Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO CON TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

 
PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
 
Thứ Tư ngày 10.3.2010, trên hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng từ báo, đài, internet… đều đồng loạt đăng tải một tin làm dư luận xã hội bàng hoàng, xôn xao: Sốc với clip nữ sinh đánh đập, xé áo bạn trên phố( ). Sau khi sự việc này lan rộng và nhận được sự quan tâm của nhiều ngành chức năng, tất cả đều có chung nhận xét: sự việc này là hồi chuông cảnh báo về những biểu hiện đáng lo ngại liên quan đến đạo đức của học sinh hiện nay.
 
Thứ Ba ngày 27.4.2010, một video clip ghi lại cảnh “nữ sinh đánh bài cởi áo trong lớp học”( ) được lan truyền với tốc độ “chóng mặt” trên internet. Sau khi xem xong clip này, hầu hết lại có chung nhận định: video nữ sinh chơi bài cởi áo thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp về đạo đức trong lối sống của một bộ phận học sinh hiện nay.

Trên đây chỉ là một trong vô vàn những tình huống, những sự việc phản ánh tình trạng đáng báo động về đời sống đạo đức của học sinh, đặc biệt là học sinh Trung học cơ sở - độ tuổi có những thay đổi và diễn biến tâm lý phức tạp. Sau những câu chuyện đau lòng và đáng buồn như vậy, đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong các vụ việc này? Vai trò và trách nhiệm giáo dục của gia đình, nhà trường và rộng lớn hơn là của xã hội ở đâu? Tại sao các em lại hành xử như vậy? Tại sao bạn bè các em lại có thái độ thờ ơ, thậm chí cổ vũ, quay video để tung lên mạng?... Rất nhiều rất nhiều câu hỏi được đặt ra và cần phải có những câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề nóng bỏng này!

Người ta cứ nói: đã đến lúc nhìn lại thực trạng giáo dục đạo đức; đã đến lúc cha mẹ phải quan tâm hơn, có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục con cái… nhưng đó chỉ là những lúc rộ lên những video, những trường hợp bị bạo lực, còn sau đó đâu lại vào đấy. Và rốt cuộc, người chịu nhiều đau khổ, thương tâm vẫn là những em là nạn nhân của bạo lực học đường. Người ta nói phải “coi trọng” vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh, nhưng cũng chỉ dừng lại ở “coi” chứ chưa có “trọng”. Trong khi giáo dục ở nhà trường còn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người thì ai sẽ có vai trò chính và sự ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức cho học sinh? 

Nhận thức được tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho con cái, cũng như nhận thấy gia đình là nơi hình thành nên những giá trị đạo đức nền tảng cho con cái, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến lối sống đạo đức của học sinh, nên tác giả chọn đề tài: “Vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho con tuổi vị thành niên”.
 
2. Mục đích của đề tài

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về vấn đề giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên (học sinh Trung học cơ sở), đề tài có mục đích làm sáng tỏ vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho con; bên cạnh đó đề ra một số giải pháp về vấn đề giáo dục đạo đức cho con tuổi vị thành niên trong gia đình.

Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC

1.1. Quan niệm về giáo dục
Có rất nhiều ngành khoa học nghiên cứu về giáo dục, do đó cũng sẽ có rất nhiều quan điểm khác nhau về giáo dục. Tuy nhiên, để nắm được cốt lõi cái nghĩa của giáo dục, chúng ta nên tìm hiểu và để ý đến gốc rễ của từ “giáo dục”.
Từ “giáo dục” theo nghĩa gốc trong tiếng La Tinh là “educere” có nghĩa là “lôi ra”, “đưa ra khỏi”. Vào thời đại La Mã còn đời sống thôn dã và tiếng La Tinh là ngôn ngữ của dân chăn cừu thì “educere” chỉ có nghĩa rất đơn sơ là bước đi trước đàn cừu của mình và dẫn chúng ra ngoài. Như vậy, giáo dục có thể được hiểu là quá trình làm sống dậy, khơi ra những đức tính cao cả, những năng lực còn đang “nằm ngủ”, những khả năng còn đang ẩn tàng trong một chủ thể.

1.2. Khái niệm về đạo đức
Về khái niệm đạo đức, từ trước đến nay cũng được rất nhiều ngành khoa học nghiên cứu. Tuy nhiên, do giới hạn của đề tài, tác giả chỉ trình bày quan điểm cơ bản, cốt lõi về đạo đức.
Theo cách hiểu Tâm lý học về đạo đức thì: hệ thống những chuẩn mực được con người tự giác đề ra và tự giác tuân theo trong quá trình quan hệ với người khác và với xã hội được gọi là đạo đức. Ví dụ như mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ là: yêu thương, kính trọng, vâng lời, biết ơn…, với bạn bè là: hết mình giúp đỡ bạn bè, trung thực, thật thà…
Đạo đức có một số chức năng cơ bản như: chức năng giáo dục; chức năng điều chỉnh hành vi cá nhân, cộng đồng và là công cụ tự điều chỉnh mối quan hệ giữa người – người trong xã hội; và chức năng phản ánh.

1.3. Sự phát triển đạo đức theo quan điểm thuyết phát triển nhận thức
Các nhà tâm lý học nhận thức (tiêu biểu như J.Piaget) đã nghiên cứu sự phát triển đạo đức của trẻ em thông qua những suy luận đạo đức mà trẻ thể hiện khi nhận định tính đúng sai của một hành động. Theo họ, sự tăng trưởng nhận thức và trải nghiệm xã hội giúp trẻ phát triển sự hiểu biết về các quy chuẩn xã hội, luật pháp và nghĩa vụ trong mối quan hệ xã hội. Khi trẻ em tiếp nhận những hiểu biết mới này, chúng tuần tự đi qua những giai đoạn đạo đức, giai đoạn sau là sự tiến hóa của giai đoạn trước.

Dưới đây là quan điểm tiêu biểu về sự phát triển đạo đức theo học thuyết của J.Piaget.
J.Piaget nghiên cứu sự phát triển suy luận đạo đức của trẻ dựa trên hai khía cạnh: sự tôn trọng các quy chuẩn và sự nhận định về lẽ phải. Theo đó, ông chia sự phát triển đạo đức thành thời kỳ tiền đạo đức và hai giai đoạn đạo đức: dị trị và tự trị.

* Thời kỳ tiền đạo đức:
Theo Piaget: trẻ tiền tiểu học hiểu biết rất ít về các quy chuẩn. Chúng tự tạo ra các quy chuẩn của bản thân và chúng cho rằng điểm mấu chốt của trò chơi là vui vẻ và đi theo lượt. (Ví dụ khi trẻ chơi trò chơi bác sĩ, thì người khám bệnh – bệnh nhân phải vào khám lần lượt theo thứ tự).

* Giai đoạn đạo đức: Trong giai đoạn này, Piaget chia ra làm 2 hình thức:

+ Giai đoạn đạo đức hiện thực (đạo đức dị trị): Theo Piaget, trẻ có độ tuổi từ 5 – 10 tuổi phát triển sự tôn trọng đối với các quy chuẩn một cách rất sâu sắc. Đây là giai đoạn đạo đức dị trị (dị trị có nghĩa là dưới quyền cai quản của người khác). Trẻ thường tin tưởng vào sự trừng phạt thiên định – mọi vi phạm quy chuẩn sẽ bị trừng phạt. 
 
+ Giai đoạn đạo đức tương đối (đạo đức tự trị): Trẻ giai đoạn này (10 – 11 tuổi) biết được rằng quy chuẩn xã hội là một thỏa thuận theo ý muốn, có thể không được chấp nhận và bị thay đổi theo sự đề đạt của những người phải tuân thủ nó. Trẻ cũng biết được rằng những quy chuẩn này có thể không phải tuân thủ nếu hành động phá chuẩn phục vụ lợi ích con người. Trẻ ủng hộ sự trừng phạt sao cho người vi phạm hiểu được mức độ nghiêm trọng của vi phạm và sau đó không có ý định tái phạm nữa.

Một nhà tâm lý học phát triển nhận thức khác là Kohlberg đã mở rộng học thuyết của J.Piaget. Ông đã chia sự phát triển đạo đức thành 3 mức độ và trong đó mỗi mức độ chứa 2 giai đoạn đạo đức phân biệt.

Mức độ 1: đạo đức tiền đồng thuận.
o Giai đoạn 1: định hướng trừng phạt và tuân thủ.
o Giai đoạn 2: chủ nghĩa khoái lạc ngây thơ.
 
Mức độ 2: đạo đức đồng thuận.
o Giai đoạn 3: định hướng cô bé tốt hoặc cậu bé tốt.
o Giai đoạn 4: đạo đức gìn giữ trật tự xã hội.
 
Mức độ 3: đạo đức hậu đồng thuận (hay là nguyên tắc).
o Giai đoạn 5: định hướng giao ước xã hội.
o Giai đoạn 6: đạo đức của nguyên tắc lương tâm cá nhân.

1.4. Một số đặc điểm tâm sinh lý của học sinh Trung học cơ sở
Tuổi vị thành niên (tương ứng với lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, ứng với độ tuổi từ 11-15 tuổi). Lứa tuổi này còn được gọi là tuổi thiếu niên và nó có một vị trí đặc biệt quan trọng trong thời kỳ phát triển của các em. Vị trí đặc biệt này được phản ánh bằng những tên gọi khác nhau như: thời kỳ quá độ; tuổi khó bảo; tuổi khủng hoảng; tuổi bất trị; tuổi gần bạn xa mẹ…( ) Chính vì đây là lứa tuổi chuyển tiếp từ thời thơ ấu sang tuổi trưởng thành, do đó, trong đời sống tâm - sinh lý các em có những thay đổi rất mạnh mẽ. Và chính những thay đổi này tác động và ảnh hưởng đến đời sống của các em. Cho nên khi nghiên cứu về vấn đề giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên trong gia đình, cũng như làm cơ sở để các bậc cha mẹ biết, hiểu, từ đó có những phương cách giáo dục phù hợp, thì việc nghiên cứu cơ sở lý luận của vấn đề là rất cần thiết. Tuy nhiên, do giới hạn của đề tài, nên trong phần này, tác giả chỉ nêu ra những đặc điểm phát triển về tâm sinh lý hết sức cơ bản của trẻ vị thành niên.

Về những biến đổi sinh lý: ở lửa tuổi này, trẻ có sự biến đổi đột ngột của cơ thể mà trẻ không thể lường trước được và không thể theo kịp (thân hình cao to, ngực, lông, bộ phận sinh dục phát triển, tuyến nội tiết hoạt động mạnh dẫn đến mất cân cằng của hệ thần kinh trung ương nên dễ gây xúc động mạnh ở trẻ; quá trình hưng phấn mạnh hơn ức chế nên trẻ khó kìm nén cảm xúc và dễ có những hành động bộc phát).

Về những biến đổi tâm lý: trong suy nghĩ của trẻ, các em đã là những “người lớn”, do vậy trẻ luôn muốn được độc lập, luôn muốn được tự do, được làm mọi việc. Tuy nhiên trong mắt người lớn các em “không còn là trẻ con, nhưng cũng chẳng phải là người lớn”, người lớn vẫn không cho phép các em làm việc một cách độc lập. Chính mâu thuẫn này dẫn đến khủng hoảng trong đời sống các em (khủng hoảng tuổi dậy thì).

Do mâu thuẫn giữa người lớn và trẻ dẫn đến khủng hoảng tâm lý, nên đời sống tâm lý của trẻ diễn ra hết sức phức tạp. Một số biểu hiện về khủng hoảng tâm lý mà cha mẹ và những người làm giáo dục cần nắm bắt và hiểu trong giai đoạn này như: ít nói (dễ dẫn tới trầm cảm); cáu gắt, buồn bực, chống đối, không nghe lời, có những hành động quá đáng như bỏ nhà ra đi…

Trên đây, là một số những đặc điểm về tâm sinh lý hết sức cơ bản của trẻ vị thành niên. Nhiều bậc phụ huynh do không nắm bắt được sự phát triển cũng như những thay đổi trong đời sống tâm sinh lý của con, nên thường có những cách thức giáo dục không phù hợp và gây nên những hậu quả ngoài ý muốn.

Chương 2
VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO CON TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

2.1. Trẻ vị thành niên ngày nay
Theo sự phát triển lứa tuổi, thì trẻ vị thành niên được hiểu là những em trong độ tuổi từ 11-15, 16 tuổi, và đây là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người trưởng thành.
Như trong phần cơ sở lý luận đã nêu ra những đặc điểm về tâm sinh lý trong lứa tuổi này, các nhà giáo dục, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần nắm bắt những đặc điểm này để có những cách giáo dục phù hợp. Tuy nhiên ngày nay, do đời sống xã hội có nhiều sự thay đổi, trẻ giai đoạn này có điều kiện sống tốt hơn, được tiếp cận với nhiều trào lưu, lối sống, quan điểm khác nhau… Do đó, trong chính bản thân các em cũng có những định nghĩa khác nhau về lứa tuổi của mình. Trong quá trình làm việc và tiếp xúc với nhiều trẻ vị thành niên cũng như qua nghiên cứu một số tài liệu, các em có những định nghĩa rất “dí dỏm” về lứa tuổi của mình. Tuy nhiên, trong đó nó chứa đựng, bao quát rất nhiều về đặc điểm, lối suy nghĩ cũng như tính các của trẻ vị thành niên. Dưới đây là một số những định nghĩa tiêu biểu mà teenager - trẻ vị thành niên định nghĩa về mình:

- Trẻ vị thành niên là người không hề nhớ việc dọn giường, nhưng lại chẳng bao giờ quên một số điện thoại.
- Trẻ vị thành niên là người có thể nghe được bài hát Micheal Jackson vọng cách 3 căn nhà, nhưng không nghe tiếng mẹ gọi ở phòng bên.
- Trẻ vị thành niên là người có thể sử dụng được chiếc Iphone hiện đại nhất không cần ai chỉ cách, nhưng lại không phân biệt được đâu là muối và mì chính.
- Trẻ vị thành niên là người không biết sợ là gì, nên dám bắt tay làm tất cả.
- Trẻ vị thành niên là người thích sống khác người, không ai giống mình, khác với thế hệ của bố mẹ nhưng lại rất sợ mình khác người khác.
- Trẻ vị thành niên là người luôn tưởng rằng bố mẹ mình chưa từng là một “teen” nên chẳng hiểu gì về mình cả.

 
Trên đây là một số định nghĩa, khái niệm về trẻ vị thành niên trong thời đại ngày nay. Có thể những “khái niệm” này còn mang tính phiếm diện hay không mang tính chất khoa học, tuy nhiên trong một xã hội mà việc giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên đang là một hồi chuông báo động, và đôi khi không biết bắt đầu từ đâu thì việc hiểu và nắm bắt được các em là việc làm cần thiết để có cách thức giáo dục phù hợp, đặc biệt và quan trọng là từ gia đình.

 
2.2. Cách tiếp cận giáo dục đạo đức trong gia đình
Sống trong một gia đình trẻ được tiếp xúc với ông bà, cha mẹ và anh chị em. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa con cái tuổi vị thành niên và người lớn chưa thể xác định một cách rạch ròi về chất. Giữa người lớn, đặc biệt là bố mẹ với trẻ thường có những mâu thuẫn và dễ dẫn đến những xung đột (trẻ có thận giận mẹ nhưng vẫn lấy tiền ăn sáng). Và để giáo dục được trẻ giai đoạn này, cha mẹ cần phải có những kỹ năng vì giữa nội dung trò chuyện của người lớn với trẻ thường khó có những điểm chung, những điểm tương đồng.

Có nhiều cách tiếp cận giáo dục đạo đức trong gia đình, tuy nhiên có 3 cách tiếp cận giáo dục đạo đức chính mà cha mẹ có thể sử dụng đối với con cái:

- Thu hồi tình yêu thương: thu hồi sự quan tâm, tình cảm hoặc ủng hộ sau khi con mắc lỗi hoặc nói cách khác là con làm cho cha mẹ không thể thương được.
- Khẳng định quyền lực: sử dụng quyền lực của người trên để giám sát ứng xử con cái (bao gồm những kỹ thuật như mệnh lệnh, kiềm chế thể chất, đánh đập và thu hồi những quyền lực, tạo sự sợ hãi, giận giữ và oán hận).
- Dẫn dắt: giảng giải sự đúng sai của ứng xử và tác động của ứng xử này đối với những người xung quanh, yêu cầu sửa đổi hành vi và đề nghị trẻ sửa chữa những hậu quả của ứng xử sai.
Đối với tuổi trẻ vị thành niên - tuổi muốn người lớn công nhận mình là người lớn, nên cách tiếp cận theo kiểu dẫn dắt sẽ có tác động tích cực. Trẻ muốn được tự làm dưới sự gợi ý, dẫn dắt của người lớn. Nếu trong gia đình, cha mẹ sử dụng cách thức tiếp cận giáo dục đạo đức cho con theo kiểu thu hồi tình yêu thương hoặc khẳng định quyền lực sẽ dễ dẫn tới thái độ chống đối và nổi loạn nơi trẻ. Như thế, hiệu quả của giáo dục sẽ không được mang lại.

Mỗi cách tiếp cận về cách giáo dục đạo đức trên đây sẽ dần hình thành nên mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Qua đó cũng dần hình thành nên quan điểm và cách thức mà cha mẹ sẽ chọn để giáo dục đạo đức cho con. Có thể phân mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ra làm 3 kiểu sau:

Cha mẹ tôn trọng con cái một cách quá mức, dân chủ quá mức (đây là mối quan hệ không tốt, dẫn đến việc buông lỏng trong việc quan tâm, giáo dục con cái).

Cha mẹ kiểm soát, cấm đoán con cái một cách nghiêm ngặt, gắt gao (trong mối quan hệ này, trẻ dễ bị túng quẫn và mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thường ở trong tình trạng rất trầm trọng. Mối quan hệ này thường cản trở và phá vỡ mọi điều giáo dục.)

Cha mẹ là bạn, là nhà tham vấn cho con cái (đây là mối quan hệ lý tưởng, tạo điều kiện tốt cho việc giáo dục con cái).

Để việc giáo dục đạo đức cho con cái trong gia đình đạt hiệu quả tốt nhất, cha mẹ nên chọn cách tiếp cận dẫn dắt (kết hợp với giáo dục khẳng định uy quyền). Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên xây dựng mối quan hệ “cha mẹ là bạn” với con, là nhà tham vấn cho con. Cách thức thu hồi tình yêu thương và kiểu mối quan hệ dân chủ quá đáng hoặc cấm đoán, kiểm soát con cái một cách gắt gao sẽ không đem lại hiệu quả trong công tác giáo dục.

2.3. Thực trạng giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên
Như đã trình bày trong phần tính cấp thiết của đề tài, giáo dục đạo đức đang là một trong những vấn đề nhức nhối và cấp bách của toàn xã hội. Nhà trường và xã hội không thể làm hết, làm thay trách nhiệm, bổn phận của những bậc sinh thành trong việc giáo dục đạo đức cho con cái. Do đó, gia đình mà đặc biệt là cha mẹ phải nhận thấy vai trò và trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế xã hội, ngoài một bộ phận những bậc cha mẹ biết cách giáo dục và uốn nắn con cái trở thành những con ngoan, trò giỏi thì còn không ít các bậc phụ huynh có những quan điểm và lối giáo dục chưa đúng đắn, chưa phù hợp.

Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể thấy: thực trạng đạo đức của học sinh đang đi xuống, những giá trị đạo đức truyền thống đang thay đổi. Điều này có thể được minh chứng bởi số liệu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam về vấn đề học sinh nói dối cha mẹ tăng dần cùng lứa tuổi (đặc biệt là trong lứa tuổi vị thành niên). Theo đó, tỉ lệ học sinh Tiểu học nói dối cha mẹ là 22%, đến Trung học cơ sở là 50% và 64% đối với học sinh Trung học phổ thông. Theo bà Lê Nguyên Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho rằng, càng lớn, ý thức đạo đức của học sinh càng đi xuống ( ). Số liệu trên phản ánh phần nào thực trạng lỏng lẻo trong việc giáo dục đạo đức cho con cái trong gia đình.

Có thể dễ dàng nhận thấy, với việc coi nhẹ vấn đề giáo dục đạo đức cho con cái, nuông chiều con một cách hết mực, đáp ứng mọi nhu cầu của con, không la mắng con dù biết là sai trái, sẵn sàng bao che những lỗi lầm của con… là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc sa sút trong lối sống đạo đức của học sinh ngày nay. Chính lối giáo dục này của cha mẹ dẫn tới việc các em trở nên không vâng lời, hay nói dối cha mẹ, thiếu ý thức tôn trọng thầy cô, kỷ luật của nhà trường; gian lận trong thi cử, thiếu ý thức sống tôn trọng và làm theo pháp luật. Được người lớn nuông chiều, “bao che”, các em thể hiện bản thân một cách quá đáng, quan hệ yêu đương quá sớm và không lành mạnh. Được cha mẹ đáp ứng mọi nhu cầu, các em đề cao giá trị vật chất, lối sống ưa hưởng thụ. Cha mẹ bận rộn với việc làm ăn kinh tế, không chăm lo giáo dục con cái làm các em xa rời giá trị đạo đức, chuẩn mực của gia đình.

Tóm lại, có thể thấy trong xã hội ngày nay, vấn đề giáo dục đạo đức cho con cái đang bị xao nhãng và không được quan tâm đúng tầm, đúng mức của nó. Trong khi nhà trường và xã hội đang loay hoay tìm lời giải cho vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh thì vai trò của gia đình lại càng trở nên hết sức quan trọng. Gia đình cần nhận thấy trách nhiệm và bổn phận của mình trong việc xây dựng một nền tảng đạo đức cho con cái.

2.4. Nội dung và hình thức giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên

* Về mặt nội dung: 
- Cần giáo dục cho các em thấy được giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa của gia đình. Giáo dục cho các em xây dựng lòng yêu thương, sự biết ơn đối với ông bà, cha mẹ.
- Giáo dục cho các em về tình đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. 
- Giáo dục cho các em ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công việc học tập cũng như trong cuộc sống thường ngày.
- Giáo dục cho các em những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống như “học ăn, học nói, học gói, học mở” để các em trở thành những người tài – đức vẹn toàn.
- Giáo dục cho các em xây dựng một lối sống đạo đức lành mạnh, kính yêu, vâng lời và lễ phép với thầy cô giáo. Trung thực, thật thà trong quan hệ bạn bè. Xây dựng và giữ gìn tình bạn, tình yêu trong sáng.

*Về mặt hình thức:
- Giáo dục đạo đức cho con cái thông qua những hoạt động chung trong gia đình (như việc duy trì giờ cơm tối, xem tivi hoặc chia sẻ cùng nhau). Điều này sẽ giúp các em hình thành và tạo dựng mối quan hệ thân thiết, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.
- Giáo dục đạo đức cho con cái thông qua việc đề cao nề nếp và truyền thống đạo đức gia đình. 
- Giáo dục đạo đức cho con thông qua các lớp dạy kỹ năng sống.
- Giáo dục đạo đức cho con thông qua nhóm bạn của con cái.
- Giáo dục đạo đức cho con thông qua hình thức nêu gương “người tốt việc tốt”, những tấm gương vượt khó học tập…
 
2.5. Vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức
Gia đình là xã hội thu nhỏ, gia đình là tế bào của xã hội. Nói như thế để thấy được vai trò của gia đình trong xã hội ngày nay, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục đạo đức cho con cái. Truyền thống đạo đức của gia đình có ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp đến con cái. Ngay từ khi lọt lòng, trẻ đã được chăm sóc, nuôi dạy cùng với những người thân yêu trong gia đình. Số thời gian trẻ sống ở gia đình cũng nhiều hơn ở trường, do vậy, mối quan hệ ông bà, cha mẹ, anh chị em có ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm của trẻ. Đặc biệt với tuổi vị thành niên, các em dần hình thành thái độ nhận xét, đánh giá về sự quan tâm, mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình… Chính điều này sẽ xây dựng nên tình cảm của các em với các thành viên trong gia đình.

Khi trẻ được sống trong một gia đình nề nếp, có những giá trị đạo đức của xã hội được ông bà, cha mẹ và anh chị em lựa chọn, điều này sẽ tác động trực tiếp, thường xuyên, lâu dài và mạnh mẽ đến các em. Do vậy các em dễ dàng tiếp nhận và thực hiện một cách tự nguyện. Trẻ vị thành niên là những người đang phát triển rất mạnh mẽ về óc phê phán và nhận xét, do vậy, dưới sự định hướng của gia đình, kết hợp với truyền thống đạo đức của gia đình, sẽ tác động rất tích cực tới đời sống và các hành vi đạo đức của các em. Còn khi gia đình không hòa thuận, ông bà, cha mẹ không sống đúng với vai trò của mình, cha mẹ không quan tâm đến con cái, chỉ biết làm giàu, coi việc giáo dục là của nhà trường, không biết con cái cần gì, suy nghĩ gì, ai cũng sống ích kỷ… thì sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đạo đức của trẻ.

Gia đình rất quan trọng trong việc hình thành nề nếp đạo đức, lối sống cho con cái. Sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, ân cần chỉ bảo của cha mẹ tác động rất nhiều đến con trẻ. Ví dụ như trước khi con cái đi học, cha mẹ đều dạy dỗ, dặn dò kỹ lưỡng con em luôn ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc gòn gàng, vào lớp học không được nói chuyện, cười giỡn… thì nhất định các em sẽ trở thành những con ngoan, trò giỏi, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Nhận thức được vấn đề này, mới thầy tầm quan trọng, sự ảnh hưởng của gia đình với việc hình thành nên đạo đức lối sống cho các em.

Từ thuở thơ ấu, bài học đầu đời dành cho con trẻ chính là việc chào hỏi ông bà, cha mẹ, anh chị, bà con cô bác khi tiếp xúc gặp gỡ. Bản thân tác giả cũng lớn lên từ một vùng quê và chịu sự ảnh hưởng, tác động rất lớn từ truyền thống đạo đức của gia đình, làng xã. Khi có khách đến nhà, cha mẹ thương nhắc nhở con cái “Vòng tay chào ông/bà/bác/chú đi con”. Sự coi trọng trong việc giáo dục lễ phép cho con cái đã dần hình thành nên nhân cách tốt nơi các em. Ở các vùng quê, hầu hết các em đều được thu nhận bài học này. Ra đường, đi học về, gặp người lớn là vòng tay chào hỏi. Tuy nhiên ngày nay, nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình thành phố lại không coi trọng chuyện này và cho đó là bài học… không cần thiết. Vô hình dung, cha mẹ đã dạy con cái lối sống không coi trọng lễ phép, thiếu sự tôn trọng người lớn và không quan tâm đến những người xung quanh…

“Dạy con từ thuở còn thơ” – đó là điều mà các bậc cha mẹ luôn phải tâm niệm. Nhiều bậc phụ huynh không ý thức được vấn đề này, cứ để con cái sống tự do. Đến khi nhận thấy con hư, con khó bảo, không vâng lời, có muốn uốn nắn, muốn giáo dục thì cũng đã muộn vì “nhỏ không ươm, lớn gãy cành”. Vậy nên, ngay khi còn uốn nắn được, các bậc cha mẹ nên dạy con những bài học tuy sơ đẳng nhưng lại tối quan trọng như chào hỏi, đi thưa về gửi, ăn nói văn minh lịch sự, không nói dối, không nói tục chửi thề… Với lứa tuổi vị thành niên – tuổi gần bạn xa mẹ - nếu cha mẹ cứ để con cái tự do, không giáo dục, cứ để con cái đi đâu thì đi, chơi với ai cũng không cần quan tâm… thì thật dễ xảy ra những rủi ro, những hậu quả đáng tiếc.

Qua một vài phân tích trên đây có thể nhận thấy, vài trò của gia đình là rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho con cái. Truyền thống văn hóa, đạo đức gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của các em. Khi gia đình coi trọng việc dạy dỗ đạo đức cho con cái, bắt đầu bằng những bài học rất đơn sơ như chào hỏi, thưa gửi… sẽ giúp trẻ ý thức được mỗi lời nói cũng như từng hành vi cử chỉ của mình. Trẻ vị thành niên là người dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi những lời nhận xét, đánh giá, những lối sống, trào lưu sống bên ngoài, do vậy, giáo dục cho các em có một lối sống đạo đức vững vàng là cần thiết để các em có thể đứng vững và trưởng thành, trở thành một người con ngoan hiền, giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

 
2.6. Biện pháp giáo dục đạo đức
Qua việc nghiên cứu lý luận về vấn đề giáo dục đạo đức, kết hợp với thực trạng đáng báo động về vấn đề giáo dục đạo đức cho con cái trong gia đình cũng như trường học; và qua tổng hợp kinh nghiệm về vấn đề giáo dục đạo đức, tác giả đề ra một số biện pháp giáo dục đạo đức cho con cái trong gia đình như sau:

Cha mẹ cần coi trọng việc xây dựng nền nếp, truyền thống đạo đức của gia đình. Môi trường giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến lối sống của các em. Một gia đình có nền nếp gia phong, cha mẹ yêu thương, quan tâm, lắng nghe và tôn trọng con cái, các thành viên trong gia đình yêu thương đùm bọc lẫn nhau… sẽ giúp các em có được nền tảng đạo đức vững chắc. Cha mẹ cũng nên chú ý để hình thành nên phong cách sinh hoạt trong gia đình, biểu hiện cụ thể như nề nếp, vệ sinh, gọn gàng, ăn nói hòa nhã, văn minh, lịch sự… “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, lẽ dĩ nhiên, một gia đình văn hóa, đạo đức, các em sẽ có môi trường tốt để ươm mầm nhân cách tốt của mình.

Vì tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi trong đời sống tâm sinh lý, do vậy, cha mẹ cần nắm bắt và hiểu được những thay đổi này nơi con cái. Cha mẹ cần hiểu được những nguyên nhân, biểu hiện khủng hoảng ở lứa tuổi này. Sự thiếu quan tâm, không hiểu về sự phát triển của con cái sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch trong việc tiếp cận và giáo dục con cái.
Để việc giáo dục đạo đức cho con cái có hiệu quả, cha mẹ cũng cần thực hiện một số nguyên tắc sau trong giáo dục:

- Cha mẹ phải luôn luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của con cái. Lắng nghe sẽ giúp con có thói quen bộc bạch mọi chuyện, qua đó cha mẹ sẽ hiểu về con cái hơn.
- Đừng kết án, kết luận, đánh giá hay phê bình con cái một cách vội vàng. Điều này sẽ hình thành nên thái độ “tự vệ” cho con khi con muốn trình bày hay lắng nghe ý kiến của bố mẹ.
- Không nên ngắt ngang khi trẻ đang trải lòng. Cho trẻ được nói lên ý kiến của mình là một trong những việc làm cần thiết để phát huy tính độc lập, tự chủ nơi các em.
- Khi con có lỗi, đừng tỏ ra xúc động và tỏ thái độ bức xúc với con cái. Nên đặt những câu hỏi gợi mở để con có thể bộc lộ lòng mình một cách rõ ràng, chính xác và minh bạch. Bức xúc và nóng giận sẽ tạo áp lực nên con cái, dễ dẫn đến việc các em sẽ nói dối cha mẹ.
- Gia đình nên có những bữa cơm tối cùng nhau. Những bữa cơm tối có thể tránh được những nguy cơ như con cái tụ tập nhậu nhẹt, hút xách, xì ke ma túy…
- Nên có những công việc cho con cùng tham gia. Qua đây, giáo dục con ý thức về lao động, về tinh thần trách nhiệm trong công việc.

Cha mẹ nên tạo dựng mối quan hệ gần gũi, thân tình với con cái. Cha mẹ nên là một người bạn, một nhà tham vấn cho con. Ở tuổi các em, giao lưu bạn bè là hoạt động chủ đạo. Các em dễ tiếp nhận ý kiến từ bạn bè hơn là cha mẹ. Do vậy, để việc giáo dục đạt hiệu quả, cha mẹ cần trở nên như một người bạn của con, để con tin tưởng chia sẻ và bày tỏ mọi vấn đề trong cuộc sống. Cha mẹ cũng nên biết những mối quan hệ bạn bè của con, không phải để kiểm soát mà để định hướng, giúp con biết “chọn bạn mà chơi”. Bạn bè có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các em trong giai đoạn này, nên cha mẹ cũng có thể giáo dục con cái thông qua nhóm bạn.

Để con cái phát triển một cách toàn diện, cha mẹ nên tạo điều kiện giúp con cái học tập những kỹ năng trong cuộc sống (cho con cái học những lớp kỹ năng sống). Điều này sẽ giúp con cái tập lối sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, phòng ngữa những hành vi có hại cho bản thân và biết cách xử lý để đối phó với những thách thức trong cuộc sống.

Gia đình nên kết hợp mật thiết với nhà trường trong công tác giáo dục đạo đức cho con. Vì gia đình là nơi hình thành nền tàng đạo đức cơ bản, còn nhà trường là nơi hình thành đạo đức cơ bản của người công dân có tri thức. Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ vì lo làm ăn nên thiếu quan tâm đến con cái, coi việc giáo dục, dạy dỗ là của thầy cô, là của trường học… Tuy nhiên, một mình nỗ lực của giáo viên chắc chắn sẽ không làm được gì trong vấn đề này. Gia đình cần nhận biết rằng: giáo dục đạo đức cho con cần bắt đầu từ chính gia đình và phải từ gia đình, rồi mới đến nhà trường và cộng đồng. Do vậy, cha mẹ nên kết hợp mật thiết với nhà trường, đặc biệt là với thầy/cô chủ nhiệm để nắm bắt tình hình của con, đồng thời cũng có những phản hồi kịp thời để công tác kết hợp giáo dục thực sự đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên cập nhật những thông tin về lứa tuổi của trẻ vị thành niên (tuổi teen) trong thời đại ngày nay. Cha mẹ nên nắm bắt được những nhu cầu, nguyện vọng của teen, nên nhìn nhận sự khác biệt mang tính chất “thời đại” và “thế hệ” trong lối sống và cách suy nghĩ của các em so với thế hệ của mình, để từ đó, cha mẹ dễ đồng cảm với các em trong quá trình giáo dục.

PHẦN KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Kết luận

Trước thực trạng đáng báo động về tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, tội phạm và bạo lực trong một bộ phận học sinh, thì giáo dục đạo đức cho học sinh là một vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Để đảm bảo cho việc giáo dục cho học sinh đạt hiệu quả, thì việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, gia đình sẽ đóng vai trò quan trọng và quyết định đến việc hình thành đạo đức, lối sống cho các em. Gia đình là nơi hình thành nên nền tảng đạo đức căn bản cho con cái.

Trong xã hội nói chung và trong gia đình nói riêng, dường như vấn đề giáo dục đạo đức đang bị xao nhãng, đời sống đạo đức của học sinh đang đi xuống, những giá trị đạo đức truyền thống đang bị thay đổi.

Trong công tác giáo dục đạo đức, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Truyền thống văn hóa, đạo đức gia phong có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của con cái. Những bài học về đạo đức mang tính chất sơ đẳng nơi gia đình sẽ đóng vai trò là bài học nền tảng để các em xây dựng lối sống đạo đức, lành mạnh.

Để giáo dục đạo đức cho con tuổi vị thành niên được hiệu quả, gia đình mà đặc biệt là cha mẹ cần có những biện pháp giáo dục phù hợp. Trước hết cha mẹ cần coi trọng việc giáo dục đạo đức cho con, xây dựng nề nếp, truyền thống đạo đức trong gia đình. Kế đến là việc nắm bắt được đời sống tâm sinh lý của con cái; dạy con với vai trò là một người bạn; nắm bắt những nguyên tắc trong công tác giáo dục; kết hợp mật thiết với nhà trường để việc giáo dục đạo đức cho con thật sự đạt hiệu quả.

Kiến nghị

Từ những kết luận được rút ra ở trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên trong gia đình:

• Để giáo dục đạo đức cho con cái được hiệu quả, cha mẹ phải là tấm gương về đời sống đạo đức để con cái học tập và noi theo. Cha mẹ cần xây dựng gia đình thực sự là một tổ ấm hạnh phúc, để gia đình trở thành môi trường thuận tiện cho sự phát triển nhân cách của con cái.

• Trẻ vị thành niên là lứa tuổi mong muốn được đối xử như một người trưởng thành, do vậy, trong cách dạy dỗ, đối xử, cha mẹ nên cho các em thể hiện được “cái tôi” của mình. Cha mẹ nên cho các em đóng góp ý kiến vào những công việc trong gia đình, cho các em tự quyết định một số công việc dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Có như vậy, các em sẽ luôn ý thức được những công việc mình làm, các em sẽ có trách nhiệm trong từng lời nói, cũng như hành vi của mình.

• Trong thời đại ngày nay, khi mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con, do vậy việc chăm sóc và nuôi dậy con cái được cha mẹ hết mực quan tâm. Tuy nhiên, chính sự quan tâm và lo lắng quá mức, không cho các em làm một số công việc như chăm sóc bản thân, phụ giúp công việc nhà… làm cho các em thiếu đi những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Vậy nên, việc hướng các em đi tham gia những lớp kỹ năng sống, cũng như để các em làm một số công việc nhỏ nhặt trong gia đình sẽ giúp các em có được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Một số địa chỉ mà cha mẹ có thể để con cái theo học các lớp rèn luyện kỹ năng sống như: Nhà văn hóa thiếu nhi; Nhà văn hóa thanh niên; Công ty IDO - chuyên giáo dục, phát triển về kỹ năng sống (Tòa nhà Citilight Tower, phòng 805, số 45 Võ Thị Sáu, quận 1, TP.HCM).

 
---------------

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TS. Trần Thị Thu Mai, Tâm lý học giáo dục, Tp.HCM, 2010.
2. Germaine Duclos (Lưu Huy Khánh biên dịch), Nhu cầu, thách thức và khát vọng của thanh thiếu niên, 2005.
3. Hoàng Anh, Thực trạng định hướng giá trị đạo đức của sinh viên sư phạm Tp.HCM - Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, 2007.
4. Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng, Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.
5. Đoàn Huy Oánh, Tâm lý Sư phạm, Nxb. Đại học Quốc gia Tp.HCM, 2005.
6. Ma Xiao Lian (Hà Sơn dịch), Tâm sinh lý tuổi dậy thì, Nxb. Hà nội, 2004.
7. http://www.giaoduc.edu.vn/news/nhip-cau-...5999.aspx.
8. http://dantri.com.vn/c25/s20-392863/giat...op-hoc.htm
9. http://dantri.com.vn/c25/s25-383459/soc-...en-pho.htm

[i]"Đám trẻ con ngây thơ, dễ thương và vui nhộn này được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bao quanh bởi một lớp thành cao gần 6 mét, chu vi chừng 10.000 mét, bề dày của thành khoảng 20 mét, gồm đất ở giữa, hai bên xây gạch, đó là Kinh Thành Huế. Nơi đây có nhiều cổ tích, Hoàng Cung, Đại Nội với cung điện vàng son, nguy nga, tráng lệ."[/i]([url=http://www.suutap.com/hue/default.asp?id=548&muc=4]Thời thơ ấu trong Thành Nội - Huế[/url]- Hoàng Oanh)
[align=center][img]http://i155.photobucket.com/albums/s282/satthuonline/forum/chuy.gif[/img][/align]
 
Tiểu luận môn Tâm lý học giáo dục
Học viên cao học tâm lý học K20 - Trường ĐHSP TPHCM
(tamlyhoc.net)


3 cách giải thích vì sao ta tin Chúa (12/4/2024)

Sáu cách khuyến khích trẻ lắng nghe tích cực (21/2/2024)

Tại sao hôn nhân thời nay dễ đỗ vỡ? (30/1/2024)

ĐTC Phanxicô đề nghị chúng ta hãy tập tha thứ (15/1/2024)

3 đoạn Kinh Thánh đem lại bình an cho cha mẹ (9/12/2023)

Tin tưởng người bạn đời là gì? (10/11/2023)

Năm lời khuyên giúp trẻ biết kiểm soát và có hành vi đúng mực (14/10/2023)

Gia Đình & Giáo Dục (15/9/2023)

Tương quan với các thành viên trong gia đình: Sự tha thứ và ân sủng của Chúa (19/8/2023)

Nhìn lại mình (3/8/2023)

Đừng mưu hại người đang cùng con sống yên ổn! (6/10/2012)

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (28/9/2012)

Xây dựng một gia đình hòa hợp hạnh phúc (14/9/2012)

Chuyện vợ chồng (6/9/2012)

Bài học "đức tin" mẹ dạy (30/8/2012)

Báu vật cuối cùng (20/8/2012)

Để gia đình đừng như một hòn đảo (9/8/2012)

Đám cưới và nỗi niềm (5/8/2012)

Pho sách của Mẹ (25/7/2012)

Tương lai các gia đình được nhìn dưới ánh sáng Fatima (15/7/2012)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn