cho phép chúng ta khóc thương  khi bị mất mát (x. Ga 11, 35).
  • Thiên Chúa cũng hứa những khóc than của chúng ta sẽ kết thúc: “ Ta sẽ biến sự khóc than của chúng thành niềm vui. Và sau cảnh sầu thương sẽ cho họ được an ủi và vui mừng” (Gr 31, 13).
Kết luận:
  • Sầu buồn là một quá trình : quá trình chữa lành
  • Hoàn tất quá trình đó không phải là quên đi người chết hoặc khắc phục sự mất mát.
  • Người Công giáo có thể nhìn cái chết với niềm hy vọng.
  • Những lời hứa của Thiên Chúa mang lại niềm an ủi đầy ý nghĩa cho những ai tin vào Ngài.
 
             Đề tài VI: Linh đạo và Tâm lý của Người Cao niên” do Lm Charles Sim, S.J. (Singapore) trình bày.
Diễn giả khởi đầu bằng cách nhắc lại  trích đoạn thư của Đức Gioan Phaolô II gửi người cao niên năm 1999 trong đó ngài ca ngợi người cao niên như sau:
  • Người cao niên giúp chúng ta hiểu được những việc nhân sinh với sự khôn ngoan.
  • Người cao niên là những người giữ gìn ký ức tập thể của chúng ta, là những người diễn giải bộ phận những lý tưởng và giá trị chung vốn nâng đỡ và hướng dẫn đời sống xã hội.
  1. Diễn giả cho biết Kinh Thánh nói nhiều đến tính chất của tuổi cao niên, đặc trưng và những trách nhiệm của người cao niên.
Tuổi cao niên là phúc lành của Thiên Chúa, là sự toại nguyện cho một đời đạo đức và dấu chỉ của hồng ân Thiên Chúa (Đnl 5, 33; Xh 20, 12; Ep 6, 1).
Đặc trưng của tuổi cao niên là sự tinh khôn tháo vát (Cn 3, 13, 15-16; Đnl 32, 7).
Nguồn trợ lực người cao niên là chính Thiên Chúa (1Pr 4, 1-2,19; Rm 8, 38-39; Kh 21, 3-4; 1Cr 15, 54-57).
Kinh Thánh cũng đòi chúng ta chăm sóc những người cao niên (Cn 23, 22; 1Tm 5, 8, 16; St 1, 27; Mt 25, 31-46).
  1. Tuổi chính trực và khôn ngoan
Tâm lý gia nổi tiếng Eric Erikson gọi tuổi già là tuổi chính trực hay tuổi khôn ngoan – mà chính trực và khôn ngoan còn có nghĩa là biết chấp nhận cuộc đời mình: “Đó là sự chấp nhận vòng đời duy nhất của chính mình và của những người trở nên ý nghĩa cho vòng đời ấy…chứ không mong ước lẽ ra các vòng đời đó phải khác hơn, và chấp nhận rằng cuộc đời mình là trách nhiệm của chính mình.” Sự khôn ngoan giống như sự biết ơn và hy vọng, hơn chỉ là sự tích lũy được nhiều kiến thức. Sự khôn ngoan và chính trực có được khi người ta khám phá ra được quà tặng và ý nghĩa chôn giấu trong mọi thảm kịch và tình huống cuộc đời. Sự khôn ngoan chẳng những nhận thấy được quà tặng trong cái chết của những người mình yêu thương, mà còn nhận thấy được quà tặng ngay khi đối diện cái chết của chính mình và những sự suy giảm mà tuổi già mang đến. Bất kể sự suy giảm là thế nào, sự chính trực và khôn ngoan cũng có được như một kết quả không chỉ là của việc khóc than sự suy giảm, nhưng còn là của việc nhận biết quà tặng ở trong đó. Ở tuổi này, càng biết chấp nhận công việc còn dang dở của đời mình, chúng ta càng có thể đón nhận sự suy giảm lớn nhất: cái chết.
Sự khôn ngoan có được không phải do tuổi già, nhưng là do cả một đời biết dâng lời cảm tạ và biết đón nhận thời điểm hiện tại với lòng biết ơn. Và chính vì thế, chúng ta có thể có được sự khôn ngoan lâu trước khi về già. Thực ra, sự khác biệt không phải do tuổi tác, nhưng là do thái độ.
Nhân đức là món quà những người trưởng thành hơn chung quanh chúng ta, nhất là cha mẹ chúng ta, tặng cho chúng ta, các ngài nêu gương cho chúng ta và tạo ra một bầu khí để chúng ta có thể noi theo các ngài.
  1. Làm sao về già mà không sợ hãi
Sợ hãi tuổi già là mẫu số chung của mọi phản ứng nhân sinh, diễn giả khẳng định như vậy, và nêu câu hỏi : làm thế nào để đối phó tốt nhất với những lo âu sợ hãi đi kèm theo tuổi này?
Và diễn giả trả lời bằng cách đề nghị một số giải pháp như sau :
  1. Tiếp tục biết cống hiến bản thân và biết đón nhận một cách dễ thương.
  2. Kết bạn với mọi lứa tuổi.
  3. Học biết những kỹ năng mới.
  4. Chấp nhận những mất mát mình phải hứng chịu.
  5. Không buông mình trong sự tự thương xót và thất vọng.
  6. Không ngại phải xin trợ giúp.
  7. Liệt kê những yếu tố khiến mình già đi và thay đổi những gì có thể.
  8. Chạy đến với Chúa là Đấng hằng trung tín qua mọi năm tháng của bạn để dâng lời cảm tạ và xin ơn tha thứ.
Như thế, bạn sẽ biến đổi mọi sợ hãi của tuổi già thành  sự tôn vinh Thiên Chúa, Đấng mà tình yêu thì vô hạn và lời hứa ban sự sống là muôn đời.
  1. Tuổi già: thời của gặt hái
Hãy quý trọng mỗi ngày, vì mỗi ngày mới là một cơ hội được gặp Chúa. Quá trình già đi cũng đem lại cho ta nhiều cơ hội để phong phú hóa cuộc đời chúng ta và làm cho ý thức của chúng ta về sự hiện diện của Thiên Chúa sâu xa hơn.
Đời sống thiêng liêng  trở nên quan trọng hơn khi chúng ta  vươn lên Chúa và ra sức đào sâu  mối tương quan  với Ngài. Chúng ta hướng về Chúa với cảm thức tri ân về tất cả những gì đã nhận lãnh và cảm thấy khát vọng chia sẻ tình yêu Thiên Chúa bằng cách yêu thương mọi người.
Chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình, nghĩ đến cái chết và sự tiến dần đến cái chết, và ý thức sâu sắc về lời hứa Phục Sinh.
Chúng ta mong chờ được giải thoát sang đời sống kế tiếp để được thực sự diện kiến Thiên Nhan. Sự tìm kiếm thiêng liêng này chính là một phần quan trọng của mùa Đông cuộc đời.
  1. Chăm sóc người cao niên trong Giáo xứ / Giáo phận
  1. Cần truyền đạt cho giáo dân về nhu cầu của người cao niên.
  2. Cần tổ chức những tình nguyện viên phục vụ  người cao niên : lui tới thăm viếng, giúp đỡ tại nhà, giúp di chuyển khi có nhu cầu, nhất là những người không có con cháu  hay thân nhân nào khác.
  3. Sự chăm sóc thiêng liêng được coi là quan trọng hơn và cần được quan tâm  nhiều trong những lúc đau yếu..
  4. Thành lập cơ sở  và những chương trình lâu dài để nuôi dưỡng, phục vụ  những người  cao niên bơ vơ đơn độc.
  5. Cộng tác với các giáo xứ khác,  các  tổ chức, hội đoàn, các nhà hảo tâm để có thể đáp ứng nhu cầu này.
  6. Mở ra những chương trình cải cách trong các trường Công giáo,  giảng dạy cho giới trẻ về quá trình lão hóa và làm cho các em tham gia vào những chương trình bắc nhịp cầu  giữa tuổi trẻ và những người cao niên.
 
Kết luận
              Làm người thì phải già đi, nhưng :
  • Người có đức tin cần phải ước muốn sống lâu vì mỗi ngày ta sống là một cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa qua việc yêu mến và phục vụ tha nhân.
  • Cho dù là đào sâu mối tương quan của chúng ta với gia đình và bạn hữu hay đưa  tay ra để phục vụ những ai lâm cơn cùng khốn, chúng ta đều làm cho tình yêu  hiện thực, chúng ta đểu làm cho sự hiện diện của Thiên Chúa hiện thực.
  • Mỗi ngày mới là một quà tặng, một cơ hội để trở  nên  người đầy đủ hơn và đến gần Thiên Chúa  hơn, vị Thiên Chúa vốn là tình yêu và nguồn mọi tình yêu.
  • Ước gì mỗi người chúng ta, nhất là những thành viên lớn tuổi hơn trong cộng đoàn, cảm nghiệm  được tình yêu này hàng ngày và giúp cho những người khác cũng làm được như thế.
 
                                                     Cảm tưởng và Nhận định
 
 Với HNCĐGĐ VII này, nhóm Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình của gần mười nước ĐNA đã  trải qua suốt bảy năm cùng nhau gặp gỡ, nghiên cứu, trao đổi và học hỏi lẫn nhau về những vấn đề quan trọng  và nóng bỏng nhất của Mục Vụ Gia Đình :
  1. Công tác Tư vấn trong Mục vụ Hôn nhân và Gia đình (2008)
  2. Khó khăn và Thách đố đối với các Gia Đình Trẻ (2009)
  3. Nuôi dạy con cái lấy Đức Kitô làm trung tâm (2010)
  4. Đồng hành với người mới trưởng thành trong đời sống đức tin (2011)
  5. Những vấn đề của tuổi trung niên trong đời sống đức tin (2012).
  6. Phục vụ người cao niên : những vấn đề của giáo hội ngày nay (2013)
Ngay sau khi kết thúc Hôi Nghị vào ngày 27.5 vừa qua, ban tổ chức đã họp với đại biểu các nước hiện diện là Myanmar, Việt nam, Malaysia, Indonesia, Thái lan và Singapore để có một sự đánh giá chung sơ khởi về tính hữu ích và hiệu quả của các HNCĐGĐ này trong bảy năm qua và thẳng thắn đặt câu hỏi :“ Có nên tiếp tục công cuộc này hay không, và nếu tiếp tục thì đường hướng giai đoạn sắp  tới sẽ thế nào ?

Tất cả đại biểu các nước đều khẳng định  : “ HNCĐGĐ là một diễn đàn rất quý giá  cho sự chia sẻ, hiểu biết và học hỏi những cách làm việc thực tiễn tốt đẹp nhất cho các thừa tác vụ gia đình  cũng như là nơi nuôi dưỡng tình thân hữu sâu xa giữa các tham dự viên vốn cùng chia sẻ mục đích chung là phục vụ và làm cho các gia đình trong các giáo phận Á châu được ngày càng thêm phong phú hơn.”

Cũng có một số đại biểu gợi ý những chủ đề cho các Hội nghị tương lai có thể liên quan đến Đức tin và công cuộc Tân Phúc âm hóa, sau khi chúng ta đã chia sẻ và học hỏi hết vòng đời gia đình suốt những năm vừa qua.

Hân hạnh được tham gia các HNCĐGĐ từ mấy năm qua, chúng tôi nhận thấy : tuy HNCĐGĐ là một tập thể hoạt động do sáng kiến riêng và có tính tự nguyện, nhưng lại theo rất sát FABC với một tinh thần tông đồ nhiệt thành và lòng yêu mến Giáo Hội đặc biệt.

Tuy chúng tôi nói là “do sáng kiến riêng”, nhưng sáng kiến đó không phải là chưa được trình bày và xin phép các Đấng bản quyền của ít nữa là các thành viên nhóm sáng lập. Ngay việc tham gia phó hội hàng năm của các đoàn đại biểu các nước cũng đều có sự chấp thuận của các Đấng bản quyền mỗi địa phương, nếu không phải là do chính các ngài chỉ định. Ấy là chưa nói đến sự hiện diện bao giờ cũng có – không nhiều thì ít, mà ít nhất cũng là 2 hay 3 TGM hay GM.  Như vừa rồi tại Yangon, ngoài Đức TGM Yangon đọc diễn từ khai mạc, còn có Đức TGM Mandalay chủ sự thánh lễ khai mạc và thánh lễ kết thúc – và còn hơn thế nữa : ngài tham dự chuyên cần một cách gương mẫu không trừ một buổi hội họp nào của Hội nghị.

HNCĐGĐ đã làm hầu như tất cả các công việc mà BILA I (2007) đề cập và BILA II (2013) vừa nhắc lại và thúc đẩy. Nên có thể nói không sai là HNCĐGĐ đã và đang là cánh tay nối dài của FABC. Do  đó, không ai mong muốn tổ chức này chấm dứt cả, nhất là những ai đã tham dự  hay biết được những gì tổ chức này đã thực hiện được . Đành rằng có không ít việc được chia sẻ và nhiều khi được  đồng tình  trên bàn Hội nghị này  nhưng không thể hay chưa thể hiện thực được ở không ít nơi. Nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian hay do những khó khăn vướng mắc nhất thời của hiện tại, chứ đó không phải là những ảo tưởng hay đề nghị viển vông, không thực tế. Chẳng hạn, ở Indonesia có mục vụ cho những người cha và mẹ đơn thân và con cái họ,  trong khi ở nước ta chưa bao giờ có ai nói tới việc đó. Nhưng không  thể vì thế mà sáng kiến của Indonesia không có giá trị thực tế, mà ngược lại là khác. Vân vân…

Người tường trình chỉ ước mong các thừa tác viên Mục vụ Gia đình các Giáo phận ít nữa  dành được thời giờ để tiếp cận các kinh nghiệm và sáng kiến đã được chia sẻ trong các Hội nghị  này để công tác mục vụ  và tông đồ gia đình được  tiến triển như lòng Chúa ước mong.
Sai Gòn, 6/2013

Antôn Uông Đại Bằng tường trình


Bôi bẩn thành phố (4/4/2024)

Ba lợi ích của việc ăn chay theo thánh Tôma Aquino (15/2/2024)

Vứt rác sang hàng xóm (5/1/2024)

Cấp đổi thẻ Căn cước mới từ ngày 01/07/2024: Những điều cần nắm rõ (26/12/2023)

Tôi đã thấy (4/12/2023)

Khủng hoảng môi trường: triệu chứng - nguyên nhân - chữa trị (25/10/2023)

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2023 - Lòng bừng cháy, chân bước nhanh (4/10/2023)

Cách đánh giá an toàn phòng cháy khi thuê, mua căn hộ (15/9/2023)

Học gì không thất nghiệp? (31/8/2023)

Khai mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023: Một vài sự kiện và con số (3/8/2023)

Một chút tình cỏ hoa (22/8/2013)

Kiến nghị không xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (17/8/2013)

Siêu bão sắp tiến vào biển Đông (12/8/2013)

Bài học về thứ tự ưu tiên (3/8/2013)

Đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Brazil (27/7/2013)

Nói với báo chí trên không (24/7/2013)

Đất nước nghèo vì đàn ông Việt ham nhậu (23/7/2013)

5 chiêu trò cướp sim điện thoại (19/7/2013)

Chàng trai Mỹ hối thúc thanh niên Việt dám nghĩ dám làm (13/7/2013)

Nữ tiếp viên quên mình cứu hành khách gặp nạn (9/7/2013)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn